TTVBVN – Chương II- Những Sinh Hoạt Của Trung Tâm Văn Bút

A/  Tập san TIN SÁCH

Pix4

Tin Sách 1960, GS Nguyễn Ngọc Phách chủ trương biên tập

 GS Nguyễn Ngọc Linh sáng lập.

Bia TIN SACH -thang 9-1965

Tin Sách từ 1962 đến 1967 Trung Tâm Văn Bút  chủ trương

 Tin Sách là một tập san ra định kỳ của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam.

Thoạt tiên nó là một nguyệt san chuyên loan tin về Sách do sáng kiến của GS Nguyễn Ngọc Linh thành lập và do bào đệ của ông là GS Nguyễn Ngọc Phách chủ trương biên tập. Số 1 ra vào tháng I -1960 nhưng đến tháng 7 -1962 thì báo được  nhượng lại cho Trung Tâm Văn Bút phụ trách.

Trong Tập San Văn Bút số 3, ra tháng I-1972 có ghi lại như sau:

Ban quản nhiệm Tin Sách của Văn Bút gồm có: Chủ nhiệm: Phạm Việt Tuyền, Quản Lý: Nguyễn văn Giậu (cho đến hết tháng 7-1964), Huỳnh Thiên Kim (từ tháng 8-1964 cho đến khi đình bản).Thư Ký tòa soạn: Trần Phong giao (cho đến hết tháng 2-1964), Nguyễn Ngu Í (từ tháng 3-1964), Lê Phương Chi tức Lê Thanh Thái (từ tháng 8-1964), Phổ Đức (từ tháng 6-1967 cho đến khi đình bản vào tháng 2-1968 sau biến cố Mậu Thân).

Sau này, vào năm 1971,Trung Tâm Văn Bút xuất bản một tập san khổ lớn, dầy 200 trang lấy tên là VĂN BÚT với nhóm điều hành gồm có : Chủ Nhiệm: Phạm Việt Tuyền, Chủ Biên : Vũ Hạnh, Thư Ký Tòa Soạn: Lê Thanh Thái, Quản Lý: Lê văn Tuyến, tòa soạn đặt tại 25-27 Võ Tánh Sài Gòn. Nội dung  của tập san Văn Bút mà ban Biên tập muốn thực hiện bao gồm những tiết mục chính như :

1- QUAN ĐIỂM VỀ CÁC VẤN ĐỀ VĂN-HÓA, những vấn đề hoặc nóng bỏng sát với thời sự, hoặc thiết thực liên quan các giới văn chương nghệ thuật, hoặc quan trọng đối với dân tộc mà vì một lý do nào đó không được xã hội lưu tâm.

2 – ĐOẢN TÁC VĂN CHƯƠNG CHỌN LỌC : Những đoản tác này là thi ca , truyện ngắn, đoản kịch, tùy bút.. v.v…là những sáng tác, mà cũng có thể là những áng thơ văn được chọn lọc và phiên dịch.

3 – NGHIÊN CỨU HAY PHÊ BÌNH VĂN HỌC – Phần lớn sẽ là những bài giới thiệu hay phê bình các sáng tác ( như thơ, kịch, tiểu thuyết ) mới xuất bản.

4 – SINH HOẠT VĂN NGHỆ – Phần này sẽ cố gắng phản ảnh các sinh hoạt tiêu biểu thuộc đủ loại văn nghệ. Các sinh hoạt xuất sắc về điện ảnh, kịch trường, âm nhạc, hội họa ..v..v..sẽ được nhắc tới.

5 – THƯ TỊCH – Phần này sẽ cống hiến bản giới thiệu vắn tắt các sách mới xuất bản, việc mà trước đây mấy năm Trung Tâm Văn-Bút Việt-Nam đã làm với nguyệt san TIN SÁCH.

6 – TIN TỨC VĂN-BÚT QUỐC NỘI VÀ QUỐC TẾ – Phần này sẽ cố gắng loan báo các tin tức không những của Trung Tâm Văn-Bút Việt-Nam và của Hội Văn-Bút Quốc Tế, mà cả những tin tức văn bút ở bên ngoài nữa.

(VĂN BÚT- Số 1-Tháng 11-1971-

Lời Chào bạn đọc )

Pix6

B/  Tác phẩm dịch ra ngoại ngữ.

Năm 1958 : Văn Bút xuất bản một tập san với 3 ngôn ngữ Việt-Anh-Pháp đồng thời tiến hành chương trình phiên dịch các tác phẩm VN ra ngoại ngữ, khởi đầu bằng những cuốn: Bướm Trắng của Nhất Linh, Đứa Con của  Đỗ Đức Thu, Thành Cát Tư Hãn kịch của Vi Huyền Đắc và một số truyện ngắn.

Năm 1961 (tháng 2): Phát hành tập san 3 thứ tiếng Việt-Anh-Pháp lấy tên là “Việt Nam P.E.N  Bulletin” nội dung có vài đoản tác quốc tế dịch ra tiếng Việt và năm truyện ngắn tiếng Việt dịch ra tiếng Anh hay tiếng Pháp.

Năm 1961 (tháng 12) Xuất bản tập san “ Việt Nam P.E.N Review”.

Năm1962: Gửi Đại Hội Đồng Văn Bút Quốc Tế ở La Mã một “memorandum” về vấn đề phiên dịch  và gửi một “memorandum” về lịch sử biến đổi của văn học Việt Nam tới Hội Nghị Các Nhà Văn Á Châu tại Baguio.

– Năm 1962: Dịch ra tiếng Pháp một tuyển tập gồm các truyện cổ và một số truyện ngắn để gửi cho UNESCO (Cơ quan Văn Hóa Liên Hiệp Quốc) để vận động xuất bản.

Năm 1963: Hoàn thành việc phiên dịch ra Pháp ngữ một tuyển tập gồm:

* 8 truyện cổ: Dưa Hấu, Hà Ô Lôi, Chử Đồng Tử, Chùa Hoang Đông Trào, Người thiếu phụ Khoái Châu, Cây Gạo, Giấc mơ trước đền Hạng Vương, Trà đồng của Ngọc Hoàng Thượng Đế.

* 9 truyện ngắn: Chữ viết của người tử tù của Nguyễn Tuân, Ma Đậu của Bùi Hiển, Nhà mẹ Lê của Thạch Lam, Cái Tẩy của Nhất Linh, Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc, Người quân tử của Linh Bảo, Hai chậu lan tố tâm của Phan Du, Cái Kiến của Nhật Tiến, Xa Gần của Tường Hùng.

Tuyển tập này gửi đi ngày 12-3-1963 để nhờ Hội Văn Bút Quốc Tế trụ sở trung ương ở Luân Đôn và Tổ chức Văn Hóa Liên Hiệp Quốc để vận động xuất bản.

* Ngoài ra, Ban Thường Vụ còn chọn và dịch một số thơ, văn gửi sang Phi Luật Tân để góp vào Tuyển tập Thơ Văn Á Châu.

Năm 1965: Chọn một số thơ và truyện ngắn dịch ra Anh và Pháp văn để xuất bản dưới nhan đề : “Poems and Short Stories”  

– Năm 1971: Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Á Châu và Thái Bình Dương xin được trích lại hai truyện ngắn của Minh Quân và Nhật Tiến đã dịch và in trong tập “Poems and Short Stories”  

C/ Tham dự các  Hội Nghị Quốc Tế.

Tháng 9-1957, Nhóm vận động thành lập Bút Việt tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế lần thứ 29 được tổ chức tại Đông Kinh, Nhật Bản. Phái đoàn gồm có : Đỗ Đức Thu, Tchya Đái ĐứcTuấn, Phạm Việt Tuyền, Nguyễn Hoạt và Hoàng Đình Lượng. Đề tài thảo luận của Hội nghị : The Reciprocal Influences of the Literature’s of the East and the West.

 Tháng 7-1960 : Tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế lần thứ 31 ở Rio de Janeiro, Brasil. Phái đoàn gồm có nhà báo Hiếu Chân Nguyễn Hoạt và  nhà thơ Hà Thượng Nhân. Đề tài của Hội nghị: An Interchange of Evaluations of the Cultures of East and West, and of National and International Literature.

Tháng 6-1964 :  Tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế lần thứ 32 ở Oslo-Na Uy. Phái đoàn gồm có LM. Thanh Lãng và Phạm  Việt Tuyền. Đề tài thảo luận của Hội nghị: The Writer and Semantics Literature as Concept, Meaning and Expression.

Tháng 11-1964 : Tham dự Hội Nghị Thơ Văn Á Châu kỳ 2 tại Vọng Các Thái Lan. Phái đoàn gồm có : Vũ Hoàng Chương, Phạm Việt Tuyền và Minh Đức Hoài Trinh.

Tháng 6-1965: Tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế lần thứ 33 ở Bled, Nam Tư. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương tham dự. Đề tài thảo luận của Hội nghị: The Writer and Contemporary Society

Tháng 6-1966: Tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế lần thứ 34 ở New York, Hoa Kỳ. Phái đoàn chính thức gồm có Phạm Việt Tuyền (Tổng Thư Ký), Nghiêm Xuân Việt (Ủy viên phiên dịch). Minh Đức Hoài Trinh (tự nguyện tham dự)  và Thu Vân (quan sát viên, khi đó đang ở Hoa Kỳ). Đề tài thảo luận của Hội nghị: The Writer As Independent Spirit.

Tháng 8-1967 : Tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế lần thứ 35 ở  Abidjan (Côte d’Ivoire). Phái đoàn chính thức gồm có Vũ Hoàng Chương (Chủ tịch), Nghiêm Xuân Việt (Ủy viên phiên dịch) và Minh Đức Hoài Trinh (từ Âu Châu tự nguyện sang tham dự). Đề tài thảo luận của Hội nghị: Legends and Mythologies As A Source of Inspiration in Arts and Literature;  Men Between Two Languages; Traditional Values in Societies Undergoing Social Transformation.

Tháng 9-1968: Tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế lần thứ 36 ở  Menton (Pháp Quốc). Phái đoàn chính thức gồm có Bàng Bá Lân (Phó Chủ tịch), Phạm Việt Tuyền (Tổng Thư Ký), Nghiêm Xuân Việt (Thư ký). Các văn hữu tự túc: Nguyễn văn Trung, Thanh Vân Nguyễn Duy Nhường. Đề tài thảo luận của Hội nghị: Literature in the Age of Leisure.

Tháng 6-1970 : Tham dự Hội Nghị Thơ Văn Á Châu tại Đài Loan từ 15 đến 21-6-1970.

Tháng 7-1970: Tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế lần thứ 37 ở  Soul (Nam Hàn) từ 27-6 đến 5-7-1970. Đề tài thảo luận của Hội nghị: Humour in Literature – East and West.

Phái đoàn tham dự cả hai Hội nghị này, kể cả đại biểu chính thức lẫn đi tự túc gồm có :  Phạm Việt Tuyền, Nghiêm Xuân Việt, Nguyên Sa, Bùi Xuân Uyên,  Xuân Nhã, Nguyễn thị Hoàng, Võ Phiến, Lương Minh Đức, Lê văn Hoàn, Đỗ Quý Toàn, Anh Tuyến, Trần Đồng Vọng, Huy Lực Bùi Tiến Khôi.

C/  Tổ chức các buổi Nói Chuyện Văn Chương

Hội Bút Việt cũng tổ chức nhiều buổi nói chuyện về Văn học-Nghệ thuật, thí dụ trong năm 1958 có vài buổi như Ông Vũ Huy Chấn, trong ban Chèo Cổ Đào Duy Từ thuyết trình về Chèo Cổ, nhà báo Phạm Việt Tuyền nói về  “Vấn đề nghiên cứu Văn Hóa Á Châu với ý thức hệ Dân tộc”, nhà thơ Vũ Hoàng Chương nói về  “Giấc mộng giải thoát của Thi nhân”. Khi Hội chưa có trụ sở riêng khang trang thì các buổi nói thường được tổ chức tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ hay Hội trường của Đại Học Văn Khoa, còn những năm về sau thì các buổi nói chuyện hàng tháng được tổ chức tại trụ sở của Hội ở số 107 Đoàn thị Điểm Sài Gòn.

Trong gần 20 năm sinh hoạt, Văn Bút đã tổ chức nhiều cuộc nói chuyện về văn học nghệ thuật.

Để biết các nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo dưới thời VNCH (54-75) nghĩ, nói và thảo luận những vấn đề gì…xin liệt kê như sau:

Vi Huyền Đắc : nói về Kịch (8-8-1961).

Thanh Lãng: Thái độ của giới sản xuất và giới tiêu thụ cái đẹp trong văn chương. (1-10-1961)

Nguyễn văn  Trung: Nhà văn và chữ viết

( 19-11-1961).

Vũ Hạnh : Hoàn cảnh sáng tác và điều kiện sống hiện thời của văn nghệ sĩ.  (17-12-1961)

Đông Hồ : Tôi làm Thơ  (18-2-1962)

Thu Vân : Tùy bút với phụ nữ (4-3-1962)

Nhật Tiến: Một vài nhận xét về tình trạng bế tắc trong ngành tiểu thuyết hiện nay” ( 15-4-1962)

Phạm Việt Tuyền : Hoàng Quang: một xử sĩ, một chứng nhân hay một lính chí nguyện. (1-7-1962)

Doãn Quốc Sỹ: Nét sầu và niềm tin trong thi ca Việt Nam (5-8-1962)

Cô Liêu: Tìm hiểu một vài quan niệm về tiểu thuyết (16-9-962)

Anh Tuyến : Một vài nhận xét về văn chương bình dân miền Nam.

(11-11-1962)

Vương Hồng Sển : Thử kể lại chuyện Thuyết Đường buổi Mạt Tùy theo trí nhớ. (16-2-1962).

Nguyễn đình Toàn: Người viết, người đọc và nhân vật tiểu thuyết trong khoảng mươi năm gần đây. (20-1-1963)

Vũ Hạnh : Mặc cảm trong văn nghệ  (24-2-1963)

Hiếu Chân-Nguyễn Hoạt: Nhân vật tiểu  thuyết và lịch sử trong truyện Trung Hoa (31-3-63)

Quỳ Hương:  Tâm hồn phụ nữ qua thi ca Việt Nam. (28-4-1963)

Trần Phong Giao: John Steinbeck, giải thưởng Nobel 1961 (26-5-1963)

Nguyễn Trọng: Nghề thông tin viên ở ngoại  quốc.

Phạm Việt Tuyền : Vài nhận xét về báo chí Anh (1-12-1963)

Trương Bảo Sơn : Triết lý tuyệt hảo trong cuộc đời của Nhất Linh (29-2-1963)

Nguyễn Duy Diễn: Chân dung của Nhất Linh trong cuộc đời và vai trò của Nhất Linh trước văn học sử. (26-1-1964)

Minh Đức Hoài Trinh: Sinh hoạt văn nghệ Việt Nam tại Paris. (1-3-1964)

Nguyễn Ngu Í: Vài nét về sự nghiệp, cuộc đời và cái chết của nhà văn Lê văn Trương. (26-4-1964)

Châm Vũ Nguyễn văn Tần: Hai trào lưu cực đoan trong văn học cận đại Nhật Bản. (31-5-1964)

Vũ Hạnh: Cái hậu trong tác phẩm  văn chương Việt Nam. (28-6-1964)

Vũ Hoàng Chương: Tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Du (tháng 10-1964)

Quỳ Hương: Thế giới của Thi nhân (tháng 1-1965)

Hoàng Xuân Việt: Ý thức hệ với văn nghệ. (đầu tháng 3-1965)

Hồ Hữu Tường: Phiếm luận về văn chương.(cuối tháng 3-1965)

Châm Vũ Nguyễn văn Tần : Đường lối giáo dục dân tộc của Nhật Bản ( 22-8-1965)

Vũ Hạnh : Trường hợp hai Nguyễn Du của Đoạn Trường Tân Thanh (5-9-1965)

Du Tử Lê : Máu lửa trong Thơ (24-10-1965)

Lê Tất Điều: Nụ cười trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. (22- 2-1966)

Minh Đức Hoài Trinh: Trách nhiệm nhà văn (3-4-1966)

Hoàng Hương Trang : Mầu sắc và vần điệu. (15-5-1966)

Phạm Việt Tuyền : Trương Minh Ký trong văn học thế kỷ XIX (4-9-1966)

  1. Erhard Stadler: Réflexions sur la poésies de Johann Volfgang Van Goethe (6-11-1966)

Tuệ Mai Trần thị Gia Minh: Chân dung tình yêu trong một số tiểu thuyết hiện đại (19-2-1967)

Thanh Lãng : Người 67 nhìn vào Phê bình 67 (23-4-1967)

Vi Huyền Đắc : Một cuộc đàm thoại về Kịch (28-5-1967)

Châm Vũ: Vài nét về thơ Hai-Kai và thi bá Ba Tiêu (16-7-1967)

  1. Bửu Dưỡng: Nguyên nhân đau khổ trong truyện Thúy Kiều (20-8-1967)

Thanh Vân Nguyễn Duy Nhường : Tưởng niệm cố văn hữu Tchya Đái Đức Tuấn (22-9-1968)

Nghiêm xuân Việt : Hội thoại nêu vấn đề Văn chương để phụng sự hòa bình và nhân phẩm theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (29-12-1968)

Nguyễn văn Trung: Hội thoại nêu vấn đề Văn chương dấn thân (24-4-1969)

Hoàng Hương Trang: Hội thoại nêu vấn đề Người phụ nữ trong văn chương và cuộc đời (21-5-1969)

Phạm Việt Tuyền : Hội thoại nêu vấn đề Văn chương ở thời đại nhàn rỗi (16-7-1969)

là đề tài sẽ hội thảo ở Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế lần 36 ở Pháp.

Vũ Tiến Phúc : Tư tưởng chính trị trong tục ngữ ca dao Việt Nam (2-2-1969).

Phạm Việt Tuyền : Đông Hồ Nhà thơ.-Đỗ Châu Huyền, Trần đình Lập (sinh viên) : Đông Hồ Nhà giáo. Tưởng niệm Đông Hồ Lâm Tấn Phác tại Đại học Văn Khoa (27-4-1969)

Trần Đồng Vọng: Thơ hôm nay với Thơ thời cuộc (15-6-1969)

Đàm Quang Thiện: Thi sĩ Tchya Đái Đức Tuấn – nhân Giỗ đầu (7-9-1969)

Thanh Lãng-Thanh Vân-Bàng Bá Lân-Phạm Việt Tuyền: Văn chương ở thời đại nhàn rỗi (đề tài đã thảo luận ở Văn Bút Quốc Tế lần 36 ngày 21-9-69  tại Menton- Pháp) – Ngày 26-10-1969.

Bình Nguyên Lộc: Truyện ngắn, Tân truyện, Tiểu thuyết (23-11-1969)

Quỳ Hương : Hoa bút về ngôi (8-3-1970)

Phạm Việt Tuyền: Hội thoại nêu vấn đề (18-3-1970)   Những vấn đề đặt trước các nhà văn Á Châu hôm nay. (đề tài tại Hội Nghị Thơ Văn Á Châu tại Đài Bắc – tháng 6-1970)

Vũ Hạnh: Nghĩ về một số hiện tượng trong sinh hoạt văn nghệ hiện nay (12-4-1970)

Dương đình Khuê : Vài nhận xét về loại truyện dị thường của Tây Phương và Việt Nam (17-5-1970)

Anh Tuyến : Chỗ đứng của Cải Lương trong  văn hóa Việt Nam (2-6-12970)

Nguyễn thị Hoàng : Nghĩ về văn hóa Việt Nam hiện tại (16-8-1970)

Phương Đài: Thử nhìn vào sinh hoạt Thơ hôm nay (25-12-1970)

Nguyên Sa: Hội thoại nêu vấn đề

Thế nào là một Nhóm văn chương (18-11-1970)

Toan Ánh : Cái xấu của người đẹp (17-12-1970)

Cao Thế Dung: Hội thoại nêu vấn đề Văn nghệ và Văn nghệ Nhà Nước    (23-12-1970)

Phạm Việt Tuyền : Một khám phá về Huỳnh Thiên Kim (16-5-1971)

  (khai trương hội trường tại trụ sở mới 107 Đoàn thị Điểm Sài Gòn)  

Tam Lang Vũ đình Chí: Sự thai nghén và hình thành các tác phẩm của Tam Lang (20-6-1971)

Vũ Hạnh : Văn hóa và Mạo hóa (25-7-1971)

Sơn Nam : Lục Tỉnh Tân Văn và phong trào Duy Tân ở Miền Nam hồi 1908 (8-8-1971)

Phạm Việt Tuyền: Những suy tư về 50 năm văn học thế giới (1921-1971)

          Tại Hội nghị Văn Bút Quốc Tế Ireland-Tháng 9-1971 (24-10-1971)

****

Sau đây xin trích lại phần tường thuật của một vài buổi còn lưu giữ được trên báo chí.

Nhà văn Cô Liêu thuyết trình về Tiểu Thuyết tổ chức tại trường Âm Nhạc và Kịch Nghệ Quốc gia, sáng chủ nhật 16-9-1962. Nhà báo Nguiễn Ngu Í tường thuật trên báo Bách Khoa:

Tìm hiểu một vài quan niệm về Tiểu Thuyết

Nguiễn Ngu Í

Cô Liêu là nhà văn thứ ba lên diễn đàn để đặt lên bàn mổ bộ môn đặc biệt nhất của văn học: bộ môn tiểu thuyết. Trước ông – và cũng vẫn do Trung Tâm Văn Bút Việt Nam tổ chức – đã có Nhật Tiến xét về “Sự bế tắc trong ngành xuất bản tiểu thuyết”, đã có Vũ Hạnh bàn về “Hoàn cảnh sáng tác hiện thời của nhà văn Việt Nam”.

Và cũng như hai lần trước, lần này người đến nghe khá đông. Phải chăng đây là một bằng chứng là hễ cái gì dính dáng đến tiểu thuyết thì công chúng chẳng thờ ơ, nhất là giới học sinh và sinh viên?

Mở đầu diễn giả cho rằng “trong bộ môn tiểu thuyết, những điểm được người ta chú ý đến bây giờ là tìm những tiêu chuẩn để xác định thế nào là một cuốn truyện hay. Liên lạc đến vấn đề truyện hay là một số vấn đề khác, như tính chất trường cửu và tính chất thời đại của truyện, vấn đề nghệ thuật vị nhân sinh, vấn đề liên lạc giữa kẻ viết và người đọc v.v…”

Và thế nào là một truyện hay, ông đưa ra quan niệm trước thời…”Tố Tâm” ra đời: vai chính phải là người ngoại hạng, trọng nghĩa khinh tài, hào hoa phong nhã, đó là về phái nam, còn phái nữ thì nếu không là hạng chìm đáy nước cá lừ đừ lặn thì cũng là hạng tay kiếm tay cờ, hoặc đủ cả hiếu trung tiết nghĩa.

Quan niệm dùng tiểu thuyết để chuyên chở đạo đức này, có người phản đối, vì không phản ảnh đời sống thực tại. Nhưng theo ý diễn giả thì “những con người ngoại hạng tiêu biểu cho nguyên ủy đời sống xã hội, là những phản ảnh chân thành và cụ thể nhất của xã hội bất cứ thời nào (vì đạo lí vẫn là nền tảng tinh thần trên đó xây xã hội ngày nay). Con người như vậy là con người trừu tượng hay được trừu tượng hóa, gọt gạnh trơn tru hết khía cạnh thường tình, xa cách con người thực tế, mà chính vì thế người xưa mới cho là đáng chép thành truyện…..”

Phản ứng lại, người ta để cho những nhân vật có tài có sắc hoặc có đức vẹn toàn gặp những bước gian truân để gây những xúc động mạnh, để “khích động thất tình”.

Rồi đến quan điểm đòi hỏi những xúc cảm nhẹ nhàng hơn, tinh vi hơn, kín đáo hơn, cái mà khoa tâm lí học gọi là mĩ cảm.

Ba phái trên đây đều có những người cực lực binh vực, không phái nào đồng ý với phái nào, điều mà diễn giả cho thế cũng là điều hay, có thể vườn văn nghệ mới “nẩy nở cả trăm hoa, mỗi hoa một vẻ và cũng có thể đẹp trong vẻ riêng của nó.”

Tiểu thuyết ngày nay nói đến rất nhiều khía cạnh của cuộc đời, một nhà viết tiểu luận Pháp đề nghị chia tiểu thuyết làm bốn loại: tiểu thuyết  tình, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết trinh thám và tiểu thuyết phóng tác khoa học. Diễn giả có ý đổi tên loại đầu ra: tiểu thuyết nhân tình thế sự.

Để tìm hiểu thế nào là một truyện hay, ta có thể chỉ cần chú trọng nhất vào những điểm sau đây:

– giá trị mĩ cảm

– chủ ý của tác giả

– giá trị của những chủ ý đó

– tác giả có đạt được ý muốn không?

Văn nghệ tiền chiến sống cái thời đại của mình, tích cực và mãnh liệt. Một số văn phẩm đã chịu đựng được sự thử thách của thời gian và được thế hệ hậu chiến chú ý.

Văn nghệ ngày nay hình như không chú trọng đến những vấn đề của thời đại một cách thiết tha như văn nghệ tiền chiến. Cơ cấu xã hội chuyển biến, mà tâm tình con người cũng thế.

Diễn giả đặt câu hỏi: “những cái muôn thuở của con người, của xã hội nếu được khai thác đúng, sâu, có làm thành cái hay của tiểu thuyết không? ” Dĩ nhiên là yếu tố nghệ thuật phải có để tác phẩm sống với thời gian.

Và một văn phẩm phản chiếu rõ rệt những ước vọng, băn khoăn của thế hệ, nói lên tâm sự của con người thời đại, miêu tả đủ cạnh khía những thực trạng của cuộc sống hiện tại và nêu lên những vấn đề của thời đại….., là tấm gương phản chiếu bóng mình mới làm người đọc cùng thời ưa chuộng.

Rồi diễn giả nói đến việc phê bình và chống hẳn đường lối phê bình hẹp hòi, dạy nhà văn viết văn, phê bình sẽ thiếu sót biết bao nếu chỉ chú trọng đến sự uốn nắn tác phẩm vào khuôn khổ những tiêu chuẩn quen thuộc, hoặc chỉ chú trọng đến sự phân tích tâm lí.

Và trong phần kết luận, ông nhấn mạnh “Văn nghệ cần hoạt động trong tinh thần khai phóng, cởi mở để khai thác những phần tốt đẹp nhất của những tâm hồn phong phú. Cái nhìn đượm một thứ tinh thần hệ thống, một thứ tinh thần công thức tạo thành một phong thế sinh hoạt bưng bít, không đường lối thoát “.

      Nguiễn Ngu Í

Linh Mục Thanh Lãng thuyết trình về đề tài

“Nhà văn cũng là một sứ giả gửi một thông điệp đến độc giả”

( tại Trường Quốc Gia Âm  Nhạc và Kịch Nghệ.)

Xin coi bài tường thuật dưới đây:

Trích Hồi Ký Bà Tùng Long, Chương 8:

                        NHỮNG KỶ NIỆM VỚI LÀNG BÁO SÀI GÒN.

Sau này có lần một bà bạn rủ tôi đi nghe một buổi diễn thuyết về đề tài: “nhà văn cũng là một sứ giả gửi một thông điệp đến độc giả”. Diễn đàn là linh mục Thanh Lãng, Hội Văn bút tổ chức. Lúc ấy Phạm Việt Tuyền làm Chủ tịch (chú thích của Nhật Tiến : Ông  Phạm Việt Tuyền chưa bao giờ là Chủ tịch Văn Bút). Thính giả toàn là hội viên của hội Văn Bút cùng một nhóm sinh viên học sinh của các ông Thanh Lãng, Việt Tuyền, và một số nhà văn, nhà báo.

Khi ngồi vào chỗ, chị bạn của tôi, chị Nghệ, một nữ trí thức từng làm chính trị vừa ở Pháp về, nói với tôi:

– Mình không ngờ được dự một buổi nói chuyện lý thú, xem thử họ nói cái gì.

Trong bài diễn thuyết của mình, Thanh Lãng đã đi đến một kết luận đề cao vai trò của nhà văn: Một nhà văn là một sứ giả gởi một thông điệp đến cho độc giả khắp nơi. Vì thế vai trò của nhà văn là một sứ mạng cao quí.

Quanh vấn đề này, nhiều người được mời lên phát biểu ý kiến. Toàn là những ông có cấp bằng cao, viết những quyển sách triết học hay những tác phẩm bình luận khó hiểu. Rồi bỗng trong đám thính giả ngồi ở hàng ghế sau cùng, một sinh viên ở một phân khoa nào đó nói giọng Bắc xin lên phát biểu ý kiến. Cậu ta khen những sách lý luận cao siêu và chê các nhà văn tiểu thuyết ở Sàigòn lúc bấy giờ, và nêu tên Dương Hà, Trọng Nguyên và… bà Tùng Long.

Thật bất ngờ! Cậu ta bảo tôi không biết một chữ Pháp nào và chỉ nghe người ta kể các chuyện tiểu thuyết Tây rồi viết lại. Viết như vậy thì tại sao lại có báo chịu mua đăng, có độc giả chịu khó đọc?

Chắc khi nói cậu ta không ngờ trong đám thính giả lại có bà Tùng Long. Trong số người có mặt, còn có Nguyễn Hữu Ngư, nhà văn cộng tác với báo Bách Khoa (ký hiệu Nguyễn Ngu Í) và cũng là đồng nghiệp cùng dạy trường Tân Thịnh với tôi. Nguyễn Hữu Ngư dạy Sử Địa, còn tôi thì dạy Việt văn và Pháp văn. Cũng có cả Trần Dạ Từ, chồng của Nhã Ca, đang là phóng viên Đài phát thanh Việt Nam lúc bấy giờ, ngồi ở hàng ghế đầu và đang thu thanh buổi diễn thuyết cho đài.

Cậu sinh viên này vừa nói xong thì ông Nghiêm Xuân Việt, một luật gia và cũng là một giáo sư trường Đại học Luật khoa, liền đứng ra trả lời vì ông có tên trong Hội Văn Bút và cũng là nhóm tổ chức cuộc diễn thuyết ngày hôm ấy.

Ông Việt cao giọng tán thành ý kiến của sinh viên nọ là nên đọc những sách thuộc loại nghiên cứu, sách có giá trị văn chương do những nhóm gọi là uyên bác cao thâm sáng tác, bởi họ mới thật là những sứ giả gởi đi các thông điệp cho quốc dân đồng bào. Còn loại sách nhảm nhí như sách của các tác giả mà cậu sinh viên nọ vừa nói xong thì có quyền đừng đọc đến.

Ông Việt vừa nói xong thì Nguyễn Hữu Ngư và Trần Dạ Từ đều quay xuống nói với tôi (khi tôi vào giảng đường trường Quốc Gia Âm Nhạc họ có thấy và có chào):

“Chị cứ để đó, tụi nầy sẽ lên trả lời cho chị”.

Nhưng tôi đã đứng lên và lên chỗ bàn thư ký để xin ghi tên phát biểu. Lúc ấy Minh Đức Hoài Trinh ngồi ghi. Minh Đức nhìn tôi cười, còn chị Nghệ thì nói:

– Chị không soạn bài mà dám phát biểu ngay à? Tôi thì không có tài ấy đâu.

Tôi cười và chờ đến phiên mình lên phát biểu. Không chờ đợi, tôi được mời lên ngay, vì ai chớ Phạm Việt Tuyền hay Minh Đức Hoài Trinh thì có lạ gì tôi. Phạm Việt Tuyền cùng dạy ở trường Tân Thịnh với tôi, và khi Phạm Việt Tuyền làm tờ Tự Do thì chính anh đã mời tôi giúp cho một tiểu thuyết và tôi đã viết chuyện Gió Ngàn Phương (đã xuất bản trước 1975).

Tôi còn nhớ rõ hôm ấy tôi mặc bộ áo dài trắng (tôi luôn mặc áo dài trắng khi đi dạy, khi đến các tòa soạn báo hay đi dự lễ hội, dự hội nghị), và sự hiện diện của tôi trước micro đã gây cho hội trường một sự ngạc nhiên, nhất là khi Phạm Việt Tuyền trịnh trọng giới thiệu tôi là một cây bút có nhiều tác phẩm cộng tác với nhiều tờ báo hằng ngày và làm thư ký tòa soạn cho tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn, cộng tác với báo Văn Nghệ Tiền Phong và còn là giáo sư dạy ở các trường tư thục.

Hội trường bỗng im bặt và chờ tôi phát biểu. Đầu tiên tôi cảm ơn ban tổ chức cho phép tôi có cơ hội lên để nói vài ý nghĩ thô thiển, và tôi thành thật cám ơn cậu sinh viên vừa phát biểu đã nói đến tôi. Trong đời tôi, chê tôi cũng quí như khen vì giúp tôi có kinh nghiệm tốt hơn khi sử dụng ngòi bút.

Xong tôi đi ngay vào đề tài của Thanh Lãng, một nhà văn là một sứ giả gởi thông điệp đến mọi người. Nhưng sứ điệp ấy phải như thế nào để mọi người dù tầng lớp nào cũng có thể đọc hiểu được thì mới có thể tiếp nhận. Chứ những quyển sách viết quá cao, đầy triết lý sâu xa thì đâu phải ai cũng có thể tiếp nhận một cách vui vẻ và nồng nhiệt. Tôi nói tiếp:

“Tôi không có khả năng để viết những loại sách cao siêu, cao thật cao ấy (và tôi giơ tay lên ra dấu khỏi đầu) nhưng tại sao tôi lại chấp nhận số phận của người cầm bút? Tôi có đọc một đoạn văn trên một tờ báo Pháp thấy có một nhà văn nam nào đó tuyên bố rằng: “Nếu tôi có một ngai vàng thì tôi sẵn sàng đổi nó để tìm hiểu tâm lý phụ nữ”. Như thế thì tôi, một phụ nữ, tại sao không viết để nói lên tâm lý của phụ nữ? Vì tôi đã trải qua thời kỳ niên thiếu dưới mái ấm gia đình của cha mẹ, bên các em thân yêu, tôi đã từng là một thiếu nữ, tôi hiểu những ước muốn, những buồn vui của giới thiếu nữ, của tuổi mới lớn. Tôi đã từng là một người vợ, một người mẹ. Tôi hiểu tâm sự của người vợ khi gặp cảnh ngộ ngang trái, khi sống trong hạnh phúc, khi nuôi dạy các con, và hiểu những đòi hỏi của các con mình. Tôi lại còn là một cô giáo từng đứng trên bục giảng và tìm hiểu những đôi mắt thơ ngây, vô tư của lũ học trò đang muốn gì, ao ước được những gì. Vì những ước mong thế đó mà tôi mạnh dạn cầm bút. Nói rằng tôi không biết một tiếng Pháp nào, chỉ nghe người ta kể chuyện trong các quyển tiểu thuyết Pháp rồi viết lại, thì nếu được như vậy kể ra tôi cũng có chút tài cỏn con nào đó, vì tôi kể chuyện như vậy mà vẫn có người đọc, người nghe, nhà báo chấp nhận mời viết thì thật là chuyện lạ trên đời phải không các bạn? Về chuyện tôi có đọc được sách Pháp hay không, lúc nãy qua lời giới thiệu của anh Phạm Việt Tuyền chắc các bạn cũng hiểu là lời chỉ trích kia có đúng hay không, tôi không cần đính chính. Nhưng tôi không dám tự phụ mà nói lên rằng thông điệp của tôi gửi cho phụ nữ, cho các bà mẹ, cho các học sinh chắc chắn là được đón nhận. Nếu không vậy làm sao tôi viết, làm sao có người thuê tôi viết? Nói lên cái tâm lý của phụ nữ vì mình là một phụ nữ, tôi đã mạnh dạn nhận lấy vai trò của tôi, một phụ nữ”.

Chỉ có năm phút để phát biểu nên tôi kết luận:

– Qua số thư từ tôi nhận được hằng ngày trong đó phần đông là thư của bạn gái, kế tiếp là thư của độc giả nam, của học sinh sinh viên, tôi chỉ lấy làm lạ là tại sao ông Nghiêm Xuân Việt lại có thể nói rằng những cuốn sách viết dở của các nhà văn như bà Tùng Long, Dương Hà, Trọng Nguyên thì vứt đi đừng đọc là xong. Riêng tôi, gặp một quyển sách ở tầm tay, đọc qua nếu là dở tôi vẫn cố gắng đọc cho hết để thấy nó dở chỗ nào. Một nhà văn ở châu Âu đã viết: “Trong một quyển sách dở vẫn có thể tìm thấy một câu hay hoặc một ý kiến khá”.

Tôi cảm ơn thính giả, ban tổ chức và đi xuống trong tiếng hoan hô vỗ tay của cả thính đường. Khi đi ngang qua hàng ghế của Nguyễn Hữu Ngư và Trần Dạ Từ, cả hai đứng lên nói: “Hoan hô chị Tùng Long!”.

Tôi ngừng lại và nói: “Cảm ơn các anh đòi trả lời cho tôi, nhưng mà chuyện của tôi để tôi nói là phải”.

Sau đó Phạm Việt Tuyền lên nói tiếp lời tôi và kết luận:

“Không phải ai gửi thông điệp cũng có người nhận. Ngay Đức Giáo Hoàng gửi thông điệp cho toàn giáo dân trên thế giới mà vẫn còn có người không chịu tiếp nhận nữa thì sao?”.

Buổi nói chuyện kết thúc lúc 7 giờ tối. Chị Nghệ và tôi ra đường đứng đón taxi về nhà thì ông Nghiêm Xuân Việt chạy theo mời để ông được lấy xe đưa chúng tôi về nhà.

Chị Nghệ vốn có quen với ông Việt liền nhận lời ngay, và tôi xin đỗ xuống đầu hẻm Chu Mạnh Trinh để ông Việt còn đưa chị Nghệ về đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Nguyễn Văn Đậu ở Bình Thạnh).

Tôi ít có thì giờ để theo dõi chương trình phát thanh của đài, nhưng sau đó anh Quốc Phong, chủ nhiệm báo Tiếng Vang mà tôi cộng tác, gọi điện thoại cho tôi và nói:

– Đêm qua cháu gái ở nhà nghe đài đến đoạn nói về buổi diễn thuyết của Thanh Lãng có nêu lời phát biểu của chị, nó gọi tôi đến nghe và tôi thật vui mừng thấy chị đã trả lời thật hay và xác đáng.

Tôi cũng cảm thấy vui vui là mình đã có dịp nói lên mục đích viết văn của mình. Tôi chưa bao giờ dám tự hào xưng mình là văn sĩ, nữ sĩ. Tôi chỉ nói tôi viết văn là để nuôi con, chỉ thế thôi. Ngay khi được báo Saigon Time (Thời báo Sài Gòn) phỏng vấn, tôi cũng đã nói tôi viết văn là để nuôi con. Khi nào các con tôi trưởng thành, đứa lớn lo được cho đứa nhỏ thì tôi sẽ nghỉ viết.

Nhưng việc ấy rồi cũng qua đi trong ngay tuần lễ sau đó vì tôi quá bận rộn với công việc dạy học, viết báo. Nào ngờ sau đó vài tuần, vào một buổi tối, ông Nghiêm Xuân Việt đã tìm đến nhà tôi và đưa cho tôi xem số Bách Khoa mới ra, trong ấy có bài chính ông ta viết để xin lỗi về những lời của ông phát biểu trong cuộc diễn thuyết, vô tình đã nói những lời xúc phạm đến tôi.

Sau đó tôi mới biết chính ông ta là giáo sư giảng dạy cho con trai tôi Nguyễn Đức Lập đang học năm thứ ba ở Đại học Luật khoa – nhưng việc này ông ta không biết và tôi cũng không cần nói làm gì, vì sau lần gặp gỡ nầy tôi không còn lần nào khác có dịp gặp ông ta.

Nguyễn Hữu Ngư (tức Nguyễn Ngu Í) làm ở tòa soạn báo Bách Khoa sau đó gặp tôi, tôi có hỏi bộ anh chỉ nhà cho ông Việt hay sao mà ông ta biết vậy? Nguyễn Hữu Ngư cười hì hì và nói:

“Chị ở cư xá Chu Mạnh Trinh ai mà không biết, chị không đọc bài báo của Duyên Anh sao? Duyên Anh nói anh ta ở cư xá Chu Mạnh Trinh, cái rốn của vũ trụ”.

Tôi hỏi:

– Tại sao lại là cái rốn của vũ trụ?

– Là vì ở cái cư xá này có lắm nhân tài.

– Ai là nhân tài vậy?

Nguyễn Hữu Ngư chỉ tôi và nói:

“Duyên Anh kể : Phạm Duy bên lô E cùng với Hồ Anh chủ nhiệm báo Văn Nghệ Tiền Phong. Lô C thì có Năm Châu cùng vợ là Kim Cúc. Lô B có Nguyễn Mạnh Côn, lô F có bà Tùng Long và chồng là thi sĩ Hồng Tiêu, Phan Quang Đán, Hoàng Nguyên, lô G thì có Hoàng Thi Thơ, Văn Quang. Như vậy không phải là cái rốn của vũ trụ là gì? Nơi đây hằng ngày tụ tập nào Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, các nhà văn, nhà báo, và các nghệ sĩ sân khấu, các nhạc sĩ…

Tôi nhún vai nói:

– Hân hạnh, hân hạnh. Nhưng nói lớn lối như vậy, chỉ tổ cho thiên hạ ghét.

Nguyễn Hữu Ngư là bạn vế vai em của tôi. Tôi thường gọi Ngư là chú, chú em, nhưng sau này các con tôi có đứa gọi Ngư là anh, vì Ngư cưới Thoại Dung, một cô bạn của cô gái lớn của tôi.

(Hồi Ký Bà Tùng Long, Chương 8:

NHỮNG KỶ NIỆM VỚI LÀNG BÁO SÀI GÒN)

E/ Tổ chức các Giải Văn Chương

 Văn Bút lập Giải Văn Chương kể từ năm 1964, công bố kết quả lần đầu năm 1965. Tất cả những tác phẩm trúng giải đều thuộc bản quyền của tác giả. Nếu Văn Bút có dự tính xuất bản thì sẽ thỏa  thuận điều kiện tác quyền với chính tác giả.

Thể loại TRUYỆN NGẮN 1965

Đầu tiên là thể loại Truyện ngắn (thời hạn từ 15 tháng 10-1964 đến 15-1-1965). Hội đồng Tuyển Trạch gồm có : Đỗ Đức Thu -Vi Huyền Đắc – Bình Nguyên Lộc – Võ Phiến – Nhật Tiến. Kết quả :

-Giải Nhất ( 15.000 $00 ) Những Ngày Cạn Sữa của Minh Quân.

– Giải Nhì (5.000 $00) Làng của Tường Linh          .

Các tác phẩm được khuyến khích :

– Cao Cả của Châm Vũ Nguyễn văn Tần.

– Trí thơ của BS. Lan Giao

– Tiếng Sấm Giao Mùa của Trần Thanh Diệu.

– Gắn Bó của Minh Tâm.

Những tác phẩm này đã được in trong tập Giải Thưởng Truyện Ngắn 1965 của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam.

GIẢI VĂN BÚT  1966 dành cho bộ  môn TRUYỆN DÀI:

Thời hạn dự thi từ 15-9-1965 đến 28-2-1966.

Tác phẩm duy nhất trúng giải :

Đêm Dài Một Đời của Lê Tất Điều.

GIẢI VĂN BÚT 1967 dành cho bộ  môn PHÊ BÌNH

Tác phẩm trúng giải là bản thảo nhan đề “Khảo luận về Hàn Mạc Tử” của Anh Đào, tên thật là NguyễnAnhg vốn có bút hiệu là Hoàng Diệp (một bạn văn của Hàn  Mặc Tử lúc thi sĩ còn sống).

GIẢI VĂN BÚT 1969 dành cho bộ  môn BIÊN KHẢO và PHÓNG SỰ:

Những tác phẩm sau đây đã được trao giải:

Biên Khảo :

– Tục Thờ Cúng của Ngư phủ tỉnh Khánh Hòa của Lê Quang Nghiêm.

– Nhật Bản Cách Ngôn Giải Nghĩa của Châm Vũ Nguyễn văn Tần.

Phóng Sự :

– Chợ trời biên giới của Lê Hương.

– Nhật ký quân trường của Trần Châu Hồ.

GIẢI VĂN BÚT 1970 dành cho bộ  môn THI CA

và NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ.

Những tác phẩm sau đây đã được trao giải:

Thi Ca:

– Sầu Tuổi Đá của nhà thơ Tường Linh.

– Trái Tim còn lại của Lâm Trường Dạ tức  Hoàng Lộc.

Nghiên cứu Lịch sử :

Chỉ có Giải khuyến khích dành cho cuốn Lịch sử người Việt tại Kampuchea Từ năm 1853 đến 1970. của Lê Hương.

Nhà văn Lê Hương là tác giả của nhiều cuốn biên khảo hầu hết là về người Miên. Gồm: Tự học chữ Miên (1963), Người Việt gốc Miên (1969), Tìm hiểu Angkor: (Đế Thiên Đế Thích) (1969), Sử Cao-Miên (1970), Chuyện thỏ khắp thế giới (1971), Truyện cổ Cao-Miên (1969), Truyện tích Việt-Nam (1984), Truyện vui quốc tế  (1984), Việt-kiều ở Kampuchéa (1997).

GIẢI VĂN BÚT 1971 dành cho bộ  môn SÂN  KHẤU

Hội đồng Tuyển Trạch gồm có : Vi Huyền Đắc, Tam Lang Vũ Đình Chí, Vũ Hoàng Chương, Vũ Hạnh, Kiên Giang Hà Huy Hà.

Kết quả chỉ có một giải độc nhất (100.000$00) dành cho vở kịch Bức Tranh Lõa Thể  của Kim Chi (bút hiệu khi dự thi của nữ nghệ sĩ Kim Cương).

GIẢI VĂN BÚT 1974 dành cho bộ  môn Truyện Dài.

Hội đồng tuyển trạch Giải Truyện Dài gồm có các nhà văn Nguyễn Thị Vinh, Sơn Nam,  Nhật Tiến, Tam Lang  Vũ đình Chí, Phạm Việt Tuyền.

VAN BUT Ban Giam Khao

Pix7

ĐƯỜNG MỘT CHIỀU, tác phẩm của nhà văn NGUYỄN MỘNG GIÁC đoạt giải Nhất cuộc thi  năm 1974 dành cho bộ môn TRUYỆN DÀI:

Trích bài tường thuật lễ phát giải của THẾ NHÂN trên tạp chí Bách Khoa:

Ngày 15-11-1974 hồi 6 giờ chiều, tại trụ sở Văn Bút ở Sài Gòn, đã tổ chức lễ phát giải thưởng Truyện Dài của Trung Tâm Văn Bút VN cho nhà văn Nguyễn Mộng Giác với tác phẩm Đường Một Chiều trước sự hiện diện của rất đông anh chị em văn nghệ sĩ và đại diện báo chí.

Lễ phát thưởng năm nay, đặc biệt không đặt dưới quyền chủ tọa của một vị đại diện chính quyền như các năm trước mà 3 vị hội viên cao niên nhất là nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, kịch tác gia Vi Huyền Đắc và nhà văn Tam Lang đã đồng chủ tọa buổi lễ….

Như thường lệ, L.M. Thanh Lãng, Chủ tịch T.T. Văn Bút VN đọc diễn văn khai mạc. Ông đã cảm ơn rất nhiều những vị thân hữu ân nhân đã vì lòng yêu văn hóa, không muốn thấy Văn Bút vì kiệt quệ tài chánh mà hủy bỏ Giải thưởng Văn Bút 74, cho nên đã tiếp tay cho Văn Bút để duy trì việc trao giải. Ông nói: ” Vận mạng của Văn Bút gắn liền với vận mạng của Dân tộc, cho nên hễ Văn hóa mà hưng thì Dân Tộc cũng hưng, ngược lại nếu văn hóa mà mạt thì Dân tộc cũng mạt”, và “từ hơn một năm nay Văn hóa đang lâm vòng mạt vận, đang thọ nạn.” Do đó mà theo L.M. Thanh Lãng, hơn 80% nhà văn đã bỏ nghề.

Tiếp đó ông Phạm Việt Tuyền đại diện cho Hội đồng Tuyển trạch (gồm các nhà văn Nguyễn thị Vinh, Sơn Nam, Nhật Tiến, Tam Lang Vũ đình Chí và Phạm Việt Tuyền) nhận định về tác phẩm trúng giải. Ông cho biết đã có 3 tác phẩm được sự lưu ý đặc biệt của Hội đồng: Đốt lửa của Vương Long, Quốc lộ 13 của Tô Vũ, Đường một chiều của Nguyễn Mộng Giác, “cả ba đều phản ảnh những con người sống trong xã hội nước nhà ngày nay với cuộc chiến hiện tại”.

Riêng về tác phẩm trúng giải  “Đường một chiều” ông cho rằng:

– Phần đông độc giả sau này chắc sẽ phải đọc một hơi từ đầu tới cuối cuốn tiểu thuyết như một số vị trong Hội đồng Tuyển trạch, bởi vì tình tiết rất hấp dẫn, với nhiều hiện tượng đột biến bất ngờ lúc xẩy ra nhưng khi đã xẩy ra thì không gây bỡ ngỡ vì nguyên nhân ngấm ngầm đã âm ỉ từ trước và khi xẩy ra thành sự kiện thực tế rồi thì vẫn còn tạo bâng khuâng triết lý như tách trà thơm ly rượu ngon đượm thêm tình nặng nghĩa sâu…

Một Thiếu tá chờ suốt mấy ngày ở sân bay gần mặt trận với bức điện tín vợ chết, không biết là tin thực hay giỡn? Về tới nhà gặp cô con gái riêng của vợ và lũ con dại ngây thơ trước bàn thờ vợ, mà vẫn chưa thể ngờ rằng vợ đã bị giết! Án mạng đã xảy ra do chính hạ sĩ Ninh người tài xế mà ông bà Thiếu tá vẫn thương như một người em. Thiếu tá Lộc hồi hộp trả lời những câu hỏi cung dồn dập gợi ra nhiều giả thuyết của một Trung úy Quân cảnh Tư Pháp! Sự thực sẽ sáng tỏ ra sao khi Thiếu tá Lộc từ chiến trường được trát đòi trở về lần sau để ra làm nhân chứng tại Tòa án mặt trận xử vụ hạ sĩ Ninh mưu toan hiếp dâm và cố sát bà Thiếu tá Lộc? Những khía cạnh bất ngờ do lời thú tội của Ninh, lời buộc tội của luật sư, những lời chứng khác biệt hay trái ngược nhau của các nhân chứng, tất cả chỉ cho thấy một chuỗi những sự kiện thực tế đã đôi phen đứt đoạn và gây hoang mang cho Thiếu tá Lộc cũng như cho cô con gái riêng của bà Lộc, là Ly, 14 tuổi, người độc nhất chứng kiến màn bi kịch Ninh giết bà lộc! Phiên tòa sôi nổi kéo dài còn phải gác lại tới hôm sau thì, đêm ấy, bất ngờ Ninh tự sát trong lao, khiến công tố quyền tiêu diệt giữa phiên tòa họp lại buổi sáng hôm sau! Và, sau khi được cha kế báo tin vào buổi trưa là Ninh đã tự tử, Ly đã đột ngột bỏ nhà trốn đi lúc vừa dứt giới nghiêm sáng ngày hôm sau nữa, để vương lại trong tủ áo xáo trộn một mẩu giấy nháp nhật ký ghi việc “chú Ninh” đã tặng Ly một cuốn “Hình như là tình yêu.”

Câu chuyện chấm dứt chơi vơi, gợi cho người đọc thấy con đường một chiều mà Ninh và nhiều người vô tình tự ý hay bị xô đẩy đi vào, đồng thời cũng nêu cho người ta hiểu rằng con đường một chiều không thể giải thích hay phê phán theo một chiều cố định nếu người ta muốn không phủ nhận các thực tế phũ phàng và vươn tới chân lý cứu rỗi!”.

Ông Phạm Việt Tuyền còn phân tích cặn kẽ về tâm lý nhân vật về phương diện triết lý cũng như về giá trị đạo đức của tác phẩm trúng giải, để sau cùng cảm ơn tác giả đã cống hiến một truyện hay, xuất sắc.

Nhà thơ lão thành Á Nam Trần Tuấn Khải, râu tóc bạc phơ mà còn quắc thước, đại diện Chủ tọa đoàn, trao tặng cho nhà văn Nguyễn Mộng Giác giải thưởng duy nhất Truyện dài năm 1974 của Văn Bút là một chi phiếu 150.000 đồng.

Khi được mời phát biểu cảm tưởng, tác giả Đường Một Chiều đã nói lên nỗi xúc động của mình khi được tin trúng giải và thích thú nhận ra niềm thông cảm cởi mở giữa thế hệ các nhà văn trong Hội đồng tuyển trạch của Văn Bút và thế hệ các cây bút trẻ hôm nay. Ông nói:

– Nhân vật của tôi không thở cùng một không khí với nhân vật các vị trong ban tuyển trạch.  Nhân vật của quí vị thoải mái, tự tin. Nhân vật của tôi hoang mang quờ quạng không biết được phía sau lẫn phía trước. Tuy vậy, tôi vẫn được quí vị công nhận. Điều đó cải chính định kiến vẫn hằng ám ảnh dai dẳng sinh hoạt văn học Miền Nam chúng ta, là sự phân ly giữa trẻ và già”.

Nguyễn Mộng Giác đã kiểm điểm tâm cảnh của những nhân vật từ truyện Thạch Sanh, Lục Vân Tiên, đến các tác phẩm của Khái Hưng, Nhất Linh, từ các tiểu thuyết tả chân xã hội thời kỳ trước 1945 đến các tác phẩm của những nhà văn di cư sau 1954… mà niềm tin bao giờ cũng bộc lộ mãnh liệt, tin ở ngày mai, tin ở xã hội chuyển tiếp, tin ở sức mạnh trí thức tiểu tư sản, tin ở Miền Đất Hứa, tin ở chính nghĩa chống Cộng v.v… Từ khoảng 1960 trở đi nhân vật tiểu thuyết đã không còn các niềm tin đó nữa. Họ lạc loài, họ thấy niềm đau nhức của khoảng trống (Dương Nghiễm Mậu), họ bơ vơ không tìm được chỗ trú (Thanh Tâm Tuyền)… Rồi đời sống xã hội và tinh thần bị xáo trộn, khủng hoảng, nhất là từ khi nửa triệu quân Hoa Kỳ đến Việt Nam….Các biến chuyển lịch sử của đất nước đã tạo nên sắc thái đặc biệt cho nhân vật tiểu thuyết những năm 1970:  Từ bơ vơ đến hoang mang. Từ tự tin đến lơ đãng. Từ tha thiết gắn bó đến ơ hờ xa lạ. Những từ ngữ hiện sinh nhập cảng lúc trước còn là kiến thức thời thượng, bây giờ trở thành kinh nghiệm thực tế.

Tiếp đó tác giả đã nói về tác phẩm của mình:

– Cuốn truyện “Đường Một Chiều” của tôi mang tất cả sắc thái buồn thảm đó. Đường một chiều: không phân định được chiều thuận và chiều nghịch, nhân vật trong truyện không thấy được biên giới giữa tội ác và thánh thiện, giữa tình yêu và hận thù. Cái không khí buồn thảm ấy tất nhiên không hợp với thế hệ các vị đàn anh – trong Hội đồng Tuyển trạch, là những người được nuôi lớn bằng niềm tin và lạc quan, vậy mà các nhà văn chấm giải Truyện dài Văn Bút vẫn lựa chọn”Đường Một Chiều” chứng tỏ không hề có sự phân ly giữa 2 thế hệ.

***

Ngoài ra, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, tác giả cuốn Hình Như Là Tình Yêu cũng đã viết một bài đăng trên tạp chí Bách Khoa số ra ngày 20 tháng 12 năm 1974  để chào mừng Hội Văn Bút  nhân ngày Hội trao giải thưởng cho Nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Nguyên văn như sau:

Chào mừng Hội Văn Bút Việt Nam nhân ngày trao Giải thưởng

truyện dài 1974 cho tác phẩm  ĐƯỜNG MỘT CHIỀU của nhà văn NGUYỄN MỘNG GIÁC

Thưa Quí Hội,

Được biết qua báo chí, Hội đồng tuyển trạch của Quí hội quyết định chọn trao cho tác phẩm Đường Một Chiều của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, giải nhất Bộ Môn truyện dài 1974 do Hội Văn Bút Việt Nam tổ chức.

Ở nơi xa, rất tiếc tôi không có mặt để chia vui cùng Quý Hội và tác giả đoạt giải trong buổi lễ trao giải tổ chức vào ngày 15 tháng 11 năm 1974. Là một người lâu nay cũng theo đuổi việc sáng tác văn nghệ và thường theo dõi những hoạt động liên tục và thực tiễn của Quý Hội, tôi xin mạn phép gửi những lời chào mừng nồng nhiệt nhất của tôi đến Quý Hội và nhà văn Nguyễn Mộng Giác, trong ngày mà tôi dự đoán là có sự họp mặt rất đông đảo của quý vị văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung và hội viên của Quý hội nói riêng.

Một lời chào mừng có lẽ trở thành khách sáo và thừa thãi nếu không kèm theo những cảm nghĩ, ý kiến chân thành và xây dựng của mình gửi đến những người mình muốn chào mừng. Những lời sau đây của tôi gửi đến Quý Hội cũng vì lý do đó.

Trước hết tôi xin thành thực ca ngợi và chia mừng cùng Quý Hội về sự lựa chọn tác phẩm trúng giải. Ca ngợi, vì một tác phẩm xứng đáng như Đường Một Chiều, khi đoạt giải nhất, đã chứng tỏ một tinh thần thưởng ngoạn và thẩm định văn chương rất tinh tế của Quý Hội. Chia mừng, vì khi tác phẩm đoạt giải là một tác phẩm có giá trị thực sự, thì uy tín của cơ quan trao giải, của Quý Hội, đã tăng thêm rất nhiều.

Vì không có gì đáng buồn hơn khi người ta không tìm ra được một tác phẩm  nào xứng đáng để trao giải. Và càng tệ hơn nữa, càng đáng buồn và xấu hổ hơn nữa, nếu người ta vì một lý do  tình cảm riêng tư  nào đó, phải trao giải cho một cuốn sách  không xứng đáng. May mắn thay, năm nay,1974, Quý Hội đã tránh được điều đáng buồn đó.

Tôi đã hân hạnh được đọc bản thảo truyện dài Đường Một Chiều của Nguyễn Mộng Giác. Theo tôi, đó là một tác phẩm được sáng tác rất công phu. Say sưa mà vẫn thận trọng, đầy cảm hứng mà vẫn tiết chế, cô đọng bằng một kỹ thuật cao và khéo léo, nội dung chứa nhiều ý tưởng phong phú mà hình thức vẫn gọn gàng, lôi cuốn. Những đặc điểm đó khiến Đường Một Chiều đích thực là một tác phẩm văn chương đúng nghĩa.

Tác phẩm ấy đặt độc giả trước một bi kịch. Bi kịch của con người bị đứng trước, bị đẩy đưa trên con đường chỉ có một chiều, không thể, và có lẽ không thể bởi vì yếu đuối không tìm ra một chiều đi khác, một lối thoát nào khác, cũng không thể dừng lại hay quay  đầu trở ngược chiều chạy trốn. Và cuối cùng, con đường một chiều ấy đã dẫn  nhân vật chính của câu chuyện đến tội ác. Sau đó, người tội nhân trẻ tuổi (đáng thương hay đáng ghét?) không đợi sự trừng phạt của luật pháp, y tự sát (hối hận ? sợ hãi ? hay thất vọng ?)

Truyện của Nguyễn Mộng Giác thường đặt ra cho người đọc những câu hỏi, tác giả không trả lời, chính mỗi người chúng ta, nếu chúng ta là những độc giả không ngại phải băn khoăn suy nghĩ khi đọc sách thì  chính mỗi người trong chúng ta sẽ tự  tìm lấy câu trả lời riêng cho mình.

Trang cuối cùng của truyện Đường Một Chiều khép lại cuốn sách, đồng thời mở ra những thao thức mới. Định mệnh hay trách nhiệm của hành động tự ý ? Tính dục hay  tình yêu ? Có tội hay vô tội ? Thù hận hay tha thứ ? Công lý sáng suốt hay chỉ là sự trừng phạt máy móc độc đoán ? Những câu hỏi đó có lẽ một ngày kia sẽ đối diện thách thức trước mặt chúng ta, nếu chúng ta chẳng may đã bị đi trên con đường một chiều, như nhân vật trong truyện. Hay có thể giữa thời đại tù túng, gắt gao, bạo tàn này chúng ta đã phải đi trên con đường một chiều đó rồi.

Điểm đáng đề cao hơn nữa của truyện Đường Một Chiều, tác phẩm thứ 5 của Nguyễn Mộng Giác, là thêm một lần nữa chứng tỏ cái ý hướng trách nhiệm của tác giả  đối với xã hội. Truyện của Nguyễn Mộng Giác bao giờ cũng từ chối làm chiều lòng những kẻ trưởng giả giầu sang, ăn chơi phè phỡn, hưởng thụ chán chê rồi học đòi triết lý thời trang rằng cuộc đời là hư vô, phi lý, buồn nôn.

Hư vô chỉ là một trang thái có thực đối với những người bất hạnh, mất hết tất cả vì cuộc chiến tranh đẫm máu tương tàn đang tiếp tục từng ngày, gieo rắc sự hủy diệt giữa lòng đất nước.

Phi lý  chỉ là một nhận thức đích thực đối với những người khốn khổ gặp hết sự bất trắc này đến họan nạn khác, bị giáng xuống trên đầu hết tai ương này đến tang tóc  khác vì chiến tranh.

Buồn nôn chỉ là một cảm giác thực sự đối với những người bị chứng kiến, hoặc không sợ hãi trốn tránh quay mặt đi, mà can đảm chứng kiến tận mắt như một chứng nhân, những cái chết đau thương tức tưởi, những đổ vỡ kinh hoàng, những tội ác nhầy nhụa của chiến tranh và vì chiến tranh. Những tiếng hư vô, phi lý, buồn nôn, chỉ có nghĩa thực sự khi phát xuất từ  trái tim của những con người bị đày đọa như thế. Bằng không, nó chỉ là những sáo ngữ của tiểu thuyết phóng tác, nhai lại những sản phẩm nhập cảng mờ ám và trái phép để lòe bịp trẻ con.

Và đáng quý thay, các tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác từ trước tới nay đã phủ nhận và không tham gia vào trò chơi chữ nghĩa triết lý phòng trà đó. Truyên dài của Nguyễn Mộng Giác có một nội dung gắn liền với đời sống và tình cảnh quẫn bách của những con người bị đeo một số phận nghiệt ngã, đang vùng vẫy kêu cứu giữa cả một cộng đồng nhân sinh cùng chung một nỗi khốn khó vì chinh chiến.

Nói rõ hơn, văn chương của Nguyễn Mộng Giác đứng cùng phía hướng đến và nhằm phục vụ khối đa số quần chúng bất hạnh trong xã hội VN ngày nay. Sự phục vụ  quần chúng, phục vụ con người của tác giả có đem lại kết quả mỹ mãn hay không qua những tác phẩm văn chương?  Điều đó có lẽ không tùy thuộc vào riêng tác giả mà tùy thuộc đến vấn đề chung là sức mạnh của văn chương liệu có thực hiện thành công ý  hướng tốt đẹp đó hay không?  Đây là một vấn đề cốt yếu và rộng lớn không thể bày giải hay trả lời trong một vài lời ngắn ngủi. Đối với những nhà văn chân chính, chỉ cần biết một điều này: là dầu cho sứ mệnh văn chương có được hoàn tất ở cuối đường hay không, điều đáng quý hơn cả là biết và dám nhận lãnh sứ mệnh đó ngay trong phút khởi hành ở đầu đường.

Thưa Quý Hội,

Tôi rất tiếc những lời trên đây của tôi chắc là không được đưa ra thêm một ý  kiến nào mới lạ hơn ý kiến của Quý Hội khi nhận định về tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác. Và nhận định của Quý Hội thì đã được biểu lộ một cách hùng hồn hơn bất cứ những lời lẽ văn hoa nào, chỉ với một sự  lựa chọn trao giải văn chương năm nay cho tác phẩm Đường Một Chiều  của Nguyễn Mộng Giác.

Thưa Quý Hội,

Lời chào mừng của tôi xét ra có thể chấm dứt nơi đây nếu thời cuộc nước nhà hiện nay không xẩy ra những biến cố rất lớn, mà đáng mừng thay, Quý Hội hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc vận động chung. Tôi muốn nói công cuộc tranh đấu  đòi hỏi  quyền tự do sáng tác, tự do  báo chí, tự do xuất bản mà Hội Văn Bút Việt Nam đang liên kết chặt chẽ với các đoàn thể khác tại Việt Nam.

Tôi rất tiếc không nhớ rõ chi tiết bản Hiến Chương của Hội Văn Bút Thế Giới, hay Hiến chương về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Nhưng tôi chắc chắn là bất cứ một bản Hiến chương nào, bất cứ một Tuyên ngôn nào của bất cứ một tổ chức nào nếu muốn có  đủ uy tín để quy tụ mọi người thì điều kiện tiên quyết là phải đòi hỏi cho con người quyền Tự do Tư tưởng.

Quý Hội đang tranh đấu cho quyền Tự do Tư tưởng. Tôi hân hoan vui mừng  trước cuộc tranh đấu đó và thành thật cầu chúc Quý Hội thành công. Vì sự thành công của Quý Hội chắc chắn sẽ đem lại một làn gió mới và làm phục sinh hoạt động văn hóa nước nhà. Với quyền tự do sáng tác, xuất bản báo chí, văn hóa văn chương Việt Nam chắn chắn sẽ phồn thịnh phát triển tương xứng với sự làm việc của các văn nghệ sĩ chứ không èo uột, mờ nhạt, kém cỏi một cách bất công như hiện nay. Nghĩa là dầu cho  các văn nghệ sĩ có nỗ lực làm việc đến đâu, mà nếu không được tự do xuất bản thì công lao của họ, tác phẩm của họ cũng sẽ mãi mãi bị vùi dập một cách oan uổng trong bóng tối hay chỉ được xuất hiện dưới dáng vẻ khập khiễng, thiếu hụt, trái ý một cách đau lòng cho những kẻ sáng tạo.

Bốn ngàn năm văn hiến của nước Việt Nam không phải là một món đồ cổ bám đầy bụi bặm, mỗi năm đôi ba lần lại được khiêng ra, cho vào trong những bài diễn văn bóng bẩy. Bốn ngàn năm văn hiến ấy chỉ có nghĩa, chỉ là một niềm hãnh diện thực sự khi được chúng ta, những người hoạt động trong lãnh vực văn hóa và sáng tác nghệ thuật ngày đêm cố gắng làm việc để tiếp nối. Ngược lại, những người cứ nhắc nhở mãi  đến bốn ngàn năm văn hiến, mà một mặt lại ngăn chặn, cắt bỏ những tác phẩm nghệ thuật là chất liệu nòng cốt  để xây dựng văn hiến thì dầu cho là cắt bỏ một phần, một đoạn cũng vẫn giống như là chỉ cắt bỏ một con số 4 trong hàng số 4.000 năm đó. Những người đó phải chịu trách nhiệm nặng nề đối với con số không to tướng của nền văn hóa nước nhà.

Thưa Quý Hội,

Đến đây thì những lời chào mừng của tôi gửi đến Quý Hội mới thật sự xét ra nên chấm dứt thật. Xin kính chào Quý Hội, Quý vị văn nghệ sĩ hiện diện và nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người mà hiện đang nhận lãnh vinh dự trong ngày hôm nay, cũng là nhờ ở một tinh thần làm việc hăng say và một tấm lòng tha thiết đối với văn nghệ rất đáng ca ngợi.

HOÀNG NGỌC TUẤN

Qui Nhơn ngày 3-11-1974

 F. TIẾP ĐÓN VĂN HỮU NGOẠI QUỐC 

 Trong nhiều năm sinh hoạt, Trung Tâm Văn Bút cũng đã có dịp tiếp đón rất nhiều văn hữu ngoại quốc tới thămViệt Nam. Xin liệt kê những cuộc gặp gỡ mà tài liệu còn lưu giữ được.

  1. Tiếp nhà văn Đan Mạch Lidermann.
  2. Tiếp đón nhà văn Nhật Bản Komatsu (tháng 9-60)
  1.  – Tiếp tân mừng ông Roger Caillois, Trưởng ban Văn chương, Mỹ Thuật và Văn học của UNESCO (cơ quan Văn hóa của Liên Hiệp Quốc) – Tháng 10-1961.- Tiếp đón các văn hữu quốc tế H. Myint, Matta Akrawi,  John Lookwood (12-12-1961)
  1. Tiếp đón nhà văn Mỹ Donald Keene, giáo sư Nhật ngữ tại Viện Đại Học Columbia.

– Tiếp đón hai Tiểu thuyết gia Nhật Bản Agawa và Tamura.

  1.  Tiếp văn hữu Sioni José, Tổng Thư Ký Trung Tâm Văn Bút Phi Luật Tân để bàn về việc làm Tuyển Tập Thơ-Văn-Á Châu. (tháng 10-1963)

Ghi chú: Trong cuộc tuyển lựa thơ văn Á Châu năm 1963, Thơ của Ấn Độ được chấm nhất. Phi Luật Tân được chấm nhất về  Truyện ngắn, trong khi Việt Nam và Nhật Bản về hạng nhì.  Truyện ngắn về nhì của Việt Nam là truyện Hai Chậu Lan Tố Tâm của Phan Du, do Nghiêm Xuân Việt dịch ra Pháp ngữ.

  1.  Tiếp đón giáo sư Hoàng Thân Prem Purachatra, Chủ tịch Văn Bút Thái Lan.
  1. Tiếp đón phái đoàn Văn Bút Đại Hàn tới thăm Văn Bút VN  ngày 5-1-1966.
  1. Tiếp đón nhà văn Đức Otto Karow tới thăm Văn Bút VN ngày 21-3-1967.
  1. Tiếp đón nhà văn Richard Krigier, Tổng Thư Ký Hội Văn Hóa Tự Do Úc Đại Lợi tới thăm Văn Bút VN ngày 3-4-1969.

Xem Tiếp Chương III