Thời điểm Sài Gòn Sau 30-4-1975 và Hải ngoại sau 1980 :
Tạp chí KHAI PHÓNG,
xuất bản tại Los Angeles – tháng 12-1981
Sau năm 1975 , văn nghệ sĩ ở quê nhà đã phải trải qua nhiều thời kỳ sống trong bầu không khí đe dọa thường trực. Trước hết là đợt tảo thanh sách báo cũ do Chi Đòan Thanh Niên và Ban Thông Tin Văn Hóa thuộc các Phường, Quận tự ý tiến hành coi như một nhiệm vụ đương nhiên. Đó là thời kỳ phải nói là “quân hồi vô phèng “ nhất, bởi vì trong công việc tiến hành tảo thanh sách báo, không có một chỉ thị nào rõ rệt, không có một tiêu chuẩn nào được đề ra, thậm chí cũng không có một quy định nào minh bạch để chỉ định những thành phần nào được quyền xông vào các tư gia để khám xét. Chỉ cần một toán thanh niên, bất cứ là từ đâu tới, đeo trên cánh tay trái một sợi băng đỏ và một người trong đám tự xưng là đại điện cho Chi Đoàn Thanh Niên Phường, không cần xuất trình giấy tờ chứng minh là cũng đủ khiến cho gia chủ phải mở rộng cửa cho họ ùa vào lục lọi khám xét, không chỉ ở trên kệ sách trưng bầy những sách báo mà cả ở gậm giường, hộc tủ, các xó kẹt, ở phòng ngoài, trong nhà trong, thậm chí đến cả phòng ngủ riêng tư cũng bị xộc vào bới lộn lung tung đủ thứ.
Chính căn nhà của tôi đã chịu một cảnh khám xét như thế lần đầu vào năm 1975 vào khoảng hơn một tháng sau khi miền Nam hoàn toàn rơi vào tay Cộng Sản. Họ đã ùa vào nơi trú ngụ của tôi, theo cung cách như tôi đã trình bày ở trên, với nhân số 25 người và trong suốt một buổi tối kéo dài từ 6 giờ chiều đến gần 12 giờ đêm. Mấy căn phòng trong căn nhà của tôi trong phút chốc biến thành một đống rác tràn ngập hồ sơ, giấy tờ, sách báo vứt ngổn ngang bừa bãi, trên nền nhà, giữa lối đi, trong bếp, ngoài sân, không còn thiếu nơi nào là không vương vãi những thư từ, tài liệu ghi chép và những bản thảo của những cuốn sách đã in hoặc đang viết giở dang chưa hòan tất. Cuối cùng họ rút đi và mang theo trên 3000 cuốn sách đủ loại (chất trên một dẫy xe ba gác đậu sẵn ngoài cổng), kể cả những bộ tự điển Bách Khoa bằng Anh ngữ hay Pháp ngữ của gia đình tôi. Nhưng tiếc xót nhất là toàn bộ những tác phẩm của giới văn nghệ miền Nam, toàn bản quí có chữ ký và triện son đề tặng của các tác giả, trong số đó có cả những thủ bút của Nhất Linh, Đông Hồ, Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Thanh Lãng, Hồ Hữu Tường và nhiều nhà văn, nhà thơ khác.
Những tưởng đã qua cuộc lục xóat và tịch thu một số lớn sách như vậy là thóat, nhưng không phải vậy, một buổi chiều kia, trong khi tôi vắng nhà, một tóan thanh thiếu niên đeo băng đỏ ở cánh tay lại ùa vào đưa “Lệnh tịch thu văn hóa phẩm đồi trụy” của Phường. Khi đó vợ tôi, Đỗ Phương Khanh phản kháng rằng:
– Nhà tôi đã bị tịch thu hết rồi.
Nhưng một cậu đeo băng đỏ gằn giọng:
– Không có chuyện đó, chúng tôi được mật báo nhà này còn giấu nhiều sách báo đồi trụy trên lầu.
Rồi họ xấn xổ xông vào phía trong, là khu vực dành riêng cho nhà in Huyền Trân của chúng tôi. Đỗ Phương Khanh vội điện thọai kêu cứu với nhà văn Minh Quân, nói rằng chúng tôi chỉ còn giữ lại những tài liệu kỹ thuật và những sách cổ, e rằng họ sẽ làm mất mát rất uổng. Chị Minh Quân vội gọi điện thoại ra Hội Văn Nghệ Giải Phóng, tính đề nghị họ hãy giúp trì hõan để nếu có tịch thu thì cũng giữ lại những tài liệu quý kẻo uổng. Sau này chị Minh Quân cho biết là người nhấc máy đầu dây bên kia là nhà văn Sơn Nam. Ông ta cười mà rằng:
– Ôi, nhà Nhật Tiến làm gì có sách quý, chỉ tòan đồ đồi trụy phản cách mạng chứ gì.
Đợt thứ 2 chúng tôi bị tịch thu đó nguyên nhân vì trong quá trình ruồng xét ở những nơi khác, bọn “đeo băng đỏ” vào nơi cư ngụ của một nhà văn nữ (xin miễn nêu tên), ở cùng phường với chúng tôi, người này có lẽ trong cơn hỏang hốt, đã nói khơi khơi:
– Nhà tôi đâu có bao nhiêu sách mà tịch thu, nhà ông Nhật Tiến mới nhiều kìa, ông ấy có cả một thư viện cho bọn độc giả báo Thiếu Nhi mượn đọc ở trên lầu ấy, đến đấy mà tịch thu mới bõ chứ!
Những cuộc khám xét và tịch thu một cách trắng trợn và vô luật pháp đó đã đem lại cho tôi một nỗi ám ảnh trong suốt những năm sau này khi còn sống dưới chế độ Cộng Sản. Nó dạy cho tôi một bài học bằng kinh nghiệm sống rằng không có gì có thể gọi là an toàn trong cuộc đời của một người dân dưới chế độ Cộng Sản. Đối với giới văn nghệ sĩ sáng tác thì điều đó lại càng cần ghi nhớ hơn để không chủ quan khinh thường. Chỉ cần sơ sẩy ở một hành vi nhỏ, bỏ vương một bài thơ, một đoạn văn, một mẩu nhật ký có tư tưởng chống đối chế độ thì cuộc đời đang yên lành, trong một sớm, một chiều có thể qua một ngã rẽ đen tối mới với tù đầy, khổ sai lao động dễ như người ta thay đổi một tấm áo.
Tiếp theo đó là chiến dịch ruồng bắt các văn nghệ sĩ, ký giả được thực hiện vào đầu năm 1976. Đây là thời kỳ khủng bố gắt gao nhất đối với anh chị em văn nghệ sĩ. Một bầu không khí nặng nề đến nghẹt thở bao trùm trong giới cầm bút. Hôm nay gặp nhau mỉm cười gượng gạo, ngày mai đã có tin về nhau, kẻ này bị bắt ban đêm, kẻ kia bị chận bắt ở đầu phố giữa ban ngày. Nhiều cuộc lục soát tại nhà các văn nghệ sĩ lại được tung ra, lần này không còn có tinh chất tự phát ở Quận, ở Phường nữa mà do những bàn tay chuyên nghiệp của Sở Công An cấp Thành ( do Thành Uỷ chỉ đạo ).
Ký Giả Lê Văn Vũ Bắc Tiến đã tường thuật lại tỉ mỉ một cảnh khám xét này qua một hồi ký đăng tải trên một báo Việt ngữ ở hải ngoại gần đây. Kịch tác gia Minh Đăng Khánh, sau ngày ở tù ra cũng đã mô tả lại cho bạn bè nghe về cảnh Công an ùa vào nhà khám xét từ mảnh giấy nhỏ bằng 2 ngón tay trở đi cho đến những tập hồ sơ dầy cộm không bỏ sót một chi tiết nào. Chính lần ấy nhà văn Nguyễn Thụy Long đang ngồi chơi trong nhà Minh Đăng Khánh, không hiểu do linh tính cách nào, mà mới chỉ thoáng nhìn ra cổng thấy lố nhố vài ba người, Nguyễn Thụy Long đã nhảy băng qua chiếc bàn kê ở bộ salon, chạy tuốt xuống nhà bếp rồi lọt qua cổng sau và vắt giò lên cổ …. chạy thoát !
Sau này ngồi nhắc lại với nhau về kỷ niệm đó, chúng tôi vẫn mỉm cười khâm phục Trâu nước ( biệt hiệu trong làng văn nghệ của Nguyễn Thụy Long ) về cái thành tích nhanh như điện xẹt này. Vậy mà bọn công an Thành cũng mau lẹ không thua. Minh Đăng Khánh kể lại rằng vừa thoáng thấy bóng người vụt chạy qua bếp, mấy tên Công an đã đổ xô vào nhà và xộc thẳng ra sân sau. Chúng gặp chị Minh Đăng Khánh đang đứng ở đó. Một tên hỏi :
“Đứa nào vừa chạy qua đây ?”.
Chị Khánh điềm tĩnh lắc đầu:
“Làm gì có ai !”.
“ Rõ ràng chúng tôi thấy có bóng người ở đây vụt ra !”.
Chị Khánh nhún vai :
“ Vậy là các ông lầm rồi, đó là ông bán ve chai vẫn ghé qua đây hỏi mua đồ cũ trong nhà ”
Không nắm được bằng cớ chính xác, mấy tên công an hậm hực quay lên và khởi sự một màn khám xét, bới tung tất cả những chỗ mà chúng nghi ngờ. Cuộc lục soát cũng kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ ! Còn gì có thể cất giấu được ?
Một yếu tố khác cũng cần phải ghi nhận là ở quê nhà, ai thoát khỏi cuộc ruồng xét kỳ này thì không có nghĩa là sẽ được buông tha mãi mãi. Ai đã bị bắt, bị giam cầm và rồi được thả ra cũng không có nghĩa là từ đó sẽ được yên thân dù sau đó không có thêm một hành động nào gọi là chống đối chế độ.
Như vậy tình cảnh của anh chị em văn nghệ sĩ ở quê nhà là tình cảnh của một đờí sống bị đe đọa bắt bớ thường trực, đêm đêm không bao giờ được nằm yên giấc, một tiếng chó sủa, một giọng nói to, một lời kêu cửa hay có tiếng động cơ xe hơi từ xa vọng lại gần rồi đi ngang qua trước nhà, tất cả đều có thể khiến anh chị em choàng tỉnh lắng nghe, có khi ngồi dậy tính toán dặn dò người thân để sẵn sàng ứng phó nếu qủa như lần đó chính là lần công an Thành đã tới đập cửa. Trong nhà mọi người, lúc nào cũng để sẵn một cái túi xách tay, trong đựng một bộ đồ thay đổi, một cái áo ấm, một cái khăn mặt, một cục xà bông và một bộ đồ chải răng. Có tiền nữa thì thêm vài gói thuốc lá. Ngần ầy đồ dùng sẵn sàng để đó, khi cần tới là có thể xách đi, khởi sự một cuộc đời phải rời bỏ gia đình yên ấm để nếm mùi khổ nhục của lao tù. Chuẩn bị xong thì chờ đợi. Ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác. Có lắm lúc mọi người đã chán ngấy cái cảnh phải choàng tỉnh, ngơ ngác thức dậy vào ban đêm khi nghe tiếng chó sủa, hoặc cân não đã quá căng thẳng về sự đợi chờ. Thôi thì cái gì đến sẽ phải đến, nhiều người đã cầu mong đàng nào cũng một lần, có bắt thì bắt sớm đi cho rồi, đầu óc sẽ khỏi phải chập chờn sống trong tình cảnh lo âu thường trực.
Đó là lý do mà trong suốt 5 năm trời sống dưới chế độ C.S. tôi không hoàn tất được một bản thảo nào, dù chỉ là một truyện ngắn. Trong khi đó, bên ngoài xã hội với tất cả những đổi thay đột ngột và phũ phàng của nó, người làm văn nghệ có biết bao nhiêu là đề tài để sáng tác. Thậm chí trong vài năm đầu sau 30 tháng 4, 1975, những anh em chưa bị bắt giữ, khi gặp nhau chỉ biết hỏi thăm về tình trạng gia đình của nhau một cách e dè. Trừ phi đã thân thiết, tin cậy nhau lắm thì mới dám bầy tỏ cho nhau về những nỗi niềm khao khát xây dựng một tác phẩm viết về xã hội mới. Có thể nói, ai cũng mơ ước sẽ có một ngày được cầm bút trở lại để nói lên tất cả những tâm tư của mình, nhưng hầu như ai cũng còn kiêng dè trong việc viết lách. Không phải vì không có một chỗ kín đáo để ngồi viết mà vì sợ những cuộc khám xét bất thần ụp đến, nếu đốt không kịp bản thảo thì chắc chắn sẽ lãnh những hậu quả vô cùng nặng nề, không chỉ riêng cho mình mà cả vợ con, gia đình đều bị vạ lây nữa.
Rồi thì thời gian cũng trôi qua, những dữ kiện dầy đặc của đời sống cứ một ngày một chồng chất thêm lên, xô lấn lên nhau, khỏa lấp lẫn nhau, và tôi chợt phát giác ra rằng với trí nhớ ngày càng kém cỏi của mình, tôi không thể ghi gói được hết những biến cố, những trường hợp, những hoàn cảnh rất cần thiết dùng làm chất liệu cho tác phẩm nếu không kịp thời ghi chép lại. Như vậy dù muốn dù không, tôi vẫn phải cầm bút trở lại, không phải để viết một tác phẩm nhưng là để ghi gói những dữ kiện. Tôi ngụy trang cuốn ghi chép tài liệu ấy bằng một cuốn tập soạn bài giáo khoa môn Vật Lý cho học sinh các lớp của ngôi trường mà tôi đang dạy. Tôi chăm chỉ làm công việc ấy mỗi ngày. Có những biến cố tôi ghi lại hàng trang giấy. Có những dữ kiện tôi chỉ viết vắn tắt vài hàng. Lại có những chi tiết mang một nội dung liên hệ đến vấn đề an ninh sinh tử của những người khác thì tôi chỉ ghi bằng những ký hiệu riêng. Nhưng công việc này chỉ kéo dài được vài tháng thì vụ đánh tư sản bùng nổ ra ở Sài Gòn với tất cả những chiến dịch khủng bố qui mô của C.S. Toàn dân Sài Gòn lại sống trong những ngày cực kỳ ngộp thở. Hầu hết những người buôn bán có máu mặt đều bị những toán thanh niên đóng chốt ngay trong nhà và ở lì vài ba, bốn ngày liền. Nội bất xuất, ngoại bất nhập để các toán công tác thi hành nhiệm vụ khám xét, đào bới, và kiểm kê toàn bộ tài sản. Nhiều gia đình tuy không thuộc diện bị kiểm kê nhưng vẫn bị các toán thanh niên ập vào nhà, chỉ giản dị với lý do : “tình nghi chứa chấp đồ tẩu tán tài sản của giới thương nghiệp tư bản, tư doanh “. Anh chị em văn nghệ sĩ cũng lại phải đôn đáo tẩu tán sách vở của mình nếu còn cất giữ được cuốn nào và các cuộc khám xét lại có thể ùa đến bất chợt, chẳng nhắm vào một đối tượng nào duy nhất mà có thể là bất cứ nhà ai.
Trong hoàn cảnh nhà ai cũng bị ruồng xét như thế thì còn đâu là chỗ an tòan để cất giấu ! Nhiều nhà tưởng đã giấu kín được mớ sách quí sau những đợt tảo thanh kỳ trước, nay đâm ra mệt mỏi, thất vọng, chán chường, bèn đem tất cả những tài liệu còn cất giấu được cho vào bếp đun ráo trọi. Ở trong nhà của tôi, bên cạnh bếp lúc nào cũng có sẵn hai bao tải, trong đựng toàn những sách quí mà tôi ký cóp mua lại được ở chợ trời những năm sau này. Tôi chuẩn bị nếu có bị phát giác thì sẽ khai là tôi chỉ dùng những sách cũ này để đun bếp trong khi nhà không còn tiền mua than, mua củi.
Ở trong xã hội C.S. con người phải dối trá hèn hạ như thế đấy, nhưng vì an ninh bản thân, vì sự ràng buộc với những người thân khác, đành là phải nhẫn nhục, và chẳng còn nói được cái gì khác hơn khi phải đối thoại với loại người không còn tâm địa con người. Trong khung cảnh khét lẹt mùi khủng bố như thế, tôi đành phải đem đốt tập ghi chú của tôi vì nhớ đến những cuộc khám xét tỉ mỉ tại những nhà đã bị kiểm kê, dù có ngụy trang cách nào cũng bị cán bộ moi ra bằng hết với những cuộc đục tường, nạy gạch bông ở nền nhà, đào bới từng thước đất, rỡ tung lên cả những chậu hoa ngoài bờ tường, thậm chí có nơi còn bị rỡ cả bồn cầu ra để khám xét nữa.
Cho nên, phải đã trải qua những giờ phút kinh hoàng đó mới thấy rõ được những cố gắng phi thường của anh chị em cầm bút nào vẫn còn có thể âm thầm sáng tác được, vẫn cất giữ được tài liệu ghi chép và may mắn hơn nữa là đã móc nối được để chuyển ra bên ngoài những bản thảo còn nóng hổi tâm tư của mình. Tuyển tập thơ văn, nhạc “Tắm Mát Ngọn Sông Đào” của 7 tác giả miền Nam là một thí dụ điển hình cho những kỳ công đó.
Tuy nhiên khi những áng văn, thơ ở quê nhà đã lọt ra được tới hải ngoại thì một vấn đề cấp thiết phải được đặt ra đối với giới văn nghệ hiện đang hoạt động ở bên ngoài. Đó là vấn đề làm thế nào vừa vẫn tiếp tục duy trì được tiếng nói của anh chị em ở quê nhà vừa không làm tổn hại đến sự an nguy của chính các anh chị em đó. Sự khai thác một cách vô ý thức tên tuổi của một cây bút còn kẹt lại chẳng những xô đẩy một người trở lại trong lao tù mà còn có thể kéo theo cả một sự khủng bố rộng rãi nếu như chúng ta để cho chính quyền CS nắm được những mấu chốt, những bằng chứng cụ thể. Trước đây, hầu hết báo chí ở hải ngoại đã đăng tải tập bút ký trong tù của nhà văn Phan Nhật Nam thể theo chính ước nguyện cáa nhà văn này. Đó là một biệt lệ, nhưng không thể coi đó là một tiền lệ. Nếu ở địa vị của Phan Nhật Nam, ta phải hiêủ rằng anh ấy đã đi một nước bài xả láng bằng tất cả cuộc đời của mình với sự kỳ vọng rằng thế giới bên ngoài sẽ đấu tranh triệt-để để vận động cho anh ấy cùng các bạn văn đồng cảnh ngộ được giải thoát cuộc sống lao tù.
Thử hỏi rằng những tập san, những tạp chí, những tuần báo đã từng đăng tải bút ký của Phan Nhật Nam, sau đó họ đã tiến hành công cuộc vận động đúng như ước muốn của anh ấy hay chưa ? Thực tế đã cho thấy câu trả lời khá chua chát và buồn thay, sẽ chỉ riêng một mình Phan Nhật Nam phải trả cái giá vì sự lượng định không đúng mức của mình.
Hỏi như vậy, không phải tôi phủ nhận những công trình vận động của một số Hội đoàn, Tổ chức và Báo chí đối với trường hợp Phan Nhật Nam, nhưng điều mà tôi muốn đề cập đến ở đây là đáng lẽ công cuộc vận động ấy phải được phát động quyết liệt hơn nữa, liên tục hơn nữa, lâu dài hơn nữa trước số phận của một nhà văn đã đấu tranh xả láng bằng cả cuộc đời của mình.
Trong khi trường hợp của nhà văn Phan Nhật Nam vẫn còn nguyên đó thì đã lại có ít nhất hai tờ báo ở miền Nam Cali tung ra thêm trường hợp của một nhà văn khác còn ở quê nhà. Thậm chí, một trong hai tờ ở trên còn mở cả một mục chính thức lấy tên của nhà văn này để đăng tải những sáng tác của chính tác giả gửi ra từ quê nhà.
Trong một cuộc họp mặt “ thảo luận bàn tròn ” giữa một số anh em cầm bút được tổ chức trong tuần lễ vừa qua, chúng tôi có thảo luận về vấn đề đó. Rất tiếc rằng một số anh em đã chỉ nhìn trường hợp ấy như một cơ hội để mở một cuộc đấu tranh mới trên mặt trận văn hóa, nhưng trong khi đó thực chất ảnh hưởng của những cuộc đấu tranh vẫn theo cung cách đó như thế nào, thì chỉ cần nhìn vào trường hợp của anh Phan Nhật Nam ta cũng đủ thấy rõ. Một vài anh em khác lại nhìn trường hợp thứ hai nêu ở trên như là biểu tượng của một “anh hùng” và chủ tnrơng phải vinh danh “những anh hùng” đó, với lập luận rằng đặt ra vấn đề an nguy của một anh hùng là điều vô lý.
Thật mỉa mai thay cho cái cảnh ngồi bình an ở nước Mỹ để nói chuyện an nguy hay anh hùng của những bạn bè còn đang ở tại Sài Gòn. Bởi vì rằng vẫn còn có nhiều anh em hiện đang có tờ báo trong tay mà vẫn chủ trương để tên thật của tác giả đang ở quê nhà nếu đã có sự đồng ý của các tác giả đó và bởi vì rằng trong cuộc “ thảo luận bàn tròn” nêu trên tôi đã cố gắng thuyết phục mà không được, nên tôi đành sử dụng bài báo này như một lời biện minh thêm nữa cho lập luận của tôi để mong các anh em có báo chí trong tay suy nghĩ lại.
Không phải rằng tôi là loại người chết nhát không dám tham dự vào những cuộc vận động, đấu tranh mới cho văn hóa và cho những anh chị em còn kẹt lại ở quê nhà và hơn nữa tôi lại hiện đang cư ngụ bình an ở Hoa Kỳ, tôi không có lý do gì để lo sợ cho an ninh bản thân của mình. Tôi quan niệm rằng chẳng anh chị em cầm bút nào ở quê nhà lại muốn tự khoác cho mình cái nhãn hiệu anh hùng cả. Điều khao khát duy nhất của anh chị em là được cầm bút nói lên những suy tư của mình và gởi gấm được những tâm tư ấy tới đồng bào hải ngoại. Vì vậy điều chính yếu là ta phải duy trì được lâu dài cái tiếng nói quí giá đó dưới những bút hiệu khác hơn là bút hiệu thực sự của tác giả, cho dù tác giả vì đã không đánh giá được thực lực của những nỗ lực bên ngoài nên đã đồng ý cho báo chí hải ngoại nêu tên tuổi đích thực của mình. Tư tưởng, cảm nghĩ, hoàn cảnh xã hội đều nằm trong nội dung của bài viết chứ không nằm ở cái tên của tác giả. Do đó không nhất thiết cứ phải nêu tên thật của người viết thì bài viết mới có giá trị. Vì thế tôi vẫn coi trường hợp của Phan Nhật Nam là một biệt lệ, nhưng không thể lấy đó làm tiền lệ cho những trường hợp khác.
Song song với việc tiếp tục phổ biến những tác phẩm như loại “Tắm Mát Ngọn Sông Đào”, giới cầm bút cũng như báo chí ở hải ngoại cũng cần phải đặt vấn đề đấu tranh cho những anh chị em còn đang bị cầm tù một cách rộng rãi và liên tục hơn nữa. Sự thực thì giới cầm bút ở hải ngoại cũng đã có một thực lực rất đáng kể, nếu biết kết hợp trong một chiến dịch vận động ồ ạt, thống nhất và liên tục thì sẽ thu được nhiều thành quả hơn.
Chúng ta có cả một bó đũa, nhưng xin đừng tự biến mỗi người chỉ là một cây đũa riêng lẻ mà thôi .
NHẬT TIẾN
28-10-1981