Kịch một màn của NHẬT TIẾN
NHÂN VẬT
– Ông PHONG: 55 tuổi (Thiếu tá, Quận Uỷ)
– BÌNH: 28 tuổi (con trai ông Phong)
– YẾN: 20 tuổi (con gái ông Phong)
– BÁI: 36 tuổi (Công nhân viên văn phòng Quận Ủy)
– Mụ HÁ: 60 tuổi (Lao công văn phòng)
– Bà cụ XUÂN 70 tuổi (dân oan)
– Bà THẢO 45 tuổi (quản lý Công ty Giầy Bình Minh)
– KÝ SỌC 35 tuổi (ký giả báo thuộc Thành Uỷ)
Lớp 1
Văn phòng Thiếu Tá Phong, Quận Uỷ buổi sáng, giờ làm việc.
Ông Phong – Bái
Phong: (ngồi ở bàn đọc hồ sơ, một lát lên tiếng gọi): Người đâu!!!
Bái: (chạy vào) Trình Thủ trưởng, có em.
Phong: (nhìn Bái, mắt lừ lừ) Mụ Há đâu? Sao không thấy mặt?
Bái: Trình Thủ trưởng, hôm nay bà ấy xin đến trễ vì con dâu đau bụng đẻ.
Phong: (cáu kỉnh) Hơi một tí là kiếm cớ nghỉ. Rồi nước nôi, chè lá vứt mẹ nó hết, không cho ai uống nữa hả?
Bái: (sợ hãi) Dạ có chớ… có chớ… Nước em đang đun… sắp sôi rồi.
Phong: Mau lên! Nhớ pha loại trà bà Thảo mới đem tới hôm qua.
Bái: (rối rít) Dạ… trà móc câu… em biết… em biết… (ra)
Phong (gọi giật lại): Chú Bái! Bái (quay lại) Dạ… Thủ trưởng… (vội vã đi)
Phong: Cái vụ công nhân đình công ở Xưởng Dệt tới đâu rồi?
Bái: Dạ… em nghe nói xẹp rồi… Cứ dí được thằng đầu sỏ là êm tuốt!
Phong: Thằng đó là ai? Nó ở đâu thế…
Bái: Dạ… cụ thể ra sao thì chưa rõ… Ðám bảo vệ ở đó còn đang điều tra ngọn ngành. Rồi cũng ra hết… Còn bọn công nhân thấy động tĩnh tạm thời cũng rút êm. Chúng nó chỉ mới rục rịch thăm dò phản ứng của lãnh đạo Công ty thôi.
Phong: Chúng nó yêu sách những gì?
Bái: Trình Thủ trưởng… cũng vì miếng ăn thôi. Cơm lành, canh nóng còn chê ỏng chê eo. Ðình công cho đói rã họng rồi biết…
Phong: Sao bảo có đứa bị đánh nên ùa lên bênh nhau… đòi lãn công.
Bái: Cái đó cũng có đấy… Thằng Oánh bảo vệ ở bên đó thụi có mấy quả vào con Dung làm ca Ba, vậy mà nó la lên ăn vạ là bị chấn thương ở bụng dưới.
Phong: Thế còn cái thằng bị tay Giám đốc bắt phơi nắng thì sao?
Bái (À… lên một tiếng) Dạ cũng có đấy… Nhưng cũng là khấu đầu ăn vạ thôi. Tại nó chửi sau lưng tay Giám đốc… ai ngờ ông ấy cũng lõm bõm tiếng Việt nên kêu lại cho mấy cái tát tai rồi bắt đứng sân phơi nắng…
Phong: Chửi người ta thì bị tát tai là phải rồi. Nhưng bắt phơi nắng thì cũng quá đấy… Thôi đi pha nước đi.
Bái: Dạ… ( đi ra)
Lớp 2
Ông Phong rồi Bái
Phong: (quay số tê-lê-phôn, một lát…) Thiếu tá Phong đây… Cho tôi nói chuyện với bà Thảo… (một lát) Chị Thảo đấy hả… Tôi Phong đây… Chị tới văn phòng của tôi được không?… Có chứ… Chuyện lôi thôi đấy… Thôi tới rồi tôi nói… Ðược rồi… Tôi làm việc ở đây cả sáng nay… Tới ngay nhé… (bỏ phôn xuống).
Bái: (thò đầu vào) Trình Thiếu tá, có bà cụ Xuân ở xã Trung Hoà muốn gặp .
Phong: (cáu kỉnh): Lại cái mụ già đó. Bữa trước tao đã đả thông rồi, sao còn mò tới…
Bái: Trình Thiếu tá… em đã nói Ông Ủy bận mà mụ cứ nằng nặc đòi vô. Lại còn doạ trải chiếu qua đêm chờ nữa…
Phong: (bực bội) Con mẹ nó, chỉ gây rắc rối, lắm chuyện… (suy nghĩ rồi nói) Thôi cho vào. Nói với nó trước là cứ còn giữ cung cách phát biểu linh tinh là cùm ngay đấy.
Bái: Dạ… dạ… em biết… (ra)
Lớp 3
Ông Phong – Bà cụ Xuân
Bà cụ Xuân: (vừa đi vào, vưà la thảm thiết) Ối giời ơi… Thiếu tá ơi là Thiếu tá ơi… Chúng nó đang chuẩn bị rỡ nhà dân oan… Thiếu Tá có biết không…
Phong: Ấy!… Chốn cơ quan cấm la lối om sòm. Bà mà còn la nữa là tôi cho trục xuất ngay, không lôi thôi gì nữa hết…
Bà cụ Xuân: Ối giời ơi… Thiếu tá ơi… Ðèn giời soi xét…
Phong: Chuyện rỡ nhà là đã có chủ trương. Trên đã có kế hoạch đền bù thoả đáng… Sao bà cứ khăng khăng chống đối?
Bà cụ Xuân: Thoả đáng cái con mụ nội chúng nó! Một mét vuông nó thí cho 5 chục nghìn, trong khi nó bán với giá thị trường cả triệu một mét. Như thế là ăn cướp ngày chớ đền bù nỗi gì.
Phong: Bà đừng có đem đất thổ canh của mình mà so với đất ngoài thị trấn. Với lại chính cái giá cả ấy, bà đã ký xong xuôi rồi mà. Còn kêu ca nỗi gì.
Bà cụ Xuân: Con bà nhà nó. Tui là mẹ nuôi chúng nó từ khi còn ở rừng, sao không dám kêu ca? Tới nhà tui, chúng leo lẻo “má cứ ưng đi, tụi con giải toả để xây nhà tình nghĩa”. Nói tới tình nghĩa thì sao mà chối. Nhưng tình với nghĩa cái gì! Chúng nó cào bằng để lập sân gôn cho tư bản ngoại quốc, thu vào cả núi tiền sai biệt ấy chớ.
Ông Phong: Tình nghĩa là tình nghĩa, sân gôn là sân gôn. Mọi quy hoạch đều có hồ sơ, biên bản đàng hoàng, không có bằng chứng cụ thể, không được phát biểu linh tinh.
Bà cụ Xuân: Ông là Quận Uỷ mà cứ như ngồi trên mây. Ông thử nhìn lại coi diện tích quy hoạch bao nhiêu và nhà tình nghĩa xây được bao nhiêu. Oái giời ơi là giời, tình với nghĩa. Ngày xưa chính mụ già này bòn từng lon gạo, bát muối, chui nhủi dưới hầm đi tiếp tế cho chúng nó. Bây giờ chúng nó có chức có quyền, làm giầu trên lưng bà con như thế đấy. Con bà nó. Tinh một lũ ăn cháo đái bát.
Ông Phong (đập bàn): Này, bà nói năng phải giữ lời. Ðây là chỗ cơ quan nhà nước chứ không phải giưã chợ đâu mà ăn nói buông tuồng kiểu đó.
Bà cụ Xuân: Tui chả kiểu cách con mẹ gì hết. Chúng nó ăn cướp thì tui nói là ăn cướp. Có vậy thôi! Các ông xử không xong thì tui đi khiếu kiện. Dẫu có phải lên Nam Tào, Bắc Ðẩu gì gì thì tui cũng đi.
Phong: Thì bà đi đi. Có ai cấm cản bà đâu. Chỗ này không phải toà án mà nhận đơn khiếu kiện.
Bà Xuân: Ông là đại diện to nhất vùng này.
Không kiện tới ông thì kiện với ai.
Phong:Tôi đâu có phải quan toà. Tôi chỉ giữ an ninh trật tự thôi. Bà mang đơn lên tỉnh đi. Ở trển đã có cơ quan Thanh Tra nhà nước. Ðứa nào làm ăn tầm bậy sẽ phải làm cho ra nhẽ.
Bà cụ Xuân: (móc trong bọc ra tờ đơn) Vậy ông đóng dấu cho tôi đi.
Phong: Dấu gì? Có liên hệ tới cái gì mà phải đóng dấu?
Bà cụ Xuân: Là dấu chứng nhận đã kêu qua cửa Quận rồi. Ở Quận giải quyết không xong thì trên tỉnh mới nhận.
Ông Phong: Bà lại ăn nói hàm hồ rồi. Tôi đã nói ở đây tôi không có thẩm quyền giải quyết. Ðã không có thẩm quyền giải quyết thì làm sao có chuyện giải quyết không xong.
Bà cụ Xuân: Thì trên tỉnh nó phán vậy tui biết vậy. Không tin ông đi lên tỉnh với tôi.
Ông Phong: (giơ hai tay lên giời) Nói với bà cứ như vạch đầu gối ra mà nói… Thôi về đi… Bái đâu…
Bà cụ Xuân: Ông đừng có chửi tôi như thế… Con bà nó… Bộ tụi bay quên hết cái giọng ngọt như mía lùi “mẹ nuôi… mẹ nuôi…” ngày xưa rồi hả?
Ông Phong: (quát to) Bái!!! (Bái hốt loảng chạy vào) Lôi con mụ này ra ngoài… Cấm cho bén mảng vô đây nữa.
(Bái túm lấy bà cụ Xuân lôi đi xềnh xệch, trong khi bà Xuân la chói lói, vừa lê hai cẳng dưới đất, vừa chửi bới om xòm)
Lớp 4
Ông Phong – Bình
Bình (xuất hiện ở cừa phòng, khoanh tay nhìn bố) Này bố ơi… Như thế là đàn áp nhân dân đấy nhé!!!ù
Ông Phong (giật mình, nhìn lên): Ủa! Thằng Bình! Mày tới đây làm gì thế?
Bình: Thế là bố quên rồi. Mới tối hôm qua bố dặn con ghé qua đây để bố nhờ làm chuyện gì mà.
Ông Phong (giơ hai tay lên) Uùi giời ơi. Có thế mà tao cũng quên. (ngừng một chút rồi nhìn Bình chăm chú) Mày học được ở đâu ra cái thói lén lén lút lút thế hả? Tới cơ quan thì phải ra vô trình báo đàng hoàng chứ đâu lại có thói hiện ra như ma xó thế.
Bình: Úi chà. Bộ bố có tật giật mình hay sao mà dễ sợ hãi như thế?
Ông Phong: Con mẹ mày! Tao mà biết sợ ai. Nhưng tao là ghét nhất cái thói lén lút. Cứ y như một thằng ăn cắp vặt.
Bình: Thôi đi bố ơi. Bố để tâm mà lo tới những thằng ăn cắp cả bạc tỷ kia kìa. Hơi đâu mà quan tâm đến những chuyện tép riu.
Ông Phong: Thôi, không nói với mày nữa. Hồi này ngôn ngữ của mày biến chất nhiều lắm rồi đó. Coi chừng tao tống mẹ vô quân đội để vào đó cho họ rèn.
Bình: “Kinh” nhỉ! Bộ quân đội là cái lò trừng phạt hay sao mà cứ hơi tí là bố đem quân đội của bố ra doạ.
Ông Phong (quát) Thôi câm mồm đi. Mày so với con em gái của mày thật không bằng một cái đinh, Nó thì học hành tử tế, còn mày thì suốt ngày bê tha, toàn đánh đu với bọn mất phẩm chất.
Bình: Bố so con với con Yến làm gì. Nó đẻ bọc điều. Nó sinh ra là đã hết thời bao cấp rồi. Còn con, bố không nhớ sao? Ðang ngồi lớp, bố cho gọi về gấp. Tưởng chuyện gì, ai dè bố sai đi lấy hàng lậu! Thế thì học hành cái nỗi gì!
Ông Bình: Mày kể công như thế bao nhiêu lần rồi? Hồi đó khốn khó, cả nhà mà không góp một tay vào thì đói rã họng cả lũ.
Bình: Vậy bố đừng có đem con Yến ra mà so sánh. Con chẳng xây xát mình mẩy vì phải ra chiến truờng như bố nhưng bị nhiều cái xây xát còn ghê gớm hơn.
Ông Bình: Thôi đi. Toàn chuyện dông dài. Cầm lấy xấp hồ sơ này chạy lên tỉnh giao chú Hỗ cho tao. (mở ngăn kéo lấy xấp hồ sơ) Trao tận tay đấy nhớ. Chuyện quan trọng, không để cho ai biết được.
Bình: (cười cười) Lại một thứ hàng lậu đây có phải không?
Ông Phong: (quắc mắt) Hồ sơ hành chánh nhà nước. Cái gì mà lậu!
Bình: Bố ơi. Bố càng làm lớn càng chủ quan khinh địch. Mấy cái thứ móc ngoặc này, ai cũng biết tỏng ra rồi, đối với con bố cứ còn giấu giếm! (cầm xấp phong bì do ông Phong trao cho)
Ông Phong: Mày ứng xử như cái quân ăn cháo đái bát. Nhà mày ở, cơm mày ăn, xe mày chạy… Vậy mà cái mồm cứ bô bô như mồm chồ. Thôi cút cha mày đi. Ðừng để tao nóng mắt lên thì không xong đâu.
Bình: Ấy! Cút ngay sao được. Bố còn thiếu cô Lài một “vé”. Cô ấy nhắn là tiện thể con ghé lấy giùm.
Ông Phong (nhăn mặt) Cái gì… Con Lài nhắn mày tới xin tiền tao hả? (hậm hực) Tiên sư con đĩ. Bộ nó tưởng tao in ra tiền hay sao mà cứ nã mãi như thế…
Bình: Thế thì thôi… Lát nữa về con cứ bảo với cô ấy là bố chửi “tiên sư con đĩ” nhé.
Ông Phong: (xô ghế đứng dậy) Mày là vua xỏ lá. Tao không ngờ càng ngày mày càng đổ đốn ra như thế… (mở ngăn kéo) Thôi cầm lấy đưa nó rồi cút ngay cho khuất mắt (trao cho Bình tờ giấy 100 đô)
Bình: ( giơ tay đón lấy tờ giấy bạc, đưa lên mũi hít hít) Gớm tiền Mỹ có khác… Thơm đúng kiểu Mỹ chứ không có mùi hắc hắc thuốc lào ông Cụ!!
Ông Phong: (quát) Xéo ngay!!!!
Bình: (cười ngỏn ngoẻn, tay vung vẩy tờ giấy bạc rồi quay ra)
Lớp 5
Ông Phong – Bà Thảo
Bà Thảo: (đi vào, suýt đụng phải Bình khi hắn đi ra): Chào Thiếu tá Quận Ủy. Em xin lỗi. Nếu không vướng tiếp đoàn đầu tư nước ngoài thì đã tới trình diện Thiếu tá sớm hơn rồi.
Ông Phong: (xua tay, niềm nở) Ồ, đâu có sao. Cứ bận rộn là tốt. Mà phái đoàn nước nào thế?
Bà Thảo: Ui, lại mấy cái tay Ðài Loan ấy mà. Giầu nứt đồ đổ vách ra mà kẹo từng xu.
Ông Phong: Có thế thì chúng nó mới giầu. Nhưng gì thì gì cũng phải ăn đều chia sòng, có phải không? (nhìn bà Thảo, cười cười) Với bà chị thì bố chúng nó cũng chẳng dám qua mặt.
Bà Thảo: (cười hơ hớ) Ơ hay, thủ trưởng ăn nói hay nhỉ. Em thì có ba đầu sáu tay gì. Ðứa nào mới gặp mặt cũng chỉ muốn “bóp”, muốn “nặn” thôi. Có điều già néo thì đứt dây. Chúng nó cũng khôn ranh, biết người biết của gớm ra ấy chứ.
Ông Phong: Thì thế! Như vậy là mọi thứ qua tay bà chị cũng đều trơn chu như bôi mỡ có phải không?
Bà Thảo: (thở dài sóng sượt): Ðến Thiếu Tá mà cũng nghĩ như thế thì chết tụi em rồi. Ông lớn nào trông vào cũng tưởng tụi em béo bở lắm, nhưng toàn nhá xương cả đấy thôi.
Ông Phong: (cười): Xương xẩu gì mà bà chị chơi toàn xế xịn. Nghe nói cái xe bà chị đang đặt mua cũng lên tới cả gần triệu đô có phải không?
Bà Thảo: (giật mình) Ui chao! Sư bố đứa nào thối mồm cứ vống lên như thế? Thủ trưởng mà cứ nghe chúng nó báo cáo láo thì có ngày đổ thóc giống ra mà ăn! Cái xe em hiện đang xài còn láng coóng. Có hoạ in ra tiền thì mới đi đặt mua xe cả triệu.
Ông Phong: Nếu vậy thì tôi phải gọi cho thằng Giám đốc công ty xuất nhập khẩu Nam Dương mới được. Dám báo cáo láo là bà chị vừa đặt mua xe mới. Rõ ra cái quân này toàn là lũ ăn hại đái nát.
Bà Thảo: (giật mình, chợt đổi giọng toe toét) Ấy là em nói vậy thôi. Chứ mà đứa nào có vô phúc mục mả thì mới dám thọt bậy với công an nhà nước.
Chẳng dám giấu gì ông anh, quả là em cũng mới đặt mua cái xe mới. Cũng chẳng hơi sức đâu mà chơi chèo cả triệu đô đâu. Chỉ vài trăm nghìn thôi…
Ông Phong: Ô! Bà chị chơi xe càng ngon thì càng chứng tỏ đã ăn nên làm ra, tôi càng mừng cho bà chị chớ, đâu có chuyện gì mà đặt thành vấn đề. Nếu có vấn đề đến phải nói ra thì là chuyện khác cơ!
Bà Thảo: (lo lắng) Ủa! Có chuyện gì mà ghê gớm vậy, hả?
Ông Phong: Ghê gớm thì chẳng đến nỗi, nhưng nhỏ thì cũng chẳng phải là nhỏ đâu.
Bà Thảo: Em thề với Thiếu tá là cho dù có bất cứ chuyện gì em cũng không làm nhọc lòng đến Thiếu tá đâu.
Ông Phong: Chuyện dính tới tôi thì chả có nhưng làm nhục tới quốc thể thì cái công ty của bà chị coi chừng đó.
Bà Thảo: (la lên) Ui chao! Thiếu tá nói cái gì mà nghe ghê vậy? Cái gì mà liên quan tới quốc thể quốc thung cơ chớ???
Ông Phong: Một thằng người nước ngoài đánh đấm công nhân Việt Nam rồi bắt đem phơi nắng thì chẳng phải là nó làm nhục giai cấp công nhân Việt Nam đó sao?
Bà Thảo: (thở hắt ra) Ui chao! Tưởng chuyện gì ghê gớm làm em hết hồn. Thiếu tá biết không, cũng tại cái con nhãi ấy nhổ nước miếng vào mặt con người ta trước. Rồi mấy đứa khác xúm lại bênh nhau, đấm đá con người ta tơi bời hoa lá, những cái quân này nếu không nghiêm trị làm gương thì có mà chúng nó làm loạn.
Ông Phong: Chị nói có sách, mách có chứng không đấy? Ðừng có vu oan giá họa cho người ta.
Bà Thảo: Em xin thề với Thiếu tá là có vô số người làm chứng vụ này. Không tin cứ đi hỏi thằng Thắng, trưởng ban bảo vệ của Công ty em thì rõ. Nó cùng với toàn thể nhân viên chứng kiến vụ việc từ đầu đến đuôi đấy.
Ông Phong: Chuyện gì, sai trái đến đâu thì cũng còn có luật pháp. Bộ bà chị tính thay chúng tôi làm luật ở cái đất này, đó có phải không?
Bà Thảo: (dẫy nẩy lên) Ấy chết! Thiếu tá nói thế thì chết em rồi. Em đâu có cái gan tầy trời ấy….
Ông Phong: Tuỳ chị đó thôi… Tôi không thể vì chị rồi để Thanh tra nhà nước xuống họ cứ nhè đầu tôi mà nã.
Bà Thảo: (rối rít) Em xin lỗi. Em xin lỗi. Không bao giờ có chuyện đó. Ðời nào em lại để cho chuyện nội bộ của công ty làm nhọc lòng đến Thiếu tá. Còn cái chuyện phơi nắng ruồi bu kia, em xin hứa sẽ không để cho xẩy ra nữa.
Ông Phong: Vậy đi. Chị biết điều như thế là tốt. Chuyện hôm nay chỉ có thế và tôi cũng chỉ muốn nghe có thế. (khua tay) Thôi, chị về được rồi và nhớ rằng đã nói thì phải giữ lấy lời đấy.
Bà Thảo: (rối rít) Dạ em xin nhớ… xin nhớ… Xin chào Thiếu tá… cho phép em lui… (quầy quả đi ra)
(có tiếng chuông điện thoại reo liên hồi)
Ông Phong (bốc điện thoai, lắng nghe): Ðược rồi… được rồi… tôi tới ngay… Nói với Huyện đội cử thêm người tới. Ráng ngăn không cho chúng nó bạo động… Tôi sẽ cử thêm công an tới tăng cường… (bỏ phôn xuống, gọi to) Bái đâu!!!
Lớp 6
Ông Phong – Bái
Bái (chạy vào) Thưa thủ trưởng. Có em.
Ông Phong: Cậu bảo thằng Tài chuẩn bị xe cho tôi. Lại gọi cho đồng chí Tín đang đi tuần bảo dẫn tiểu đội quay về Xóm Trung ngay. Có mấy thằng đang xách động đám đông tính gây bạo loạn ở cái đám rỡ nhà giải toả. Tôi cũng sẽ tới đó ngay.
Bái: Vâng… vâng… Em làm ngay (chạy ra)
Ông Phong: (chộp lấy bao súng treo trên mắc áo, đeo vào bụng rồi cũng đi ra)
(trong khi ấy Mụ Há xách chổi te tái đi vào)
Lớp 7
Mụ Há rồi Bái
Mụ Há: Nhà với cửa. Mới quét hôm qua mà tàn thuốc đã văng đầy. Ðề nghị mua cái xô có giẻ lau vắt nước mà nói hoài cũng không thèm để vô lỗ tai. Tiền nhà nước chớ có phải tiền túi chúng nó đâu mà kẹo đâu kẹo thế!!!!
Bái: (bước vào) Hê… hê… Mụ nói xấu lãnh đạo nhé. Tôi mà báo cáo lại thì đi tù mọt gông.
Mụ Há: (chửi tục) Tù cái mả cha nhà mày ấy chứ Bái!!! Doạ thằng nào con nào chứ doạ tao thì chỉ phí lời. Bộ mày tưởng cứ là công an rồi thì muốn bỏ tù ai thì bỏ hả???
Bái: Chứ sao không? Bộ mụ làm ở văn phòng Quận Ủy mà lại không biết công an bây giờ là ông trời à?
Mụ Há: Tổ cha nhà mày. Vậy mày cứ thử đi méc lãnh đạo đi. Nói cho mầy hay, gí tao một thì tao gí cho mười!!!
Bái: Úi chà! Ngon nhỉ! Người ta có chức, có quyền thì mới gí. Còn mụ có cái gì mà cũng đòi gí??
Mụ Há (kêu lên) Úi trời ơi là trời. Quanh đây cả ổ nhà chúng nó thiếu gì sai phạm mà sao tao chẳng biết đem ra mà gí. Nội cái vụ lão Phong ăn mười triệu đồng của thằng chủ tiệm xi măng rồi sửa biên bản đụng xe mấy tháng trước làm gia đình nạn nhân có người chết ai oán không kêu vào đâu được, tao mà khui ra thì cả lò nhà chúng nó khốn nạn.
Bái: (hốt hoảng) Ấy thôi thôi… con xin bà… Bà hãm bớt cái mồm lại không thì chết cả lũ bây giờ (nhìn mụ Há một giây, rồi tiếp) Gớm! Hôm nay bực bội cái gì mà bà phát ngôn nghe “kinh” thế!
Mụ Há: Tại mày hăm tao thì tao nói cho mà biết đó thôi. Chớ tao thèm vào rây với hủi. Uùi dào! Mà cũng chả cần gì tới tao động đậy lông chân lông tay đâu. Ở bên ngoài rồi sẽ có nổ lớn, để rồi coi lũ chúng nó ba đầu sáu tay ra sao.
Bái: Ủa! Chuyện gì mà kinh thiên động địa vậy. Cái gì mà nổ lớn với nổ bé?
Mụ Há (cười): Mày tối ngày rấm rúi ở đây nên đâu có biết gì. Tao nghe nói đám công nhân ở khắp cái tỉnh này đang chuẩn bị đình công đồng loạt, vừa yêu sách cải thiện chế độ lương bổng vừa tố cáo công an tiếp tay với giới chủ nhân hè nhau bóc lột công nhân kìa.
Bái: (bĩu môi) Ui! Mụ chỉ nghe tin đồn nhảm. Ba cái thằng công nhân vừa hó hé là bị úm ngay, hơi sức đâu mà tính chuyện chống đối.
Mụ Há: Mầy ăn cái gì mà ngu thế, Bái? Bộ mày không thấy cái lũ công nhân làm oằn cả lưng xuống suốt từ sáng đến tối mà lương không đủ sống, đứa nào đứa nấy xanh xao vàng vọt cả ra đó sao? Nói cho mày biết, con giun xéo mãi cũng quằn. Ðã thế mấy thằng chủ nước ngoài còn thẳng tay đánh đập công nhân lọi giò, lọi cẳng. Họ mà không nhất tề nổi dậy chống đối thì mới là chuyện lạ.
Bái: (cười cười) Thôi đi Bà ơi!!! Cái chuyện công nhân bị chèn ép thì xưa như trái đất. Bao nhiêu năm nay chế độ, chính sách, lề đối đối xử vẫn y chang như vậy, mà có đám nào dám hó hé gì đâu. Dân mình chịu hèn mãi, quen rồi, Bà ơi!!!
Mụ Há: Thì tao thấy, tao nói vậy thôi. Chứ chuyện thiên hạ, chẳng nhằm nhò gì tới tao.
Bái: Thấy! Bà mà thấy được cái gì trừ mấy gói chè, bao thuốc để dư trong hộc tủ!
Mụ Há (tác xác) Cha bố nhà mày! Ðúng là cái quân chuyên dòm ngó rị mọ từ cái búng tay, cái nhón gót của con nhà người ta. Mấy bao trà, bao thuốc đã mốc thối ra rồi, tao không đem quăng đi thì để khách khứa uống vào nằm chết lăn quay ra hết hả.
Bái (cười hí hí) Bà quăng đi đâu? Quăng vô thùng rác hay vào quán mẹ Hỷ ngoài đầu phố kia, hử?
Mụ Há (toét miệng ra cười) Con bà nhà mày. Ðúng là thứ công an nòi! Nhưng nói cho hay, tao chỉ là cái thứ ăn cơm thừa, húp canh cặn. Chớ thầy trò nhà mày còn bóp hầu bóp cổ nhân dân lè lưỡi ra để kiếm chác kia kìa.
Bái: Thôi… thôi… nói đâu thì nói… Ở đây mà bà cứ phát ngôn linh tinh thì có ngày mang hoạ… (ngưng một lát) Mà này… Vừa rồi nói “thấy”, vậy bà thấy cái gì ở cái đám công nhân ngoài đó hả?
Mụ Há: Chộn rộn lắm rồi đó! Bọn công nhân ở khắp các xí nghiệp bức xúc lắm rồi. Xớ rớ là dám bùng to, không còn có chuyện đình công lẻ tẻ nữa đâu đó, nghe!
Bái: Chuyện đó mấy ổng lo hết rồi. Danh sách mấy thằng đầu sỏ từng khâu, từng ban, từng ngành trong mỗi xí nghiệp đều đã gom đủ hết rồi. Hễ có chuyện là chỉ úm cái một là cả lũ lại êm rơ. Lo gì!!!
Mụ Há: Xí! Chúng mày quen đánh giá công nhân như một lũ cừu. Nói cho mày hay, người ta bây giờ chẳng còn như xưa nữa đâu. Cứ coi cái vụ thằng chủ Ðài Loan đánh công nhân ở Xưởng Giầy Bình Minh rồi bắt đem phơi nắng thì biết.
Bái: Vụ đó ở đây cũng đã nghe báo cáo rồi. Sáng nay con mẹ Thảo bị Thiếu tá Phong gọi lên giũa cho một mẻ vãi cả ra quần.
Mu Há: Vãi cái con chó! Chúng nó đã móc ngoặc với nhau, bộ mày tin là rồi thằng chủ Ðài Loan sẽ tới cơm bưng nước rót chữa bệnh cho công nhân rồi xin được bồi thường hả? Ăn gì mà ngu!
Bái: Thì để đó rồi coi. Ðố thằng chủ nào còn dám đụng tới cái lông chân của công nhân nữa kìa. Công an mà đã nhúng tay vô thì cả đám xếp re hết.
Mụ Há (ré lên cười sằng sặc)
Bái: Cười gì?… Mụ cười cái gì?… Bộ tôi nói điêu sao? Rồi ở đó chống mắt lên mà coi, xem có còn vụ nào như thế xẩy ra nữa hay không?
Mụ Há: Bái ơi! Cái đầu của mày chỉ bé bằng hột ngô, hèn chi chỉ biết lúp xúp xách cặp theo hầu quan trên mà thôi. Nói cho mày hay. Vụ bắt người phơi nắng, công an chẳng hó hé cái con mẹ gì hết. Chúng nó đấm mõm từ thằng Công đoàn đến lũ Bảo vệ rồi cả Thủ trưởng cái đám công an Quận nhà mày. Nhưng vỏ quýt dầy có móng tay nhọn nhá! Ðã bảo công nhân bây giờ họ khôn ra nhiều rồi mà.
Bái: Xí! Bà cứ nói công nhân. Công nhân thì làm được mẹ gì. Vớ vẩn nữa thì lại cũng đến lọi giò, lọi cẳng thôi.
Mụ Há: Mày có biết bây giờ công nhân người ta “giác ngộ “ được điều gì không?
Bái: (cười mũi) Bà lại giở kinh điển ra nói chuyện với tôi hả? Công nhân chả “giác ngộ cách mạng” thì còn giác ngộ cái quái gì?
Mụ Há: (cười hăng hắc)Thời buổi này mà còn nói chuyện giác ngộ cách mạng thì chó nó cũng không ngửi được. Không biết mày ăn phải cái gì mà ngu lâu thế!
Bái: (tức tối) Ðừng có rủa xàm! Vậy không giác ngộ quyền lợi cách mạng thì giác ngộ cái gì?
Mụ Há: Giác ngộ cái luật rừng, mày nghe thủng chửa?
Bái: (ngạc nhiên) Luật rừng? Luật rừng là cái luật gì?
Mụ Há: Là luật rừng chớ còn là cái con mẹ gì. Mày phải biết, sau ngần ấy năm bị o ép, bóc lột, bọn công nhân nhận được ra rằng pháp luật ở cái xứ này bây giờ chỉ là cái thứ luật rừng!
Bái: Bà nói cái gì tui không hiểu.
Mụ Há: Không hiểu thì cứ banh mắt ra mà coi luật pháp ở cái xứ này có phải luật rừng hay không. Nè!Thằng công an xã vô cớ bắn mù mắt con người ta mà chẳng phải đền bù hay bị xừ lý gì hết. Ðó là luật rừng. Thằng Chủ tiệm xi măng cán xe chết người lại được công an sửa biên bản đụng xe, thằng chết cứ chết, thằng cán chết người cứ khơi khơi sống bình an, vô tội vạ, đó cũng là cái thứ luật rừng. Mầy không thấy sao?
Bái: Thấy thì thấy, nhưng công nhân thì ăn nhằm gì tới những chuyện ruồi bu đó!
Mụ Há: (phá lên cười) Sao lại không ăn nhằm. Nè! Nếu bọn chúng nó xài luật rừng thì công nhân cũng chơi lại luật rừng chớ sao!
Bái: (ngạc nhiên) Lại thế nữa!!
Mụ Há: Chớ sao!!! Mày biết không, họ đã gom tiền lại, thuê mấy thằng xã hội đen đón đường thằng chủ Ðài Loan, gí vào lưng nó con dao Thái Lan rồi nói: ” Mày còn giở cái mửng cũ thì chúng ông xin tí tiết”.
Bái: (reo lên) Ngon! Mấy chả chơi ngon!
Mụ Há: (thích chí, kể tiếp) Rồi chúng nó mới beo cái má núng nính của thằng chả lên, rạch cho một đường dao nhẹ nhàng gọi là cảnh cáo. Ui cha! Máu tuôn có vòi, báo hại, thầy trò nhà nó, từ thằng bảo vệ, đến thằng thông ngôn với cả thằng chủ, đứa nào đứa nấy vãi đái mẹ hết ra quần. Cái đó có phải cũng là xài luật rừng đó không?
Bái: (xuýt xoa) Ui cha. Mấy ảnh chơi kiểu đó thì hết nước nói rồi. Còn có tác dụng hơn cả xấp văn thư ở đây gửi đi cảnh cáo xí nghiệp phải tôn trọng giai cấp công nhân và không được xâm phạm quyền làm chủ tập thể của công nhân nữa kìa.
Mụ Há: Con mẹ nó. Công nhân bây giờ thì là cái chó gì. Chúng nó chỉ lợi dụng mấy chữ công nhân với nông dân để giữ ghế, giữ quyền thôi. Cho nên nếu có sự nhất tề đồng loạt đứng lên chống đối thì cũng là chuyện gì phải tới rồi cũng tới thôi.
(có tiếng còn xe ở ngoài sân vọng vào)
Bái: Ổng về! Thôi giải tán đi. Nói năng bậy bạ coi chừng đi cải tạo mút mùa.
Mụ Há: (cúi xuống , lúi húi quét dọn)
Lớp 8
Ông Phong – Bái – Mụ Há
Bái: Sao Thủ trưởng về sớm thế? Em tưởng Thủ trưởng đi xuống coi đám phá phách ở Xóm Trung?
Ông Phong: Mấy thằng xã đội tự giải quyết xong rồi. Con bà nó! Ðã bảo chuyện gì thì cũng đâu có đó, vậy mà chúng nó chơi tận tình, nổ cả súng làm dân chạy tán loạn hết. Lại chuyện bé sắp xé ra to đây.
Bái: Nếu vậy thì Thủ trưởng cứ gô cổ thằng xã đội trưởng lên đây bắt nó giải trình. Có ai kiện cáo gì, mình cứ đè nó ra bắt nó chịu trách nhiệm.
Ông Phong: (quắc mắt) Chuyện của tôi, chú đừng có xía vô. Biện pháp như thế, bộ tôi phải nhờ chú nhắc nhở hay sao? (quát) Ði xuống bảo chúng nó chuẩn bị cái phòng tạm giam cho mấy thằng xã đội nó ngủ qua đêm.
Bái (rối rít) Dạ… dạ… Em đi làm ngay. (ra)
Ông Phong: (quay số tê-lê-phôn) Chú Tòng đấy hả. Chú dẫn vài đứa xuống Xóm Trung tìm thằng xã đội trưởng và mấy thằng xã đội hành hung dân khiếu kiện rồi đưa về Quận nhé. Về rồi thì tôi sẽ tính. (bỏ phôn xuống)
Lớp 9
Ông Phong – Mụ Há
Ông Phong: Này bà Há. Con dâu bà đau bụng đẻ ra sao rồi?
Bà Há: Trình Thiếu tá nó mới chuyển bụng sơ sơ thôi. Cũng chưa tới ngày.
Ông Phong: Cô ấy có phải tên Hường không? Lại thị Hường…
Bà Há: (giật mình) Ủa! Sao Thiếu tá biết rành quá vậy.
Ông Phong: (mỉm cười) Chỗ này là cơ quan nhà nuớc. Chuyện gì mà không biết. Phải cô Hường này nấu cơm trọ cho đám nữ công nhân Xưởng Dệt Hòa Bình không?
Bà Há: Dạ… Nó làm chút đỉnh kiếm thêm tiền chợ.
Ông Phong: Ui, người ra vô nhà bà rần rần mà lại còn nói chút đỉnh. Này! Không có gì qua mắt được công an đâu.
Bà Há: Trình Thiếu tá, tui nói thật đấy chớ. Vài ba đứa thấy nấu rẻ nên tới ăn nhì nhằng, có đâu mà lui tới rần rần.
Ông Phong: Nó làm ăn phát đạt thì mừng cho nó, can chi mà bà phải chối. Mà tôi cũng có xách nhiễu gì đâu. Nhưng nói cho bà hay, nấu nướng kiểu đó mà không có lấy một chữ làm đơn xin phép thì cũng kể như là quá lộng rồi đấy. Bà thử nghĩ coi, bạ ai cũng tự ý mở quán trọ, nấu cơm trọ thế thì phép tắc luật lệ nhà nước vứt đi đâu nhỉ?
Bà Há: Trình Thiếu tá, cái này là nó làm tại nhà, lại trong ngõ hẻm, đâu có rềnh rang mở quán, treo biển gì mà phải xin phép.
Ông Phong: (cười hơ hớ) Ấy, cái sự ẩn núp trong ngõ, trong hẻm thì mới là dễ âm mưu, dễ qua mặt cơ quan an ninh nhà nước. Người làm ăn đàng hoàng thì phải khai báo, phải tuân thủ phép tắc luật lệ đàng hoàng, nghiêm chỉnh chớ!!!
Bà Há: Dạ, nếu vậy thì tui biểu nó làm đơn xin phép.
Ông Phong: Này! Tôi không làm khó bà đâu.
Nó mở cứ mở, lời lỗ thế nào tôi cũng chẳng muốn xía vô. Có điều là tôi cần có tai có mắt…
Bà Há: Thiếu tá nói vậy là sao? Tui không hiểu!
Ông Phong: Có gì mà không hiểu! Mẹ con bà ở ngay đó. Kẻ ra người vào, ăn uống trò chuyện, nghe thấy gì thì cứ báo cáo lại cho tụi tôi. Như thế là ổn hết thôi!!!
Mụ Há: (giật mình) Ấy chết! Thiếu Tá tính bắt tụi tui làm chỉ điểm hà? Nhà tui đâu có cái mả ấy.
Ông Phong: Cái đó không phải là chỉ điểm. Bà chỉ làm nhiệm vụ công dân chia sẻ trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự với nhà nước thôi. Nhưng tôi không ép. Vấn đề là tự nguyện tựï giác thôi.
Mụ Há: (nhăn nhó) Cái đó đối với tụi tui khó quá.
Ông Phong: Có cái gì mà khó. Mẹ con bà chỉ nghe sao kể lại vậy, chớ tôi có bắt đặt điều vu oan giá hoạ cho ai đâu. Nhưng mà thôi… bỏ qua chuyện đó đi. Bà không muốn hợp tác để giữ gìn an ninh, trật tự thì tuỳ, tôi không ép. Chuyện của gia đình bà, đâu ai dám xía dô. Con dâu bà rồi sẽ còn làm ăn phát đạt lắm đó (cười khẩy)
Mụ Há: (suy nghĩ rồi thở hắt ra): Thôi được. Thiếu tá đã ngỏ lời thì tui đâu dám chối. Tui nhận lời. Nhưng chỉ nghe sao, báo cáo vậy thôi.
Ông Phong: (vui vẻ) Thế là tốt. Bà có vẻ hiểu chuyện đấy. Vậy cứ thế nhá. Thôi bà làm việc tiếp đi . ( Mụ Há toan đi ra thì bị gọi giật lại) À, này. Phải thằng Bình nhà tôi hay đàn đúm với con trai bà không?
Mụ Há: Ấy chết. Làm gì có chuyện đó. Cậu Bình là dòng giống con nhà. Thằng con trai tui đâu có dám với tới.
Ông Phong: Vậy là bà buông lỏng cái khâu quản lý gia đình rồi. Tụi nó gặp nhau thường ngày ở quán bia ôm Mẹ Thuỷ đó.
Mụ Há: Cái đó thì tui hổng biết. Lo đi làm tối ngày, hơi sức đâu để ý đến chuyện chúng nó. Mà thằng con tui đã vợ con rồi, tui đâu còn lý gì tới chuyện riêng tư của nó.
Ông Phong: Thằng Bảo làm công nhân xưởng Giầy. Vợ nó, con Hường mở quán nấu cơm trọ cho công nhân. Bà coi chừng, tụi công nhân bầy chuyện đình công, lãn công, đàn đúm với nhau, lớ quớ là dính chùm cả đám đó.
Mụ Há: Úi trời ơi! Chuyện của tui chưa xong, mắc mớ gì tui đi lo chuyện thiên hạ.
Ông Phong: Vậy là bà mất cảnh giác rồi. Hãy để ý bảo ban chúng nó, không thì khổ vào thân!!! Thôi, đi làm việc đi.
(Mụ Há xách chổi đi ra- Ở ngoài có tiếng vọng vào: “Trình Thiếu tá có ông ký giả của báo trên Thành Uỷ muốn xin gặp!”)
Ông Phong: (giật mình ngước mắt nhìn ra, ngẫm nghĩ, vội thu dọn qua loa vật dụng trên bàn rồi nói to) Mời ông ấy vào.
Lớp 10
Ông Phong – Ký Sọc
Ký Sọc: (bước vào, toe toét) Xin chào đồng chí Quận Uỷ.
Ông Phong: (mỉm cười) A! Cậu Sọc… tưởng ai. Chỗ biết nhau cả, đồng chí đồng choé con mẹ gì!!!
Ký Sọc: Ý!! Em đâu dám chơi chèo. Chỉ mấy năm không gặp , ai ngờ ông anh làm lớn quá rồi.
Ông Phong: Cái chức Quận Uỷ quèn, lớn bé nỗi gì. Câu mới là lên to. Mới hồi nào còn lẹt đẹt ở Ban Thông tin Văn hoá Phường. Thế mà nay đã ngồi mãi tận tòa báo trên Thành Uỷ rồi.
Ký Sọc: Ui, quyền rơm vạ đá đó ông anh ơi! Ðâu đâu xẩy ra chuyện gì mà không viết bài tường thuật cho đầy đủ ngọn nguồn là ốm đòn ngay ấy chớ.
Ông Phong: Vậy hôm nay cậu nghĩ tình xưa nghĩa cũ đến thăm tôi hay là xuống viết bài “tường thuật cho đầy đủ ngọn nguồn” đây?
Ký Sọc: Thì huợm cái nào. Ðường xa, lội muốn chết đây. Có tí trà ngon nào cho em xin một hớp cái đã.
Ông Phong: À, số cậu hên. Bữa nay có cái trà Ô Long Tâm Châu được người ta biếu. Tôi cũng vừa mới thưởng thức đây (rót trà cho Ký Sọc)
Ký Sọc: (Giơ ly trà lên ngắm) Hì..hì… tưởng khỉ ho cò gáy thế mà đế vương gớm. Cái thứ này cả trên triệu bạc một ký, đến các Thành Uỷ viên cũng chẳng có số mà được rớ tới…
Ông Phong: Ôi, người ta cho sao uống vậy chớ có cái đếch gì mà đế vương. Cậu là ký giả có khác. Vẽ vời lắm chuyện.
Ký Sọc: (nhấp một ngụm trà rồi chậm rãi) Với ông anh thì đàn em chả dám vẽ vời đâu. Nhưng cái gì thì mình cũng nên bàn cho ra nhẽ.
Ông Phong: (nhìn Ký Sọc chăm chăm) Thì cậu cứ bàn đi. Tôi sẵn sàng nghe có thiện chí nghe. Cần gì phải nói tới chuyện ra nhẽ.
Ký Sọc: Ở trên nghe đồn là chính quyền địa phương ta bất lực, làm ăn thế nào mà đến nỗi chuyện gì xẩy ra cũng chỉ để cho dân chúng nó tự giải quyết lấy.
Ông Phong: (quắc mắt) Làm gì ra có chuyện đó. Ðứa nào phao tin đồn nhảm tôi gông cổ nó lại chứ ở đó mà nói láo! (lại bàn lấy ra xấp hồ sơ chìa vào mặt Ký Sọc) Coi này! Hôm 18 tôi gô cồ 3 thằng. Hôm 20 tôi nhốt 4 thằng. Chốc nữa, còn mấy thằng xã đội cũng bị đem nhốt qua đêm. Như thế mà nói là bất lực hả?
Ký Sọc: (kéo ghế lui lại) Ông anh cứ bình tĩnh đi rồi đâu mà chẳng có đó. Vậy em hỏi chứ, cái vụ thằng Giám đốc Ðài Loan ở Công ty Giầy Bình Minh đánh đập công nhân rồi bắt đem phơi nằng thì đàn anh giải quyết ra sao?
Ông Phong: (trả xấp hồ sơ lại bàn rồi cười ha hả) Chuyện nhỏ! Chuyện nhỏ! Sáng nay tôi đã gọi con mẹ Quàn lý Công ty lên nồ cho một trận rồi . Nó sợ vãi đãi ra quần, rối rít xin hứa là từ nay không bao giờ còn có cái chuyện ấy xẩy ra nữa.
Ký Sọc: Vậy là cái chuyện tầy trời như vậy mà ông anh chả nắm được cái gì hết.
Ông Phong: (quắc mắt) Cậu nói vậy là sao?
Ký Sọc: Là ông anh bất lực nên công nhân nó phải tự giải quyết lấy chớ sao!
Ông Phong: Cậu nói cái gì tôi không hiểu.
Ký Sọc: Này nhé. Sau cái vụ phơi nắng xẩy ra rồi, chúng nó kiện công đoàn, công đoàn im re, lại đem ra Xã. Xã uỷ viên đùn lên Quận. Quận êm rơ nên chúng nó thuê tụi xã hội đen, dí dao Thái Lan vào cổ thằng Giám Ðốc, doạ còn chơi cái mửng đó thì sẽ xin tí huyết. Thế là thằng chó đó lậy van đến són cả ra quần, xin hứa , xin chừa. Ông anh không biết sao?
Ông Phong: (quát to) Bịa đặt! Láo Toét! Không bao giờ có chuyện đó xẩy ra hết.
Ký Sọc: (cười toe) Thì ông anh cứ cho nhân viên đi tới tận nơi coi rồi sẽ rõ. Thử điều tra coi có phải mặt thằng Giám đốc còn nguyên một vết dao khứa ngang gọi là bốn món ăn chơi trước khi vào tiệc linh đình không!
Ông Phong: (sững sờ) Ủa… Ủa… Có chuyện đó thật sao!
Ký Sọc: Thằng đàn em đâu có ba đầu sáu tay gì mà tới đây bầy đặt chuyện để vu vạ đàn anh. Nhưng trên cử em xuống là để tường trình vụ việc cho rõ ngọn nguồn đấy.
Ông Phong: Ơ… Thế hả… thật hả…
Ký Sọc: Em có bao giờ biết nói dối, nhất là với đàn anh.
Ông Phong: (ngập ngừng) Thế thì cũng gay đấy. Chuyện như thế mà tôi đâu có biết. (một lát) Nhưng cái đó cũng tuỳ cậu thôi… Tường trình ngọn nguồn thì là cái đếch gì. Cứ thông cảm là chính.
Ký Sọc (nhăn nhó) Thông cảm thì thông cảm đứt đi rồi. Chỗ đàn anh với em, xưa nay ai chả biết. Mà điều cái lương tâm nghề nghiệp nó khó quá!
Ông Phong (mỉm cười) Thôi vứt mẹ nó cái lương tâm nghề nghiệp của cậu đi. Cậu tường trình vụ Vũ trường Mê-lô-đi như thế nào, cả làng ai chả rõ. Thôi, ra mẹ điều kiện đi, khỏi vòng vo.
Ký Sọc: Ấy chết! Ông anh nói vậy thì chết em rồi.
Ông Phong: Này, cầm lấy vài vé mà tiêu. Rồi khi bài báo tường thuật đăng lên, viết lách đàng hoàng, tớ còn thêm vài vé nữa.
Ký Sọc: (thở dài) Ông anh đã nói vậy thì đàn em cũng phải nghe thôi. Nhưng vé thì em không lấy đâu!
Ông Phong: ( mở to mắt, ngạc nhiên): Cậu chê vé thì cậu muốn gì??
Ký Sọc: (gãi tai) Chả là con vợ em nó dành được tí vốn, muốn mở cái quán cơm bụi ở khu Bình Sơn vừa quy hoạch xong. Giá đàn anh có cái khoảnh nào ở đó bán rẻ thì cho em mua.
Ông Phong: Mẹ kiếp, cậu đánh hơi, khôn gớm! Chỗ ấy mai mốt là đất vàng đất bạc đó… nhưng… thôi… Tỉnh nếu “giấm” sẵn thì Quận cũng có phần. Cậu đã muốn thì tôi cũng có thể thu xếp được. Với điều kiện là phải “gáy” cho ngon vào. Gáy làm sao để trên cứ tín nhiệm tớ ngồi mãi ở đây là OK rồi.
Ký Sọc: (cười toe toét) Yên trí đi! Yên trí đi! Gáy là nghề của em mà!!! (Vừa nói vừa móc ờ túi đeo vai ra một xấp giấy, trao cho ông Phong) Ðây là cái bài phóng sự điều tra của em đã viết từ truớc. Có hình ảnh “nóng” thằng Giám Ðốc Ðài Loan bị băng ở mặt đi kèm đàng hoàng. Nhưng số nó còn hên. Nhờ đàn anh can thiệp nên nó không bị chường cái mặt bị khứa một dao lên trang báo là phúc bà nội tổ nhà nó rồi. Ui chao! Vụ này mà cứ thật thà nổ ra thì giới chủ đầu tư chúng nó sẽ bạt vía không dám ló mặt tới cái địa phương này nữa. Nhưng đàn anh yên trí đi. Em sẽ “nhím” bài này để viết lại một bài khác ca đàn anh tới tận mây xanh. Chỉ xin ông anh cứ giữ một bản nguyên thuỷ này. Mai mốt, giấy tờ miếng đất làm xong, em sẽ huỷ bản nó và cho in bài sắp viết.
Ông Phong: (vuột miệng) Mẹ cha thằng láu cá. Không ngờ phóng viên báo Ðảng lại mất phẩm chất đến thế (xua tay) Thôi xéo ngay cho khuất mắt. Tuần sau, qua bên thằng Nhà Ðất lấy Sổ Ðỏ. Cái vụ này mà lọt ra ngoài thì tao… giế… ết… ết… t… ..
Ký Sọc: (vội vã thụt lùi, đi ra) Lọt sao được… lọt sao được… Thôi xin chào… xin chào… xin cám ơn Thủ trưởng…
Lớp 11
Ông Phong – Bình
Bình: (sấn sổ đi vào): Uùi giời ơi! Thằng Ký Sọc vừa ở đây ra. Nó bén mảng tới để “doạ” bố cái gì thế?
Ông Phong: (gắt) Con mẹ mày. Nó là cái thớ gì mà dám cả gan doạ tao. Tiện đi công tác nó ghé vô chào thôi.
Bình: Thằng này như chó sói đánh hơi mùi xác chết. Con không tin.
Ông Phong: Mày đừng có vẽ chuyện. Gây thù chuốc oán, không nên.
Bình: Bố biết không? Nó đang thì thọt với đám công đoàn bên xưởng Giầy Bình Minh. Chẳng biết nó đánh hơi thấy chuyện gì?
Ông Phong: Chuyện gì thì cũng kệ cha nó. Rỗi hơi đâu mà chõ mõm vào chuyện người khác. Mày đã lên tỉnh gặp chú Hỗ rồi à?
Bình: Ðâu mà có nhanh thế! Nhưng nửa đường gặp đám dân oan ùn ùn kéo nhau lên tỉnh, nên con quay về báo tin cho bố. Chúng nó tính nằm ăn vạ ở trụ sở Ban Thanh Tra, lại khiêng cả mấy cái cáng chở người bị tụi xã đội đánh cho bể đầu sứt trán nữa kìa.
Ông Phong: (giật mình) Lại có chuyện đó nữa à? Thế thì đích thị chúng nó có tổ chức, có thằng chỉ đạo xúi giục gây bạo loạn rồi. (quát) Bái đâu. (Có tiếng Bái dạ to) Bảo tụi nó chuẩn bị xe gấp. (có tiếng Bái: Dạ)
Bình: Con khuyên bố đừng có nhào vô trực tiếp mà lãnh đạn. Hãy túm lấy thằng xã đội trưởng bắt nó giải trình đi cái đã.
Ông Phong: (ngần ngừ) Ừ… mày tính phải. Hãy nắm sự việc cụ thể ngay từ gốc cái đã. (gọi to) Bái!
Lớp 12
Thêm Bái
Bái (chạy vào) Dạ , em bảo chuẩn bị xe rồi. Ông Phong: Mấy thằng xã đội đã tới chưa?
Bái: Dạ, đồng chí Tòng cũng vừa về tới. Em thấy có dẫn theo mấy tay bên xã đội.
Ông Phong: (gật đầu) Tốt! Bảo tụi nó chuẩn bị, tao đích thân qua bên đó lấy cung tụi nó. (ra)
Lớp 13
Bình – Bái
Bình: (cười hề hề) Ðằng ấy thế mà bận rộn gớm nhỉ?
Bái: (trề môi) Còn hơn con mọn nữa. Hơi tí réo Bái… Bái… Uùi giời ơi… Thà đi mẹ ra chợ trời làm con buôn còn sướng!!!
Bình: Con buôn chỉ có tiền mà không có quyền. Thời buổi này có tí quyền vẫn hơn chứ!
Bái: Quyền mẹ gì cái thứ công an viên quèn như tôi. Chỉ ru rú nơi văn phòng, tối ngày bị sai đến sặc gạch.
Bình: Cậu vải thưa sao che được mắt Thánh. Ngồi gần mặt trời, cậu lại không lợi dụng để quậy toe ra ấy à?
Bái: Uùi cha! Cậu nói cái gì mà nghe động trời vậy? Tôi ở đây làm được cái gì mà cậu nói “quậy toe” ra.
Bình: Nội cái, những đơn từ xin xỏ, kiện cáo ra vô chỉ có một mình cậu sắp xếp. Lại không vớ bẫm ấy hả?
Bái: Cậu cứ như là con ma xó!… Ừ… thì cũng trà nước chút đỉnh, đâu có nhằm nhò gì mà cậu đem kẻ vạch.
Bình: Kẻ vạch ấy à? Tôi mà đem cậu ra kẻ vạch thì cứ sống mà ăn sắn. Thế cái vụ cậu đóng dấu cho đám con mẹ Thìn đi chợ trời Tam Biên thì sao đây?
Bái: (chắp hai tay) Xin lậy bố! Xin lậy bố! Cái chuyện ấy làm sao mà bố biết được.
Bình: (cười ha hả) Cho nên đừng có lấy vải thưa che mắt Thánh. Nói cho cậu hay, tớ đếch thèm xía dzô chuyện thiên hạ. Nhưng đừng có tưởng ai cũng mù hết.
Bái: Vâng. Cậu dạy chí phải. Ở cái xứ này chẳng có ai mù hết. Người ta chỉ vì sợ mà ngậm miệng thôi.
Bình: Ngậm miệng cũng có nhiều thứ. Có thứ ngậm miệng ăn tiền, có thứ ngậm miệng đếch ra đồng xu nào.
Bái: Thế thì cậu thuộc loại ngậm miệng nào? Xu hào cũng rủng rẻng chớ?
Bình: Mày đừng có nói láo. Tao chưa hề hăm doa đi tố cáo ai để kiếm tiền tiêu xài. Cứ để cho chúng nó đục khoét đến ruỗng ra thì may ra cái cơ đồ mục ruỗng này mới mau chóng đổ sụp.
Bái: Ơ! Thế cậu không sợ khi đổ ụp rồi thì ông bố của cậu cũng mất chức, mất quyền à?
Bình: Tao không có đi lo chuyện bò trắng răng. Mẹ kiếp, cứ ụp mẹ đi hết cho cả nước trở lại bằng nhau. Tao hưởng nhờ bố thì có hưởng nhưng đếch chịu được khi nhìn thấy mụ hàng xóm đi bán trinh con gái mà còn phải kỳ kèo trăm đô, trăm rưởi đô. Rồi còn cái cảnh một con mẹ ngồi xe cả triệu đô trong khi công nhân làm oằn lưng chỉ kiếm được năm chục đô một tháng. Tiên sư cái xã hội thối tha này, nó thối đến cái mức hàng trăm đứa con gái bị lột truồng ra cho mấy thằng nước ngoài xăm xoi kén vợ thì tao hết chịu nổi nữa rồi.
Bái: Tôi thấy cậu dại! Bố làm tới đó mà không “vin” vào đó để nhân lên. Coi con trai lão Chủ tịch Huyện kìa. Nó xưng hùng xưng bá, lại sống như đế vương.
Bình: Thằng Thắng chứ gì. Ai còn lạ.
Bái: Cả huyện Phù Sơn sợ nó như cọp đấy. Nghe nói nó còn dăng dện với một bà lớn nào đó trên tỉnh.
Bình: Con mẹ Tỉnh Ủy viên kiêm thành viên Hội đồng Kiểm Sát chứ gì! Gái nạ dòng, chồng tối ngày ôm vài con vợ bé thì nó phải kiếm bổng lộc bên ngoài tí chứ.
Bái: Sao cái gì cậu cũng biết rành sáu câu quá vậy!
Bình: Tinh một nòi cách mạng cả đấy. Mất phẩm chất mẹ hết cả rồi.
Bái: Ðúng đó cậu ơi! Ở đây tôi biết. Dột từ nóc dột xuống. Từ địa phương lên tới trung ương, chẳng thằng có chức có quyền nào chê tiền hết. Mà họ móc nối chằng chịt với nhau, cứ như rễ cây đa đầu Xóm Thượng. Sống là sống chùm mà chết thì cũng chết chùm cả đám thôi.
(Có tiếng lao xao và Yến đi vào)
Lớp 14
Thêm Yến – Bà cụ Xuân
Bình: Ơ! Yến! Mày đang đi học ở trên đó, sao mò xuống đây?
Bái: Cái nhà bả cụ này dai như đỉa! Ðã bào về đi mà sao lại nhào vô đây?
Yến: Cụ ấy túm lấy tôi theo vào đấy. Còn anh Bình sao cũng lại ở đây? Em được nghỉ vài ngày nên về thăm nhà tiện thể đi thực tế luôn. Bố đâu?
Bình: Ông ấy vừa ở đây. Nhưng chạy qua mé bển nghe lấy cung mấy thằng xã đội.
Yến: Eo ơi! Em nghe người ta nói là dân oan bị đàn áp dữ dội lắm phải không?
Bà cụ Xuân: Ðúng đấy cô ơi. Oan thấu trời thấu đất. Cô cứ xuống địa phương này mà coi. Sầu thảm lắm cô ơi!!!
Bái: Kêu gì kêu hoài. Sáng nay Quận Uỷ đã tiếp bà rồi. Ðã nói là ở đây không phải cái chỗ để cho bà kêu ca.
Bà cụ Xuân: Mày im mồm đi thằng Bái. Ngày xưa tụi bay gõ cửa nhà tao xin trốn chui trốn nhủi thì tao có nói nhà tao không phải là cái chỗ để mà ra vô hay không?
Bái: (bĩu môi) Lại giở cái giọng công thần! Mỗi thời mỗi khác chớ.
Bà cụ Xuân: Thời nào, lúc nào thì cũng không cho phép cướp đất , cướp nhà, cướp ruộng của dân. Tao mà biết trước giải phóng thế này thì tao đã mặc xác tụi bay, chẳng thèm tiếp tế cho từng bịch gạo, lon muối.
Yến: Thôi… thôi… bà ơi. Chuyện đâu có đó. Bà oan ức cái gì thì cứ gõ đúng cửa mà kêu. Ðịa phương không giải quyết thì kiện lên trên. Chẳng lẽ cái xứ này quân hồi vô phèng đến độ không còn có ai đứng ra xử lý cho đến nơi đến chốn cả sao?
Bà cụ Xuân: Nhiều người đã kêu hết năm này qua năm khác rồi cô ơi. Tôi nghe dân oan Thái Bình họ kéo nhau lên tới tận trung ương gào thét mà chẳng có đứa nào đoái hoài. (vật mình vật mẩy). Còn ở xóm tôi thì nhà đang yên lành bị xe ủi đến cào bằng. Dân ùa ra phản đối thì chúng nó đàn áp dã man, đánh cả người già lẫn phụ nữ, trẻ em. Phen này thì chỉ có chết mà thôi… trời ơi là trời…
Yến: Chuyện ấy cháu cũng vừa thấy trên đường tới đây rồi. Dân chúng khiêng cáng người bị thương kéo nhau rần rần lên tỉnh. Chết… chết… sao lại có chuyện lộng hành đến thế. Ở đâu thì cũng phải có luật pháp chớ!
Bình: (nhếch mép) Luật pháp con mẹ gì. Mày chúi đầu chúi mũi vào sách vở đâu có biết gì chuyện ở dưới quê.
Yến: (cãi) Biết chứ sao không biết! Ở trển, dân oan đã kéo nhau đi khiếu kiện rần rần. Nhưng em tưởng chỉ ở nơi khác thôi chớ. Còn địa phương của bố…
Bà cụ Xuân: Ðâu đâu cũng thế thôi..cô ơi. Ui… cái thời buổi mạt vận này…
Bái: Thôi đi bà ơi. Bà phát ngôn ở đâu tuỳ ý, nhưng ngay tại chỗ này… nói năng linh tinh là chết tôi. (quay sang Yến) Nhờ cô nói giùm bả ra ngoài giùm tôi. Từ sáng, bả đã quậy rối tinh rối mù ra ở đây rồi. Chút nữa ổng quay lại, cứ nhè đầu thằng tôi ra mà báng thì tôi chết.
Yến: (nói với bà Xuân) Thôi cụ muốn kêu ca gì với bố cháu thì cứ để đơn ở đây, cháu chuyển giao tận tay cho. Rồi về coi bà con thân nhân có ai thương tích gì không. Ở đây kêu ca la lối cũng chẳng ích gì.
Bà cụ Xuân: (trao xấp đơn cho Yến) Vậy tôi nhờ cô trao tận tay cho ổng. Hoàn cảnh của tôi, tôi nói rõ hết trong đơn rồi.
Yến: (nhận đơn) Vâng… vâng… cháu hứa cháu sẽ làm…
Bái: (xông lại, vừa đi vừa đẩy bà cụ rúi rụi) Ra… Ra…
Lớp 15
Bình – Yến
Bình: Mày chỉ làm chuyện ruồi bu. Bộ mày tưởng bố giải quyết được chuyện dân oan hả? Ông ấy chỉ là thứ tép riu. Dây mơ rễ má của những vụ này leo lên tới tận đỉnh thiên tào.
Yến: (tròn mắt) Như thế thì có mà loạn!!!
Bình: (cười hớ hớ ) Loạn to ấy chớ! Loạn âm loạn dương, loạn trời loạn đất. Loạn từ trên xuống dưới. Mày thử banh mắt ra mà nhìn xem có ông lớn nào mà không xía cho mình một khoảnh, chả ở đây thì cũng ở chỗ khác. Thằng ham tiền thì bán cho tài phiệt ngoại quốc, thằng mê tín thì chuẩn bị sẵn cơ ngơi để lúc chết, con cháu sau này lại phát vương phát đế tiếp tục cưỡi cổ dân lành. Lại còn những thằng ham hưởng thụ thì chỗ này một nhà nghỉ mát, chỗ kia một trang trại dưỡng già, lại còn sân gôn, sòng bài, nhà chứa… Nước mình bây giờ không chỉ có một “vua” đâu. Vua bây giờ nhan nhản. Ở xã có vua xã, ở huyện có vua huyện, ở tỉnh có vua tỉnh.
Yến: Khiếp! Nghe anh nói mà như chuyện ở trên cung trăng.
Bình: Mày là cái con chỉ chúi đầu vào sách vở. Lại chọn môn Văn, đọc toàn những thứ của giả, viết theo nhu cầu, theo Nghị quyết thì biết được cái đếch gì.
Yến: Xin lỗi nhé! Thời buổi bây giờ in-tơ-nét mở ra biết bao nhiêu là chân trời…
Bình: Thế thì đổi mẹ môn học đi. Ra làm con kỹ sư vi-tính còn có lợi cho bản thân.
Yến: Nhưng mà em thích viết! Ðời sống chung quanh có bao nhiêu điều khiến mình muốn viết, có thể viết…
Bình: (ngạc nhiên) Ủa! Mày phát rồ rồi hay sao mà đâm đầu vô những chuyện ruồi bu đó. Mày tưởng cứ viết ra cái gì thì được in cái đó hả? Ðấy mới là chuyện hão huyền trên cung trăng.
Yến: Em đâu có mơ trở thành nhà văn. Em chỉ muốn bầy tỏ những cảm xúc của mình lên trang giấy thôi…
Bình: Nghĩa là mày nghĩ cái gì viết ra cái đó?
Yến: Chứ sao?
Bình: Rồi gửi đăng báo?
Yến: Ðăng được thì cũng tốt thôi!
Bái: Rồi trước khi đăng, người ta đòi sửa chỗ này, cắt chỗ kia, mày chịu không?
Yến: Xí! Còn lâu! Tim óc của con nhà người ta, dễ gì cắt!
Bình: Thế thì mày chả biết cái đếch gì hết. Ở cái xứ này mà đòi tự do viết lách thì bằng lật mẹ trung ương Ðảng đi cho rồi.
Yến: Ơ hay! Nói thế chả hoá ra bao nhiêu nhà văn nhà báo xứ ta đều chống Ðảng hết sao?
Bình: Chống chớ! Có đứa nào mù đâu mà không muốn chống. Mà điều chúng nó chỉ chống ở bàn rượu với quán bia thôi. Ðến lúc cầm bút lên thì chả thấy anh nào dám hó hé. Mày đọc bao nhiêu là sách báo mà không thấy chuyện đó sao?
Yến: Cũng có nhiều tác phẩm phản biện gớm ra ấy chứ.
Bình: Thế thì mới có chuyện thu hồi, chuyện tịch thu. Cho mày hay, ở cái xứ này quản lý xã hội thì như mèo mửa nhưng quản lý tư tưởng thì vào bậc siêu đấy.
Yến: Chỉ quản lý được báo in trong nước thôi. Không cho thì có khối người đưa lên mạng.
Bình: Hừm! Có bao nhiêu đứa như mày xài đuợc in-tơ-nét?
Yến: Anh ra thành phố mà coi! Các tiệm cho thuê máy vào in-tơ-nét có mà vô thiên lủng. Lại rẻ rề! Xài 3 chục phút mà hết có 2 nghìn rưởi thôi!
Bình: Tao lạ gì. Bọn con nít đông nhung nhúc. Nhưng chúng nó chỉ toàn tụ tập chơi ghêm với nói tục, chửi thề. Còn đứa nào xớ rớ vô mạng tìm tòi của lạ là công an chìm nó úm ngay.
Yến: Giới thanh niên, sinh viên bây giờ họ cũng khôn ra rồi, anh ơi. Ai dại gì vô tiệm mà viết bài, gửi bài. Cứ ở nhà vô nét bằng thẻ điện thoại không cần dây thì bố công an cũng chằng mò ra.
Bình: (nhún vai) Có được bao nhiêu đứa? Tao nói là nói chuyện tự do viết lách, bàn luận công khai mà không sợ bị nắm gáy kìa!
Yến: (nhún vai) Ui! Chuyện đó có thế còn xa, nhưng không phải là không bao giờ tới. Với lại bây giờ em hãy còn đang đi học mà. Nhưng nói cho ngay, người viết mà bị tước đoạt quyền phát biểu của mình thì không thể chấp nhận được. Phải đấu tranh mà giành lại chứ!
Bình: (kêu lên) Ngon! Con này ngon! Lại một thứ mầm non cách mạng nữa đây. Nhưng nói cho mày hay, bố mà biết được thì mày chỉ có nước về quê mà đi mò cua, bắt ốc . Ở đó mà chờ ông ấy gửi tiền trợ cấp cho đi học. (nhìn ra) Kìa! Linh thế! Mới nhắc tới đã thấy ổng rồi.
Lớp 16
Thêm Ông Phong
Yến: (reo lên) Bố… ố…
Ông Phong: (ngạc nhiên) Ơ! Yến! Mày về hồi nào vậy?
Yến: Con vừa mới tới. Con được nghỉ vài ngày nên về thăm bố mẹ.
Ông Phong: Thăm bố mẹ thì về nhà chứ sao mò vô đây?
Yến: Tại trên đường về, con thấy nhộn nhạo quá, dân chống đối kéo nhau đi rần rần, con mới ghé đây hỏi cho biết.
Ông Phong: Chẳng có chuyện gì đâu. Bà con bị mấy thằng phản động xúi giục nên túa lên làm càn. Nhưng xã đội với dân phòng cho dẹp hết rồi.
Yến: Ðâu có, bố! Tụi nó đánh người què giò, gẫy cẵng, phải cáng nhau lên tỉnh khiếu nại kìa.
Ông Phong: (kêu lên) Ăn vạ! Chúng nó khấu đầu ăn vạ đó. Bố đã nghe mấy thằng xã đội giải trình rồi. Lực lượng an ninh, dân phòng mới chỉ dàn hàng ngang giữ trật tự, nào ngờ chúng nó liệng gạch đá túi bụi làm mấy tay dân phòng sứt đầu bể trán. Ðã thế có thằng hung hăng còn xông vào cướp súng toan bắn càn nên mới bị xã đội quật ngã để bảo vệ vũ khí. Chuyện có thế mà chúng nó la lên là dân bị đàn áp rồi xúi dân gây bạo loạn.
Bình: Bố lại nghe chúng nó báo cáo láo rồi!
Ông Phong: Mày đừng có chõ mồm vào . Mấy thằng xã đội mà dám nói láo với Quận uỷ hả?
Bình: Nhưng chúng nó sợ. Sợ trách nhiệm nên sẵn sàng đổ lỗi cho người khác. Trừ phi…
Ông Phong: (quắc mắt) Trừ phi làm sao?
Bình: (cười ngỏn ngoẻn) Trừ phi chính bố mớm lời cho chúng nó!!!
Ông Phong: (dậm chân xuống sàn) Thằng mất dậy! Mày dám ăn nói thế với bố mày hả? Cút ngay! Cút ngay!
Bình (nhún vai, đi ra)
Lớp 17
Ông Phong – Yến
Ông Phong: (thở dài) Thằng anh mày bây giờ hỏng. Chẳng còn một chút phẩm chất nào. Sao nó không chết quách đi cho rồi.
Yến: Sao bố lại rủa ảnh như thế. Bề gì…
Ông Phong: (quát) Nó sống mà không kể như chết sao? Học không lo học, tối ngày chỉ đánh đu với lũ đĩ điếm, đầu đường xó chợ… Bây giờ lại còn giở cái luận điệu phản động, xuyên tạc chống phá nhà nuớc. Sẽ có ngày người ta tống cổ vô tù, đừng hòng tao can thiệp.
Yến: Như thế là bố muốn từ ảnh luôn hả?
Ông Phong: Chứ sao!! Chuyện hỗn láo của nó vừa xẩy ra chính mày chứng kiến. Ðừng có nói là tao phân biệt đối xử.
Yến: Thái độ của ảnh như thế là có lý do!
Ông Phong: (quắc mắt) Lý do? Lý do gì?
Yến: Tại…
Ông Phong: (quát) Tại sao?
Yến: (to tiếng) Tại anh ấy hận bố!
Ông Phong: Hận tao? Tao làm gì mà nó hận? Cơm nó ăn, nhà nó ở, tiền nó tiêu, cung phụng như thế mà còn hận thì hận cái nỗi gì?
Yến: Ảnh hận bố từ ngày bố sai ảnh đi Cốc Lếu.
Ông Phong: Sai có một việc đó mà phát hận lên thì nó là cái thứ gì? Có còn là con cái trong nhà không?
Yến: Ði xa không thôi thì nói làm gì. Nhưng ảnh phát hiện thực chất chuyền đi này là bố để ảnh làm con tin trong một vụ giao dịch gì đó.
Ông Phong: (giật mình) Nó nói với mày thế hả?
Yến: Lâu rồi. Cái thằng đi cùng với ảnh nói ra như thề. Ảnh còn nhớ mãi câu: “Cậu thay mặt ông Phong đấy nhá. Ông mà lật lọng thì cậu không có đường về.”
Ông Phong: (hậm hực đi tới đi lui)
Yến: Bố!!!!
Ông Phong: (quay đi chỗ khác, không trả lời)
Yến: Thiếu gì cung cách giao dịch, sao bố chấp nhận chuyện bắt ảnh làm con tin?
Ông Phong: Ðừng nói láo! Tao bắt nó làm con tin cho tao hồi nào. Ði giao dịch có tí xíu mà nói là làm con tin!
Yến: Thì họ nói: “Ông mà lật lọng thì cậu không có đường về.”. Ngộ lỡ có chuyện gì trục trặc xẩy ra, ảnh không có đường về thật thì sao?Tính mạng của ảnh mà bố coi nhẹ hơn tiền bạc hả.
Ông Phong: Mày đừng có bịa chuyện nói láo. Làm sao tao coi chuyện tiền bạc hơn tính mạng của nó. Mà làm gì có chuyện trục trặc… Tao tính toán kỹ hết rồi.
Yến: Bố tính toán kỹ… Vậy bố có tính đến chuyện anh ấy “hận” bố sau lần đó không?
Ông Phong: (sẵng) Ô hay, cái con này cứ lằng nhằng mãi một chuyện đó. Thôi về nhà đi. Chuyện người lớn, con nít đừng có xía vô.
Yến: Bố phải trả lời con chuyện đó. Bao lâu nay con muốn dứt ra mà không được.
Ông Phong: (quát) Tao nói đi về! Yến; (sẵng lại) Con không về!!!
Ông Phong: Con này láo! Mày dám cãi lại bố có phải không?
Yến: Con không cãi. Nhưng bố không trả lời rõ, con không về!
Ông Phong: (vớ bình hoa trên bàn, đập tan xuống đất): Ranh con! Hỗn láo! Ra! Ra khỏi đây ngay!!!
(có tiếng dân oan ồn ào náo loạn ở phía ngoài, Bái hốt hoảng chạy vô)
Lớp 18
Thêm Bái
Bái: (la chói lói) Chết rồi! Chết rồi! Tụi dân oan lên tỉnh, đi nửa đường bị lực lượng an ninh chặn đánh cho tơi bời… bây giờ họ kéo nhau hết về đây…
(bên ngoài vọng vào tiếng la hét: “Ðả đảo công an đánh người… Công an đánh người… ” Xen lẫn nhiều tiếng la hét ầm ĩ…)
Ông Phong: (hét) Gọi đồng chí Tòng dẫn tiểu đội về ngay… Bảo chúng nó tập hợp dân phòng lại… Kêu hết nhân viên ra kéo rào cản cách ly không cho chúng nó lại gần (hối hả chạy ra)
Lớp Cuối
Yến – Bái
Bái: Cô… cô làm cái gì mà ổng giận dữ ghê thế?
Yến: Ui… chuyện riêng gia đình… đứng có hỏi. Mà ở ngoài đó xẩy ra cái gì thế?
Bái: Dân oan… dân oan… họ kéo hết về đây muốn phá sập cả cái cơ quan này…
Yến: Trời ơi. Thế thì to chuyện rồi… Thật không biết còn làm sao nữa bây giờ.
Bái: Cô chạy đi… chạy mau đi, kẻo chẳng phải đầu lại phải tai…
Yến: Ý! Chuyện ra thế này, chạy đâu có được. Tôi phải mục kích tận nơi (lại gần Bái) Anh Bái ơi… Ðây có pin không… cho tôi vài cục…
Bái: Ủa! Cô cần pin làm gì? Ở đây có, nhưng để lát nữa đi. Chuyện ngoài kia đang rối mù…
Yến: Ấy..vì thế tôi mới cần ngay. Tôi phải thu vào máy hình diễn biến cái vụ này lại…
Bái: Ui cha!… (giơ hai tay lên trời) Cô tính… … … … … … … … cô tính tố cáo chuyện đàn áp dân oan hả…
Yến: (đẩy nhẹ vào người Bái) Thì cứ đưa pin cho tôi… Ðừng có dài dòng…
Bái: Vâng… có ngay… có ngay… Pin để hết ở phòng bên kia… (hối hả chạy ra)
Yến: (xốc cái túi xách lên) Cám ơn… Cám ơn… (hối hả chạy ra theo)
Ở bên ngoài, tiếng dân oan la hét dữ dội hơn, trong khi ấy màn từ từ hạ…
NHẬT TIẾN
Tháng 6/2008