Mơ làm văn sĩ ? Bất kỳ ai ở trong chúng ta mà không ước mơ trong thời niên thiếu. Có người mơ những giấc mộng lớn, làm người hùng với ước vọng đội đá vá trời thì cũng có những người mơ ước phiêu du vào trường văn trận bút.
Tôi giở những trang sách, nhớ lại một thời của mình. Thuở mơ làm văn sĩ. Những lúc tóc còn xanh. Những lúc hồn đang mơ “ngoài cửa lớp”. Tôi hay ai? Đang viết những bài thơ ngô nghê đầu tiên. Tôi hay ai? Đang viết để tạo ra, để kể lại những cuộc sống mình chưa trải qua nhưng sao lại bàng bạc từng ngày, từng giờ. Những ước mơ nào của ai? Sao gần gũi quá. Những trang giấy thuở nào, của tuổi học trò tinh khôi nhưng tưởng mình đã già trước tuổi, đã hiểu qua những vị đắng của cuộc đời .
Tôi đọc “Thuở Mơ Làm Văn Sĩ” để thấy mình tìm lại một phần nào bóng hình bản thân tương tự trong đó. Hình như, nhân vật xưng “tôi”, giống tôi của một phân số cùng chung mẫu số và tử số. Không hiểu tại sao tôi nghĩ như vậy. Có một chút gì gần gũi liên quan….
Tác giả trong phần mở đầu cuốn sách, phát biểu đây là một Tiểu Thuyết Hồi Ký. Tôi cũng hơi ngạc nhiên về danh xưng này. Hồi ký mà viết dưới dạng tiểu thuyết thì có được bao nhiêu phần trăm sự thực, bao nhiêu phần trăm hư cấu ? Nhưng qua diễn tả của tác giả, nhà văn Nhật Tiến thì:
” . . ước vọng của tôi là mong góp phần dù rất nhỏ bé vào công việc gửi đến các em những kinh nghiệm của người đi trước, những điều các em nên tránh, những việc mà các em nên làm, với hy vọng các em có thể trau giồi được dễ dàng hơn khả năng sáng tạo của mình, ngoài thiện chí mầy mò một mình trong nỗ lực cô đơn.
Đáng lẽ những dữ kiện phải được trình bày dưới hình thức một tác phẩm biên khảo tương tự như tác phẩm ” Viết và Đọc Tiểu Thuyết ” của cố Văn hào Nhất Linh đã làm ( dưới một tầm mức đơn giản và cho một đối tượng giới hạn hơn). Nhưng để phù hợp với đường lối linh động của tờ báo, tôi phải trình bày dưới hình thức một Tiểu Thuyết Hồi Ký vì dẫu sao đối với các em nó sẽ trở nên bớt khô khan, buồn nản hơn.
Đặt chữ Tiểu Thuyết bên cạnh chữ Hồi Ký là một dụng ý cần thiết. Điều đó chứng tỏ các em không cần đối chiếu những sự kiện có thực đã xảy ra trong quá khứ của người viết. Cái quá khứ ấy đã được tiểu thuyết hóa đi để tăng phần linh động và giảm phần nhàm chán vì bắt độc giả cứ phải nghe quá nhiều về một cái tôi bình thường của một cá nhân bình thường trong tập thể.
Vấn đề chính yếu là các em sẽ tìm thấy ở đây nhiều dữ kiện. Những dữ kiện rất gần gũi với các em, những dữ kiện có nhiều lợi ích thiết thực cho vấn đề sáng tác mà các em đang theo đuổi.
Bởi lý do rất dễ hiểu là nhân vật xưng tôi trong tác phẩm này, cũng như các em, tất cả đều đã gặp nhau ở một thuở có nhiều ước mơ vốn đầy thiết tha và dồi dào cảm hứng, đó là Thuở Mơ làm Văn Sĩ … ”
Tuổi học trò từ trước đến bây giờ đều giống nhau những nét rõ rệt. Cũng có những bút nhóm, cũng tụ tập với nhau thành thi văn đoàn và cũng tập tành làm “người lớn” trong khi còn con nít. Vào những trang mạng bây giờ, thấy tuổi trẻ viết cho nhau, trò chuyện với nhau, hỏi đáp với nhau, viết văn làm thơ cho nhau thì mới thấy, ở đâu và lúc nào, văn chương của thời mới lớn vẫn là nâng niu trân trọng nhất của suốt cuộc đời.
Cũng đã có nhiều cuộc khởi hành. Những cuộc phiêu lưu vào thơ văn, vào chữ nghĩa. Có người thành công, nhưng cũng rất nhiều người thất bại. Rồi cuộc sống đẩy đưa trôi đi, thành kỷ niệm dễ thương nhưng khó quên. Nhà văn Nhật Tiến, trong khi viết Thuở Mơ Làm Văn Sĩ, chắc cũng nhớ lại những kỷ niệm của mình để viết và kể lại về nơi chốn, về người, về những chuyện đã xảy ra trong đời mình nên trong bút pháp chan chứa những tình cảm bồi hồi và gây cho độc giả những liên cảm khiến cho người đọc như sống trong hoàn cảnh ấy, nơi chốn ấy, thời thế ấy trong sự chia sẻ tột cùng.
Có người đọc đã nói “nhờ tác giả Nhật Tiến, tôi đã hình dung được cuộc sống ở thành phố Hà Nội thời gian ấy. Hà Nội là thành phố trong tâm tưởng của tôi và càng ngày càng rõ nét hơn, hiện thực hơn từ những tác phẩm như Thuở Mơ Làm Văn Sĩ. ”
Nhà văn Nhật Tiến viết về tuổi thơ của mình ngày còn mài lê đũng quần ở những lớp tiểu học ở trường Hàng Vôi tức trường Nam Tiểu Học Nguyễn Du Hà Nội. Đó là những năm của thập niên 40. Trong không gian của 36 phố phường, quả những lớp từ tiểu học lên trung học, những cậu bé học trò đã tập tễnh làm thơ viết văn với sự đam mê vô hạn. Vì yêu văn chương nên việc học nhiều khi bê trễ và đôi khi việc học hành đã làm một gánh nặng đè lên những cậu học trò. Có nhiều cố gắng để vượt qua và chính những phấn đấu ấy đã tạo thành những kỷ niệm riêng mà sau này khi lớn rồi trưởng thành mỗi khi nhớ lại không sao tránh được sự bồi hồi. Những ông thầy dữ đòn, nghiêm khắc thuở nào bây giờ nhớ lại là những khuôn mặt đáng nhớ của một đời học trò. Họ đã yêu thương và đã tận tâm tận lực để tạo thành những người hữu dụng cho xã hội. Nhưng có một lúc, họ đã thành “hung thần” cho các tí hon “mơ làm văn sĩ”. . .
” …Quả nhiên thầy Huỳnh “túm” lên bảng cả tám đứa trong đó dĩ nhiên có cả tôi. Đó là những đứa không nộp bài. Thầy lại hạ lệnh đánh phủ đầu mỗi đứa ba gậy. Vâng, ba gậy chứ không phải ba roi. Gậy đây là cây thước gỗ to, dài, dầy ba bốn phân mà thầy vẫn dùng để kẻ những dòng trên bảng đen khi có bài tập viết. Nó làm bằng gỗ, thứ gỗ chắc nịch, rất nhiều gân, nhiều thớ nhưng lâu ngày nó đã phủ đầy bên ngoài bằng những lớp bụi phấn trắng. Cái “hình cụ” này mà phệt vào mông thì ôi thôi, cứ chỉ nghĩ tới cũng đủ rùng mình sởn gáy lên rồi. Ấy vậy mà mấy đứa bạn của tôi chịu hẳn ba gậy của thầy mà mặt cứ nhơn nhơn. Có đứa lại còn cười ngỏn ngoẻn lúc đi về chỗ ra cái điều “có quái gì đâu” mặc dù tôi biết cu cậu huếch miệng cười là chỉ để chữa thẹn cho cái tội không nộp bài đó thôi.
Riêng phần tôi, ở gậy thứ nhất, mồ hôi lạnh đã đổ ra ướt đẫm cả trán và lưng áo. Đến gậy thứ hai thì lớp học của tôi trở nên chòng chành như thuyền đi trên sóng, và thầy chưa kịp thi hành nốt gậy thứ ba tôi đã khuỵu ngay xuống nền gạch, cả lớp chợt nhao nhao lên. Thầy Huỳnh cũng xanh mặt. Thầy hạ lệnh bế tôi nằm lên ghế dài, tìm dầu Con Hổ xức lia trên trán, lên cả vào lưng, vào bụng rồi cả hai bàn chân nữa. Mười phút sau tôi mới tỉnh lại… ”
Những cảnh như thế, bây giờ chắc không xảy ra nữa. Nhưng vào thời của tôi, thì vẫn còn. Học trò vẫn nhìn ông thầy như một hung thần nhất là các anh học yếu và hay “mộng ngoài cửa lớp”. Không hiểu về sau, nếu trở thành người thành đạt có còn giữ cái nhận định như thế không?
“Gần tới kỳ thi, thầy Huỳnh bắt chúng tôi đi học sớm hơn thêm một giờ để chuyên luyện Toán và Luận. Hồi này thầy càng dữ đòn thêm đối với những đứa lười biếng. Nhưng giờ nghĩ lại tôi mới thấy lòng thầy đối với học trò thật bao la. Nhà thầy ở tuốt dưới khu Bạch Mai, coi như ngoại ô Hà Nội. Giữa trưa nắng, thầy đạp xe đi dạy học từ hơn 12 giờ. Tới lớp, cả trường còn vắng hoe, chỉ riêng lớp của thầy là đã bắt đầu học. Thầy giảng bài rất tỉ mỉ và tận tâm. Thầy có tâm trạng lo lắng như một bà mẹ sắp sửa phải đẩy đàn con vào cuộc đời mà vẫn áy náy chúng nó chưa đủ lông đủ cánh. Vì thế dù mệt mỏi, tốn sức bao nhiêu thầy cũng vẫn không quản ngại. Miễn sao lũ học trò ra khỏi tầm tay của thầy, đứa nào cũng có một căn bản vững vàng như thầy mong mỏi… ” .
Đọc những lời kể của nhà văn Nhật Tiến, tôi như mường tượng ra một thời kỳ giáo dục và văn học lúc đó. Người thầy được sự kính trọng và biết ơn của học trò và cả gia đình. Ngày lễ thầy cũng là một ngày lễ trang trọng của đời học trò. Còn về văn học, ở tuổi tôi, Hà Nội đã là một thành phố của tưởng tượng nên người và cảnh như có phủ một lớp sương mù của trí nhớ.
Cảnh thì: “Hà Nội đối với tôi bao giờ cũng đẹp nhất vào lúc tàn thu. Bầu trời mầu chì như thấp xuống. Cành cây như vươn cao hơn vì lá đã rụng nhiều. Khung cảnh bốn bề không sáng quá dưới ánh nắng thoi thóp của mùa thu sắp hết. Mọi vật chung quanh từ những chiếc ghế đá im vắng đến những cánh lá úa vàng lượn xào xạc trên thảm cỏ và những hàng cây cao đã xẫm màu thêm ra, một màu nâu điểm những vết mốc lốm đốm bạc, tất cả như đang xao động nhẹ nhàng để đón lấy cái lạnh gây gây nhẹ nhàng của mùa đông đang lén tới. . . ”
Bạn văn nghệ thời tiểu học của tác giả là Hòa :
“…ngồi cạnh tôi là anh bạn tên Hòa. Hắn lớn hơn tôi một tuổi nhưng tầm vóc thì phải lớn hơn đến gấp rưỡi. Tôi với Hòa thân với nhau từ mấy ngày đầu. Và càng chơi với nhau lâu, chúng tôi càng khám phá ra rằng hai đứa rất giống nhau về sở thích. Giờ ra chơi, tôi với Hòa không chạy nhảy mà chỉ kéo nhau ra gốc bàng ngồi tán chuyện. . . tiểu thuyết.”
Tuy còn bé, nhưng cả hai đã tập tành viết văn với cả nỗ lực của thời thơ ấu. Oanh liệt hơn nữa là viết cả một tờ báo mang tên Bút Học Trò với cả các tiết mục của một cơ quan ngôn luận tí hon. Ra được 5 số thì học vấn của cả hai tụt thang một cách thảm hại dù cố gắng ngoi lên trong thứ hạng của lớp. Tưởng phải bỏ cuộc nhưng “tôi” tự ái và một mình làm tờ báo mang tên Bút Mới bằng cách dùng thạch bản và mực tím để in. Nhưng rồi cũng phải dẹp tiệm vì lúc đó công an, mật thám đang rình mò bắt bớ những tổ chức học sinh chống Pháp dùng thạch bản để in truyền đơn.
Thi đậu vào trung học Chu Văn An, “tôi”, tức tác giả lại có một bạn văn chương mới, anh chàng cùng lớp có tấm danh thiếp thật “nổ” có mấy hàng chữ:
Trần Văn Tắc
Bút hiệu: Song Vũ
Journaliste.
“Journaliste thì là ký giả đứt đuôi đi rồi. Ôi chà! Mới mấy phút trước, đối với tôi hắn chỉ là một thằng nhãi con, nhưng coi xong tôi thấy hắn trở nên to lớn trọng đại vô cùng. Giuốc-nan-lít! Giuốc-nan-lít! Ba cái tiếng đó như nổ lên đùng đùng nghe sao mà hấp dẫn và dòn dã đến thế ! ”
Tắc, tức “nhà văn” Song Vũ, đã tạo cho tác giả ý định gửi bài viết để đăng trên báo và quả nhiên với những vở hài kịch đầu tay, “tôi” đã bước vào những tờ báo với đôi chân chập chững. Những bạn bè cùng trang lứa với “tôi” có : Nguyễn đình Toàn, Song Hồ Nguyễn Thanh Đạm hay Hùng Phong Nguyễn đức Cầu:
“Vở kịch tung ra gây một trận cười vỡ bụng trong làng văn chương choai choai mới lớn. Tôi còn nhớ anh Toàn (bây giờ là nhà văn Nguyễn Đình Toàn) hồi đó nhà ở bên Gia Lâm cách Hà Nội khoảng vài ba cây số. Nhà Toàn ở rất đơn sơ. Mái tôn, vách gỗ, nhiều chỗ phô ra nhiều khe hở nên bà cụ mẹ Toàn lấy giấy báo trám vô những lỗ thủng. Chính trang báo Cải Tạo có đăng vở kịch của tôi lại cũng được đóng vai che chắn đó. Nó lại nằm ngay ở trước bàn nước nơi xếp ly tách chai lọ, nên một hôm Toàn đứng rót nước uống vô tình để mắt lên trang báo. Tuy đã đọc từ trước rồi, thế mà chợt nhìn lạ, Toàn cũng không nhịn được nên cười phá lên làm nước bắn tung tóe ra mọi người chung quanh. Giai thoại ấy Toàn đem kể lại cho bạn bè. . . ”
Và:
“trong các bạn bè tôi chỉ có một người gửi bài nào là dính bài đó. Lại dính ở một tờ
báo sáng giá nhất hồi đó là tờ Tia Sáng, ấn bản đặc biệt ngày chủ nhật. Đó là anh chàng Nguyễn Thanh Đạm tức nhà thơ Song Hồ bây giờ. . . Đạm làm nhiều thơ. Thơ của Đạm mới mẻ, tân kỳ. Anh lại có tài tưởng tượng rất phong phú. Chẳng hạn trong những ngày hè nóng chảy mỡ, Đạm chui xuống quầy hàng, chổng mông ra, cúi đầu vào, lụi hụi làm thơ trời lạnh có tuyết rơi và ở dưới không quên ghi chú Paris ngày . . . Tòa soạn Tia Sáng Chủ Nhật chọn đăng thơ của Đạm đều đều. Người ngoài không biết tưởng nhà thơ này đã đi Tây, đã yêu nhiều, đã thất tình và từng lang thang lê gót giang hồ tứ xứ. Ai có ngờ đâu, đó chỉ là một cậu học trò đang mài đũng quần ở bậc trung học đệ nhất cấp. ” .
Hay:
“Một nhân vật khác cũng có tài tưởng tượng hết sức phong phú mà tôi còn nhớ được là anh bạn Nguyễn Đức Cầu tức ký giả Hùng Phong của giới báo chí Sài Gòn bây giờ. Tôi quen Cầu từ năm học lớp nhất trường Hàng Vôi. Nhà của Cầu ở phố Hàng Than gần chợ Đồng Xuân Hà Nội. Anh ta chuyên đi một chiếc xe đạp mà cái tay lái (guidon) không hiểu vì sao lại gẫy mất phần bên trái, chỉ còn một phần bên phải nên Cầu chỉ lái xe có một tay. Cầu chơi đàn banjo rất giỏi, tiếng đàn gọn lại chắc qua từng nốt nhạc và lúc “vê” cho âm thanh kéo dài ra thì nghe rất ròn rã, điệu nghệ. Đã thế, Cầu còn viết cả phóng sự được in hàng ngày trên tờ Liên Hiệp của ông Soubrier Văn Tuyên nữa thì mới là “chúa” chứ….”
Những sinh hoạt văn chương một thời mới lớn với bao nhiêu là mộng ước của “Tôi” sao giống quá với những người đang bước chân vào trường văn trận bút. Sao mùi mực in quyến rũ đến thế! Sao chữ in trên giấy báo lại có tác dụng làm mê đắm người viết đến thế? Cũng là những hàng chữ, mà sao ở trang bản thảo thì tầm thường nhưng khi đăng trên báo lại có tác dụng lớn lao. Những ai gửi bài lai cảo, trông đứng trông ngồi, để chờ thấy những hàng chữ của mình và tên tuổi của mình xuất hiện. Ôi sao mà hạnh phúc quá đỗi ! Nhà văn Nhật Tiến hình như viết say sưa trong hồi cảm của mình. Nâng niu kỷ niệm, nhất là những kỷ niệm đẹp bằng văn chương, theo ý tôi, một người đọc, đã làm thăng hoa hơn nhưng cảm giác và lôi cuốn được độc giả vào những không gian thời gian có lẽ là lâu lắm. Năm 1973, ông in tác phẩm này ở Sài Gòn về một thời ở Hà Nội. Cũng là một ngoái nhìn về kỷ niệm ngày xa xưa. Năm nay, 2013, ở Tiểu Sài Gòn, ông tái bản lại tác phẩm. Và cũng là tấm lòng trao gửi cho những người trẻ sau này một chút thiết tha, một chút trân trọng cho con đường nghiệp dĩ sẽ mở ra cho những hạt mầm văn chương chờ ngày nở rộ.
Bút pháp của Thuở Mơ Làm Văn Sĩ, từ tả tình, tả cảnh, đến tâm lý nhân vật hay đối thoại đều có chất lãng mạn và say sưa của một người cầm bút tìm kiếm lại được những kỷ niệm đẹp của đời mình. Tôi đọc truyện của nhà văn Nhật Tiến, từ Thềm Hoang đến Chuyện Bé Phượng, hay từ Giấc Ngủ Chập Chờn đến Hành Trình Chữ Nghĩa, mỗi tác phẩm đều gợi cho tôi những không gian, thời gian quen thuộc của đời mình và có lúc tưởng như đang sống trong những hoàn cảnh ấy. Có lẽ đó là yếu tố làm tác phẩm vượt qua được sự đãi lọc của thời gian. Dù đời sống có khác, tâm tình thời đại có khác, nhưng những mẫu nhân vật muôn thuở của văn chương vẫn còn sống mãi dù qua năm tháng.
Viết với niềm đam mê, dù ở tuổi gần xấp xỉ bát tuần, nhà văn Nhật Tiến vẫn miệt mài trong nghiệp dĩ của mình:
” Tôi mở trang báo có in bài của tôi. Tôi đọc lại từng dòng, đọc một cách thoải mái, tự do không phải theo cái kiểu he hé coi cọp ở sạp bán báo mà người bán cứ đuổi quầy quậy. Tôi sung sướng thấy tên của mình ở đó. Cái tên ấy nằm một cách trịnh trọng trang nhã và dĩ nhiên hẳn là mang một ý nghĩa vinh dự, niềm vinh dự của một nhà. . . nghệ sĩ có tài sáng tác và tác phẩm của hắn ta đăng trên báo để gửi tới đọc giả bốn phương.
Niềm vui xen lẫn sự hân hoan hãnh diện bỗng xua tan đi mọi nỗi bực dọc vừa qua. Tôi không thấy còn lý do nào có đủ vững chắc để khiến cho tôi bẻ bút, quăng báo xuống hồ, không chơi với văn nghệ nữa. Văn nghệ là lẽ sống của tôi. Văn nghệ vẫn là niềm vui của tôi. Văn nghệ vẫn là nhu cầu, là lý tưởng mà tôi sẽ còn phải theo đuổi.
Tôi nhìn ra mặt hồ. Mặt nước trong xanh chứa cả một bầu trời có nhiều mây xám ảm đạm. Gió thoảng nhẹ từ xa thổi vào mang theo cái giá lạnh của một ngày cuối đông đang bắt đầu hửng nắng. Tôi bỗng chợt thấy lòng dâng lên những cảm hứng dạt dào. Tôi nẩy ra được một đề tài mới hay ho cho một sáng tác mới. Tôi nghĩ ngay tới ánh sáng vàng úa của một ngọn đèn chong suốt đêm khuya chỉ có một mình tôi cặm cụi với trang giấy trắng muốt. Tôi sẽ viết. . . viết hoài. . . viết mãi.. ”
Có lẽ đó là lý giải đơn sơ nhưng rõ ràng nhất của hiện tượng về một người cầm bút có bề dầy hơn 60 năm sáng tác, chỉ trong hơn một năm đã viết và in 6 tác phẩm. Sức làm việc ấy, có phải là từ nỗi đam mê văn chương đã khởi đi từ buổi ấu thời?
Viết Hoài… Viết Mãi… có phải văn học Việt Nam hải ngoại đã thành hình và phát triển từ những ý tưởng như vậy. Viết như một cách thế không thể nào không viết được, những ngọn đèn sẽ thắp lên suốt đêm trong cả một đời. Dù cô đơn nhưng những dòng chữ phăng phăng nỗi niềm của những người lưu lạc tha hương vẫn làm đầy những trang giấy trắng tinh của mộng ước thuở nào…
NGUYỄN MẠNH TRINH
(Tuần báo Việt Tide – Orange County, Số ra ngày 17-5-2013)
( Báo Thời Luận – Los Angeles, Số ra ngày 17-5-2013)