TTVBVN – Chương IV- Hội Họp Ở Trung Tâm Văn Bút

Văn Bút sinh hoạt rất đều đặn. Cứ một tháng thì Ban Chấp Hành họp một lần. Còn Ban Thường Vụ thì họp vào mỗi tối Thứ Tư hằng tuần. Tuy nhiên bất cứ văn hữu hội viên  nào ghé tham dự  thì cũng vẫn được tiếp đón nồng nhiệt, chỉ không được bỏ phiếu nếu khi  Hội cần có một quyết định.

Toàn bộ khu lầu hai của trụ sở chỉ là một căn phòng rộng rãi đủ kê 100 ghế ngồi và một bục làm sân khấu. Khi không có buổi tổ chức nói chuyện văn chương thì ghế được dẹp gọn lại để kê một cái bàn dài đủ chỗ cho khoảng 20 người ngồi họp. Còn khoảng chỗ bên ngoài hàng hiên nhìn ra sân trước thì cũng rất rộng, vừa đủ chỗ kê nhiều cái bàn thấp và ghế ngồi  để biến thành một cái Câu Lạc Bộ bỏ túi, anh chị em văn nghệ sĩ có thể lui tới uống trà hay cà phê miễn phí bàn bạc chuyện văn chương.

Ban Thường Vụ họp mặt thông thường có sự hiện diện của thi sĩ Vũ Hoàng Chương (Cố vấn), Kịch tác gia Vi Huyền Đắc (Cố vấn), LM. Thanh Lãng (Chủ tịch), Nhà văn Hồ Hữu Tường ( Đệ I Phó Chủ Tịch), Nhật Tiến (Đệ II Phó Chủ Tịch), nhà văn Phạm Việt Tuyền (Tổng Thư Ký), Dịch giả Luật sư Nghiêm Xuân Việt (Ủy viên phiên dịch Pháp ngữ), Dịch giả Lê văn Hoàn ( Ủy viên phiên dịch Anh ngữ), Nhà văn Trần Phong Giao, nhà báo Lê Thanh Thái, nhà văn Vũ Hạnh (tòa soạn Tin Sách).

Buổi họp nào cũng có mặt ông Thư Ký hành chánh Nguyễn văn Hinh mà chúng tôi hay gọi là cụ Hinh, người đã làm việc với Văn Bút từ 1958 cho tới năm 1975. Cụ Hinh lo sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, kể cả việc pha trà nóng và đặt mấy đĩa bánh đậu xanh để mọi người nhấm nháp. Đặc biệt là trong phiên họp nếu có văn thư nào cần phổ biến cho Báo Chí hoặc cần thông báo tới hội viên toàn quốc thì chỉ cần trao cho Cụ bản viết tay đã được Ban Thường Vụ thông qua, là ngay đêm đó Cụ đánh máy trên giấy stencil và quay ronéo làm nhiều bản để sáng hôm sau chiếu theo các địa chỉ có sẵn, vô phong bì và dán tem gửi đi.

Phiên họp hàng tháng của Ban Chấp Hành thì ngoài Ban Thường Vụ, nhân số tham dự thêm đông đảo hơn. Những người tới họp (có vị tới thường xuyên, có vị tới thất thường) mà tôi nhớ được như : Học giả Đào Đăng Vỹ, Nhà biên khảo Hoàng Xuân Việt, Nhà văn Tam Lang, nhà báo Huỳnh Thiên Kim, nhà văn Nguyễn thị Vinh, Nhà văn Nguyễn đình Toàn, nhà văn Hào Nguyên Nguyễn Hóa, nhà báo Nguyễn Ngu Í,  nhà văn Châm Vũ Nguyễn Văn Tần, nhà văn Sơn Nam, nhà văn Minh Quân, nhà văn Đỗ Phương Khanh, nhà thơ Tuệ Mai, nhà thơ Hỷ Khương, nhà thơ Hoàng Hương Trang, nhà thơ Phổ Đức, nhà thơ Huy Lực, nhà văn Vũ Tiến Phúc, nhà biên soạn tự điển Thanh Vân Nguyễn Duy Nhường và phu nhân là nữ sĩ Như Hiên, Ký giả Thanh Việt Thanh, nhà báo Nguyễn Vạn An, Nữ sĩ Giáng Kiều…v..v..

Giáng Kiều là học sinh trường trung học Đồng Khánh, Hà Nội. Tham gia sinh hoạt văn nghệ từ năm 1942 khi cùng thành lập Ban Kịch với Thế Lữ, Song Kim và Nguyễn Kỳ Ngung. Danh hiệu Giáng Kiều do Thế Lữ đặt. Ban kịch đã trình diễn nhiều vở kịch nổi tiếng trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội trong hai năm 1942, 1943 như các vở Tục Lụy, Kim Tiền (do Vi Huyền Đắc soạn và do Nguyễn Tuân, Giáng Kiều thủ vai chính),  Kinh Kha (Thế Lữ đóng vai Thái tử Đan) , Khóc lên tiếng cười (Giáng Kiều  đóng vai chính), Lọ Vàng (thoại kịch, Thế Lữ thủ vai chính, kịch không có vai nữ). Sau năm 1954, Giáng Kiều di cư vào Nam, làm thơ, ngâm thơ và là thành viên của Ban Chấp Hành Trung Tâm Văn Bút Việt Nam.

Khi Văn Bút ấn hành Tập San Văn Bút, số đầu ra tháng 11-1971, văn hữu Giáng Kiều đã sốt sắng ký chi phiếu mua ủng hộ ngay 100 số, mà theo bà thì : …“một phần là để gửi tặng bạn bè, phần còn lại gửi cho một con đang học ở Hoa Kỳ, và người con khác  đang học ở Bỉ.”

***

Nhiều vị trong số nêu danh trong Ban Chấp Hành  kể trên, đối với tôi cũng có nhiều kỷ niệm. Nói chung là tôi tìm thấy ở mỗi người một tình cảm thân mến, cảm thông, nhiều khích lệ. Những trang sau đây, xin ghi lại ít dòng về một vài nhân vật chủ chốt của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, coi như một nén hương lòng nhớ lại  thời Văn Bút còn sinh hoạt ở quê nhà.

DoDucThu

Nhà văn ĐỖ ĐỨC THU

(1909-1979)

Hình chụp trên báo Thế Giới Tự Do tập 7,  số 9  năm 1957 tại trụ sở của Nhóm Bút Việt

Đỗ Đức Thu sinh ngày 28-12-1909 tại Thái Bình, nguyên quán quê ông ở làng Mộc Hạ Đình, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Ông xuất thân làm công chức Sở Khí Tượng Hà Nội. Tác phẩm đầu tay của ông tựa đề là “Ba”, được giải thưởng khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn. Về sau ông gia nhập Văn đoàn Tự Lực, viết nhiều truyện ngắn đăng trên báo Ngày Nay.

Ông cũng từng là Chủ tịch đầu tiên của Nhóm Bút Việt sau đổi thành Trung Tâm Văn Bút với nhiều nhiệm kỳ:

Ngày 17-8-1957: Ông được bầu làm  Chủ tịch Ban Vận Động Nhóm Bút Việt có Cụ Vương Hồng Sển và nhà văn Tchya Đái Đức Tuấn làm Phó Chủ tịch.

Ngày 19-11-1957, sau khi đã được Bộ Nội Vụ cấp giấy phép hoạt động, Ông được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp Hành Lâm Thời của Nhóm Bút Việt, hai Cụ Vương Hồng Sển và Vi Huyền Đắc làm Phó Chủ tịch.

Niên Khóa 1960-1961: Ông là Chủ tịch Ban Chấp Hành Chính thức của Văn Bút, Tchya Đái Đức Tuấn và Phạm Việt Tuyền làm Phó Chủ Tịch .

Niên khóa 1961-1962 : Ông rút lui đề nhà văn Nhất Linh làm Chủ tịch, có LM. Thanh Lãng và kịch tác gia Vi Huyền Đắc làm Phó Chủ tịch.

Niên Khóa 1962-1963: Đỗ Đức Thu cùng với các vị Nhất Linh Nguyễn Tường tam và Đông Hồ Lâm Tấn Phác trở thành Cố vấn của Văn Bút.

Tác phẩm của nhà văn Đỗ Đức Thu

– Vỡ lòng (tiểu thuyết) NXB Đời Nay, Hà Nội

– Bốc đồng (tiểu thuyết) NXB Nguyễn Du,  Hà Nội 1942

– Nhà bên kia (tập truyện ngắn) NXB Công Lực, Hà Nội, 1943

– Đứa con (tiểu thuyết) NXB Đời Nay, Hà Nội 1943, truyện dài này trước có đăng ở tạp chí Thanh Nghị ở Hà Nội năm 1941, 1942.

Ông mất ngày 5-3-1979 tại Tân Định, Sài Gòn, thọ 70 tuổi.

*******

VuongHongSen

Nhà văn hóa Vương Hồng Sển

           (1902-1996)

   Hình chụp trên báo Thế Giới Tự Do tập 7, số 9  năm 1957 tại trụ sở của Nhóm Bút Việt

Vương Hồng Sển là một nhà văn hóa lớn và cũng là nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng. Toàn bộ tác phẩm đồ sộ của ông viết về cổ ngoạn cũng như những sưu khảo về văn hóa miền Nam đã rất được độc giả ưa chuộng và được giới sử học, khảo cổ kính trọng.

Từ năm 1957 ông cũng đã là một trong những văn nghệ sĩ lão thành đứng ra sáng lập Nhóm Bút Việt, tiền thân của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam.

Theo tài liệu của tờ Thế Giới Tự Do Tập VII, số 9, năm 1957 thì vào ngày 17-8-1957 ở nhà hàng Thăng Long Sài Gòn, Ban Vận Động Nhóm Bút Việt đã được thành lập có nhà văn Đỗ Đức Thu làm Chủ tịch, Cụ Vương Hồng Sển và nhà văn Tchya Đái Đức Tuấn làm Phó Chủ tịch.

Đến ngày 19-11-1957, sau khi đã được Bộ Nội Vụ cấp giấy phép hoạt động, Ban Chấp Hành Lâm Thời của Nhóm Bút Việt đã được thành lập có nhà văn Đỗ Đức Thu làm Chủ tịch, hai Cụ Vương Hồng Sển và Vi Huyền Đắc làm Phó Chủ tịch.

Như thế, chính nhờ vào uy tín của những bậc lão thành như Vương Hổng Sển mà Văn Bút có được những hỗ trợ tinh thần quý báu để mỗi ngày một phát triển hơn và tồn tại suốt gần 20 năm trong sinh hoạt văn hóa miền Nam.

Được biết trước khi mất, vì muốn các cổ vật cùng căn nhà cổ của mình (tên Vân Đường Phủ) có cơ hội phát huy tối đa các giá trị văn hóa, cụ Vương Hồng Sển đã lập di chúc truất quyền thừa kế của con trai duy nhất là Vương Hồng Bảo, rồi đem tài sản dày công sưu tập, chăm chút cả đời hiến tặng cho Nhà nước với hy vọng ngôi nhà Vân Đường Phủ sẽ là Nhà Bảo tàng Vương Hồng Sển trưng bày toàn bộ cổ ngoạn của mình.

Nhưng hỡi ơi, sau khi ông mất, Thành Phố đưa toàn bộ cổ vật của ông vào trưng bày trong một gian phòng riêng của Bảo tàng lịch sử Việt Nam ở Sài Gòn, còn sách thì đưa đến Thư viện Khoa học Xã hội.

Còn căn nhà mà Cụ Vương ước mong sẽ trở thành nhà Bảo tàng Vương Hồng Sển thì theo báo Tuổi Trẻ, nó chỉ còn là “di sản thoi thóp giữa Sài Gòn” hoặc cụ thể hơn, theo tác giả Hồng Lê trên trang Web phapluatxahoi online thì:

“20 năm kể từ ngày cụ Vương từ trần, căn nhà cổ số 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật  phường 14, quận Bình Thạnh, lại biến thành quán nhậu, quán ốc bình dân. Chúng tôi đã cố gắng tiếp xúc với cháu nội cụ Vương Hồng Sển – những người đang sử dụng ngôi nhà cổ, nhưng họ từ chối. Bốn bề nhà cao tầng che khuất căn nhà cổ, phía trước biển hiệu, cơm tấm, quán ốc được giương cao, bên trong bàn ghế, bếp núc giăng đầy sân.

Buổi chiều quán khá đông khách, mùi thức ăn, mùi dầu mỡ, rượu bia, tiếng hò hét xô bồ…Làm sao tưởng tượng nổi đây chính là căn nhà cụ Vương đã tìm đủ mọi cách để mua cho bằng được, rồi di dời gần như nguyên căn từ tận Nhà Bè về đến Bình Thạnh. Cụ đã chăm chút, toàn bộ vách, cột kèo bằng gỗ quý bóng loáng, đồ cổ đã từng nằm nghiêm cẩn khắp các góc nhà. Hơn nửa đời viết lách, sưu tầm cổ vật, Vương Hồng Sển đã gắn liền với chốn này, nên ông đã ưu ái gọi là “vuông nhà cổ tích”, “Vân Đường Phủ”. Và là nơi các thi nhân, học giả, các nhà nghiên cứu nổi tiếng thường xuyên ghé thăm, bàn luận cổ vật, đọc sách, ngâm thơ, thưởng trà…

Cũng chính không gian này đã khiến các tạp chí danh tiếng thế giới như Times, Newsweek… dày công bay hết nửa vòng trái đất đến tìm hiểu, giới thiệu. Càng kể về quá khứ lại càng đau lòng, không hiểu người ta đang đối xử thế nào với di tích của tiền nhân.”

Di sản vật chất thì như thế, đến những tác phẩm tinh thần của Cụ cũng thê thảm theo lời thuật của tác giả Phạm Chu Sa trên trang Web  Khaiphong.org:

.          “Một lần tôi đến thăm, cụ Vương buồn bã bảo cuốn hồi ký Hơn nửa đời hư nhiều đoạn đã bị người biên tập cắt xén bỏ đi hoặc tự ý sửa mà không hề tham khảo ý kiến cụ. Ví dụ, đoạn cụ viết về Nguyễn Văn Sâm đã bị cắt bỏ. Đặc biệt cụ tâm đắc bài Ngô Quốc lão coi mắt Vương Hoàng thúc kể chuyện Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục – anh ruột Ngô Đình Diệm – mời cụ Vương đến coi mặt để đề bạt cụ nhưng thấy cụ “đầu bướu đầu bò” quá (chữ của cụ Vương) nên Ngô Đình Thục bỏ ý định tiến cử cụ cho Ngô Đình Diệm. Bài này khi in đã bị cắt xén nhiều chỗ, cụ rất buồn.

Tệ nhất là cuốn Tiếng Việt miền Nam – tựa ban đầu của cụ Vương là Tự vị tiếng nói miền Nam nhưng không biết người làm sách liên kết với nhà xuất bản tự ý đổi tựa mà không hỏi cụ một tiếng! Cụ Vương càng giận hơn khi sách in lỗi morasse đầm đìa, ví dụ con kênh dài 28 km thì in 20 km; năm 1809 thì in thành năm 1890…

“Vì vậy” cụ Vương nói giọng hờn dỗi:

“Tôi từ chối nhận cuốn sách ấy là của tôi. Con tôi sinh ra nhưng người khác khai sinh đổi tên, đổi họ tôi không nhìn nó là con tôi”!

Tôi nhớ mãi giọng cụ bực tức lẫn u uất:

“Tôi già rồi. Tiếc là có một số người làm công việc văn hóa mà làm nhiều chuyện thiếu văn hóa. Tôi biết có nhiều người lấy công trình nghiên cứu của người khác sửa thêm bớt chút đỉnh rồi đề tên mình vào…”.

(PHẠM CHU SA http://khaiphong.org )

PhamVietTuyen

Nhà văn Phạm Việt Tuyền

Tổng Thư Ký Trung Tâm Văn Bút VN

 (1926-2009)

Chức vụ Tổng Thư Ký của Nhóm Bút Việt (sau đổi thành Trung Tâm Văn Bút) kể từ năm 1957 đến 1975 đã do các vị sau đây đảm trách:

1957-1960: Nhà báo Hiếu Chân Nguyễn Hoạt.

1960-1961: Luật sư kiêm dịch giả Pháp ngữ Nghiêm Xuân Việt.

          1961-1975: Nhà văn, nhà báo Phạm Việt Tuyền. `

Như vậy trải 15 năm ròng rã, trong vai trò một Tổng Thư Ký, nhà văn Phạm Việt Tuyền đã gánh vác một trọng trách hết sức nặng nề là điều hợp mọi công việc của Văn Bút sao cho được tiến hành suông sẻ.  Tuy nhiên chẳng riêng gì một mình ông phải đứng ra lo hết mọi chuyện mà nhờ có thiện chí đóng góp tích cực của nhiều thành viên khác nên công  việc của Hội luôn luôn được tiến hành chu đáo.

Vào tháng 10-1961, trong vai trò Chủ nhiệm nhật báo Tự Do, ông đã cho mở trên báo này một trang Văn học Nghệ thuật lấy tên là  “Tác giả, tác phẩm và công chúng” nhằm phổ biến những bài giới thiệu tác phẩm mới tới người đọc và hỗ trợ phong trào thưởng thức và phê bình sách do Trung Tâm Văn Bút chủ trương. Sau đây là vài đề mục đã xuất hiện trên trang báo ấy:

“Vài ý nghĩ về lối phê bình văn học” của Nguyễn văn Trung.

“Liếc qua tâm tình người đẹp của Vũ Hoàng Chương” – Phạm Việt Tuyền.

– “Hiện trạng văn nghệ” –  Hoàng văn Giang.

– Nhân đọc “Người Công giáo trước thời cuộc” – Lê Thành Trị.

Đọc “Thềm Hoang của Nhật Tiến”- Vũ Hạnh

– “Sách báo Nhi đồng”  – Nguyễn Duy Cần.

– Nhân đọc “Thú Chơi Sách  của Vương Hồng Sển”- Nguyễn Duy Cần.

Tôi đọc thi phẩm “Nỗi Buồn” của Thế Viên– Phạm Việt Tuyền

– Nhân đọc “Gia đình giáo dục” của Hà Thúc Lãng -. Nguyễn Duy Cần.

– Điểm sách “Những đêm mưa” của Linh Bảo – Vũ Hạnh.

– Điểm sách “Chị Em Hải”  của Nguyễn đình Toàn – Cô Phương Thảo.

– Điểm sách “Giã từ” của Võ Phiến –  Nguyễn đình Toàn.

Nhân đọc”Les Séquestrés d’Altona” của Jean Paul Sartre

Lê Thành Trị          …v..v…

Năm 1969, nhà văn Phạm Việt Tuyền cho đăng bức thư của một Nghị sĩ tố cáo một ông Tổng Trưởng nên đã bị Tòa Sơ Thẩm Sài Gòn kết án ông 3 tháng tù giam và 100.000 đ. Vì lý do đó, Trung Tâm Văn Bút VN  đã công bố một bản Kháng Nghị gửi Chính quyền V.N.C.H và gửi ông Chủ tịch Văn Bút Quốc Tế Arthur Miller và ông  Tổng Thư Ký David Carver. Tháng 9 năm ấy, ông Phạm Việt Tuyền lại tiếp tục tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế ở Menton (Pháp quốc) trong vai trò Tổng Thư Ký của Trung Tâm Văn Bút VN

Tác phẩm của ông gồm những cuốn : Trên Đường Phụng Sự (kịch, 1947) – Phá Lao Lung (thơ, 1956) – Nghệ Thuật Viết Văn (biên khảo, 1952) – Nghị Luận Văn Chương (biên khảo, 1953) -Nghị Luận Luân Lý Phổ Thông (1953)– Quan Điểm về Mấy Vấn Đề Văn Hóa (1959) – Phương Pháp Nghị Luận, Phân Tích và Phê Bình Văn Chương (1969) – Tôi Đọc Thơ ( phê bình, 1971) – Cửa Vào Phong Tục Việt Nam (biên khảo, 1972) – Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính với phần giới thiệu và phê bình của Phạm Việt Tuyền (1974).

Trong lãnh vực giáo dục, ông là giáo sư dạy Chứng chỉ Dự bị Ban Việt Hán ở Ðại Học Văn Khoa, Sài gòn; hay chứng chỉ Văn Chương Việt Nam, cho năm thứ nhất ở Ðại Học Văn Khoa, Huế.

Ðầu thập niên 1980, ông đi định cư tại Pháp, thành phố Strasbourg và mất ở đây ngày 16 Tháng Hai, năm 2009, hưởng thọ 73 tuổi.

 

ViHuyenDac

Kịch tác gia Vi  Huyền Đắc

(1899-1976)

Một cây cổ thụ của làng thoại kịch Việt Nam là Kịch tác gia Vi Huyền Đắc vốn là Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Văn Bút rồi là Cố vấn của Hội, người mà chúng tôi thường hạy gọi là Cụ Vi. Nhà Cụ ở  Ngã Năm Bình Hòa, Gia Định. Chúng tôi đã tới đó thăm từ hồi Cụ Bà còn sinh tiền. Nom Cụ Bà dáng dấp hiền hậu, ung dung đúng tác phong của một nhà giáo vì bà cũng là một cô Giáo. Khi chúng tôi tới, Cụ bà hay rút vô nhà trong để Cụ Ông nói chuyện văn nghệ với chúng tôi.  Cũng như thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Kịch tác gia Vi Huyền Đắc chỉ gọi tôi bẳng tên, như “Tiến thế này….Tiến thế kia…”, rất ưu ái và thân mật. Cụ cho biết thường đi ngủ sớm, chừng 9 giờ để 5 giờ sáng dậy viết lách hay phiên dịch. Hồi đó Cụ đang dịch một truyện của Trung Quốc có tên là Anh Hùng Tay Bánh, đăng từng kỳ trên Nhật Báo Tự Do. Cụ còn nói với tôi : “Học chữ Hán đi,  tôi chỉ cho. Sau vài tháng là đọc báo được”.  Rồi Cụ giải thích :

– Chỉ cần nhớ mặt chữ thôi. Còn nghĩa thì mình đã hiểu gần hết rồi. Như chữ  “Xuân Thu nhị kỳ” thì  ai chẳng hiểu nghĩa nó là gì ! Thế là đã qua được một nửa đường rồi.

Tôi nghe thấy có lý lắm, nhưng phần thì bận rộn, phần thì lười nên cứ ậm ừ cho qua. Bây giờ mới tiếc !

Hồi tôi ra tác phẩm “Người Kéo Màn” và chọn cho nó một thể loại chưa có  ai nghĩ tới: “Tiểu Thuyết Kịch”. Cụ có bảo tôi:

– Dùng chữ Tiểu Thuyết Đối Thoại sát nghĩa hơn, nó diễn tả hai nhân vật trong truyện đối đáp nhau như trong một vở kịch.

Tôi ngẫm nghĩ rất lâu về lời khuyên này, nhưng đã không vâng lời  Cụ. Bởi tôi cứ bướng bỉnh nghĩ rằng “Tiểu thuyết nào mà chẳng có đối thoại”. Tuy nhiên lòng tôi vẫn cảm thấy vui sướng vì đã được một đại cao thủ trong ngành Kịch quan tâm đến tác phẩm mới ra của mình.

Sau này, khi Giáo sư Nguyễn văn Trung còn đang giảng dạy ở Đại Học Văn Khoa có chất vấn tôi về  chữ “Tiểu Thuyết Kịch” thì tôi đã giải thích như sau:

“Tiểu thuyết kịch được dung hòa cả ba kỹ thuật tiểu thuyết, kịch bản và phim ảnh. Ở trong tiểu thuyết kịch, kỹ thuật viết tiểu thuyết vẫn được duy trì. Người viết có thể dùng loại văn tả cảnh, tả tâm trạng, tâm lý, tả cả cái ý nghĩ của nhân vật cũng được nữa. Nhưng xen vào đó, nhiều đoạn trong tác phẩm sẽ trở nên rườm rà, mất hứng thú nếu cứ viết theo giọng văn tiểu thuyết. Để theo kịp những tình tiết sôi nổi trong truyện, tôi xen vào lề lối đối thoại ngắn và gọn của kỹ thuật viết kịch bản. Nhưng có nhiều khi, trong cùng một khoảng thời gian ngắn ngủi, có nhiều sự kiện xảy ra một lúc, ở nhiều chỗ khác nhau. Để diễn tả được trọn vẹn cái đó không gì bằng áp dụng kỹ thuật của phim ảnh. Ngòi bút của người viết không khác gì ống kính của cameraman, đưa người đọc qua một mẩu sống ở chỗ này qua một mẩu sống ở chỗ kia, và tất cả những mẩu sống ấy xoáy tròn chung quanh một thời gian nhất định, một sự việc mấu chốt mà người viết định trình bầy với độc giả.”

Không biết Kịch tác gia Vi Huyền Đắc có đọc những lời kể trên hay không, vốn đã được kịch tác gia Vũ Khắc Khoan cho in lại trên tuần báo Nghệ Thuật, số 20 ra vào tháng 2-1966, nhưng tôi không thấy Cụ nhắc lại vấn đề này nữa.

Có một điều mà ít ai nhớ hay là biết về một công trình khá công phu của Cụ Vi Huyền Đắc. Đó là đã có thời Cụ miệt mài ngồi sáng tạo ra một lối chữ viết tiếng Việt mà Cụ gọi là “Việt Tự”. Đây là một công trình mà Cụ cho là nghiêm túc, rất muốn phổ biến nên Cụ đã soạn hẳn thành sách và cho xuất bản từ năm 1929. Có điều là lối viết này na ná chữ Nho nên không xếp chữ được mà Cụ phải tự tay viết rồi thuê thợ khắc bản gỗ để mang in. Chi tiết về lối chữ này khá dài dòng, phức tạp như thể Cụ chủ trương chữ quốc ngữ phải có 72 nguyên âm như a, à, á, ả, ã, ạ, e, è, é, ẹ. ê, ề, ế, ệ  ..v.v.., chỉ xin đan cử một thí dụ coi như một kỷ niệm về công trình của một bậc lão thành luôn luôn hết lòng với chữ nghĩa.

Thí dụ này lấy từ bài “ Sống và viết với Vi Huyền Đắc” của Nguyễn Ngu Í đăng trên Bách Khoa số 200 ra ngày 1-5-165: Đây là hình bìa của cuốn “Cô Đốc Minh”, do Vi Huyền Đắc trước tác, Thái Dương Văn Khố xuất bản và do Cụ Vi đã tự tay viết để đem khắc bản gỗ.

Pix15

Đọc từ trái qua :

CÔ ĐỐC MINH

Phong trần tri cỉ

Vi Huyển Đắc  trước tác

Thái Dương Văn Khố  xuất bản.

Phân tích hàng chữ đầu, bên trái “CÔ ĐỐC MINH” :

Pix16

Về lối chữ Việt viết kiểu này, nhà báo Nguyễn Ngu Í có hỏi:

– Báo chí lúc ấy và bạn bè có phê phán gì về Việt Tự của anh không ?

Cụ Vi đáp:

– Có, tôi có nhớ, báo Trung Bắc Tân Văn có nói đến. Trần Trọng Kim có viết thư cho tôi, khen việc tôi làm. Nhất Linh sau đó mấy năm trách tôi bỏ công ra làm một việc vô ích, để thì giờ mà viết kịch có phải hơn không. Nếu anh ấy biết tôi đã nghĩ đến việc hỏi đặt làm máy chữ tại Đức qua người đại lý máy đánh chữ Đức hiệu Adler làm trung gian thì tác giả “Đoạn Tuyệt”sẽ còn trách tôi nhiều hơn.

Cuộc sống của Cụ Vi Huyền Đắc sau khi vào Nam cũng rất thanh bạch. Nhà thơ Nguyễn Vỹ đã viết về Cụ như sau:

“ …Cuối năm 1954, sau gần 20 năm xa cách, tôi mới gặp lại Vi Huyền Đắc ở trong một căn nhà tĩnh mịch, mà anh đặt tên là Hoàng Mai Hiên, giữa một cảnh trí nên thơ ở miệt Ngã Năm Bình Hòa, ngoại ô Gia Định. Nhà chỉ có hai vợ chồng với một u già. Bao nhiêu cơ đồ sự nghiệp ở Hải Phòng đều bỏ lại đất Bắc hết. Bao nhiêu sách quý, các bản thảo, cả những tác phẩm của anh đã xuất bản hồi tiền chiến, đều bị mất sạch. Bấy giờ chị đi dạy học ở trường Tiểu học ĐaKao, còn anh thì ở nhà dịch tiểu thuyết Tàu cho vài tờ báo, sống cuộc đời nhà văn thanh cao, yên tịnh. Trong lúc ở ngoại quốc, các nhà kịch sĩ đang đưa lên sân khấu những sáng tác phẩm vô cùng sôi nổi, thì ở nước Việt Nam một nhà kịch sĩ rất có nhiều khả năng, nghệ thuật điêu luyện tinh vi, đành xếp các vở kịch qua một bên, để dịch các tiểu thuyết Tàu cho qua ngày tháng…”

Theo tác giả Trần Tâm trên trang nhà Việt Văn Mới (http://newvietart.com/) thì sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cụ Vi Huyền Đắc ra Hà Nội sống với con trai là Giáo sư, Bác sĩ Y khoa Vi Huyền Trác. Ở đây thì Cụ bị ngã gãy xương, lại cao tuổi và bị loãng xương. Vết thương phải phẫu thuật nhưng sau một tháng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai thì Cụ mất vào ngày 16 tháng 8 năm 1976, thọ 77 tuổi.

Tác phẩm của Vi Huyền Đắc gồm có (theo Wikipedia):

Kịch bản sáng tác:

Uyên ương (Thái Dương văn khố xuất bản, 1927. Đã diễn 4 lần tại Nhà hát Tây Hà Nội và nhiều tỉnh trên đất Bắc)

Hoàng Mộng Điệp (Thái Dương văn khố xuất bản, 1928. Diễn lần đầu tại nhà Nhạc hội Hà Nội năm 1930)

Hai tối tân hôn (Thái Dương văn khố xuất bản, 1929)

Cô đầu Yến (Thái Dương văn khố xuất bản, 1930)

Cô đốc Minh (Thái Dương văn khố xuất bản, 1931)

Nghệ sĩ hồn (1932)

Kinh Kha (đăng báo Phong Hóa từ số 134-138 năm 1935)

Ông Ký Cóp (1937, diễn lần đầu tại Nhà hát Tây Hà Nội tối ngày 15 tháng 10 năm 1938, diễn tại Hải Phòng tối ngày 19 tháng 12 năm 1938)

Eternels Regrets (viết bằng tiếng Pháp, Thái Dương văn khố xuất bản, 1938)

Kim tiền (Đăng trên báo Ngày Nay, từ số 99 đến 107, diễn lần đầu tại Nhà hát Tây Hải Phòng năm 1938)

Giê Su, đấng cứu thế (1942)

Lệ Chi Viên (1943)

Từ Hi Thái hậu (khoảng 1954)

Thành Cát Tư Hãn (1955)

Kịch bản phóng tác văn học nước ngoài :

Cá nước chim trời(nguyên tác của Đinh Tây Lan)

Láng giềng (nguyên tác của Hoàng Tự Thôn)

Khổng Tử can đạo chích (nguyên tác của Từ Vu)

Kịch bản dịch :

Mạc Tin (bản dịch vở Martine của J.J Bernard), Đời Nay xb, Hà Nội, 1936.

Truyện dịch từ Trung Văn :

Cô gái điên (nguyên tác của Từ Vu)

Người bạn lòng(nguyên tác của Tuấn Nhân)

Gái thời loạn (nguyên tác của Vũ Văn Hoa)

Ánh đèn (nguyên tác của Từ Vu)

Trên hòn hải đảo (nguyên tác của Quách Tự Phần)

Bóng chim tăm cá (nguyên tác của Chu Xuân Đăng)

Anh hùng tay bánh (nguyên tác của Lý Phi Mông)

Ba đóa hoa (nguyên tác của Quỳnh Dao)

Tấn bi kịch trong đình viên (nguyên tác của Lâm Ngữ Đường)

Khúc ca mùa thu (nguyên tác của Lâm Ngữ Đường)

Một gia đình (nguyên tác của Từ Vu, 1957)

Người đi (nguyên tác là Marins của M. Pagnol), Tử sách Thanh niên, 1963.

Biên khảo

Máy hơi nổ (1956)

Việt tự (1929)

Bạch hạc đình (1944)

Khóc lên tiếng cười (1945)

Vở kịch hay nhất (1955)

Nhà có Phúc (1956)…

Sau đây là mẫu quảng cáo vở kịch Ông Ký Cóp in năm 1937, diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội tối ngày 19 tháng 11 năm 1938, diễn tại Hải Phòng tối ngày 19 tháng 12 năm 1938):

Pix17

Nội dung mẫu quảng cáo  như sau :

Tại Nhà Hát Lớn Hanoi tối 19 Novembre:

 Ban Nghệ Sĩ do ông Thế Lữ chỉ dẫn,

sẽ diễn ÔNG KÝ CÓP, hài kịch mới, 3 hồi của Ô. Vi Huyền Đắc.

Các Cô : SONG NGA, MINH TRÂM, THANH HƯƠNG và SONG KIM.

Các Ông : HUYỀN THANH, NG. THÂN, NG. ĐẠO, và LINH TÂM.

Và THẾ LỮ (trong vai ông Ký Cóp)

Mở đầu : Một cuộc diễn ca của một nhạc sĩ tương lai : Ông  LÊ THƯƠNG

Những bài ca có giá trị (hầu hết chưa xuất bản): Tiếng Đàn Khuya, Một Ngày Xanh, Xuân Năm Xưa, Trên Sông Dương Tử, Khúc Ly Ca..v..v..

Cả một bầu trời thơ nhạc du dương sẽ gợi lên trong tiếng ca hiếm có của nhạc sĩ.

*******

VuHoangChuong

Thi sĩ Vũ  Hoàng  Chương

(1916-1978)

Người giữ chức vụ Chủ Tịch Văn Bút sau nhà văn Đỗ Đức Thu và nhà văn Nhất Linh là nhà thơ Vũ Hoàng Chương.

Ông luôn luôn luôn mặc chiếc áo dài ta mầu đen, hoặc áo choàng kiểu tu sĩ mầu nâu. Vào mùa Hạ, khi đi họp ông còn phe phẩy cái quạt giấy nom rất là…đạo sĩ. Thân hình ông ẻo lả, nước da xanh xao, ít khi thấy hồng hào.  Ông có một cử chỉ rất duyên dáng là khi ngồi trước cử tọa để diễn thuyết, mỗi khi mở một trang giấy ở trước mặt thì ông lại thè lưỡi liếm bàn tay trước khi mở giấy, y như thể mỗi khi đếm tiền, lúc khô nước người ta phải nhấm lưỡi lên ngón tay cho ướt. Riêng nhà thi sĩ thì chơi nguyên cả bàn tay khiến khán giả vừa thích thú vừa cười bò. Sau này, trong vai trò Cố vấn Văn Bút, Thi sĩ cũng vẫn rất siêng năng đi họp. Ông ngồi đấy nhìn những đàn em với cặp mắt hiền từ, bao dung như sẵn sàng chia sẻ với mọi người trong các vấn đề đang bàn thảo.

Trong dịp Thi sĩ đi dự Hội Nghị Quốc Tế Văn Bút lần thứ 33 ở Bled, Nam Tư  tháng 7-1965 (bị nhà văn Mặc Đỗ chỉ trích – xin coi  phần trước, trang 89 ), ông có thuật lại cuộc phỏng vấn do các nhà báo ở Áo và Đức thực hiện. Xin trích đoạn bài phỏng vấn của Lê Phương Chi như sau :

“Tôi tìm đến nhà ông Vũ Hoàng Chương vào một buổi tối. Sau khi ghi chép những tài liệu về cuộc Hội Nghị Quốc Tế Văn Bút lần thứ 33 (33è Congrès de L’International P.E.N.), tôi hỏi:

– Xin ông cho biết cuộc phỏng vấn của các nhà báo bên ấy, ông đã trả lời với họ những gì? Ông còn nhớ tên những nhà báo ấy không ?

– Có chứ ! SALZBURG, VIENNE, GRAZ (các nhà báo này đều ở Áo  và ở Đức). Họ vây tôi có trên 20 người. Họ phỏng vấn và thu trực tiếp vào máy ghi âm (magnétophone). Họ hỏi nhiều vấn đề linh tinh xoay quanh thời cuộc Việt Nam.  Nhưng tôi khước từ bằng câu nói: “Tôi sang đây với nhiệm vụ về văn hóa, xin được phép trả lời các ông ở phạm vi ấy.” Bấy giờ họ mới chịu hỏi:

– Tình hình sáng tác ở Việt Nam ra sao ? Có được tự do tư tưởng không?

-Ở nước chúng tôi sáng tác hoàn toàn tự do nhưng vấn đề phổ biến tác phẩm thì chật vật vì tình trạng chiến tranh.

– Nước ông có nhiều văn sĩ nổi tiếng không ?

–   Ở nước chúng tôi đã có rất nhiều văn tài. Nhưng sự nổi tiếng còn lệ thuộc vào vấn đề ngôn ngữ. Ngôn ngữ của các nhà văn ấy có phải là thứ ngôn ngữ được truyền bá rộng khắp hay không. Do đó tiếng Việt chúng tôi không thể phổ biến bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Mỹ, thì lẽ dĩ nhiên các nhà văn trong nước chúng tôi cũng không thể sánh được với các nhà văn Anh, Pháp, Mỹ về vấn đề nổi tiếng.

–  Tác phẩm trong nước ông có được dịch ngoại ngữ nhiều không ?

–  Trước đã có, như truyện Kiều của cố văn hào Nguyễn-Du; nhưng gần đây thì phát triển mạnh. Về tiểu-thuyết thì đã có tác phẩm của cố văn-hào Nhất-Linh là nguyên Chủ-tịch của Trung-tâm Văn-bút chúng tôi; về thi ca cũng có cả tập thơ của tôi đã được dịch sang Anh, Pháp ngữ nữa.

– Các ông có dịch tác phẩm của Tây phương không?

– Có chứ ! chúng tôi đã dịch thơ của thi-hào LAMARTINE, truyện của Hohoré de BALZAC, kịch của SHAKESPEARE, CORNEILLE; và gần đây là các tác phẩm của Ernest HÉMINGWAY, William FAULKNER, Albert CAMUS v..v..

– Thử đọc một đoạn đã dịch ra tiếng nước ông xem thế nào ?

– Đáp : Đây là mấy câu trong bài Le Lac của Lamartine :

               Trôi đi mãi con thuyền phiêu mạn

              Khoảng đêm dài vô hạn bơ vơ

              Mênh mông xa bến lạ bờ

              Bỏ neo dừng lại một giờ được chăng ?

Nguyên văn là : Ainsi toujours pousses de la nouveaux rivages. Dans la nuit éternelle emportes sans retour, Ne pourrions-nous jamais sur l’océan des âges, Jeter l’ancre un seul jours ? ( bài này tôi dịch đã lâu lắm rồi, may sao bây giờ tôi lại nhớ ra ).

– Còn về thi ca cổ điển, ai nổi tiếng nhất trong nước ông ?

– Đáp: Cố văn-hào Nguyễn-Du với tác-phẩm Truyện Kiều làm bằng văn vần ; đã có nhiều bản dịch sang Anh và Pháp ngữ, từ thời tiền chiến.

– Xin tóm tắt tác phẩm ấy và đọc cho nghe thử mấy câu bằng tiếng của nước ông.

– Đáp : Đây là câu truyện kể về cuộc đời luân lạc của một thiếu nữ tài hoa bạc  mệnh v.. v.

Trăm năm trong cõi người ta

                Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

( tôi ngâm 6 câu tất cả )

Xin xem toàn bộ bản văn này ở các trang trước.

***

Suốt thời gian ở Văn Bút trước 1975, nghĩ đến ông bao giờ chúng tôi cũng có những hình ảnh thân thương, êm đềm, tốt đẹp nhưng chỉ đến khi có biến cố 30-4-1975 thỉ mới thêm những ý nghĩ chua xót ngậm ngùi  qua lời kể về ông của nhà văn Mai Thảo như sau:

(trích)

…”… – Khi nhóm nhà văn nhà thơ tiền chiến theo Đảng đã đủ mặt ở Sài Gòn, họ đến gặp Lê Tràng Kiều, Bàng Bá Lân, Quách Tấn, cả Vũ Bằng nữa, mà không một ai chịu tới thăm nữ sĩ Mộng Tuyết ở Úc Viên biệt thự. Là phụ nữ, lại thiếu cao ngạo, thiếu bản lãnh, sự “tẩy chay” này khiến Mộng Tuyết rất đỗi lo sợ. Nữ sĩ hốt hoảng đi tìm hai người viết nằm vùng là Sơn Nam và Vũ Hạnh để tìm hiểu lý do.

Bà than:

– Năm 1934, tôi đã được giải thưởng thơ của Tự Lực Văn Đoàn. Các anh Xuân Diệu, Thế Lữ bao nhiêu năm vẫn giao du với tôi và Đông Hồ rất thân thiết. Tôi lại chỉ làm thơ vịnh hoa, vịnh trăng, không chống cộng, chống cách mạng. Nay các anh ấy vào, đi thăm hết cả mà không một ai đến tôi là làm sao? Tôi có tội phải cho tôi biết chứ!

Vũ Hạnh lắc đầu:

– Chị được coi là không có tội. Các đồng chí không tới thăm chị chỉ vì Vũ Hoàng Chương hiện đang ở nhà chị đó!

Lần chót tôi tới Gác Mây, nhà của Mộng Tuyết, Vũ Hoàng Chương thuật lại nguyên nhân trường hợp Mộng Tuyết bị tẩy chay cho tôi nghe. Ông nói:

– Tao không trách Mộng Tuyết. Chẳng thể bình tĩnh thản nhiên như mình được. Vợ Đinh Hùng lên nhiều lần, lần nào cũng khẩn khoản mời vợ chồng tao về ở cùng, nói sống chết thế nào còn có nhau. Chính tao cũng đã định về phường Cây Bàng từ lâu. Chỉ ngại dọn nhà. Gặp Vũ Hạnh xong, Mộng Tuyết không dám nói rõ sợ tao giận, nhưng tao đã hiểu. Mày nghĩ tao có nên rời khỏi Gác Mây của Mộng Tuyết không?

Đó là một tòa biệt thự lạnh lẽo. Hai cánh cổng sáng chiều đóng chặt. Một nữ chủ nhân hoang mang lo sợ trước đổi đời. Thời thế tối thẳm, hung dữ đã giết chết cái không khí thanh lịch, đài các của hoa Lan, hoa Quỳnh. Gác Mây đâu còn là Gác Mây nữa. Úc Viên biệt thự tầm thường đâu còn xứng đáng là chỗ ở của thi bá. Từ ngày Vũ Hoàng Chương bị làm khó ở căn nhà vách ván lụp xụp ở khu Bàn Cờ, rồi Mộng Tuyết hết lời mời mọc, thi sĩ đành tới nhờ Úc Viên, có Gác Mây.

Trong truyền thống những thi sĩ lớn của dòng thơ Việt mọi thời, hoàn cảnh đời sống hàng ngày của Vũ Hoàng Chương phải được trải mãi trên tấm thảm gấm của Bần Bách và Đạm Bạc như trên tấm thảm ấy đã Tú Xương, đã Tản Đà, đã Nguyễn Bính, đã Đinh Hùng, đã Hàn Mặc Tử. Tôi mừng rỡ:

– Bọn khốn nạn khởi sự làm khó mày rồi đấy. Làm khó từ chỗ ở trước. Ở đây ra vào kiểu cách, khó chịu lắm. Về phường Cây Bàng đi. Ngại dọn nhà sẽ có bạn bè đến dọn.

Vũ Hoàng Chương thật sự có vẻ vui thích trước ý nghĩ ông về sống trên căn gác xép ngày trước của Đinh Hùng. Ông đã gần Đinh Hùng một đời. Bây giờ gần thêm nữa. Và tôi chia sẻ với ông niềm sung sướng đó. Ông nói:

– Một tuần lễ nữa, tao đi.

Năm ngày sau tôi trở lại Úc Viên, để thấy Vũ Hoàng Chương đã đi sớm hơn ông đã hẹn. Hai ngày trước, một nhóm sinh viên Luật yêu thơ ông, trước là học trò ông, tới thăm thầy đã đi mướn xe, khuân đồ đạc dùm thầy xuống khỏi Gác Mây, hộ tống thầy dọn đi rồi. Lần trở lại Úc Viên này, tôi không vào. Chỉ đứng lại với Mộng Tuyết ít phút ở cổng. Mộng Tuyết có vẻ ngượng:

– Anh Chương đi rồi. Giữ ảnh ở thêm ít ngày thế nào cũng không chịu.

Tôi không giấu được buồn bã:

– Từ phút anh Chương rời khỏi đây, Hà Nội đã chấm dứt tẩy chay chị rồi chứ? Những ai đã tới thăm chị rồi? Chúng mình cùng một cảnh ngộ, đã sống thân thiết với nhau mấy chục năm trời, bây giờ chết cũng phải tình nghĩa cố kết hơn lúc nào hết. Cho họ khỏi coi thường. Không ai đến thăm thì thôi. Chị đã bẩy mươi tuổi, còn sợ gì nữa?

Về sau tôi được biết Vũ Hoàng Chương về phường Cây Bàng buổi chiều thì ngay buổi tối ngày hôm đó, Vũ Hạnh chở Vespa Xuân Diệu tới thăm Mộng Tuyết. Rồi hôm sau, Huy Cận, Chế Lan Viên tới. Khi Mộng Tuyết nói thi sĩ đã rời khỏi Gác Mây, đám nhà thơ miền Bắc đặc biệt đố kỵ với riêng ông chỉ vì trời thơ hai miền hào quang ông át lấn mọi hào quang khác, đã giả vờ tỏ vẻ hối tiếc là không biết trước để tới thăm thi sĩ sớm hơn……”…

(ngưng trích)

Ngày 13 tháng 4 năm 1976, Nhà Nước CS bắt giam Ông đưa vào khám Chí Hòa. Rồi vì bệnh nặng, ông được thả về, nhưng chỉ 5 ngày sau tức ngày 6 tháng 9 năm 1976 thì ông từ trần, để lại mấy bài thơ làm trong tù như sau :

Pix18

Văn tự hà tằng vi ngã dụng

Cơ hàn bất giác thụ nhân liên.

Nguyễn Du

Chẳng dùng chi được văn tài

Thân này lụy áo cơm ai bất ngờ

Phút giây chết điếng hồn thơ

Nét đau mặt chữ đến giờ còn đau.

Chắc gì ba trăm năm sau

Ðã ai vào nổi cơn sầu nằm đây

Nếu không cơm đọa áo đầy

Như thân nào thịt xương nầy bỗng dưng.

Chết theo vào đến lưng chừng

Say từng mảnh rớt mê từng khúc rơi

Nửa chiều say ngất mê tơi

Khúc đâu lơ láo mảnh đời Thi Vương.

Chí Hòa 1976

V.H.C

***

TRONG KHÁM CHÍ HÒA

Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn,

Lông hồng gieo xuống nhẹ như non,

Một manh chiếu nát, thân tơi tả,

Nửa bát cơm hôi, xác mỏi mòn.

Ngày đến bữa ăn thường nhớ vợ,

Đêm về giấc ngủ lại thương con.

Dẫu bao nước chảy qua cầu nữa,

Hồ dễ gì phai được tấc son.

  • – Vũ Hoàng Chương

 VoVuHoangChuong

Bà Đinh Thục Oanh – Vũ Hoàng Chương, phu nhân – trước bàn thờ của cố Thi sĩ.

 ******

LinhMucThanhLang

Linh Mục THANH LÃNG

(1924-1978)

Chủ tịch Văn Bút cho tới tháng Tư-1975 là LM. Thanh Lãng, một người ôn tồn, điềm đạm, thanh nhã, cởi mở và cũng hơi diêm dúa. Ông luôn luôn bận áo chùng thâm có cổ cồn trắng và hút thuốc lá Craven A. Ông cũng lại hay sức nước hoa, nếu ở sát gần thì thấy hương sực nức. Với Ông, tôi có nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ.

Một lần, tôi theo Ông đi dự đám tang của văn hào Nhất Linh ở nghĩa trang Giác Minh, Sài Gòn ngày 13-7-1963. Hôm đó công an, mật vụ của chính quyền len lỏi vào đám tang rất đông. Họ vây quanh đám ký giả ngoại quốc và những nhân vật dân sự không phải là người nhà của tang chủ. Nhờ bộ áo chùng thâm của LM Thanh Lãng mà tôi theo vào được nghĩa trang, trong khi một vài hội viên khác thì bị cản trở, rớt lại. Hôm đó, ngoài những nghi thức tụng kinh, khấn lễ thông thường, đã có 3 phần phát biểu ngoại lệ  thay cho điếu văn tiễn biệt là của Bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ, đại diện chính giới, Linh mục Thanh Lãng, đại diện Trung tâm Văn bút Việt Nam và tôi, nhân danh thuộc thành phần văn nghệ sĩ trí thức trẻ.

Khi ở đám táng ra, đối diện với rất đông thành phần an ninh, trật tự đang xô đẩy đám phóng viên ngoại quốc cứ sấn lại tính phỏng vấn chúng tôi,  LM Thanh Lãng kéo tay tôi chạy về chỗ đậu xe của mình. Trên xe, lúc cầm lái, ông nói nhỏ nhẹ:

– Liệu lánh mặt đi vài bữa, kẻo phiền.

Tôi đã nghe lời ông. Ngay hôm đó, tôi vẫn để cái xe hơi con cóc (Renault 4 cheveaux) tại ngay trước cửa nhà đường Phan Kế Bính và mau mắn đi tuốt xuống Biên Hòa, tạm cư ngụ ở nhà anh bạn tên Nguyễn Tân Hoan vốn đang là GS Anh ngữ trưởng  công lập Ngô Quyền Biên Hòa.

****

Năm 1974, khi Sài Gòn đang ở vào  thời kỳ cực kỳ xáo trộn do luật Báo Chí 007 (xin coi thêm ở phần sau), vào chiều 1-9-74, Trung Tâm Văn Bút Việt Nam triệu tập phiên họp bất thường của Ban Thường Vụ. Kết quả là Hội đã thông qua một bản Kháng Nghị gởi cho báo chí và Hội nghị Thơ Văn Quốc Tế kỳ 6 đang họp tại thủ đô Bruxelles, Bỉ với nội dung kêu gọi Hội Văn Bút Quốc Tế và các tổ chức văn hóa báo chí quốc tế tích cực can thiệp cho quyền tự do thông tin được tái lập.

Sau đó, Trung Tâm Văn Bút còn công bố tổ chức một buổi hội thảo về báo chí vào lúc 18 giờ chiều Thứ Tư 11-9-74 tại trụ sở của Hội, vì thế mà con đường Đoàn thị Điểm đã bị cảnh sát bủa vây và kiểm soát lối ra vào trụ sở của Trung Tâm Văn Bút.

Chiều hôm đó khoảng sau 4 giờ tôi lái xe đến Văn Bút để thăm dò tình hình. Vì nhờ tôi có thẻ của Hội Viên Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục nên Cảnh sát không thể ngăn cấm tôi vào trụ sở được. Thẻ này do Phó Tổng Thồng Trần văn Hương kiêm Chủ tịch Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục ký, cho phép người có thẻ đi bất cứ nơi nào trên toàn lãnh thổ kể cả trong giờ giới nghiêm.

Khi đó, trong văn phòng Văn Bút ở tầng trệt, tôi thấy lố nhố nhiều bóng người. Cụ Hinh, thư ký của Hội thấy tôi tới mừng quá, nói to:

– Đây có ông Phó Chủ tịch vừa tới, các ông muốn hỏi gì thì hỏi.

Tôi bước vào phòng thấy có ba, bốn người đứng trước bàn giấy như đang lục lọi. Một người đứng kế cánh cửa ra vào thì tôi nhận ra ngay là ông Chu Bá Tước, một đồng nghiệp đã từng cùng dạy học với tôi ở trường trung học Trấn Võ của ông Cựu Tổng Trấn Bắc Việt Nghiêm Xuân Thiện. Sau này, ông Chu Bá Tước về làm phụ tá cho ông Tổng Ủy Dân Vận Hoàng Đức Nhã, trong chức vụ hình như là Chủ Sự Phòng Kiểm Duyệt. Tôi đã gặp ông Chu Bá Tước ở Bộ Thông Tin nhân dịp đến xin kiểm duyệt một tác phẩm. Hôm đó hình như ông Tước đang hạch hỏi chuyện gì với nhân viên của ông ấy nên vẻ mặt của ông lầm lì, xanh tái khiến các nhân viên có vẻ nín lặng, e dè. Trong tình cảnh đó tôi không thiết tới chuyện tay bắt mặt mừng với bạn đồng nghiệp cũ, chỉ lẳng lặng làm xong thủ tục rồi mau mau ra về bỏ lại phía sau bầu không khí vẫn đang có vẻ nặng nề.

Hôm nay gặp lại ông Chu Bá Tước tại trụ sở Văn Bút, tôi hết sức bất ngờ. Còn đang phân vân không biết nói năng gì thì vừa may Chủ tịch Văn Bút Thanh Lãng cũng vừa lái xe tới. Nhìn thấy quang cảnh văn phòng lố nhố những người, lại có kẻ đang mở ngăn kéo bàn giấy, LM. Thanh Lãng quát to:

– Ai cho phép mấy người bước vô đây ? Có biết đây là đâu không ? Đi ra ! Đi ra hết !

Trước cơn thịnh nộ (chưa từng có) của một vị Linh Mục, lại hẳn cũng biết vai trò của ông trong Hội Văn Bút nên ông Chu Bá Tước ra hiệu cho nhân viên bước hết ra ngoài và rút khỏi trụ sở.

***

Sau biến cố 30-4-1975, tuy còn đang làm Trưởng ban Văn Chương Quốc Âm ở đại học Văn Khoa Sài Gòn nhưng chắc sinh hoạt ở đó cũng nhiều trò nhố nhăng lắm nên ông không muốn về trường nữa mà đi làm tàu hủ ở một Hợp tác xã trong Ngã Tư Bẩy Hiền. Thỉnh thoảng trên đường đạp xe từ Hợp tác xã trở về nhà (ông ở ngay con hẻm đi vào trường Lê Bảo Tịnh, đường Trương Minh Giảng cách nhà tôi độ non cây số),  ông hay ghé qua nhà tôi để cho mấy bìa đậu hủ mới ra lò, cầm lên thấy vẫn còn nóng hổi. Như vậy dư luận sau này lên án ông là một kẻ nằm vùng là hoàn toàn sai lạc. Vì nếu là kẻ nằm vùng thì sau 30-4, nhân thân là một Linh mục, một giáo sư Đại học, ông  đâu có đi làm đậu hủ !

******

HoHuuTuong  Pix19

Nhà văn  Hồ  Hữu Tường

(1910-1980)

 Một nhân sự khác cũng ghi lại cho tôi nhiều ấn tượng là Ông Đệ Nhất Phó Chủ tịch Văn Bút, nhà văn Hồ Hữu Tường.

Tôi biết đến tên tuổi của nhà văn Hồ Hữu Tường kể từ khi tôi còn mài đũng quần ở bậc trung học ở Hà Nội, khoảng 1952, 1953.

Hồi đó tác phẩm Phi Lạc Sang Tầu của ông (in năm 1949) đã gây sôi nổi trong đám học trò chúng tôi. Những nhân vật như thằng Mõ làng Phù Ninh, thằng Mõ làng Cổ Nhuế, Cụ Nguyễn văn Tố trường Viễn Đông Bác Cổ, nhà sư Hoàng Hạc thuộc phe Trung Hoa Quốc Gia lặn lội qua VN tìm thằng Mõ để xin vấn kế. Những chuyện ly kỳ đó xen với  những tình tiết bỡn cợt thật mà như giả, giả lại có vẻ như thật, lại đưa vào bối cảnh chính trị lúc đương thời rất thích hợp với tầm mức suy nghĩ của đám trẻ chúng tôi ở lứa tuổi sắp bước vào tuổi trưởng thành, đầu óc tưởng tượng rất phong phú và cũng rất ham học hỏi. Và cũng chỉ thế thôi, chứ chúng tôi vào thời đó chưa có đủ trình độ để nhìn ra tác phẩm này đã có những dụng ý sâu xa như nhà phê bình văn học Thụy khuê sau này đã nêu ra :

…“ Phi Lạc sang Tàu là một tác phẩm phản kháng toàn diện. Một sự nổi loạn chống lại tất cả các hình thức từ chương, khuôn mẫu bào chế tư tưởng, chế nhạo những sự “mượn nhầm họ” mà họ Hồ là “nạn nhân” thời đại. Sự phản kháng của Phi Lạc có nguồn gốc sâu xa từ tự ái dân tộc, từ tình yêu dân tộc, nằm trong máu-óc Hồ Hữu Tường. Ông dùng một nhân vật cùng đinh, cùng khổ: thằng mõ (Cổ Nhuế hay Phù Ninh), cho nó làm đảo lộn trật tự tiên chỉ, làng xã; nó được thỉnh sang Tàu, sang Mỹ, sang Nga, như một cố vấn, một vị phu tử; nó làm “khuynh đảo” những “nền văn minh vĩ đại” bằng sự … tán dóc, nói láo. Sự đại náo của Phi Lạc, cũng như sự đại náo của Ngộ Không, tiêu biểu cho cuộc cách mạng thường trực của tư tưởng: luôn luôn phải đặt lại vấn đề, chống lại những trật tự có sẵn của những bậc thánh hiền hoặc giả hiền.”

Thụy Khuê

Paris, tháng 6/2003

[Hồ Hữu Tường (1910-1980)-Hồi ký và tiểu thuyết]

Phải thành thật mà nói tôi đã thấy mình bé nhỏ và bỡ ngỡ như một kẻ hậu sinh trước những bậc đại tiền bối khi được hân hạnh cùng đứng chung với Hồ Hữu Tường ở Ban Thường Vụ Văn Bút. Ông là một nhân vật khét tiếng ngay từ hồi tôi còn chưa được sinh ra kìa! Vì năm 1930 ông đã ở Pháp, cộng tác với nhà cách mạng Phan văn Hùm viết báo bằng tiếng Pháp, tờ La Verité (Sự Thật) chống đối việc Pháp xử tử anh hùng Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ VNQDĐ. Ông cũng ở trong ban biên tập tờ La Lutte (Tranh Đấu) xuất bản ở Sài Gòn năm 1934 cùng với các danh nhân nổi tiếng có tên trên biển đường là  nhà cách mạng Nguyễn An Ninh và Trần văn Thạch. Tuy nhiên ông không mang một cái vẻ gì là một nhân vật kỳ bí, oanh liệt  như những tài liệu lịch sử viết về ông cả.  Mặc dù đã vào tù ra khám nhiều lần, kể cả đi tù Côn Đảo nhưng ông vẫn giữ được vóc dáng đẫy đà, vầng trán cao, đôi lông mày rậm, bạc, với nụ cười thoải mái phô bộ hàm răng hơi lớn quá khổ. Bình thường, ông bận thường phục nhưng cũng có lần ông đến họp trong bộ áo nhà tu mầu vàng từ đầu tới chân. Hồi đó nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng tới họp Văn Bút, đầu cạo trọc, mặc áo thầy tu, đâu có sao !

Nhà văn Hồ Hữu Tường không hay gợi ý chuyện trò gì với tôi. Trong các phiên họp Thường Vụ ông chỉ chăm chú nghe và thỉnh thoảng cũng góp ý đôi điều trong vài vụ việc bình thường. Ngồi bên ông, tôi vẫn suy nghĩ về những chuyện ông đã làm trong quá khứ, những tác phẩm mà ông đã viết cho thế hệ chúng tôi đọc. Toàn là những thứ đáng nhớ, khó quên. Nhân khi ngồi viết những dòng này, tôi thấy cũng nên nhắc lại một  chuyện mà có thể ít người biết hay đã quên. Đó là chuyện đã có lần Hồ Hữu Tường hợp tác với nhà văn Khái Hưng để cùng sáng tác một truỵện dài theo lời kể của của nhà báo Nguyễn Ngu Í như sau :

“Việc xảy ra ở Hà Nội, năm 1946. Tôi (tức Hồ Hữu Tường) có bàn với anh Khái Hưng nên đưa hình thức tiểu thuyết mới, vì từ 1945, quần chúng bước ra sân khấu lịch sử, vai trò của cá nhân phải lu mờ trước vai trò của đoàn thể. Vậy, nội dung và thể tài của tiểu thuyết này phải khác. Anh Khái Hưng đồng ý, và chúng tôi hợp tác với nhau để viết chung một bộ tràng giang tiểu thuyết. Tôi chọn đề tài dựng sườn, phác họa nhân vật; anh Khái Hưng viết. Tên bộ tiểu thuyết: Gái nước Nam làm gì? Quyển đầu có tên: Nổi cơn gió bụi, mượn ở câu đầu “Chinh phụ ngâm”: Thuở Trời Đất …

– Chớ không phải Thu Hương?

– Không. Thu Hương, Chị Tập là hai phần trong bộ Gái nước Nam làm gì? cũng như Jean Valjean, Fantine, Cosette, Marius, trong bộ Les Misérables của Victo Hugo.

– Nhưng sao lại chọn đề tài Gái nước Nam làm gì? mà không Trai nước Nam làm gì? như một cuốn sách viết về thanh niên của anh Hoàng Đạo Thúy?

– Vì người con gái hành động do tình cảm, theo bản năng, mà rất nhẹ về lý trí. Tôi thấy lúc ấy lịch sử sắp lật qua trang mới, nên tôi muốn đặt lại vấn đề: “Hành động phải làm sao?” trong bộ Gái nước Nam làm gì? Anh Khái Hưng sửa soạn bắt tay vào việc, thì chiến tranh toàn quốc bùng nổ. Anh tản cư rồi bị hại. Tôi bị quân Pháp bắt về Hà Nội, rồi tôi về Sài Gòn. Tôi mới viết hai phần giữa rút ra trong bộ ấy. Thu Hương, rồi Chị Tập ra đời trên nhật báo Ánh sáng, rồi sau in thành sách. Đây chỉ là hai phác họa trong cái bích họa dự định để đánh dấu sự trỗi dậy của dân tộc khởi từ 1945, mà sự trỗi dậy này chẳng những đánh dấu lịch sử nước mình, mà cũng đánh dấu lịch sử nhân loại, vì do đó mà khơi mào cuộc chiến tranh nguội giữa hai khối Cộng sản và Tư bản. Tôi vẫn luyến tiếc cái dự định văn chương này, nên ra ngoài ngày tôi sẽ khởi đầu viết để đăng trên Hòa đồng.

(Sống và viết với Hồ Hữu Tường –

Nguyễn Ngu Í, Sài Gòn, 1966)

Hòa Đồng là tên của tờ tuần báo do ông cộng tác vào năm 1965 với mục đích  phát huy sự tổng hợp 3 nền văn minh: văn minh  Kỹ sư, văn minh Chính ủy và văn minh Tu sĩ.

Năm 1965 Ông làm Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Năm 1967 được bầu làm dân biểu trong Hạ Viện Việt Nam Cộng Hòa.

Sau tháng tư năm 1975, ông bị CS bắt đi tù.

Sau 5 năm vì sức khỏe quá yếu nên ông được trả tự do nhưng đã mất ngay trên chiếc xe chuyên chở ông khi về gần tới nhà. Đó là ngày 26/6/1980.

Xem Tiếp Chương V