Ngày Xuân Đọc Báo Xuân “Phong Hóa” Của Tự Lực Văn Đoàn

Phong Hoa

 Lời người viết : Phong Hóa là một tờ tuần báo của thế kỷ trước, số 1 ra ngày 16-6-1932, do ông Phạm Hữu Ninh làm quản lý và Nguyễn Xuân Mai giám đốc chính trị.

Nhưng ra đến số 13 thì ban quản trị sang lại cho nhà văn Nhất Linh, nên tờ Phong Hóa  từ số 14 trở đi, Nhất Linh chính thức đứng tên chủ bút dưới tên thật là Nguyễn Tường Tam cùng với sự hợp tác của nhiều nhà văn, nhà báo, họa sĩ mà sau này trở thành đoàn viên của Tự Lực Văn Đoàn như Nhất Linh, Hoàng Ðạo, Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu, hoặc có những ngòi bút tên tuổi hợp tác- tuy không phải thành viên của Tự Lực Văn Đoàn nhưng đoạt giải văn chương do Văn Đoàn tổ chức – như  Ðỗ Ðức Thu, Phan Văn Dật, Vi Huyền Ðắc, Nguyên Hồng, Anh Thơ, Tế Hanh…

Ngoài ra, có những chi tiết mà sau này ít ai được đọc lại như mục đích, chủ trương thành lập của Tự Lực Văn Đoàn với văn phong nguyên thủy thưở ban đầu cũng đã được phổ biến trên báo Phong Hóa, số 87 ra ngày 2 tháng 3-1934. Rồi thể lệ cuộc thi sáng tác gọi là “Giải Thưởng Tự Lực Văn Đoàn” được công bố 3 tháng sau ngày Văn Đoàn thành lập, cũng đã được phổ biến trên Phong Hóa số 101  ra ngày 8 tháng 6-1934.

Đoán biết sẽ có ngày Phong Hóa bị chết, Nhất Linh đã xin phép ra một tờ báo dự trữ thứ hai, đó là tờ báo Ngày Nay chỉ chuyên về mỹ thuật, văn chương.

Báo Ngày Nay số 1 ra vào ngày 30-1-1935 và tới ngày 7-9-1944, ra số 224 thì bị chính quyền thực dân rút giấy phép, đóng cửa hẳn.

Tờ Phong Hóa ra tới số 190, ngày 5-6-1936 thì  đổi tên thành Ngày Nay nhưng cũng vẫn do nhóm Tự Lực Văn Đoàn đảm trách.

Tất cả những chi tiết quý báu nêu trên, gần đây đã được nhắc lại trên trang nhà của Đại Học Hoa Sen ( http://tintuc.hoasen.edu.vn ) trong một thông báo về sự  “số hóa” các số báo Phong Hóa và Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn, tức là các trang báo đã được scan lại thành digital (số hóa) và nay sẽ xuất hiện dưới dạng PDF (Portable Document Format) để ai vào Net cũng có thể đọc được. Đây thực sự là một tin vui lớn lao cho những ai đã từng quan tâm tới vấn đề sách, báo “thời tiền chiến”, tức là những năm 30 của thế kỷ 20, trước Đệ nhị Thế chiến 1939-1945.

Công trình đồ sộ, công phu, tốn rất nhiều công sức này là của một nhóm nhân vật đầy thiện chí với công cuộc gìn giữ và bảo tồn văn hóa, bao gồm các vị như Phạm Thảo Nguyên, Martina Nguyễn Thục Nhi, Nguyễn Tường Thiết, Vu Gia ….hợp tác với Nhóm Kỹ Thuật gồm các vị Nguyễn Trọng Hiền, Lê Thành Tôn với sự giúp sức của Đỗ Thị Kim Dung, Lê HuyềnThanh.

Là một độc giả vốn hâm mộ Phong Hóa, Ngày Nay từ thuở thiếu thời, nay được nhìn lại trên màn hình tờ báo gần như còn nguyên vẹn như ngày xưa, tôi vô cùng cảm kích và rất biết ơn các vị đã đóng góp công sức vào công cuộc bảo tồn văn hóa lớn lao này, cũng như các tạp chí Nam Phong, Thanh Nghị, Tri Tân cũng đã được nhiều nhóm thiện chí khác số hóa, để cho mọi người còn được dịp thưởng ngoạn lại những công trình tim óc của nhiều thế hệ đi trước.

**

Nhân dịp đầu Xuân, mở đọc số báo Xuân Phong Hóa năm Giáp Tuất (tức Phong Hóa số 85 ra ngày 11 tháng 2-1934), tôi xin làm một cuộc tường trình sơ lược về số báo này để chia sẻ với bạn đọc về một tờ báo Xuân đã phát hành cách nay cũng đã tròn 80 năm.  Vì trang báo có hạn, tôi chỉ xin lược qua vài nét chính, muốn đọc đầy đủ chi tiết bài vở hơn, xin quý vị vào trang web :

http://tintuc.hoasen.edu.vn/vi/1437/tin-chuyen-de/so-81-den-100-bao-phong-hoa

rồi click vào khung:  PH 085 (11-2-1934)

                                        *****

Ly Toet

Phong Hóa số Mùa Xuân Quý Dậu, 1934 dầy 36 trang khổ lớn, giá bán 20 xu. Bìa in 4 mầu do họa sĩ Le Mûr tức Cát Tường vẽ, nội dung diễn tả cảnh Cụ Lý Toét đi du xuân (xin coi hình mầu ở trên).

Trong hình, ta thấy Cụ Lý choàng khăn đỏ che lấp cái khăn xếp mầu đen cố hữu, vai vẫn vác ô nhưng lại là cái ô “lục soạn” mầu xanh lá cây chứ không phải ô cũ rích mầu đen thường ngày. Lục soạn là một thứ lụa trơn, mỏng người Hà Nội thời đó ưa dùng, cũng để làm ô che, dù che.  Một tay Cụ Lý cầm phong pháo đang đốt, tay kia nâng cái ô trên vai, ở cán ô thấy treo lủng lẳng đôi dép Gia Định buộc chung với vài túm, gói không biết bên trong đựng những gì. Tuy Cụ Lý treo đôi dép trên cán ô, nhưng chân cụ lại đi dép có quai ngang chứ không giẫm đất (tết nhất ai lại đi chân đất !). Ở ngang thắt lưng, Cụ dắt một cây quạt giấy (trời Xuân mát mẻ đâu cần quạt nhỉ ?). Còn ở ngang ngực, Cụ đeo một cái bao kính mà theo nhà thơ Tú Mỡ thì cái bao này có bọc vải thêu bên ngoài cẩn tó (xin coi bài thơ họa bức tranh Bìa của Tú Mỡ ở dưới)

Năm ấy, Dậu vừa qua, Tuất đang tới nên họa sĩ vẽ thêm ở dưới chân cụ Lý có một cái bu gà trong nhốt một anh gà sống thiến đang thò đầu ra khỏi bu kêu quang quác. Bên cạnh bu gà, không hiểu sao lại không có một anh Chó cho đúng năm Tuất mà lại có một Cụ Rùa đang kéo theo nào chai rượu Văn Điển, nào bầu rượu. Lại có cả cuốn sách Niên Lịch cùng nhiều thứ linh tinh khác, đặc biệt là cái bánh chưng, chẳng hiểu sao lại bọc ngoài nhãn hiệu là “Lang Băm” (Không theo dõi thường xuyên báo Phong Hóa chắc ít ai hiểu thâm ý của họa sĩ).

Riêng nhà thơ Tú Mỡ thì nơi trang 7 đã có bài thơ “Lý Toét Chơi Xuân” diễn tả nguyên trang bìa. Xin trích lại ít câu để độc giả thưởng lãm :

LÝ TOÉT CHƠI XUÂN

(tả bức tranh ngoài bìa của họa sĩ LE MÛR)

Đầu năm Lý Toét chơi xuân

Phất phơ bộ cánh, áo quần bảnh bao

Khăn nhiễu đỏ quấn đầu, quấn cổ

Áo láng thâm lót lụa mầu vàng

Quần hồng súng sính, xênh xang

Chân đi giép Nhật quai ngang điếm đời

Ô-lục-soạn vắt vai, ra dáng !

Đầu cán ô giầy láng buộc treo

Trước ngực đeo bao kính thêu

Quạt tầu chổng gọng giắt ngoèo thắt lưng

Trông dáng bộ tưng bừng phớn phở

Mắt gấp gãy nhăn nhở miệng cười

Cụ mừng tết đã tới nơi

Trời cho thăng chức lên ngôi lão làng…..

(bài thơ còn dài, xin ngưng trích)

TÚ MỠ

          ***

Vì là Số Tết nên nội dung tờ báo tràn ngập không khí Tết.

Như nơi trang 6, tòa soạn dành nguyên cả trang cho mục Thơ có tên gọi là “Hoa Đầu Xuân”. Trong mục này ta thấy có 3 bài thơ của Thế Lữ (Hái Hoa, Tiếng Sáo Thiên Thai, Cây Đàn Muôn Điệu), và 1 bài ký tên Tường Bách chắc là của Nguyễn Tường Bách, bào đệ của Nhất Linh.

Tưởng cũng nên nhắc lại bài hát Tiếng Sáo Thiên Thai là do Phạm Duy phổ nhạc bài thơ cùng tên của Thế Lữ. Nó đã rất được ưa chuộng, ngay cả cho tới tận ngày nay. Thì ra bài thơ này đã xuất hiện lần đầu ở đây, số Xuân Phong Hóa năm Giáp Tuất 1934 :

Tiếng sáo Thiên Thai
Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn…

Tiên Nga tóc xõa bên nguồn.
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;
Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.

Trời cao, xanh ngắt. – Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga.

Khi cao, vút tận mây mờ,
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh,
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không,

– Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc Trân buồn tưởng tiếng lòng xa bay…

                                         Thế Lữ

          Cũng ở nơi trang 6 này, ta thấy có một khung quảng cáo cho tập thơ nổi tiếng “MẤY VẦN THƠ ” của Thế Lữ. Xin sao lại nguyên văn cái quảng cáo này vì nó cũng là một hình ảnh đáng ghi của quá khứ :

 TỰ LỰC VĂN ĐOÀN

                     MẤY VẦN THƠ của Thế Lữ

(góp những bài thơ hay của Thế Lữ in thành sách) .

In có hạn và in thật có vẻ mỹ thuật

In trên giấy lệnh Annam thứ trắng và dầy, chữ mực đen đè lên nét vẽ mầu xanh nhạt. Họa sĩ Trần bình Lộc trông nom về mặt mỹ thuật, ông Đỗ Văn trông nom về mặt in.

Mỗi cuốn giá 1$00, cước gửi 0$20. Trả tiền trước bằng ngân phiếu 1$20, gửi về cho người nhận thay ông Thế Lữ: Nguyễn Tường Tam, 1 Bd Carnot – Hanoi.

Bao nhiêu người gửi tiền mua thì in bấy nhiêu. Ngoài ra không bán.

Thật là một cuốn sách quý để dành riêng cho bạn yêu thơ Thế Lữ.

(hết quảng cáo)

***

Như ở trên ta thấy, ngay trong số xuân này, tức số 85 ra ngày 11-2-1934,  đã xuất hiện hàng chữ Tự Lực Văn Đoàn đặt ở trên cái tựa đề “Mấy Vần Thơ” của Thế Lữ, nhưng mãi tới số 87, ra ngày 2-3-1934 mới thấy công bố mục đích, tôn chỉ của Văn Đoàn này. Vậy nhân đây, tưởng cũng nên nhắc lại tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn đã công bố trên Phong Hóa số 87, nguyên văn như sau:

Tự Lực Văn Đoàn

Tự Lực Văn Đoàn họp những người đồng chí trong văn giới; người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương.

Người trong Văn Đoàn có quyền để dưới tên mình chữ Tự Lực Văn Đoàn  và bao nhiêu tác phẩm của mình đều được Văn Đoàn nhận  và đặt dấu hiệu.

Những sách của người ngoài, hoặc đã xuất bản, hoặc còn là bản thảo gửi đến để Văn Đoàn xét, nếu hai phần ba người trong Văn Đoàn có mặt ở Hội-đồng xét là có giá trị và hợp với tôn chỉ  thì sẽ nhận đặt dấu hiệu của Đoàn và sẽ tùy sức cổ động giúp. Tự Lực Văn Đoàn không phải là một hội buôn xuất bản sách.

Sau này nếu có thể được, Văn Đoàn sẽ đặt giải thưởng gọi là giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn để thưởng những tác phẩm có giá trị và hợp với tôn chỉ của đoàn.

Tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn

  1. Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài, nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi : mục đích để làm giầu thêm văn sản trong nước.
  2. Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội chủ ý làm cho Người và cho Xã hội ngày một hay hơn lên.
  3. Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghiã bình dân.
  4. Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách Annam.
  5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
  6. Ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái.
  7. Trọng tự do cá nhân.
  8. Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
  9. Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Annam.
  • Theo một điều trong chín điều này cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác.

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN

(Phong Hóa số 87, ra ngày thứ Sáu 2 tháng 3-1934)

 

***

Phong Hoa Chuc Mung Nam Moi

Trở lại nội dung số Xuân Phong Hóa, Tết Giáp Tuất 1934, tôi thấy nguyên trang 2 dành cho những quảng cáo rượu Mai Quế Lộ, Ngũ da bì…của tiệm Hồng Quý Hương, giầy  dép Vạn Toàn, và đặc biệt là về  “Cuộc thi chụp ảnh hoa khôi của toàn cõi Đông pháp” của tiệm ảnh Hương Ký ở số 84 phố Hàng Trống.

Qua trang 3 là một tấm thiệp “Chúc Mừng năm Mới ” (xin coi hình) kèm bài viết “Xuân Về” của Tứ Ly, một bút hiệu của nhà văn Hoàng Đạo tức Nguyễn Tường Long, bào đệ của nhà văn Nhất Linh. Trong bài có đoạn :

Ta thấy ta vui với gió xuân, đằm thắm với hoa xuân, là vì ta ở trong tuổi thanh niên, cái tuổi xuân đáng mến, hy vọng của các nhà lão thành, hy vọng của cả một nước.”

Mong ý nghĩ này sau 80 năm vẫn còn đúng, nhất là trong tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp thảm thê như bây giờ. Thanh niên có sẽ là nguồn hy vọng cứu tinh của cả nước chăng ?

Về mặt phóng sự, nơi trang 8 có bài “Đầu Năm PHONG HÓA đến xông đất Các Nhà Báo” của tác giả ký tên Nhất, Nhị Linh chiếm trọn 2 trang.

Các báo sau đây đã được tác giả tới “xông đất” : Trung Bắc, Bạn Trẻ, Ngọ Báo,  Văn Học, Nhật Tân, Đông Pháp, Xứ Sở, Phụ Nữ Thời Đàm, Tiếng Dân …và lại có cả vụ “xông mộ các báo” nữa, chắc là những tờ đã bị đóng cửa như Bắc Kỳ Thể Thao, Rạng Đông, Đông Phương, An Nam tạp chí…

Với giọng văn trào phúng, tác giả Nhất, Nhị Linh đã trêu chọc nhiều bạn đồng nghiệp. Xin trích nguyên văn 2 cuộc xông đất :

1) Xông đất báo Đông Pháp : Cũng như ở Nhật Tân, tòa báo Đông Pháp thoang thoảng có mùi thơm, một mùi thơm kỳ dị. Ở giữa mâm cỗ có để một bát nấu rựa mận, nực  những mùi mẻ. Ông Hoàng Hữu Huy mời chúng tôi ăn :

– Đây là một con chó chết chẹt ô tô, phóng viên bản báo đi lấy tin  tức, vừa nhặt về . Thơm, béo lắm.

Tú Mỡ thấy ngấy, đưa mắt nhìn Nhát Dao Cạo (một bút danh trong tờ Phong Hóa) ra hiệu bảo từ chối. Của đáng tội, chúng tôi không ai biết ăn thịt chó, mà nhất là thịt chó chết – ăn nhằm vào đầu năm Tuất- Đại  kiêng.

2) Xông đất cô Phụ Nữ Thời Đàm

                               Bóng hồng nhác thấy nẻo xa

                           Xuân, lan, thu, cúc mặn mà cả hai

Đó là tiếng Thế Lữ xúc cảnh mà sinh tình. Nhát Dao Cạo ra ý không bằng lòng về hai chữ cả hai, bảo giá thay vào hai chữ tất cả thì ổn hơn. Nhưng đến khi có cô Phụ Nữ ra mời thì Thế Lữ và Nhát Dao Cạo lại làm lành với nhau ngay. Tứ Ly hỏi thầm Tú Mỡ :

– Này, bác có đem nhiều xu lẻ đấy không ? Vì năm ngoái Phụ Nữ kén chồng mãi, hẳn là nhiều trẻ ? (tức hẳn  sinh nhiều con)

Nhưng may thay khi vào nhà chỉ có một mình ông Tú Xơn (Tout seul). Nhưng thoáng thấy bóng Tú Mỡ vội chuồn ngay, ý hẳn ông về quê.

Một lát, ông Phan Khôi bưng ra một đĩa sò mua ở Lang-Cô mà không mất tiền. Cô Phụ Nữ cũng đem ra một đĩa đầy bánh, nhìn chúng tôi một cách tinh nghịch :

– Bánh này là bánh nhân bi-ve của hai ông Nhất, Nhị Linh phát minh ra. (Ghi chú của người viết : Bi ve là hòn bi (bille) làm bằng thủy tinh (verre), trẻ con thường dùng trong những trò chơi gọi là Chơi Bi, Búng Bi, Bắn Bi). Bây giờ chị em chúng tôi thực hành đúng cân lạng, không sai một li. Vậy đầu năm may mắn, các ngài dùng cho…mời các ngài dùng cho…mời các ngài sơi đi…

Chúng tôi chưa biết xử trí ra sao thì Thế Lữ ngọt ngào nói :

– Ấy ! Xin tiền chủ …rồi hậu khách.

Rồi Thế Lữ quay lại phía ông Phan Khôi, nói :

– Tôi nói câu này, xin ông đừng giận tôi mới nói.

– Không. Tôi không giận ai bao giờ, nếu tôi giận thì …tôi…tôi…ăn….

Thế Lữ vội giơ tay cản:

– Thôi, tôi xin ông. Đầu năm chớ thề độc. Vậy nếu ông không giận thì đĩa sò mua không mất tiền kia ông làm ơn để dành cho ông Tú Xơn ăn một mình, còn bánh nhân-bi ve thì để riêng phần ông. Ấy thế là tiện.

Chúng tôi ra ngoài phục Thế Lữ khéo giàn xếp.

Đi đã xa, Tú Mỡ còn cứ quái cổ lại, hình như chưa nỡ dứt tình.

***

Về mặt sáng tác, nơi trang 12 có truyện ngắn của Khái Hưng với tựa đề “Bên Đường Dừng Bước”. Đây là một truyện ngắn Tết, mang khuynh hướng tình cảm nhẹ nhàng với  những tình tiết cổ điển và hơi gượng ép. Kỹ thuật viết khá đơn sơ nhưng ở vào thời kỳ tác giả sáng tác (1934)  thì đã được coi là mới mẻ, thoáng đạt lắm rồi. Truyện kể về một nhân vật tên Bằng, rời Hà Nội về quê ăn tết ở nhà ông chú họ, nhưng gia đình này không tiếp đón chàng nồng nhiệt lắm, nên mồng Hai Tết chàng đã giã từ, đạp xe  trở  lại Hà Nội trong nỗi buồn ray rứt :  “ai cũng thờ ơ, lãnh đạm như không từng bao giờ quen biết”.

Vui Xuan

Nhưng rồi chàng lại bỗng rơi vào một hoàn cảnh mới. Xe đạp của chàng bị đứt dây xích giữa cánh đồng khiến chàng phải “bên đường dừng bước”, tức xin vào tạm nghỉ chân ở một túp lều tranh, nơi cư ngụ của hai vợ chồng người thợ rèn cũng đang còn ở tuổi thanh xuân.

Bằng bị cuốn hút ngay vì sắc đẹp hồn nhiên và tính tình cởi mở, điệu bộ nhí nhảnh của người vợ trẻ, nhất là đôi mắt long lanh rực sáng bên ánh lửa của lò rèn, nom cứ như “hai viên ngọc thạch lấp lánh”  với  “ luồng hào quang của cặp mắt hoạt động”.

Nhưng rồi xích xe đạp đã được người chồng sửa xong. Sau một bữa ăn vui vẻ, Bằng bó buộc phải lên đường, lòng bịn rịn, quyến luyến. Đến nỗi đã đạp xe đi xa rồi, chàng còn vòng trở lại đường cũ :

Vượt qua hai trái đồi, chàng đã lại trông thấy nhà người thợ rèn thấp thoáng giữa hai gốc gạo thẳng và cao. Mơ màng chàng tưởng như có hai cái bóng vợ chồng Tị đứng vẫy. Như có mãnh lực giữ xe chàng lại. Chàng chép miệng thở dài  vòng  về Phú Thọ, giơ tay vẫy lại  như để chào lần cuối cùng và lẩm bẩm nói : “Chà ! Trên đường đời còn nhiều phen dừng bước”. Rồi chàng ra sức đạp thực mau để kịp giờ xe hỏa…

Truyện được Khái Hưng kết thúc nhẹ nhàng, giản dị như thế, nghe rất phù hợp với cảm nghĩ của độc giả đương thời, nhất là trong những ngày Xuân không nên bầy ra những cảnh tan nát, chia lìa.

Một truyện ngắn khác của tác giả Nguyễn văn Kiện xuất hiện ở trang 23 có tựa đề “Con Mầu”. Mầu là tên đứa ở gái. Hôm về quê ăn tết, được bà chủ cho mấy hào thì bị cậu con bà chủ lấy cắp mất để đem trả nợ bác bán kẹo dữ dằn. Mất tiền, Mầu không có tiền mua vé về quê, đành quay lại nhà chủ, vừa làm việc vừa khóc. Cậu chủ bắt gặp cảnh này, lòng hối hận chuyện do mình gây ra, liền thú nhận rằng mình đã lấy cắp của Mầu rồi đem hết tiền mừng tuổi ra cho lại nó. Nhưng hôm sau, con Mầu lại bị nghi là đã ăn cắp tiền của cậu chủ, bị bà chủ đánh đòn rồi đuổi đi. Khi cậu chủ tỉnh dậy thì mọi sự đã xẩy ra xong xuôi qua hai câu đối thoại kết thúc truyện này như sau :

Xe ! Con Mầu đâu ?

– Thưa cậu, bà đánh nó một trận và bà đuổi nó đi từ sáng rồi ạ !

Nguyễn văn Kiện không phải là một ngòi bút đặc sắc. Ông có thêm truyện nào khác hay ho hơn thì tôi không rõ, nhưng với kỹ thuật viết truyện ngắn kể trên, tôi không thấy tác giả có khả năng hứa hẹn gì ở truyện khác trong tương lai.

Ngoài thể truyện ngắn, tờ Phong Hóa còn có truyện dài nổi tiếng “Gánh Hàng Hoa” đăng từng kỳ với tranh minh họa của họa sĩ Đông Sơn. Truyện này khởi in từ Phong Hóa số 66 ra ngày 29-9-1933. Cái tựa đề “Gánh Hàng Hoa” là do  hai tác giả ghi trích từ mấy câu thơ của Cao Bá Nhạ, một nhà thơ thuộc thế kỷ 19, có chú ruột là nhà thơ Cao Bá Quát. Bài thơ nổi tiếng  Tự Tình Khúc của Cao Bá Nhạ có những câu :

……

Nay phó xuống Đông Thành tạm trú

Mai truyền sang Bắc Lộ ruổi ra

Thân sao như gánh hàng hoa

Sớm qua chợ sớm, chiều qua chợ chiều.

…..

GanhHangHoa

Điều đặc biết ít ai để ý tới là khi khởi sự đăng truyện Gánh Hàng Hoa từ số 66 cho tới số 84 thì thấy ghi tên tác giả là “Bảo Sơn và Khái Hưng” , nhưng qua đến số Xuân này, tức số 85 thì tên tác giả đã đổi thành “Khái Hưng và Nhất Linh”. Vậy Bảo Sơn là một bút hiệu khác của Nhất Linh khi khởi sự viết chung Gánh Hàng Hoa với Khái Hưng, rồi về sau Nhất Linh không dùng tên Bảo Sơn nữa mà ký bút hiệu chính thức của mình.

Tác phẩm này sau đó in thành sách dưới tên Nhất Linh và Khái Hưng, tái bản nhiều lần và còn được đưa cả lên phim ảnh.

****

Kịch là thể khó viết, ấy vậy mà Phong Hóa số Tết Giáp Tuất 1934 lại rất dồi dào về kịch vui, ngắn, tổng cộng có tới 3 vở lần lượt là : Đi tìm Thi Nhân của Phạm Ngọc Thọ, Kiêng của Khái Hưng  và Lý Toét sắm tết của Ng. Ứng. Đây là những vở kịch ngắn, đọc cũng vui, lại vô thưởng vô phạt, thích hợp cho loại bài gọi là “mắm muối”  làm tăng hương vị Tết của một tờ báo Xuân.

Chen giữa các sáng tác vừa kể là những trang hài hước, châm biếm vui nhộn cùng những tranh hí họa khiến cho tờ báo nom rất sinh động, dồi dào bài vở và mang nhiều không khí tết. Có thể kể những bài như Ông Chủ “nhà  Hòm” tiếp khách đến chúc tết (tranh hí họa),  Một Năm Qua ( điểm người, điểm việc của Tứ Ly), Từ Nhỏ đến Lớn (chuyện vui linh tinh) , Giải Nghĩa chữ Tết ( 10 đoạn thơ, mỗi đoạn 4 câu, mỗi câu 6 chữ  trả lời câu hỏi : Tết Là Gì ?), Cung Chúc Tân Niên Thập Bát Tài Tử ( Những đoạn thơ vui  của Tú Mỡ chúc tết 18 nhân vật thời sự như Hi Đình, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Tản Đà, Tú Khôi, Cô Phụ Nữ Thời Đàm..v..v..)

Về mặt hình vẽ, nguyên cả trang 15 còn dành cho tấm tranh  hí họa “Nhị Lang bán tranh tết” với hình cụ Lý ngồi xệp xuống hàng bán tranh, vừa chỉ trỏ, vừa chọn lựa.

Ở hai trang 20, 21, họa sĩ  Le Mûr trình bầy một màn vui, khá độc đáo có tên là “Chiếu Bóng Phong Hóa”, trong đó, họa sĩ bầy cách dùng tay sắp xếp để in lên tường nhiều hình bóng lạ như hình Mèo, hình Chó, Rùa, Heo, có cả hình Lý Toét, hình Thầy Tầu coi tướng, Tây Đoan, Cu li xe, Hầu sáng bưng tô khi hầu bàn ….

LyToet

****

Nói đến nội dung tờ báo mà không nói đến phần quảng cáo e có phần thiếu sót. Vậy xin trích vài mẫu quảng cáo để bạn đọc hình dung được loại văn chương giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ trong thương trường Việt Nam cách nay gần một thế kỷ:

  • Ở trang 5 :

Từ ngày bản tiệm khai trương đến giờ, được Quý khách chiếu cố rất đông, cảm tấm thịnh tình, nay nhân dịp tết, bản tiệm có trần thiết lại và có mướn thêm đầu bếp rất khéo, để khỏi phụ lòng chiếu cố của các bạn xa gần

HÔTEL  LẠC –XUÂN

No   55 Rue du Coton,  HANOI

  • Ở trang 11:

                                       XIN MÁCH CÁC NHÀ BUÔN

Muốn làm các quảng cáo bằng thi, ca từ phú, bằng tranh vẽ, hài văn, câu đối, câu đố khiến cho người đọc phải chú ý đến.

Nên đến hỏi ông

Khúc Giang ĐÀO THIỆN NGÔN

55 Bis  Rue du Takou – HANOI

hay   15 Rue des Cuirs –  HANOI

3) trang 26:

 Ngỏ cùng các vị thiếu niên anh tuấn

Những trang thiếu niên nam nữ có tài diễn kịch hay chưa có tài nhưng có khiếu thích về kịch, chớp ảnh muốn sau này chiếm được một địa vị danh vọng sung sướng như Maurice CHEVALIER, Henri GRAAT, ANNABELLA, Mariène DIETRICH thì nên hỏi ngay thể lệ cuộc thi tài tử  của Hội kịch Bắc kỳ, 125 phố hàng Bông Hà Nội là một hội buôn đã thành lập theo đúng pháp luật của Nhà nước.

La Scène Tonkinoise

SOCIÉTÉ ANONYME A CAPITAL VARIABLE

  • Ở trang 35:

Hãng rượu nổi tiếng Văn Điển quảng cáo bằng cách in một tấm hình chiếm nửa trang báo, trong chụp Hoàng đế Bảo Đại (nom trẻ măng !) đang ngồi thưởng thức Rượu Văn Điển tại ngay trụ sở của hãng này. Bên cạnh Hoàng đế là Toàn quyền Pierre Pasquier (Ngôi trường tiểu học mà tôi đã theo học từ nhỏ, lấy tên ông Toàn Quyền này, sau đổi thành trường Sinh Từ-Hà Nội). Ngoài ra, trong hình còn có ông Thống sứ Tholance nữa. Tấm hình được chạy hàng chữ lớn “Một bức ảnh nghênh giá tại sở Rượu Văn Điển” (xin coi hình bên). Dưới bức hình là lời ghi chú như sau :

“ Đức Bảo Đại ngự ở trên Cao- lầu nếm Rượu Văn Điển. Bên tay phải Hoàng- thượng  là quan cố Toàn-quyền Pasquier, tay trái  là quan Thống-sứ Tholance.”

Phong Hoa Hinh 4

Ghi chú thêm:

* Thống sứ Bắc Kỳ (Résident supérieur du Tonkin) được đặt ra để đảm nhiệm các công việc cho chính phủ Pháp ở Bắc Kỳ bên cạnh Kinh Lược Sứ của Nam triều. Ông Auguste Eugène Ludovic Tholance làm Thống sứ  Bắc kỳ từ 1930 đến 1937.

* Quan Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur-général de l’Indochine Française), còn gọi là Toàn quyền Đông Pháp, là chức vụ đứng đầu Liên bang Đông Dương bao gồm cả 3 xứ  Việt, Miên Lào. Ông Pierre Marie Antoine Pasquier là Toàn quyền Đông Dương  từ  năm 1928 đến 1934, vì tử  nạn máy bay ở Pháp ngày 15 tháng 1 năm 1934 nên trong hình ghi là “quan cố Toàn quyền” .

(Tài liệu theo Wikipedia.)

***

Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích một đoạn văn ngắn ở trang 14, có tựa đề ‘Một tin lạ đầu năm” mà nội dung châm biếm cung cách làm tin, viết tin của ông Hoàng Hữu Huy, báo Đông Pháp. Theo cảm nghĩ của tôi, đây là một bài có đầy tính sáng tạo, đáng được coi là một trong những bài hài hước xuất sắc trong lịch sử viết châm biếm của làng báo Việt Nam.

Một tin lạ đầu năm

           Mồng tám tháng Giêng. Chín giờ sáng một tiếng nổ.

Ông Hoàng Hữu Huy đầu không kịp đội mũ, mình không kịp mặc áo, vội nhẩy lên chiếc ô-tô, sai tài xế mở máy về phía có tiếng nổ để đi nhặt tin.

Hôm sau, tờ Đông Pháp, trang đầu, cột nhất đăng như sau này :

Con cái nhà ai thế ?

          Vào khoảng 9 giờ sáng hôm qua, phố xá đương yên tĩnh , bỗng “đoành” một tiếng nổ vang. Bản báo chủ bút đoán là họ giết nhau, vội vàng đi ngay. Sau hai giờ điều tra, bản báo chủ bút mới biết rằng không phải họ giết nhau, mà chỉ là một đứa trẻ đốt cái pháo cối. Không biết có ai mù mắt gì không, bản báo còn cho đi dò. Con cái nhà ai mà tinh ranh vậy.

Bản báo sẽ tường thuật kỹ lưỡng trong số báo ngày mai, vì việc này cũng có quan hệ mật thiết đến nền luân lý Á Đông.

 Ai lại hết tết rồi còn đốt pháo !

                                                                                 Lê  Kế  Huy

NHẬT TIẾN (sao lục)

Tháng 1-2013