Lan Man Hồi Tưởng….Một đời Hướng Đạo

Nhật Tiến

(Én Nhanh Nhẹn RS- Cựu Tráng đoàn phó Tráng Đoàn Bạch Đằng- Sài Gòn trước 1975)

 THIẾU ĐOÀN BÌNH THAN – HÀ NỘI  1950

Vào những năm đầu thập niên 50’s của thế kỷ trước, ở Việt Nam, phong trào Hướng Đạo tái phát triển mạnh mẽ sau nhiều năm bị gián đoạn vì thời cuộc. Năm 1949 tại Hà Nội, Trưởng Trần Trung Ru tức Hươu nóng tính (1916-2000) thành lập Thiếu đoàn Bạch Đằng cùng với một Toán Tráng gồm các anh Nghiêm văn Thạch, Đặng Nguyên Cát, Phạm Quang Vĩnh, Hoàng Trọng Thụy….Và chỉ một năm sau (1950) nhân số Hướng Đạo Sinh đã lên tới 4 liên đoàn để trở thành Đạo Đồng Nhân, bao gồm các đoàn: Bạch Đằng (Đoàn trưởng: anh Nghiêm văn Thạch), Chí Linh (Đoàn trưởng: anh Nguyễn Linh), Ngô Quyền (Đoàn trưởng: anh Hỗ),  Bình Than (Đoàn trưởng : anh Phạm Đản) và một Bầy Chim Non nữ HĐ do chị Mai làm Bầy trưởng.. Trưởng Ru trở thành Đạo Trưởng Đạo Đồng Nhân mà nơi họp toàn Đạo thường là ở sân đền Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bài hát chính thức của Đạo Đồng Nhân do đoàn sinh Cung Thúc Tiến của Đoàn Bạch Đằng sáng tác. Sau này anh Cung Thúc Tiến trở thành nhạc sĩ Cung Tiến với những nhạc phẩm Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa..v..v..

Vào thời gian ấy (1950), tôi gia nhập Thiếu đoàn Bình Than dưới sự dìu dắt của anh Phạm Đản (năm nay 2015, anh đã 91 tuổi nhưng vẫn mạnh khỏe và còn ở Hà Nội). Y phục chung cho HĐ hồi đó là quần soọc xanh bleu và sơ-mi cộc tay mầu nâu, mũ rộng vành có 4 múi.

Sau một năm sinh hoạt thì tôi được tuyên hứa, lại sau 6 tháng lấy được bằng Hạng Nhì và tôi được giao phó nhiệm vụ làm đội trưởng đội Én. Một trong những đội sinh của tôi là anh Đỗ Tiến Đức, sau này trở thành nhà văn (năm 1969 anh được Giải Văn Học Nghệ Thuật của Tổng Thống VNCH với tác phẩm Má Hồng), và còn là đạo diễn Điện ảnh kiêm Giám Đốc Nha Điện Ảnh nữa. Hiện anhchủ trương tờ Thời Luận ở Los Angeles, trước là báo in trên giấy, sau này trở thành báo on line.

Hoạt động sôi nổi và đáng ghi nhớ nhất của Đạo Đồng Nhân hồi ấy là Trại Hè Năm Nhâm Thìn 1952 tại Bãi Cháy thuộc Vịnh Hạ Long. Theo wikipedia thì  Bãi Cháy chính là nơi đoàn thuyền lương của quân Nguyên  do Trương Văn Hổ cầm đầu vào xâm lược Việt Nam (1288) đã bị tướng nhà Trần là Trần Khánh Dư cùng quân dân thiêu cháy tại bến Vân Đồn. Do nhiều thuyền giặc bị cháy, gió mùa Đông Bắc lại thổi tạt lửa vào bờ phía tây Cửa Lục làm cháy luôn khu rừng đang hanh khô. Chính vì vậy mà khu rừng bị cháy đó có tên là Bãi Cháy như ngày nay.

Trại Hè  Bãi Cháy có cả 4 Liên đoàn trong Đạo tham dự, khởi hành  bằng xe đò từ Hà Nội xuống Hải Phòng rồi dùng thuyền đi Vịnh Hạ Long thăm Hang Đầu Gỗ rất nổi tiếng với cái tên Pháp là Grotte de Merveille. Hang này  rộng khoảng 5000 m2 , cửa hang rộng 17 m và cao 12 m. Không biết bằng cách nào, trần hang cao như thế mà vẫn có rất nhiều hàng chữ lưu niệm của khách viếng thăm viết bằng sơn hay khắc trên đá. Cũng theo Wikipedia thì Hang Đầu Gỗ còn có tên là hang Giấu Gỗ (sau gọi chệch thành Đầu Gỗ) vì trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thế kỷ 13, hang này là nơi quân sĩ nhà Trần cất giấu những chiếc cọc gỗ trước khi đem xuống cắm dưới lòng sông Bạch Đằng để tiêu diệt chiến thuyền của giặc Nguyên xâm lược.

Từ Bãi Cháy, đoàn cắm trại đi thăm Hòn Gai rồi dùng xe đò vượt qua Đèo Bụt lên thăm Cẩm Phả Mỏ (hồi đó còn gọi theo lối Pháp là Cẩm Phả Mine) và Cẩm Phả Bến (Cẩm Phả Port). Tại Cẩm Phả Port, đoàn leo núi lên thăm đền Trần Khánh Dư, nhìn xuống biển phía dưới, lòng ai cũng bồi hồi nhớ đến những chiến công hiển hách của tiền nhân trong công cuộc bảo vệ đất nước với những trận địa lẫy lừng như Bạch Đằng, Chương Dương, Vạn Kiếp, Vân Đồn, Hàm Tử, Tây Kết..v..v..Đó là một trong những mùa hè đáng ghi nhớ nhất trong đời Hướng Đạo của tôi và bản nhạc của Trưởng Hà Dzũng, đoàn Bình Than soạn cho dịp này còn như vẳng vẳng bên tai với tiếng hát của cả Đoàn :

Cùng vui vui ta cùng ca hát vang lừng.

Thuyền ta va sóng,  ba thuyền xa bến  vui mừng

Ngô Quyền, Bình Than, Bạch Đằng, Chí Linh

Toàn Đạo Đồng Nhân thăm Vịnh Hạ Long

Lướt sóng xem Hang, tắm nắng Hè Thìn

Tới đây rồi…này hang Đầu Gỗ

Với núi cao và hang sâu sâu…

………..

 TRÁNG ĐOÀN BẠCH ĐẰNG SÀI GÒN, SAU 1954

Tháng 7 năm 1954 đánh dấu thời kỳ đất nước bị phân ly và con sông Bến Hải thay thế cho con sông Gianh thời Trịnh Nguyễn.

Phong trào HĐVN cũng do thời cuộc mà bị ngưng hoạt động ở miền Bắc nhưng phục hồi sinh hoạt sôi nổi ở miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn sau cuộc di cư vĩ đại 1954.

Cuối  thập niên 50’s, Trưởng Trần Trung Ru thành lập Tráng Đoàn Bạch Đằng đặt trụ sở ở số 579 Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Tráng đoàn được rất đông tráng sinh tham gia, đủ nhân sự cho 4 Toán gồm : Chương Dương, Vân Đồn, Hàm Tử và Tây Kết.  Tôi được giao nhiệm vụ Toán trưởng Toán Vân Đồn, trong Toán có anh Trương Trọng Trác sau này lên tới chức Ủy Viên Ngành Thiếu của HĐVN và khi ra hải ngoại, anh cũng là người chủ trương tờ báo Ngày Nay với bút hiệu Trọng Kim ở Houston, Texas cho đến khi anh qua đời năm 2009. Tráng đoàn cũng có sự tham gia của nhà báo Du Miên (khi đó đang cộng tác với nhật báo Trắng Đen ở Sài Gòn), và có cả các SQ ngành C.T.CT, thuộc Cục Chính Huấn như Họa sĩ Trung úy Vương Nghiêm, Trung úy Lê Xuân Nho…

Châm ngôn của Tráng sinh là Giúp Ích, nên Tráng đoàn Bạch Đằng cũng có nhiều sinh hoạt đáng kể trong lãnh vực này. Cụ thể là năm 1960, khi có trận bão lụt nặng nề ở Miền Trung, Tráng đoàn Bạch Đằng đã hợp tác với Toán Nữ Tráng Thanh Quan  tham gia công cuộc cứu trợ bằng một Đại hội Văn nghệ tổ chức ở Rạp Thống Nhất, Sài Gòn. Đây cũng là dịp để Tráng Đoàn Bạch Đằng ra mắt đồng bào Thủ Đô. Trong Đại hội này, tôi đã sáng tác một vở kịch ba màn có tên là Cơn Giông mà diễn viên chỉ gồm toàn Tráng sinh Bạch Đằng hay Thanh Quan như: Đỗ Bội Kha (mất năm 1961 vì tai nạn xe hơi), Trần Sơn Hà (sau này ra Luật sư, và hiện còn cư ngụ ở Quận Cam), Cô Minh Thu, Cô Nga (toán nữ Thanh Quan)..v..v…Sau này Tráng đoàn cũng ấn hành một Giai Phẩm lấy tên là Xuân Nhân Ái, tiền lời đủ cung cấp được 25 học bổng, mỗi học bổng 10.000 đồng dành cho  học sinh nghèo ở Quảng Ngãi. Khoảng cuối thập niên 60, tráng đoàn chủ trương nguyệt san Chí Trai phát hành rộng rãi, chuyên viết về những vấn đề thanh niên, nhưng cũng chỉ tồn tại được vài số thì đình bản. Cho đến năm 1974 thì Tráng đoàn chỉ còn duy trì được tờ Sóng  Bạch Đằng, là một thứ nội san ra hằng tháng, lưu hành nội bộ  (xin coi hình).

Từ năm 1974, sinh hoạt của Tráng đoàn đi vào giai đoạn khởi sắc nhất, do có nhiều Trưởng đóng  góp công sức, có thể kể : Trưởng Hoàng Kim Châu, nguyên Tráng trưởng Tráng đoàn Vượt Sóng, Trưởng ngành Tráng Đạo Hoa Lư nhận lời về phụ tá Tráng Trưởng Bạch Đằng trong việc Điều hành Sinh hoạt, hay Trưởng Hoàng Trung Ký, Dược Sĩ, phụ tá Tráng trưởng về Hành Chánh.

Tráng đoàn đã thành lập Xưởng Báo Chí do Trưởng Tiêu Nhân Khải và Nhật Tiến phụ trách, và Xưởng Xã Hội  do  anh Nguyễn Ngọc Trác làm trưởng Xưởng, có sự hỗ trợ của chị Thoại Vân và bác sĩ Bùi văn Đức cũng là Tráng đoàn Phó (thứ nhì) của Bạch Đằng. Xưởng này đã đặt một phòng khám bệnh miễn phí cho gia đình Bạch Đằng ở số 156 đường Tô Hiến Thành Sài Gòn. Xưởng cũng đã liên lạc được với khoảng trên 20 nam, nữ  bác sĩ sẵn sàng hợp tác với Tráng đoàn Bạch Đằng trong công việc khám bệnh miễn phí cho đồng bào  nghèo. Còn thuốc men thì xin từ bạn bè ở Pháp gửi về, đợt đầu Tráng đoàn đã nhận được 25 kg thuốc các loại.

“Mùa hè năm 1970, tại một trại của Tráng Đoàn Bạch Đằng tổ chức tại Thủ Đức, tôi được trao cho cây gậy mà ở đầu có 2 gạc của Tráng Sinh Lên Đường, cũng là đẳng cấp mà một Hướng Đạo Sinh mơ ước đạt được. Từ nay, trong giao dịch sinh hoạt Hướng Đạo tôi có thể ký tên: Én nhanh nhẹn RS – RS là chữ viết tắt của Rover Scout / Anh hay Routier Scout / Pháp, cũng có nghĩa là Giúp ích / Rendre Service đúng với châm ngôn của ngành Tráng.

Ngoài công tác xã hội, Tráng đoàn đang còn thực hiện thí điểm cho việc thành lập Ngành Tráng Huynh với chủ trương bao gồm những tráng sinh lớn tuổi đã vào đời, đang gánh vác trách nhiệm gia đình và xã hội nhưng vì yêu lý tưởng Hướng Đạo nên muốn tiếp tục sinh hoạt, chủ yếu là yểm trợ cho thế hệ đàn em đi sau. Rất tiếc thí điểm này chưa xúc tiến được bao nhiêu thì ngày đau buồn  30-4 đã tới.

LIÊN ĐOÀN BẠCH ĐẰNG Ở ORANGE COUNTY, NAM CA LI

Đầu năm 1980, tôi đặt chân tới Nam Cali sau một cuộc hành trình vượt biển từ một năm trước đó. Tại đây, tôi gặp Nhà báo Du Miên và anh Nguyễn Khanh là những cựu HĐS, đã định cư từ 1975. Thế là chúng tôi xúc tiến Thành lập Liên Đoàn Bạch Đằng và Hội đồng Bảo Huynh có nhiều vị tham gia như bác sĩ Phạm Biểu Tâm, nhà biên khảo Phạm Kim Vinh, nhà thơ Phùng Minh Tiến, nhà văn-nhạc sĩ Hà Thúc Sinh …v..v…Trụ sở của Liên đoàn đặt tại số 9617 Bolsa Ave, nay là Nhà sách Tú Quỳnh.

Hồi đó (1980), nhà báo Du Miên đang chủ trương một tờ báo 12 trang khổ lớn lấy tên là Sài Gòn. Nhờ vậy, một trang báo có tên là “Hướng Đạo Việt Nam”, tiếng nói chính thức của Liên Đoàn Bạch Đằng  được xuất hiện đều đặn hằng tuần trên báo Saigon, với chủ trương trang báo  là “ Vùng đất  thân ái để Hướng Đạo Sinh Việt Nam giữ chặt mối  giây.”   (xin coi hình)

Bên cạnh trách nhiệm phải duy trì những truyền thống VN trong sinh hoạt HĐ tại hải ngoại, mối quan tâm của chúng tôi vào thời kỳ đó là làm sao vận động để Văn Phòng Hướng Đạo Quốc Tế vẫn nhìn nhận vai trò của Hướng Đạo Việt Nam, qua đó lá cờ vàng của VN vẫn có thể được trưng lên trong những kỳ Họp Bạn Thế Giới. Chúng tôi nghĩ rằng nếu Văn Bút Việ Nam vào năm 1978 – tại Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế kỳ 44 họp tại Brasil – đã vận động thành công để được Quốc Tế công nhận (do công lao của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, nhà báo Trần Tam Tiệp và Luật sư Trần Thanh Hiệp) thì Hướng Đạo VN cũng có thể mở cuộc vận động tương tự như thế.

Nhân chuyến công du Hoa Kỳ của phái đoàn Hứớng Đạo Thế giới, chúng tôi đã ngỏ lời mới phái đoàn ghé thăm Nam Cali để chúng tôi được tiếp đón. Lời mời của chúng tôi đã được chấp nhận.

Thế là vào tháng 8-1981, Tổng Thư Ký Văn Phòng HĐ Thế Giới Laszlo Nagy đã cùng Trưởng James Sand Giám đốc Quốc-Tế-Vụ Hướng Đạo Hoa Kỳ (BSA) cùng 2 thành viên khác đã ghé thăm Hội quán của Liên đoàn Bạch Đằng ở Little Saigon và tại đây, chúng tôi đã có dịp bầy tỏ nguyện vọng của mình cùng là trao đổi nhiều ý kiến trong lãnh vực HĐVN sinh hoạt tại Hoa Kỳ.   (xin coi hình)

Cuộc vận động của chúng tôi đã không thành công như bên Văn Bút vì theo quy chế HĐ Thế giới thì sẽ không có một Hội HĐ nào mà lại không có biên cương quốc gia, và Hội HĐ Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận có một Hội HĐ khác nằm trong lãnh thổ của họ.

Tuy nhiên, càng về sau này, tôi càng nhận ra được một điều là chuyện Hình Thức tuy cần thiết nhưng vấn đề Thực Chất mới là điều đáng kể. Có hình thức mà sinh hoạt nghèo nàn, nội bộ chia rẽ trầm trọng thì rút cục danh nghĩa dù có nhưng cũng chỉ gây ra cho người ngoại cuộc những cảm giác não nề, thất vọng.

Trong khi ấy, liên tục trong suốt bốn chục năm qua, phong trào HĐVN ở hải ngoại đã nhờ vào những nỗ lực bền bỉ của nhiều trưởng nên vẫn tồn tại trên khắp thế giới nơi có người Việt tỵ nạn. Hội Đồng Trung Ương HĐVN đã được thành lập từ năm 1983 và hoạt động liên tục cho tới ngày hôm nay, với Hiến Chương ghi rõ rệt:

“ Hướng Ðạo Việt Nam là một đại gia đình hợp nhất cả hai phái nam và nữ, liên tục noi theo tôn chỉ Hướng Ðạo do Baden-Powell khởi xướng và đứng trong Phong trào Hướng Ðạo Thế Giới.

Hướng Ðạo Việt Nam mang bản sắc dân tộc, đáp ứng với nhu cầu hiện tại là duy trì truyền thống tinh thần và văn hóa dân tộc. Trong lãnh vực này, Hướng Ðạo Việt Nam sẵn sàng hợp tác với những tổ chức người Việt hải ngoại có những hoạt động cùng chung mục đích.

Ở mỗi nước, đơn vị hoặc hệ thống đơn vị Hướng Ðạo Việt Nam thành lập và hoạt động trong khuôn khổ thỏa hiệp với tổ chức Hướng Ðạo quốc gia sở tại. Trên bình diện chung, Hội Ðồng Trung Ương Hướng Ðạo Việt Nam phụ trách liên lạc, phối hợp và hướng dẫn.”

(Nguồn: http://iccvs.ddns.net:8080/iccvs/index.htm)

Tại Nam Cali, tôi cũng đã được tham dự nhiều trại hay Hội nghị, đáng ghi nhớ nhất là trại Hưng Khởi Họp Bạn 5 năm ở Firestone, Los Angeles tháng 12-năm 1981 và Hội nghị Trưởng HĐVN ở Costa Mesa, Nam Cali năm 1983.

Trại Họp Bạn Hưng Khởi có tới hơn 200 trại sinh tham dự. Hội Đồng Chỉ Đạo cải đổi danh xưng là: “Hội Đồng Trung Ương HĐVN lâm thời”, suy cử Tr. Trần Văn Khắc làm Chủ tịch Sáng lập, mời Tr. Nguyễn Văn Thơ làm chủ tịch HĐTƯ lâm thời, đề cử Tr. Mai Liệu làm Chủ tịch Ban Thường Vụ, Tr. Trần Văn Đường, Phó chủ tịch Nội Vụ, Tr. Đoàn Văn Thiệp, Phó chủ tịch Ngoại Vụ. Tr. Đinh Xuân Phức, Thủ quỹ đặc trách Ngành Ấu, Tr. Nguyễn Quang Minh, đặc trách Huấn Luyện kiêm ngành Kha. Tr. Nguyễn Văn Mỹ đặc trách ngành Tráng, Tr. Tôn Thất Hy Tổng  Thư ký đặc trách ngành Thiếu. Tr. Đỗ Ngọc Yến, đặc trách Quảng Bá. Ngoài ra Ban Chấp Hành còn có các Tr. Phạm Kim Vinh, Trần Bạch Bích, Lê Hựu, Nguyễn Thanh.

Hội Nghị Huynh Trưởng Costa Mesa trong hai ngày 2 và 3 tháng 7-1983 do Tr. Trần Văn Khắc triệu tập để thành lập Hội Đồng Trung Ương/HĐVN. Hội nghị đã soạn thảo Hiến Chương và Nội Lệ, tổ chức các cơ cấu trong HĐVN. Tr. Trần Văn Khắc được bầu làm chủ tịch Hội Đồng TƯ/HĐVN. Tr. Nguyễn Văn Thơ, Phó Chủ tịch, Tr. Nguyễn Trung Thoại, Tổng Thư ký, Tr.. Mai Xuân Tý Thủ Quỹ. Hai Hội Nam và Nữ Hướng Đạo Hoa Kỳ đều có cử đại diện đến dự kiến hội nghị và sau đó chính thức thừa nhận Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam.

****

Trên đây chỉ là một vài nét sơ lược trong cuộc đời sinh hoạt Hướng Đạo của tôi mà từ năm 1985 trở đi, vì bận rộn  mưu sinh và những cuộc vận động khác cho thuyền nhân, tôi không còn có dịp mặc lại bộ y phục HĐ mà ở trên vai áo vẫn còn mang huy hiệu của Liên đoàn Bạch Đằng Nam Cali.

Xin hãy chỉ coi đây như một vài khúc phim đứt quãng, tuy chẳng đặc sắc gì nhưng cũng ghi gói vài nét sinh hoạt của một Tráng sinh vốn đã có một thời say mê, gắn bó với Phong trào HĐVN qua nhiều thăng trầm của thời cuộc.

Garden Grove, Cali ngày 8-3-2015

Nhật Tiến

(Én Nhanh Nhẹn RS- Cựu Tráng đoàn phó Tráng Đoàn Bạch Đằng- Sài Gòn trước 1975)