Những Người Muôn Năm Cũ – Nguyễn Mạnh Trinh

Thềm Hoang

Thềm Hoang

Tôi không phải là người có trí nhớ tốt. Nhưng, kỷ niệm một đời của mình, được cất giấu  rất sâu qua lớp bụi phủ thời gian, lại sống thăm thẳm rất lâu rất dài trong tiềm thức. Như những sợi đàn phong linh đợi gió, chỉ cần một dao động nhỏ của đất trời cũng đủ thức dậy những tưởng nghĩ và ngân nga bất tận mỗi ngày. Một bài hát buồn, một trang sách giở, một tấm ảnh phai màu … có lúc đã thành một chất xúc tác để òa vỡ những cảm xúc. Của nhớ về và tìm lại với ngõ lối xưa, phương trời cũ, với những người của muôn năm cũ nhưng đă lưu lạc bao giờ.

Đêm nay, nằm đọc lại những trang sách “Thềm Hoang”, tự nhiên tôi thấy hương thời gian phảng phất. Đời xưa cũ, dưng không sống lai. Mảnh sống xưa, lai thấy hiện về. Như cơn sóng đầy, kỷ niệm ùa về. Như gió thao thiết ngoài trời, chân trời xa xăm cũ gần lại. Những người trong xóm nhỏ của thời thơ ấu tôi, của vài ba chục năm lãng đãng trong trí nhớ, lại thấy ở gần bên, với những tiếng cười, những tiếng chửi, vui rất vui mà buồn cũng cực độ bất thường.

Xóm Cỏ của nhà văn Nhật Tlến sao giống quá xóm Lò Than của tôi. Những bác Tốn, Hai Hào, Phó Ngữ, những Huệ, những Đào có phải là phó bản của những Huỳnh Thêm, Huỳnh Lại thợ dệt, của chị Năm Kế cửi,  của bác Tư  xích lô máy, của Bẩy Cam tắc xi, của Trà, Liễu bán bia ôm ngoài chợ. Cơm áo, lúc nào cũng là bầu trời thúc bách để đẩy những con người của con xóm nhỏ ấy vào cuộc chạy mịt mù. Thế nhưng, giữa những ngặt nghèo của đời sống ấy, người vẫn đối xử với nhau rất người. Những lúc tối lửa tắt đèn có nhau, khi có chuyện, mọi người của xóm nhỏ nghèo nàn ấy rất giàu lòng tương trợ. Đôi khi, dù chỉ là một lời thăm hỏi, nhưng cũng đủ làm ấm lòng người với hoạn nạn sẻ chia.

Cho đến  một ngày, bom đạn của trận đánh Tết Mậu Thân đã xóa sạch tất  cả. Những  nếp nhà tranh tối tăm trống hoác, những căn nhà tôn khói ám nóng sôi đã thành bụi tro, để rồi sau đó, những căn nhà được xây cất lại, với tôn và xi măng cấp phát, khang trang và có hàng lối hơn. Những con người cũ, ở xóm lao động xưa, cũng lưu lạc theo sóng dồi thời thế đến những cuối trời. Thỉnh thoảng, chiến tranh lại nhắc nhở. Chiếc xe GMC chở cỗ quan tài bọc lá quốc kỳ mang một người của xóm  cũ trở về. Những tiếng khóc thất thanh òa vỡ, những người hàng xóm lăng xăng chia sẻ, dựng rạp và lo tống táng. Rồi buổi tối, bên cạnh tiếng đờn kìm, đờn gáo khóc than còn có tiếng đàn tây ban cầm của ngón vọng cổ mùi rệu. Người ta buồn nhưng người ta vẫn nhậu nhẹt, bên cạnh khói hương của tưởng nhớ người vừa vị quốc vong thân vẫn có mùi rượu thịt. Nhưng người với người, vẫn là những tấm tình thắm thiết. Dù có lúc, những trận chửi rủa cứ  lồng lộng trong ngõ hoặc những trận đánh nhau xung sát có máu, có thương tích lại thỉnh thoảng làm xao động đời sống. Rồi, tất cả lại là những cuộc nhậu ồn ào, những ly rượu đế sủi tăm với những “mồi” đơn sơ trái cóc, trái ổi. Đời  cứ thế mà trôi như những cánh bèo vô tư đẩy đưa theo giòng nước.

Thập niên của nhà văn Nhật Tiến lúc viết “Thềm Hoang “ có lẽ trước thập niên mà tôi sống thời thơ ấu. Lúc ấy, chiến tranh chỉ là cái bóng mờ rất xa và cuộc chiến đấu  chính là cuộc vật lộn không ngừng nghỉ với cái dạ dầy và những hạt cơm làm đầy. Thế nhưng, cuộc chiến đấu ấy không phải là không có hư  hao. Cái chết tức tưởi của U Tám, sự xuôi trở về đất bụi của Huệ, bà cụ điên mẹ của Năm Trà, đến ngọn lửa từ bàn tay phẫn chí của một người điên trước nghịch cảnh,  đã xóa tất cả thành bụi than. Ở đó không có khói lửa của bom đạn, nhưng có lửa nghiệt ngã của đời sống nghèo nàn không lối thoát. Lửa đốt cháy tất cả nhưng không tiêu hủy được lòng người. Vẫn còn lòng hồn hậu. Vẫn còn sẻ chia nhục nhằn hoạn nạn. Thềm Hoang của xóm Cỏ phải là dấu tích của lòng thương người, mà cũng là thương chính mình, trong cái lận đận khổ ải của những kiếp nhân sinh.

Tôi nghĩ đến những cuốn sách khác của cùng tác giả. Những Người Áo Trắng, Chim Hót Trong Lồng, Chuyện Bé Phượng, những cuốn sách mà hồi nhỏ tôi  đã đọc cùng với nước mắt thổn thức. Tôi nhớ lại mình đã có cảm giác như  thế nào khi đọc “Con yêu Con ghét” của Nguyễn Mạnh Côn. Những u uất của tuổi thơ khá bi thảm đã làm những giòng chữ có sức sống và truyền cảm. Tôi đọc với hàm răng nghiến chặt, không có nước mắt nhưng có lệ giọt trong lòng. Giấc mơ của tôi không dệt bằng hạnh phúc, mà chính là những xao xuyến kết thành từ trái tim bất hạnh. Và trong văn chương, có những trang sách, tôi thấy mình phiêu du trong những con đường có nhiều bụi  cát, nhiều bóng đêm đen nhưng phảng phất một mùi  hương. Hương của tình người và lòng người. Tôi nghĩ đến Nhật Tiến, như nhà văn  của lòng nhân ái, của xúc cảm đời sống ở mức độ tuyệt cao. Những công việc, làm sách báo Thiếu Nhi, sinh hoạt Hướng đạo, làm công tác trong Ủy ban Báo nguy Giúp người Vượt biển, có lẽ phù hợp nhất với bản tính nhân hậu ở ông. Chất cảm, không cần luận lý trong những tác phẩm, theo tôi, đã thành những điểm nổi bật. Trái tim nở bừng cảm nhận mà chẳng cần tìm hiểu tại sao. Nói chuyện bằng trái tim có lẽ dễ dàng hơn là nói bằng bộ óc, nhất là trong văn  chương, có phải?

Mỗi một người, khi viết văn đã tỏ lộ rõ các cá tính của mình trong tác phẩm. Chân  dung nhân vật, qua lăng kính nhìn riêng biệt, sẽ có nhiều góc cạnh độc đáo hơn. Như Doãn Quốc Sỹ, với những truyện ngắn tuyệt hay, con người trí thức tiểu tư sản, qua những thời kỳ chiến tranh, là tập hợp của nhiều chân dung nhưng rất riêng lẻ, tình người hiền hậu thiết tha. Như qua Nguyễn Mộng Giác, với những tác phẩm của Ngựa Nản Chân Bon, của Mùa Biển Động, người của những biến thái về tâm lý, về đời sống, được phác thảo và chấm phá linh động. Còn với Nhật Tiến, tấm lòng thương người soi rọi qua từng nghịch cảnh, lại càng rõ hơn với những nhân vật tạo dựng. Nhân hậu đằm thắm của bác Tốn, một người hát dạo mù lòa nghèo khổ, sáng rực rỡ hơn những lời thương người trơ trẽn của những tên trọc phú, chót lưỡi đầu môi không thực. Một điều rõ ràng, Nhật Tiến thường có cái nhìn đặc biệt hiền từ với trẻ thơ, hay những người đàn bà lỡ cơ làm nghề bán trôn nuôi miệng. Trong cuộc sống, đã có mùi vị của hy sinh, một mình lầm lũi vào chốn bụi trần để mong có ngày đứa con của mình thoát cảnh khốn khổ đau thương. Viết mà không phê phán, trái lại còn có ngùi ngùi cảm xúc, nên những mẫu chân dung ấy lại càng thêm nét nhân bản rõ ràng.

Đêm tối xứ người vẫn lạnh câm, sao tôi nghe ngoài trời có tiếng vọng ùa về. Đọc trang sách Thềm Hoang, tôi hình như nghe lại âm thanh xưa cũ. Những tiếng khung cửa dệt ào ào linh động, những tiếng đàn cò buồn bã thê lương. Ngõ nhỏ ngày xưa, nơi tôi lớn lên, bỗng trở lại trong tiềm thức. Tôi thấy lại con kinh ngầu đen, thấy những con thuyền mang theo những cảnh sống lạ lùng xuôi ngược. Qua Xóm Cỏ, tôi thấy lại xóm Lò Than, thấy bến Nguyễn Văn Thành, thấy đường Hậu Giang, những xóm lao động bùn lầy nước đọng quặn mình trong cơn lốc cuồng bạo của chiến tranh …

Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ. Hỡi những nhân vật  không tên và có tên. Huệ, Đào, bác Tốn, anh Hai Hào của Xóm Cỏ Thềm Hoang với Huỳnh Lại, Huỳnh Thêm thợ dệt, Bẩy Cam tắc xi, Tư  xích lô máy, Trà, Liên bia ôm của xóm Lò Than. Những thiên thu vọng về. Ơi muôn năm cũ, bước chân  của văn chương có ghé về bên kia biển Đông trong đêm xứ  người lạnh xao xác tiếng gió trầm tư …

NGUYỄN MẠNH TRINH

                                            ( Nhật báo Người Việt, xuất bản ở Cali, Số ra ngày 31-10-1989)