Nhà Phê Bình Văn Học Nguyễn Tà Cúc Phỏng Vấn Nhà Văn Nhật Tiến Về Vấn Đề Giao Lưu Văn Hóa

 

TaCuc2

 

Câu hỏi 1 :

HỎI :  Là một ngưoi vẫn được xem như tham dự vào chủ trương “hợp lưu” hay “hòa hợp” hòa giải” với các nhà văn trong nước vào thập niên 80, xin anh cho biết hoàn cảnh và lý do khiến anh tham dự?

TRẢ LỜI : Hợp Lưu chỉ là cái tên tờ báo mà khoảng giữa năm 1991,  khi chuẩn bị ra số đầu, họa sĩ Khánh Trường đã làm maquette với tên “Giao Lưu” . Tôi đề nghị lấy tên “Hợp Lưu” để giảm thiểu cái ý nghĩa giao dịch hướng về trong nước, và anh Khánh Trường đã đồng ý đề nghị này. Tờ Hợp Lưu từ đó vẫn còn tồn tại cho đến nay dù nhóm điều hành đã thay đổi.

Dư luận từ xưa vẫn coi tôi là người chủ trương “hòa hợp hòa giải”, một từ ngữ mà tức cười thay, không do tôi đặt ra và  tôi cũng chưa bao giờ thảo một bản văn nào đem công bố để vận động cho một trào lưu mang cái danh nghĩa đó !

Tuy nhiên, nói vậy thì nói, chứ chuyện gì thì cũng phải bắt nguồn từ một lý do nào đó, nên ta cũng cứ phải tìm hiểu xem “chuyện gì đã xẩy ra”.

Theo tôi thì, ngoài cái thông lệ đời thường là chỉ “nghe nói chứ không đọc”, cũng có thể có vài nguyên do đã khiến cho dư luận “văn giới” hồi đó (khoảng suốt thập niên 90’s) gán cho tôi là người đã cổ võ cho chủ trương này :

1) Trước hết là bài phát biểu của tôi vào tháng 10-1985 tại Hội trường Đại học George Mason nhân dịp tôi ra mắt cuốn “Một Thời Đang Qua” do Tổ hợp xuất bản Miền Đông (gồm Tạp chí Xác Định, Hội Văn Hóa VN tại Bắc Mỹ và  Tủ sách Cành Nam)  tổ chức. Xin trích một đoạn :

“….. Sau hơn 10 năm sinh hoạt  dưới chế độ CS, dù muốn dù không, hầu hết đồng bào miền Nam cũng đã bị lôi cuốn vào guồng máy của xã hội CS. Điều này có nghĩa là hiện nay ở quê nhà đã có không thiếu gì anh chị em ta, con cháu ta, đồng bào ta đã hoặc đang trở thành những cán bộ, những đoàn viên, những công nhân viên, thậm chí cả những bộ đội đi xâm chiếm Lào và Kampuchea đối với những tầng lớp trẻ ở vào tuổi  phải đi “nghĩa vụ quân sự”. Đó là chưa kể tới thế hệ mầm non, ra đời vào năm 1975, nay đã ở tuổi lên 10, không biết quá khứ là gì và thực sự đã bị nhào nặn từ thuở bé trong guồng máy nhồi nhét về giáo dục hay văn hóa của CS.

 “….Trên cơ sở nhận thức đó tôi chủ trương rằng người cầm bút chống lại chế độ Cộng Sản  nhưng không chủ trương loại trừ toàn thể những con người đang sống trong chế độ Cộng sản. Mặc dầu quá khứ của họ là gì, xuất thân từ miền Bắc hay miền Nam, nhưng một khi đã nhận chân được nhu cầu phải tiêu diệt cơ chế tổ chức xã hội theo kiểu Cộng sản để xây dựng một quốc gia có ý thức nhân bản mới… thì họ chính là những kẻ đồng hành, sát cánh cùng chúng ta đi xây dựng một quê hương mới. ..” (hết trích)

Xin nhớ cho rằng những lời phát biểu này được nêu ra vào cái thời điểm mà bầu không khí chống Cộng còn mang tính chất khét lẹt chứ không như bây giờ, như thể : chuyện về thăm quê hương người ta chỉ xì xào với nhau chứ không dám bầy tỏ công khai, như thể một cơ sở bán vé máy bay ở trong khuôn viên thương mại Bolsa Mini Mall bị biểu tình chống đối, sau đó lại bị đốt cháy không rõ nguyên nhân, như thể nhà báo Hoài Điệp Tử vào đêm 9 tháng 8- 1987 cũng bị đốt và chết vì ngộp khói ngay tại tòa soạn báo Mai mà theo  tờ Dân Chúng số 121 ra ngày 5 tháng 8-1995  khi nhắc lại vụ này  thì  đã có một tổ chức  mang tên Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng  nhận đã là tác giả với lý do tờ Mai đã đăng quảng cáo vài cơ sở ở Canada giao dịch, buôn bán với Việt Nam.

Trong bầu không khí như thế, khi tôi nêu lên những ý kiến như vừa kể trên hẳn sẽ là lý do để dư luận dễ dàng cho rằng tôi đã chủ trương “hòa hợp-hòa giải với Cộng sản”, mặc dù tôi đã nói rõ trong một bài phát biều mà nhiều báo hồi đó đã đăng tải lại, rằng :

Có một điều tuy đương nhiên nhưng cũng nên khẳng định lại, đó là ở đâu, bao giờ và trong  bất cứ thời điểm nào thì nhận định sau đây bao giờ cũng đúng : “ Đó là chế độ Cộng Sản không bao giờ đem lại tự do, hạnh phúc cho con người và tạo dựng được một xã hội công bằng, phát triển và thịnh vượng. ”

“Trong một vài lần phát biểu ở đây đó rải rác trong mấy năm vừa qua, tôi cũng đã từng nhấn mạnh rằng chúng tôi không chủ trương thỏa hiệp với cường quyền hay bạo lực. Bởi khi người cầm bút thỏa hiệp với bất cứ một bạo quyền nào thì anh ta cũng sẽ chỉ là một thứ công cụ và tự biến vai trò độc lập của mình trở thành một thứ văn nô vốn là điều mà không một người cầm bút chân chính nào chấp nhận.”

(Phát biểu trong buổi ra mắt cuốn VIỆT NAM QUA LĂNG KÍNH 24 NHÂN VẬT THỜI ĐẠI của Nhà báo NGUYỄN VẠN HÙNG, ngày 29-6-1996  Tại Trung Tâm Công Giáo VN –Orange County – California.)

Xin bước qua nguyên nhân thứ hai.

2)  Nguyên nhân thứ hai có thể là tôi đã đứng trong nhóm chủ trương cổ võ cho phong trào Văn chương Phản kháng ở trong nước và góp phần biên soạn cuốn “Trăm Hoa vẫn Nở Trên Quê Hương ” in năm 1990.

DuocThieng

Đối với tôi, sự dấn thân này khởi đi từ cuối năm 1982, nhân giữ vai trò Chủ bút cho tờ Đuốc Thiêng – cơ quan truyền thông của Chí Nguyện Đoàn Hải Ngoại Phục QuốcVN do Ông Võ Đại Tôn sáng lập khi đó Ông đang còn nằm trong nhà tù CS – dưới bút hiệu Lê Thái Mỹ, tôi đã viết một bài đề cập đến “Nhóm Văn Nghệ Chân Đất’ ở Việt Nam mà Tuyên Ngôn của họ được công bố tại Paris trong cuộc họp báo vào ngày 23-4-1980. Người đứng ra công khai tuyên bố trong cuộc họp báo này là anh Diệp Tô Minh, một trong những thủ lãnh của phong trào các nhà văn trẻ ly khai tính Đảng mang tên Nhóm Văn  Nghệ Chân Đất, phối hợp với Trung úy Thái Hà, một người tù cải tạo vừa vượt thoát  quê nhà đi tìm tự do  và tố cáo chính sách đàn áp văn nghệ sĩ  của chế độ CS.

DUOC THIEN 3

Buổi họp báo có sự tham dự của vài nhân vật quốc tế như Thi sĩ Pierre Emmanuel, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, Chủ tịch Hội Thân hữu Quốc Tế cho Tự Do, Ông Pilouchtch nhà Toán học Nga lưu vong, Ông Paul Goma nhà văn lưu vong Lỗ Mã Ni, Bà Eduardo Manet, nhà văn ly khai Lỗ Mã Ni, Bà Martha Frayde, Cựu đại sứ Cuba tại Unesco của Liên hiệp Quốc.

Trong bản tuyên ngôn của Nhóm Chân Đất có đoạn :

Chúng tôi, nhóm văn nghệ “Chân Đất” với những bàn chân không giầy, những con mắt bị bịt kín, những cái mồm không được nói và những cái đầu đói khát tự do, không đành để mình và tất cả bị nhào nặn thành những tên hề của lịch sử,

Chúng tôi, những con người vốn sinh ra như con người dưới mặt trời muôn thuở, kêu gọi tất cả mọi sáng tác phẩm được viết phải dành cho mọi trái tim yêu thương chứ không dạy mọi người phải căm thù và chuyên chính ! Với bộ ngực trần, chúng tôi tuyên chiến với mọi thứ văn hóa bịp bợm, lố bịch đang ngày đêm làm bẩn bầu không khí xung quanh chúng ta.”

Với những tâm tư và bầu nhiệt huyết sục sôi như thế, tôi đã rất tin tưởng rằng đã tới lúc các nhà văn, nhà thơ ở VN bắt đầu lên tiếng phản kháng chế độ để đấu tranh cho một xã hội tự do, dân chủ, công bằng và  không CS. Và với niềm tin tưởng này, là một nhà văn, tôi tự nhận thấy phải có tinh thần liên đới để góp phần làm cho những nguyện vọng của anh chị em cầm bút trong nước sớm được thể hiện.

Nhưng tiếc thay, những nỗ lực của nhiều người đã từng góp phần trong công cuộc cổ võ cho phong trào văn chương phản kháng lại chỉ được nhìn theo một lăng kính khác, như thể :

“Sự thật là những loạt sách này chỉ nhằm thực hiện kế hoạch kiều vận theo chỉ thị của Đảng về “giao lưu văn hóa”, các văn nghệ sĩ này được phép chống Đảng để xây dựng Đảng cho thêm vững mạnh chứ có phải phản kháng gì đâu. Mấy ông văn nghệ sĩ lưu vong tỵ nạn chắc vì nhớ cái cũi sắt của “nền văn chương cũi sắt” ở trong nước mà họ đã liều sống, liều chết để thoát ra, nên bèn ra báo Hợp Lưu và xuất bản sách “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương” (THVNTQH) đem về nước để dâng Đảng, lập công.” 

(Nguyễn Thiếu Nhẫn)

3) Nguyên nhân thứ ba có thể là tôi đã in chung với Nhật Tuấn một tuyển tập truyện ngắn, mang tên Quê Nhà, Quê Người, ấn hành ở trong nước vào khoảng đầu thập niên 90.

Quê Nhà Quê Người

Quê Nhà Quê Người

Hồi giữa năm 2012, trên đài Á Châu Tự Do (RFA), nhà báo Mặc Lâm đã nêu câu hỏi với tôi về cuốn tuyển tập này và tôi đã trả lời đại ý như sau :

Vào khoảng đầu thập niên 1990 – tức là sau khi phong trào văn nghệ phản kháng ở trong nước đã phát động – tôi hy vọng rằng anh em cầm bút ở hải ngoại có thể tiếp sức với những anh em cầm bút phản kháng ở trong nước để có thể làm nên một cuộc kết nối, tìm ra một con đường hỗ trợ cho nhau trong công việc đòi hỏi tự do – dân chủ cho đất nước. Và  sở dĩ ta nên hỗ trợ những người cầm bút ở trong nước, vì họ là những người chống đối chế độ, chứ không thể là chủ trương giao lưu với chế độ, bởi vì chế độ này là một thứ cường quyền, đẻ ra bao nhiêu là tham nhũng, bất công, mất tự do, mất dân chủ. Tôi không bao giờ chủ trương hợp tác với cường quyền Và tôi chỉ in sách chung với Nhật Tuấn trên quan điểm đó.

Lúc bấy giờ Nhật Tuấn đang làm nhà xuất bản Văn Học ở trong nước và cậu ấy cũng đã là một cây bút nổi tiếng từ trước năm 1975. Cậu ấy đề nghị là “Bây giờ anh em mình hợp tác in chung một cuốn. Anh viết những chuyện xảy ra ở hải ngoại và em viết những chuyện xảy ra ở trong nước. Những chuyện xảy ra ở hải ngoại thì gọi là “Quê người”, và những chuyện ở trong nước thì gọi là “Quê nhà”. Đó là tên truyện “Quê nhà, quê người” ra đời trong hoàn cảnh đó.

Tôi gom một số truyện đã viết ở hải ngoại và được đăng rất nhiều trên báo chí ở hải ngoại và đưa cho Tuấn, để in ra, chứ hoàn toàn không có một chính sách, một chủ trương hay một kế hoạch nào tiến hành trong việc giao lưu mà có lợi cho cộng sản cả.”

Tuy nhiên, việc làm như thế của tôi, vào thời điểm đó cũng rất dễ bị ngộ nhận, và cũng đã bị lên án là “giao lưu văn hóa”, mặc dù quan điểm của tôi về CS vẫn luôn luôn được bầy tỏ rằng Chế độ Cộng Sản không bao giờ đem lại tự do, hạnh phúc cho con người và tạo dựng được một xã hội công bằng, phát triển và thịnh vượng. ”

Ngoài ra, tưởng cũng nên nhắc lại rằng cũng vào cái thời điểm đầu thập niên 90 ấy, không chỉ có riêng tôi cho ấn hành tác phẩm của mình ở trong nước (như cuốn Quê Nhà Quê Người ) mà cũng đã có khá nhiều  văn nghệ sĩ  (35 vị)  ở hải ngoại đồng ý đóng góp truyện của mình  để in và phát hành trong nước.

Cụ thể thì đó là TUYỂN TẬP VĂN CHƯƠNG HẢI NGOẠI do nhà Tân Thư của họa sĩ Khánh Trường hợp tác với nhà xuất bản Văn Học ở trong nước, có sự tham gia của 35 ngòi bút đang sống ở hải ngoại tại nhiều nơi trên thế giới. Nội dung các sáng tác trong tuyển tập này đã mang tính cách độc lập mà họa sĩ Khánh trường viết trong lá thư đề ngày 17-3-1992 gửi các văn hữu tham dự,  có đoạn như sau :

‘” Chúng tôi cũng xin thông báo là tất cả các sáng tác có mặt trong tuyển tập đều do chính tác giả chọn, chúng tôi chỉ phụ trách phần kỹ thuật, ngoài ra tuyệt đối không sứa chữa, dù chỉ một chữ. Trong thư­ kèm theo Art-work của bản thảo, chúng tôi đã yêu cầu nhà xuất bản Văn Học, khi duyệt bản, phải giữ đúng tình trạng nguyên thủy của mỗi sáng tác.”

Chính vì đòi hỏi gắt gao này của Khánh Trường mà chính quyền trong nước đã ngăn cấm không cho Tuyển Tập được ấn hành dù nó đã sẵn sàng để xếp chữ và lên khuôn.

Nêu lại vấn đề này, tôi chỉ muốn nhắc lại chuyện cũ rằng : Một chuyện minh bạch như thế, và khi nhận lời tham dự hẳn ai cũng đã suy nghĩ, đắn đo để  rồi đồng ý, thế mà tại sao lại ít có vị vốn đã tham dự vào công việc này chịu đứng ra góp phần lên tiếng để bênh vực cho chính mình cũng như cho các bạn đã cùng đứng chung với mình trong một sinh hoạt văn học như thế ?

Tôi cho rằng nếu trong thời gian ấy có nhiều ngòi bút chịu đồng loạt lên tiếng để giải thích sự việc một cách rõ ràng hơn thì có thể nhiều nỗ lực tốt đẹp đã không bị vướng vào cái bẫy mang tên là “giao lưu văn hóa” với mục đích khôi hài là làm tay sai cho Đảng và nhà Nước CS.

            *****

Câu hỏi 2 :  Bây giờ, đủ thời gian nhìn lại, anh nghĩ sao?

Trả lời : Vâng, từ đó  (1990) đến nay (2014) tính ra đã 24 năm, tức cũng gần ¼ thế kỷ rồi. Các vấn đề xẩy ra ở trong nước nay cũng khác xưa một trời một vực.

 Hồi đó đâu đã có vấn đề các phụ nữ VN phải xếp hàng cho bọn đàn ông Trung Quốc, Đài Loan…rờ mó, xét nét từng li từng tí  để bỏ tiền ra mua về làm vợ.

Hồi đó đâu đã có cái cảnh dân oan ở nhiều địa phương kéo về Sài Gòn, Hà Nội nằm lền khên trong nhiều năm ròng rã để đi khiếu kiện về tình cảnh bị tập đoàn tham nhũng cướp đất, cướp nhà cửa, ruộng vườn, không còn phương tiện sinh nhai, không cả nơi ăn, chốn ở.

Hồi đó cũng không có cái cảnh người yêu nước biểu tình chống Trung Quốc xâm lược mà còn bị công an đàn áp, đánh đập, thậm chí  đến cả  bị tù đầy.

Và hồi đó đâu có cái cảnh đau lòng, Trung Quốc ngang nhiên  kéo dàn khoan vào hải phận Việt Nam, ròng rã trong nhiều tháng, nhiều năm đánh đập, bắt giữ ngư phủ Việt Nam và đánh phá hay húc chìm tầu đánh cá VN. Thế mà Đảng CSVN  vẫn đề cao tình “Huynh đệ hữu hảo” giữa hai nước !!!.

Tình thế như vậy thật đã chín mùi đến độ chẳng cần ai lên tiếng giùm ai,  hay chẳng cần ai đứng ra làm cái công việc khích lệ cổ võ để cho ngọn lửa đấu tranh bùng lên như hơn 20 năm trước đây..

Mà trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng ấy, những người cầm bút ở Việt Nam đã có những thái độ gì ??

Xin nói ngay, tôi chỉ  làm công việc quan sát chứ không nêu vấn đề đòi hỏi họ phải làm gì.

Và tôi thấy cũng có một số  ngòi bút trong nước đã lên tiếng mạnh mẽ đòi hỏi quyền làm người, quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ lòng yêu nước trước sự xâm lăng trắng trợn của bá quyền phương Bắc.

Song cái tỷ lệ lên tiếng ấy thật là quá nhỏ nhoi so với cả một tập thể rộng lớn của những người cầm bút VN, kể cả Văn giới lẫn Báo giới mà dễ số lượng Hội viên cũng phải lên tới vài ngàn người.

Cái tập thể rộng lớn ấy hiện đang làm gì, viết gì với ngòi bút của mình, tưởng ai theo dõi sinh hoạt sách báo, sinh hoạt hội hè văn nghệ, báo chí ở trong nước thì cũng đã rõ.

Như thế thì nếu ai có hỏi tôi rằng tôi sẽ trông mong gì ở những người cầm bút VN cùng với tấm lòng kỳ vọng mà tôi đã từng có thời ấp ủ từ hơn 20 năm trước ?

Xin trả lời : Tôi không còn trông mong hay kỳ vọng gì nữa hết và chỉ còn nghĩ rằng thôi thì cứ để cái gì phải đến thì nó sẽ đến, với một ý niệm rất  rõ trong đầu :

Tiếc thì tôi không bao giờ tiếc những gì mình đã từng làm, nhưng mà tôi cũng sẽ chẳng còn hứng khởi gì để mà lập lại như thế nữa !”

 

       NHẬT TIẾN

California, 15-6-2014