Ngày Tôi Tuyên Hứa

Hồi ký của Nhật Tiến

NgayToiTuyenHua Hình minh họa – trên Internet.

Tôi gia nhập phong trào Hướng Đạo từ năm 1951, tuy nhiên tôi không có cơ hội được sinh hoạt ở Bầy, nghĩa là tôi không phải một Sói con. Năm ấy tôi đã 15 tuổi, đã qua những ngày còn nhỏ nhít chạy nhẩy tung tăng và hồn nhiên vui vẻ khi quê hương tràn ngập khói lửa. Từ năm 1946, tôi đã phải theo gia đình quẩy gánh lũ lượt rời Hà Nội đi tản cư lần lượt qua những tỉnh như Sơn Tây, Việt Trì, Hưng Hoá , Phú Thọ. . .. Năm 1950, khi  quay trở về Hà Nội (hồi cư) thì tôi đã dư cái tuổi để nhập Bầy. Thôi thì xin vào làm Đoàn sinh vậy.

Đoàn của tôi có tên là Bình Than, thuộc Đạo Đồng Nhân Hà Nội, mà anh Đạo trưởng hồi đó là Trần Trung Ru, sau này là Tráng trưởng Tráng Đoàn Bạch Đằng ở Sài Gòn. Đạo Đồng Nhân có cả thẩy 4 Đoàn, thành lập theo thứ tự là Bạch Đằng, Chí Linh, Bình Than và Ngô Quyền. Phụ trách đoàn Bình Than có anh Phạm Đản, đoàn trưởng, nay đã gần 80 tuổi và hiện vẫn sống mạnh khoẻ ở Hà Nội.

Đoàn phó của tôi là anh Chính, người điềm đạm, rất yêu thương trẻ và vô cùng tận tuỵ với công tác được giao phó. Rất tiếc, anh đã mất từ  lâu, ít năm sau 1954. Khi đó, đoàn Bình Than đã có sẵn 4 đội, theo thứ tự thành lập là đội Ong, đội Đại Bàng, đội Phượng Hoàng và đội Én.

Tôi gia nhập đội Én khá muộn màng. Đội trưởng của tôi là anh Đính, Đội phó là anh Can, nay cả hai vẫn còn sống ở Hà Nội. Y phục Hướng Đạo thời đó là quần xanh, áo nâu, mũ 4 múi dành riêng cho Hướng Đạo, giầy dép tùy nghi không bắt buộc. Khi mới vào đoàn, tôi chỉ được mặc áo nâu mà không được đeo phù hiệu Hoa Bách Hợp nền xanh, dệt hoa đỏ. Tôi cũng không được đeo khăn quàng như các anh đã gia nhập từ trước. Nghĩa là tôi mới chỉ là một thứ dự bị, phải chờ tới khi “tuyên hứa” thì mới được coi chính thức là một Hướng Đạo sinh với đầy đủ khăn quàng, phù hiệu và tua vai của riêng mỗi Đội.

Như thế, được “tuyên hứa” là điều mơ ước của hầu hết các Hướng Đạo sinh vừa nhập đoàn. Và để đạt được cái vinh dự đó, tôi đã phải miệt mài chăm chỉ, không những chỉ đi họp Đoàn, họp Đội không vắng mặt buổi nào mà còn phải học đủ thứ chuyên môn, thuộc đẳng cấp gọi là “Thí sinh”. Qua đẳng cấp ‘thí sinh” để được tuyên hứa rồi, mới được thi lên nữa, Hạng Nhì rồi Hạng Nhất. Vào thời đó, đoàn của tôi chỉ lác đác có hai anh đeo bằng Hạng Nhì , tức một chữ V mầu xanh, ở giữa có lằn chỉ vàng, đeo ở vai bên trái.

Chương trình “Thí sinh” để được tuyên hứa cũng bao gồm lắm “món”, nhiều thứ: nào học lịch sử Hướng Đạo thế giới, tiểu sử  Bi Pi (Baden Powell), luật Hướng Đạo,  lịch sử VN, đặc biệt là lịch sử liên hệ đến cái tên Bình Than là tên của Đoàn, rồi học dấu đường, học Morse (truyền tin bằng còi), học làm những nút căn bản như nút bò, nút dẹt, nút thợ dệt, nút thuyền chài, nút câu cá, nút ghế đơn, ghế kép, nút cáng, nút cầu..v.v. .rồi phải biết băng bó vết thương, biết dựng lều, biết thổi cơm ngoài trời dù có gió hay mưa. Đã thế lại còn phải trình anh đội trưởng mỗi lần họp Đội một cuốn sổ gọi là ‘Sổ Sửa Mình”. Trong sổ này, tôi phải ghi chép đầy đủ công việc “sửa mình” trong tuần: có thói quen ngủ trễ thì không còn trễ nữa, bài vở nhà trường nếu đi học chưa thuộc thì phải thuộc bài mới đi, hay ít ra phải kê khai mỗi ngày làm một việc thiện, việc đó là việc gì, ở đâu, ra sao. ..v. . v . .

Trải gần sáu tháng trời “phấn đấu”, cuốn “Sổ Thí Sinh” của tôi được anh Đính ký nhận đủ các khung kẻ sẵn, mỗi khung là một môn thi, bao gồm đủ mọi môn, cả lịch sử cũng như chuyên môn. Rồi anh phúc trình lên anh Đoàn trưởng là tôi đã đủ điều kiện để tuyên hứa. Đối với tôi, đó mà một tin trọng đại, một niềm vui sướng khôn tả và tôi hồi hộp chờ tới kỳ trại Đoàn sắp tới, một lễ Tuyên Hứa tại trại sẽ được dành cho tôi.

Mùa hè năm 1951, anh Đính thông báo là trại Đoàn lần này sẽ tổ chức ở Láng, một địa điểm cách Hà Nội chừng hơn 30 phút đạp xe. Đi cắm trại là một niềm vui của tất cả những ai đã từng là Hướng Đạo. Vào thời đó, chúng tôi chỉ di chuyển bằng xe đạp, mỗi chiếc xe chia nhau chất đủ thứ đồ: nào gậy Hướng Đạo, nào thừng, nào lều, cọc lều, nào nồi niêu xoong chảo, lại cả những bó củi mang từ nhà để đun bếp nữa. Chúng tôi tập trung ở sau Nhà Hát Lớn Hà Nội, vào thời đó còn có những bãi cỏ xanh rờn, có bóng cây toả mát và một khoảng trống rộng rãi thừa đủ để họp cả Đoàn và sau khi họp Đoàn, các Đội còn chia nhau một khu riêng để họp Đội nữa.

Đoàn xe chúng tôi lên đường trong sương sớm của một buổi sáng tinh mơ của Hà Nội và trong tiếng hát rộn rã của tất cả mọi người : “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng………….. .”

Thật, đây là những giờ phút vui vẻ, hồn nhiên, tươi sáng và hạnh phúc nhất của đời người.

***

Lễ Tuyên Hứa của tôi được tổ chức ngay tại bãi cỏ rộng mông mênh trước Chùa Láng. Cả đoàn tụ tập đông đủ theo hình chữ U. Phía trống trước mặt, có 3 anh : một anh cầm Quốc kỳ, một anh cầm cờ Hướng Đạo, một anh cầm cờ Đoàn. Anh Đoàn Trưởng, Đoàn Phó đứng cạnh đó. Sau nghi lễ chào cờ, anh Đoàn Trưởng nói ý nghĩa của lễ Tuyên Hứa và kêu anh Đính dẫn tôi ra đứng trước những lá cờ. Theo lời chỉ dẫn cặn kẽ của anh Đính từ trước, tôi đứng nghiêm chỉnh ( khi đó tôi chưa được phép chào theo kiểu Hướng Đạo) và nói dõng dạc:

– Thưa anh, sau nhiều tháng học lịch sử Hướng Đạo, Luật Hướng đạo, chuyên môn Hướng Đạo và cố gắng sửa mình, lúc nào cũng “sắp sẵn” để thực hiện châm ngôn của một Hướng Đạo Sinh, em lấy làm vinh dự để xin được chính thức gia nhập đại gia đình Hướng Đạo.

Khi  tôi dứt lời, anh Đoàn Trưởng nói:

– Qua nhận xét của đội trưởng đội Én, em đã tỏ ra xứng đáng để trở thành một Hướng Đạo sinh. Em hãy đứng dưới lá cờ Đoàn và tuyên đọc lời hứa Hướng Đạo.

Tôi hồi hộp tiến lại lá cờ Đoàn. Tất cả các anh em đều yên lặng, nghiêm trang theo dõi cử chỉ của tôi. Tôi đứng thẳng người trước lá cờ. Tay phải tôi chào theo kiểu Hướng Đạo (ba ngón tay phải giơ lên ngang vai). Tay trái tôi nắm nhẹ lấy một góc của lá cờ, và tôi cất giọng dõng dạc:

“ Trước Quốc kỳ , tượng trưng cho Tổ quốc, trước Đoàn kỳ tượng trưng cho tinh thần Hướng Đạo, tôi xin lấy danh dự của tôi để tuyên hứa:

– Thứ Nhất : Trung thành với Tổ Quốc.

– Thứ Nhì : Giúp ích mọi người

– Thứ Ba:  Tuân theo Luật Hướng Đạo.

Anh Đoàn Trưởng lên tiếng:

– Nhân danh Đoàn Trưởng, thay mặt cho tổ chức Hướng Đạo, anh chấp nhận lời tuyên hứa của em.

Sau đó anh gắn lên ngực bên trái của tôi chiếc huy hiệu Hoa Bách Hợp và nói :

– Đây là Hoa Bách Hợp tượng trưng cho phong trào Hướng đạo. Kể từ nay, em chính thức được gia nhập phong trào Hướng Đạo VN. Em hãy luôn luôn tỏ ra xứng đáng với huy hiệu này trên có châm ngôn “Sắp Sẵn”, em hãy rèn luyện  thể chất, rèn luyện tâm tính, rèn luyện khả năng để sẵn sàng giúp ích cho tổ quốc, cho xã hội, cho mọi người chung quanh.

Rồi anh quàng lên cổ tôi chiếc khăn quàng mầu xanh lá cây có viền trắng, lùa chiếc “guột” vào hai đầu khăn và kéo nó lên để giữ cho cái khăn ở vị thế ngay ngắn. Anh nói tiếp:

– Chiếc khăn này là biểu tượng của một Hướng Đạo Sinh đã được tuyên hứa. Mầu xanh của khăn quàng là mầu của Đoàn Bình Than. Nó nhắc nhở cho em luôn nghĩ tới trách nhiệm của người Hướng Đạo trong các sinh hoạt Đoàn, Đội. Em hãy cố gắng làm vẻ vang cho phong trào  Hướng Đạo và đem lại vinh dự cho Đoàn.

Cuối cùng, anh đeo tua vai Đội Én lên cầu vai bên trái của tôi, nhắc nhở tôi về trách nhiệm của một đội sinh và đội lên đầu tôi chiếc mũ Hướng Đạo. Chiếc mũ có bốn múi tượng trưng cho bốn phương mang tinh thần mạo hiểm, xông pha và luôn sắp sẵn để giúp ích mọi người. Rồi anh xoè tay trái ra bắt tay tôi một cách chặt chẽ, nồng nhiệt. Tôi cũng giơ tay trái ra bắt lấy bàn tay của anh, lòng dạt dào vui sướng vì đây là lần đầu tiên tôi được phép bắt tay trái mọi đồng đội. Người Hướng Đạo quan niệm rằng bên tay trái là phía của trái tim. Chúng tôi không bắt tay xã giao mà là truyền cho nhau ngọn lửa nhiệt thành xuất phát từ trái tim nồng nhiệt của mỗi người.

Phần nghi lễ tuyên hứa chấm dứt. Tôi chào ban Huynh trưởng theo kiểu chào Hướng Đạo và tôi cũng quay lại phía Đoàn để giơ tay chào tất cả các anh em. Mọi người cùng chào lại và nhìn tôi với những ánh mắt rực ngời niềm vui và lòng tin tưởng.

Thế là kể từ giây phút đó tôi chính thức là một thành viên của Phong trào Hướng Đạo VN. Tôi đã vượt qua bước khởi đầu, tuy ngắn ngủi so với cả cuộc đời Hướng Đạo Sinh, nhưng tôi cũng đã phải nỗ lực trong suốt gần nửa năm trời. Và rồi đây, tôi sẽ còn thi lên Hạng Nhì rồi Hạng Nhất trước khi tới tuổi cao nhất sinh hoạt ở Thiếu Đoàn. Nếu tôi bền bỉ trên con đường Hướng Đạo, tôi sẽ lên Kha Đoàn, rồi dự bị Tráng để khi trưởng thành, tôi sẽ gia nhập ngành Tráng, ở đó tôi sẽ phải cố gắng để đạt danh hiệu Tráng Sinh Lên Đuờng với tua vai có đủ ba mầu : vàng, xanh, đỏ. Đấy là niềm ước mơ của hầu hết Thiếu sinh hồi đó.

Hướng Đạo tuy chỉ là một Trò Chơi, nhưng là Trò Chơi Trong Cả Một Đời Người. Buổi sáng hôm tuyên hứa, tôi không thể hình dung được tương lai Hướng Đạo của tôi sẽ như thế nào, nhưng thực tình, tôi yêu Hướng Đạo. Hai chữ Hướng Đạo đối với tôi bao giờ cũng thiêng liêng, nó gợi cho tôi biết bao tình cảm thắm thiết, bao nhiêu kỷ niệm khó phai mờ và bao nhiêu anh em đồng đội có khi đã không chỉ chia sẻ với nhau trong trò chơi Hướng Đạo mà còn ở cả trong sự nghiệp ngoài đời.

Thấm thoắt kể từ đó đến nay đã trên 50 trời trôi qua. Ngoại trừ những năm vì thời cuộc, hay vì hoàn cảnh riêng tư mà sinh hoạt Hướng Đạo của tôi bị gián đoạn, còn thì tôi cũng đã gắn bó với phong trào Hướng Đạo được một thời gian dài. Tôi đã lên Kha đoàn năm 17 tuổi, ở dự bị Tráng năm 18 và sinh hoạt nhiều năm trong Tráng Đoàn. Mùa hè năm 1970, tại một trại của Tráng Đoàn Bạch Đằng tổ chức tại Thủ Đức, tôi được Hội Đồng Đường trao cho cây gậy 3 gạc của “Tráng Sinh Lên Đường”. Bảo Huynh của tôi không phải ai khác, chính là anh Trần Trung Ru, nguyên Đạo Trưởng Đạo Đồng Nhân, trong có Thiếu đoàn Bình Than của tôi ngày xưa ở Hà Nội, và khi đó thì anh là Tráng Trường Tráng Đoàn Bạch Đằng. Niềm mơ ước lớn lao của cậu Thiếu Sinh năm nào mới chập chững tham gia sinh hoạt Hướng Đạo, nay đã thành sự thực. Tôi đã trở thành một Tráng Sinh Lên Đường.

Tuy nhiên, dù còn ở trong phong trào Hướng Đạo hay đã nghỉ sinh hoạt, thì điều đáng kể đối với người Hướng Đạo không phải ở chỗ chỉ khoác lên mình bộ quần áo Hướng Đạo với chiếc khăn quàng và những bằng chuyên môn rực rỡ. Cái chính yếu là họ đã sống theo tinh thần Hướng Đạo, thực hiện được những châm ngôn “Sắp Sẵn” và “Giúp Ích” ở bất cứ hoàn cảnh nào. Bởi vì chính Bi Pi đã nói : “ Hướng Đạo một ngày là Hướng Đạo mãi mãi.”

                                                                             NHẬT TIẾN

Én Nhanh Nhẹn- Thiếu đoàn Bình Than-Hà Nội
Cựu Tráng đoàn Phó Tráng đoàn Bạch Đằng-Sài Gòn