Nhật Tiến thưa chuyện với nhà thơ Viên Linh

          Ngày 1-12—2016 vừa qua, ông có gửi Nguyễn Thiếu Nhẫn 1 lá thư (công bố luôn cả trên mạng), có phần mở đầu như sau:

Thư Viên Linh gửi Nguyễn Thiếu Nhẫn 

– Viên Linh –

Anh Nguyễn Thiếu Nhẫn,
Bây giờ là 12:01 phút trưa thứ Năm, 1 tháng 12, 2016, tôi vừa đọc xong bài anh.

Có anh đứng cùng chiến tuyến, tôi rất vui. Cảm ơn anh.

Tôi xin kể anh chuyện này: “Khoảng năm 1990, Nhật Tiến làm chủ tịch và tôi làm phó cho Trung tâm Văn Bút Nam Cali. Một hôm tôi nghe tin Văn Bút Nam Cali đã họp và ủy thác bạch khế (carte blanche) toàn quyền cho chủ tịch Nhật Tiến chủ trương trông coi việc thu thập bài vở làm cuốn tuyển tập hòa hợp hòa giải nhan đề Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương. Lập tức tôi liên lạc với Ban chấp hành, phản đối quyết định trên, nhất là họp mà tôi là phó chủ tịch lại không được biết có buổi họp. Dĩ nhiên một buổi họp cấp tốc được triệu tập, Nhật Tiến không đến dự,  nhưng chúng tôi có lý do chính đáng: một chủ đề như thế không thể trao cho một cá nhân đại diện cho toàn thể Văn Bút Nam Cali, lấy cái gì bảo đảm cho thanh danh của Hội Văn Bút một khi cá nhân đó nhân danh Văn Bút để kêu gọi nạn nhân hòa hợp hòa giải với thủ phạm?”Việc mà Nhật Tiến đang làm. Thế là phiên họp do tôi chủ tọa đã bỏ phiếu đa số tuyệt đối hủy bỏ cái bạch khế (carte blanche) nguy hiểm kia.

(hết phn mở đầu)

Trong phần ấy, có mấy điểm mấu chốt như sau:

  • “Khoảng năm 1990, Nhật Tiến làm chủ tịch và Viên Linh  làm phó cho Trung tâm Văn Bút Nam Cali.
  • Một hôm Viên Linh nghe tin Văn Bút Nam Cali đã họp và ủy thác bạch khế (carte blanche) toàn quyền cho chủ tịch Nhật Tiến chủ trương trông coi việc thu thập bài vở làm cuốn tuyển tập hòa hợp hòa giải nhan đề Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương.
  • Lập tức Viên Linh liên lạc với Ban chấp hành, phản đối quyết định trên, nhất là họp mà VL là phó chủ tịch lại không được biết có buổi họp. Dĩ nhiên một buổi họp cấp tốc được triệu tập, Nhật Tiến không đến dự,
  • Thế là phiên họp do Viên Linh chủ tọa đã bỏ phiếu đa số tuyệt đối hủy bỏ cái bạch khế (carte blanche) nguy hiểm kia.

Tôi, Nhật Tiến xin trả lời ông Viên Linh và cũng là để làm sáng tỏ vấn đề trước công luận:

  • Năm 1990, thời gian thực hiện cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương, tôi không còn sinh hoạt gì với Văn Bút Nam Cali nữa, chứ đừng nói là tôi vẫn còn là Chủ Tịch, Viên Linh làm Phó.
  • Người chủ trương trông coi việc thu thập bài vở làm cuốn tuyển tập nhan đề Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương không phải là tôi mà là ông Trần Vịnh, khi đó ở San Diego, và ông lấy tên nhà xuất bản cho cuốn này là Lê Trần.
  • Tôi chỉ là Chủ Tịch Ban Chấp Hành Lâm Thời Nam Cali, nhiệm kỳ có đúng một năm (1988-1989), lại không có Ban Chấp Hành mà chỉ có Ban Thường Vụ gồm: Chủ Tịch Nhật Tiến, Phó Chủ Tịch Viên Linh, Tổng Thư Ký Lê Đình Điểu (đã mất), Thư Ký Vũ Thùy Hạnh (hiện ở tỉnh Orange , Nam Cali). Xin coi hình ở phần cuối.
  • Nhiệm kỳ của chúng tôi chỉ có 1 năm vì mang danh nghĩa “Lâm Thời”, với nhiệm vụ soạn thảo Nội Quy và tổ chức bầu cử Ban Chấp Hành Chính Thức.
  • Thời gian 1 năm sau, vì bận rộn công tác vận động cho Thuyền Nhân nên tôi không ra ứng cử tiếp, do đó năm 1989 ông Viên Linh được bầu làm Chủ Tịch Ban Chấp Hành Chính Thức Văn Bút Nam Cali, rồi năm 1991 được Đại hội Văn Bút VN Hải ngoại họp ở San Jose bầu làm chủ tịch Văn bút VNHN sau đó hai năm được tái nhiệm, và tại chức hai nhiệm kỳ.
  • Vậy ở thời điểm 1989-1990, khi có việc thực hiện cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương, tôi không còn trong Văn Bút và ông Viên Linh đã  giữ chức Chủ tịch Văn Bút, vậy thì làm gì có chuyện như ông nói  :  Một hôm tôi nghe tin Văn Bút Nam Cali đã họp và ủy thác bạch khế (carte blanche) toàn quyền cho chủ tịch Nhật Tiến chủ trương trông coi việc thu thập bài vở làm cuốn tuyển tập hòa hợp hòa giải nhan đề Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương. Lập tức tôi liên lạc với Ban chấp hành, phản đối quyết định trên, nhất là họp mà tôi là phó chủ tịch lại không được biết có buổi họp. Dĩ nhiên một buổi họp cấp tốc được triệu tập, Nhật Tiến không đến dự…

Mặt khác, đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy chữ “Bạch Khế” (carte blanche) xuất hiện trong sinh hoạt Văn Bút, chứ kể từ thuở đầu đời 1957 cho đến về sau, tôi chưa từng thấy nó xuất hiện trong  Văn Bút. Nó chỉ là sản phẩm vu cáo của Viên Linh mà thôi.

 

     Thưa ông Viên Linh, 

          Hơn 10 năm trước ông đã bịa chuyện bôi nhọ GS Phạm Việt Tuyền, TTK Trung Tâm Văn Bút trước 1975 mà khi tôi chất vấn, ông đã không  thể trả lời được.

Nay ông lại bịa chuyện Văn Bút  Nam Cali (mà ông gian dối không nêu rõ là Văn Bút  Lâm Thời Nam Cali) để hòng bôi  nhọ tôi. Ông trả lời ra sao trước nhữ ng điểm tôi nêu ở trên. Tôi lại  xin chờ ông trả lời để vấn đề được  sáng tỏ trước công luận .

                                                              Nhật Tiến

                                                              2-XII-2016

Hình ảnh minh chứng:

 VAN BUT NAM CALI 1988 copy-1

Và :

hopbanchaphanhvanbut17061988