Tôi đã đọc một số tác phẩm của các nhà văn Việt Nam như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Vũ Bằng và Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương ( Nguyễn Huy Thiệp và Dương Thu Hương qua bản dịch tiếng Pháp). Bây giờ, tôi vui mừng được đọc cuốn tiểu thuyết kịch “ Người Kéo Màn” của nhà văn Nhật Tiến, một nhà văn xuất thân từ Miền Nam VN mà đã có thời kỳ chúng tôi gọi là “nhà văn phía bên kia”, hiện đang định cư tại Mỹ.
Cảm giác đầu tiên của tôi sau khi đọc cuốn này là tôi đã bàng hoàng khi cảm nhận được “ sự giao thoa giữa hai nền văn hoá châu Âu và châu Á”. Với bút pháp đầy trí lực, và cao hơn, tính nhân văn hay nói một cách chính xác là ông đã viết tác phẩm này bằng một trái tim nhân hậu, biết yêu thương và biết cả căm giận. Theo tôi, tác phẩm đã làm nổi lên hai nhân vật chính : thằng bé tên Cưng và lão già kéo màn. Đứa bé là một nhân chứng “ hồn nhiên” cho sự xuống cấp về đạo lý con người trong khi lão kéo màn là một chứng nhân lạnh lùng. Cả hai đã như một thứ đòn bẩy để đẩy lên cái sân khấu rộng rãi nhất, đó là cuộc đời !
Để hướng tới cái Đẹp, người ta phải đánh nhau với bản năng. Người kéo Màn của nhà văn Nhật Tiến đã đem lại cho tôi một niềm tin, đó là : “ Khi đã biết ghê tởm với cái xấu, cái thói vô trách nhiệm thì con người sẽ nhận ra cung cách ứng xử với nhau sao cho tử tế hơn.”
Từ những năm đầu thập niên 60, ( lúc chúng tôi đang chuẩn bị cho việc tiến hành Mùa Xuân Dân Chủ 1968 tại Tiệp), thì ở Việt Nam, nhà văn Nhật Tiến cũng đã khởi sự sáng tác tác phẩm này, tôi coi như ông cũng đã cùng chúng tôi “ làm một cuộc cách mạng về tình yêu thương hướng về cái nhân bản trong con người”.
Khả năng tiếng Việt của tôi không khá lắm nhưng cũng tạm đủ để hiểu được cái thông điệp mà nhà văn Nhật Tiến muốn gửi tới bạn đọc :
“ Hãy sống cho tử tế, lương thiện với nhau trước khi muốn bầy tỏ tình yêu đối với đất nước.”
Tôi hân hạnh được đọc Nhật Tiến và tôi hy vọng Tổ quốc của các bạn, một ngày không xa sẽ thoát khỏi gông cùm chuyên chế của một thể chế độc tài.
Dr. LUBOMIR SVOBODA
(Thành viên Nhóm Hiến Chương 77,
nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu Việt Học )