Nhà Văn Nhật Tiến – Tiếng Kêu Trầm Thống Không Dứt Về Thảm Trạng Thuyền Nhân

Phan Lạc Tiếp

 

Như đa số chúng ta đều biết, ông Nhật Tiến là một nhà văn, nhưng ít ai biết và nghĩ rằng chính ông còn là nhà giáo Bùi Nhật Tiến dạy toán, lý, hoá trung học. Theo tôi, chính tinh thần khoa học đã là cái khuôn hướng dẫn mọi sinh hoạt của ông, khiến ông làm được rất nhiều việc trong cùng một lúc. Mỗi tuần ông dạy từ 40 đến 50 giờ. Tinh thần kỷ luật và khoa học ấy còn được bao phủ bằng tinh thần Hướng Đạo, khiến những suy nghĩ và hành động của ông tràn ngập những tư tưởng xã hội. Cuộc sống bận bịu như thế nhưng trong 20 năm ở Miền Nam, ông đã có gần 20 tác phẩm được xuất bản, mà hầu như tác phẩm nào cũng mang nặng tinh thần xã hội, như Những Người Áo Trắng, Chuyện Bé Phượng. Đặc biệt khi Miền Nam ổn định, năm 1961, giải văn học nghệ thuật (lần đầu tiên trước tôi, đả có trao giải rồi, không phải lần đầu tiên)  được tổ chức, (do chính Tổng Thống Ngô đình Diệm đứng ra trao giải), cuốn Thềm Hoang của nhà văn Nhật Tiến đã được trao tặng giải nhất, khi ấy ông mới có 25 tuổi. Nội dung cuốn sách nói về hoàn cảnh của những người nghèo khổ, khốn cùng của xã hội. Trong khi đó, đây cũng là lúc người ta có khuynh hướng ca tụng những tư tưởng hiện sinh đang ồn ào ở xã hội tây phương, ảnh hưởng khá mạnh vào sinh hoạt văn học Việt Nam. Cuốn sách của ông như một người bộ hành trên con đường quê nghèo khổ. Biết thế, nhưng ông vẫn lặng lẽ miệt mài đi, với những trang sách ngập tràn những thương yêu, những hàn gắn, an ủi những con người bất hạnh.

Cuốn Thềm Hoang, như một kho tàng mà tình cờ chúng ta tìm thấy trong căn nhà đổ nát sau chiến tranh. Và cứ thế, với tinh thần xã hội ấy, nhà giáo, nhà văn Nhật Tiến cứ đi. Cho đến khi Miền Nam sụp đổ, ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ông kẹt lại, nếm trải những gian nan, o ép của xã hội mới, cho đến khi không còn chịu nổi nữa, như  hàng triệu người khác, ông đã phải bỏ nước ra đi. Con người chân chỉ, ngăn nắp, khoa học ấy, với một tâm hồn tràn ngập những xót thương, thương mình, thương gia đình, thương đồng bào, thương đất nước mà vẫn không thể nào ở lại. Vì quê hương đã khác. Nơi đó không còn là chỗ nương thân được nữa. Làn sóng người âm thầm, ào ạt ra đi. Bấp chấp những gian nan, nguy khốn của biển khơi, của hải tặc, bấp chấp cả  những bất trắc, vô định của tương lai, lớp lớp hàng triệu người bỏ nước ra đi. Từ bao nhiêu thế kỷ dựng nước và giữ nước, kể cả năm Ất Dậu, 1945, chết đói đầy đường, không người Việt nào ra đi như thế. Mười chết chưa có lấy một phần sống, nhưng người Việt chúng ta vẫn đổ xô ra biển. Trong làn sóng người bỏ nước ra đi ấy có nhà văn Nhật Tiến

Đi. Phải đi.

Hãy cố thoát bằng mọi cách, ra khỏi miền đất tàn ngược này.

Nhà văn Nhật Tiến có mặt như một sắp đặt diệu kỳ, để chịu chung nỗi đau của đồng bào trên đường đi tìm Tự Do. Ông có mặt để chính mình ghi nhận những gian lao, nguy khốn của thảm nạn Thuyền Nhân. Vì thế, qua ngòi bút của ông, cảnh huống của Thuyền Nhân đã được ghi chép một cách chi ly, đanh thép và vẫn ngập tràn xúc động. Những lá thư của ông viết từ trại tỵ nạn gửi cho bạn bè nơi hải ngoại, bỗng dưng đã lả những bản cáo trạng bi hùng, ai đọc cũng ngập tràn nước mắt. Các giòng chữ của ông, bỗng chốc đã được chuyển ngữ, xuất hiện rộng rãi, có mặt trên những cơ quan cao nhất của loài người : Quốc Vương Thái Lan, Tổng Thống Hoa Kỳ, Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, các nhà chính trị hàng đầu của thế giới…Ngoài những cảnh huống bi thảm của Thuyền Nhân, trong các bản cáo trạng của ông còn ngồn ngộn những dữ kiện cụ thể về người, nơi chốn, thời gian, những sự việc liên hệ… để ai đã đọc qua không thể ngồi yên được, ai muốn điều tra, tìm hiểu nội vụ thì rất dễ dàng. Phải chăng đó là cái khéo, cái tài, cái tâm trong sáng, tế nhị của một nhà văn với tha nhân, với đồng bào ruột thịt của mình.

Trong bài viết đầu tiên, Hành Trình Đi Tìm Tự Do Bằng Thuyền Qua Ngả Thái Lan, đề ngày 24 tháng 11 năm 1979,  là một bản tường trình dài, mô tả những ngày những thuyền nhân trong nhóm của ông dạt vào đảo Kra, đã bị (tụi) hải tặc Thái hành hung. Ông viết “…chúng dồn tất cả thanh niên, đàn ông vào hết trong hang đá rồi canh giữ bằng súng ở bên ngoài. Sau đó chúng lùa đàn bà đi một chỗ xa để hãm hiếp…Trong đêm tối của bầu trời đầy sương đêm và gió lạnh, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng trẻ em la hét khi bị giật ra khỏi vòng tan người mẹ, tiếng van xin thảm thiết của những phụ nữ chân yếu tay mềm… Cơn kinh hoàng tột độ kéo dài đến gần sáng mới chấm dứt…” Ở một đoạn khác ông viết về cảnh đàn bà, con gái phải chui vào rừng rậm để tránh bị tụi hải tặc tìm kiếm, hãm hiếp, (ông viết) : “ … nỗi kinh hoàng về đêm nghe tiếng sột soạt trong bụi, có thể là rắn, rết, có thể là những đám chuột rừng đông nhung nhúc thường hay bò ra từng đàn đi lục lọi đồ ăn ở khắp mọi nơi. Kinh hoàng nhất là những con rết trên núi cao, con nào con nấy to gần bằng chiếc đũa cả để ghế cơm hàng ngày…Thê thảm nhất là trường hợp muốn bảo vệ tiết hạnh cho  người thân, có người đã bị chúng dùng búa rìu bổ vào đầu bể trán rồi xô xuống vách đá ngoài bờ biển, nhưng rất may không chết. Một ông già mang chiếc răng vàng ở hàm trên bị chúng dùng dao nạy ra lấy vàng”. Biết bao nhiêu cảnh bi thương, hãi hùng nữa đã xẩy ra cho những người Việt Nam trên đoạn đường đi tìm Tự Do này.

Trong lá thư khác, viết ngày 19 tháng 7 năm 1979, (trong) dưới lều số 25 trại tỵ nan Songkhla, nói về cuộc sống của người tỵ nạn tại nơi này, ông viết “ …sống sót là một hoàn cảnh gần kề với địa ngục, ở ngưỡng cửa cuả địa ngục, bên bờ vực thẳm. Ở đây chưa phải là có đời sống. Vì đời sống của con người đích thực thì không thể hàng ngày phải chung đụng với hàng ngàn con ruồi bu đến trên những bát cơm trắng, cả trăm con rệp chui rúc trên những xạp ngủ, và những đêm mưa, ngày nắng, con người vẫn phải chui rúc chật chội dưới những mái lá tả tơi, rách nát.

Trong lá thư đề ngày 25 tháng 3 năm 1980, được coi là Bản Cáo Trạng số 3, với tựa đề Thảm Kịch Vẫn Tiếp Diễn Với Thuyền Nhân Trong Vịnh Thái Lan, ký tên 3 người : Nhật Tiến, Dương Phục, Vũ Thanh Thuỷ, thì đúng là một bản tường trình rất cụ thể về 4 câu chuyện, nhưng có liên hệ đến cả trăm người là nạn nhân của hải tặc. Tất cả là những việc thật, người thật, với những nơi chốn xẩy ra cho người tỵ nạn Việt Nam. Đặc biệt có cả những người đại diện cho trật tự, cho công lý của Thái Lan cũng có những cử chỉ thô bỉ, sàm sỡ vối phụ nữ tỵ nạn Việt Nam. Bởi thế, khi cho đăng Bản Cáo Trạng này trên Việt Nam Hải Ngoại, anh Đinh thạch Bích đã viết “ Đọc Bản Cáo Trạng số 3 này, nếu bạn không thấy bàng hoàng xúc động, xin phục bạn là người có trái tim bằng sắt…”.

Với những lá thư, những bản cáo trạng như thế liên tục gửi từ trại tỵ nạn Thái Lan tới San Diego, và từ San Diego lan toả đi khắp bốn phương trời, bay tới cả nơi xuất phát ra những lá thư này, tạo nên một luồng dư luận đầy sống động, một an ủỉ và hy vọng cho những nạn nhân trong cuộc. Trong lá thư gửi cho Giáo Sư Nguyễn hữu Xương, viết từ Songkhla, Thái Lan, đề ngày 25 tháng 4 năm 1980, ký tên cả 3 người như trên đã viết: “ Ở trong trại tỵ nạn này, với tất cả hồ sơ các anh gửi cho chúng tôi, chúng tôi đã thực hiện một chương trình phát thanh đặc biệt trên loa cho gần 7000 đồng bào toàn trại được rõ…Đồng bào ở đây rất vui mừng khi được thấy số phận đớn đau của họ đã được thế giới biết đến, Quốc Vương và Hoàng Hậu Thái Lan biết đến…”

Cứ như thế, một mặt trận liên hoàn đã liên tiếp được mạnh mẽ thi hành. Và tất cả những tài liệu ấy, bao gồm cả những văn thư gửi tới những cơ quan quốc tế, những vị thủ lãnh, những quốc gia có ảnh hưởng xa gần đến người tỵ nạn Việt Nam, chúng tôi đã thu góp, sắp xếp và in thành cuốn Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan, tiếng Việt và tiếng Anh, Pirates on the gulf of Siam, phát hành lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 4 năm 1981, mang tên tác giả 3 người : Nhật Tiến, Dương Phục và Vũ thanh Thuỷ. Cuốn sách này bỗng trở nên một văn kiện cụ thể về thảm nạn Thuyền Nhân. Người chuyển ngữ mau chóng và sắc sảo cuốn sách này là James Banerian. Sau đó vì nhu cầu đòi hỏi, đã có mấy vị mạnh thường quân in thêm và phổ biến rất rộng rãi. Cho đến nay, có lẽ cuốn sách nhỏ này là một dấu vết đau thương nhất của nguời Việt Nam bỏ nước ra đi tìm Tự Do từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đó là một tài liệu lịch sử bi hùng mà nhà văn Nhật Tiến là người khởi xướng. Ông vừa là nạn nhân, vừa là nhân chứng và ông cũng còn là người lên án những ai xa, gần đã tạo nên thảm họa này. Và hơn hết thảy, cũng qua những trang sách ấy, với một văn phong xúc tích và chan chứa thương yêu, ông cũng còn là người bày tỏ những an ủi vỗ về những nạn nhân trong cuộc. Đồng thời cũng chính ông là người đồng hội, đồng thuyền, ông cũng đã khéo léo bày tỏ lời cám ơn tới những cá nhân, những tổ chức nhân đạo trên toàn thế giới và cả với cộng đồng người Việt khắp nơi đã bỏ công, bỏ sức bênh vực, hay giúp đỡ cho Thuyền Nhân Việt Nam.

Trên ba thập niên đã trôi qua, những Thuyền Nhân rách nát ngày nào, ngày nay hầu như tất cả đều có cuộc sống an lành, sung túc trên quê hương mới. Con em chúng ta được nuôi dưỡng và trưởng thành, không thiếu những người trẻ, đang là những ngôi sao lấp lánh trong nhiều lãnh vực của xã hội này, đem lại niềm vui và hãnh diện cho Người Việt khắp nơi. Nhưng với nhà văn Nhật Tiến, hầu như ông không quên được những đoạn đường gian khó ngày qua. Nhiều hôm ông đã nhìn ra biển mà thấy như có những chiếc thuyền trôi lênh đênh, vô định. Ông không phải là người làm thơ, nhưng (ông) đã viết :

Thuyền trôi trên biển cả

Sao không còn tiếng ai

Chung quanh một đàn cá

Tiễn đưa chiếc quan tài

Ông đã cúi xuống, vục tay vào (mặt) nước biển và bỗng dưng nhạt nhoà những lệ :

Vúc một hớp nước biển

Khum vào lòng bàn tay

Long lanh như ẩn hiện

Những giọt lệ vơi đầy.

(Biển, thơ Nhật Tiến)

 

Ôi, một tâm hồn nhân hậu, một tài năng và một định mệnh gắn liền với thảm hoạ Thuyền Nhân. Nhà văn Nhật Tiến đã cất lên tiếng kêu thương trầm thống. Tiếng kêu ấy bỗng vang xa khắp bốn phương trời. Nay mọi sự đã dần chìm vào quá khứ, nhưng với riêng ông, thảm nạn Thuyền Nhân như không bao giờ hết, dù những lời kêu thống thiết của ông ngày nào đã chính thức đi vào lịch sử. Lịch sử của người Việt Nam liều chết ra đi tìm Tự Do, khước từ Cộng Sản. Vết tích ấy sẽ còn mãi, vì tiếng nói của nhà văn Nhật Tiến chính là tiếng nói (của thương yêu, kết đoàn và xây dựng) trầm thống của ngưởi Việt yêu chuộng tự do trong một giai đoạn đau thương nhất của lịch sử dân tộc.

  Phan lạc Tiếp