Phan Lạc Tiếp Viết Về Nhà Văn Nhật Tiến

Cho đến hôm nay, cuối tháng 4 năm 2010, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ đã tròn 35 năm. Trong thời gian này đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta đã phải kinh qua bao nhiêu là biến cố đau thương do Cộng Sản Việt Nam gây nên. Nhưng bi thảm nhất, kinh hoàng nhất và cũng khiến dư luận thế giới  phải chú ý nhiều nhất, ấy là làn sóng người Việt Nam liều chết bỏ nước ra đi tìm Tự Do, nhiều nhất vào năm 1979 trên những con thuyền nhỏ bé, mong manh. Những chiếc thuyền nhỏ bé này dạt vào những quốc gia trong vùng Đông Nam Á, hầu như không chiếc thuyền nào thoát khỏi sự bạo hành, cuớp phá của tụi hải tặc trong vùng. Những người Việt Nam rách nát này được dư luận đặt cho một cái tên là Thuyền Nhân . Boat People

Những Thuyền Nhân sống sót dạt vào đất liền được các phóng viên quốc tế ghi nhận và phổ biến khắp nơi. Những cảnh huống bi thẩm của Thuyền Nhân được ghi nhận bởi nhóm người này, nhóm người khác tuy không thiếu những nguy nan, tàn khốc, nhưng đa số rời rạc, thiếu mạch lạc, không tạo được sức thuyết phục mạnh mẽ trước dư luận thế giới. Có thể những nạn nhân ấy, nay đã đến bờ rồi, không muốn nhắc lại những gian nan, khổ nhục mà mình và gia đình mình đã phãi đau đớn trải qua. Nhưng theo tôi, phần đông những nguời đã kinh qua thảm nạn này là những người bình thường, ít ai có khả năng ghi nhận, diễn tả, và quan trọng hơn hết là hầu như không có ai có đủ can trường và lòng mẫn tiệp để ghi lại thảm trạng này một cách chi tiết, khoa học, đầy những dữ kiện cụ thể với một văn phong vừa chính xác vừa ngập tràn xúc động như nhà văn Nhật Tiến. Tại sao ông Nhật Tiến làm được điều này ?  Theo tôi, hình như có một sự xếp đặt kỳ diệu nào đó để cho ông Nhật Tiến làm được điều này, mà ngoài ông ra không ai làm được như thế.

Như đa số chúng ta đều biết, ông Nhật Tiến là một nhà văn, nhưng ít ai biết và nghĩ rằng chính ông Nhật Tiến còn là nhà giáo Bùi Nhật Tiến dạy toán, lý, hoá trung học. Theo tôi, chính tinh thần khoa học đã là cái khuôn hướng dẫn mọi sinh hoạt của ông, khiến ông làm được rất nhiều việc trong cùng một lúc. Mỗi tuần ông dạy từ 40 đến 50 giờ. Tinh thần kỷ luật và khoa học ấy còn được bao phủ bằng tinh thần hướng đạo, khiến những suy nghĩ và hành động của ông tràn ngập những suy tư về xã hội. Cuộc sống bận bịu như thế nhưng nhà văn Nhật Tiến, trong 20 năm ở Miền Nam, ông đã có gần 20 tác phẩm được xuất bản, mà hầu như tác phẩm nào cũng mang nặng tinh thần xã hội, như Những Người Áo Trắng, Chuyện Bé Phượng. Đặc biệt khi Miền Nam ổn đinh, năm 1961, giải văn học nghệ thuật lần đầu tiên được tổ chức, do chính Tổng Thống Ngô đình Diệm đứng ra trao giải, cuốn Thềm Hoang của nhà văn Nhật Tiến đã được trao tặng giải nhất, khi ấy ông mới có 25 tuổi. Nội dung cuốn sách nói về hoàn cảnh của những người nghèo khổ, khốn cùng của xã hội. Trong khi đó, đây cũng là lúc người ta có khuynh hướng ca tụng những tư tưởng hiện sinh đang ồn ào ở xã hội tây phương, ảnh hưởng khá khá mạnh vào sinh hoạt văn học Việt Nam. Cuốn sách của ông như một người độc hành trên con đường quê nghèo khổ. Biết thế, nhưng ông vẫn lặng lẽ đi một mình với những trang sách ngập tràn những thương yêu, những hàn gắn, an ủi những con người bất hạnh.

Cuốn Thềm Hoang, như một kho tàng mà tình cờ chúng ta tìm thấy trong căn nhà đổ nát sau chiến tranh. Và cứ thế, với tinh thần xã hội ấy, nhà giáo, nhà văn Nhật Tiến cứ đi. Cho đến khi Miền Nam sụp đổ, ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ông kẹt lại, nếm trải những gian nan, o ép của xã hội mới, cho đến khi không còn chịu nổi nữa, như  hàng triệu người khác, ông đã phải bỏ nước ra đi. Con người chân chỉ, ngăn nắp, khoa học ấy, với một tâm hồn tràn ngập những sót thương, thương mình, thương gia đình, thương đồng bào, thương đất nước mà vẫn không thể nào ở lại. Vì quê hương đã khác. Nơi đó không còn là chỗ nương thân được nữa. Và trong làn sóng người ào ạt ra đi, bấp chấp những gian nan, nguy khốn của biển khơi, của hải tăc, bấp chấp cả  những bất chắc, vô định của tương lai. Lớp lớp hàng triệu người bỏ nước ra đi. Từ bao nhiêu thế kỷ dựng nước và giữ nước, kể cả năm Ất Dậu, 1945, chết đói đầy đường, không người Việt nào ra đi như thế. Mười chết chưa có lấy một phần sống, nhưng người Việt chúng ta vẫn đổ xô ra biển. Trong làn sóng người bỏ nước ra đi ấy có nhà văn Nhật Tiến

.Đi. Phải đi.

. Hãy cố thoát bằng mọi cách, ra khỏi miền đất tàn ngược này.

Nhà văn Nhật Tiến có mặt như một sắp đặt diệu kỳ, để chịu chung nỗi đau của đồng bào trên đường đi tìm Tư Do. Ông có mặt để chính mình ghi nhận những gian lao, nguy khốn của thảm nạn Thuyền Nhân. Vì thế, qua ngòi bút của ông, cảnh huống của Thuyền Nhân đã được ghi chép một cách chi ly, đanh thép và vẫn ngập tràn xúc động. Những lá thư của ông viết từ trại tỵ nạn gửi cho bạn bè nơi hải ngoại, bỗng dưng đã lả những cáo trạng bi hùng, ai đọc cũng ngập tràn nước mắt. Các giòng chữ của ông, bỗng chốc đã được chuyển ngữ, xuất hiện rộng rãi, có mặt trên những cơ quan cao nhất của loài người : Quốc Vương Thái Lan. Tổng Thống Hoa Kỳ. Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, các nhà chính trị hàng đầu của thế giới…Ngoài những cảnh huống bi thảm của Thuyền Nhân, trong các bản cáo trạng của ông còn ngồn ngộn những dữ kiện cụ thể về người, nơi chốn, thời gian, những sự việc liên hệ… để ai đã đọc qua không thể ngồi yên được, ai muốn điều tra, tìm hiểu nội vụ thì rất dễ dàng. Đặc biết, trong những hàng chữ diễn tả những cảnh huống bạo tàn do hải tặc gây nên, chúng ta chỉ thấy ngập tràn những nỗi sót thương  vô bờ bến cho những nạn nhân trong cuộc. Phải chăng đó là cái khéo, cái tài, cái tâm trong sáng, tế nhị của một nhà văn với tha nhân, với đồng bào ruột thịt của mình. Ông đã viết liên tục :

  • Hành Trình Đi Tìm Tự Do Bằng Thuyền qua Ngả Thái Lan. 24/11/1979.
  • Thư Ngỏ Viết Từ Songkha, , 10/7/1980
  • Thảm Kịch Vẫn Tiếp Diễn Với Thuyền Nhân Trong Vịnh Thái Lan, ( viết chung với Dương Phục, Vũ thanh Thuỷ, 25/3/80.
  • Thư Gửi Giáo Sư Nguyễn hữu Xương, ( viết chung như trên), 23/4/1980.
  • Thắng Lợi Nhưng Phải Duy Trì Nỗ Lực Chống Hải Tặc ( viêt chung như trên ) 14/6/1980.
  • Những Nhân Chứng Kể Chuyện Mình ( Nhật Tiến viết thay cho Lý bà Hùng, 4/7/1980.
  • Hãy Làm Một Cái Gì , Nhật Tiến viết ngày 10/7/1980.

Khi ông lên tiếng ( cùng với ký giả Dương Phục, Vũ thanh Thuỷ) thay mặt cho 157 Thuyền Nhân ở đảo Kra, để những người này được mau chóng vào Mỹ, tránh cho họ những đe dọa, sợ hãi khi còn ở trong trại tỵ nạn, đó chỉ là một công tác mở đầu. Khi tới Mỹ hôm trước, hôm sau, ngày 18 tháng 10 năm 1980, tại Đại Học San Diego State, do Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vuợt Biển tổ chức, Ông đã thuyết trình về thảm nạn Thuyền Nhân. Rồi ông đến nhiều nơi trên đất Mỹ. Ông qua Pháp. Nhờ đó thảm nạn Thuyền Nhân lại càng được chú ý nhiều hơn, rộng hơn. Tên tuổi ông gắn liền với thảm trạng này. Bác Sỹ Đinh xuân Anh Tuấn, thuộc Hội Y Sỹ Thế Giới đã tìm đến ông, để mở đầu cho sự kết hợp song phương giữa Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển tại Hoa Kỳ và Hội Y Sỹ Thế Giới tại Pháp. Từ đó công tác Vớt Người Biển Đông đã được diễn ra sau đó trong nhiều năm, với trên 3000 Thuyền Nhân đã đưọc cứu vớt.

Sau 5 năm hoạt động, công tác này, mỗi lúc mỗi có những khó khăn, không quốc gia nào muốn cấp chiếu khán cho Thuyền Nhân nữa. Thế giới đã mỏi mệt với người tỵ nạn, nhưng số người Việt ra đi vẫn còn. Người tỵ nạn ứ đọng trong các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á vẩn là một vấn đề nan giải. Và trong lâu dài, dù đã được nhận vào các quốc gia đệ tam, vào Mỹ, người tỵ nạn vẫn còn rất nhiều vấn đề khó khăn, ngỡ ngàng cần được hướng dẫn, giúp đỡ. Từ suy nghĩ này, trước khi Uỷ Ban ở San Diego đóng cửa, chấm dứt công tác Vốt Người Biển Đông, Uỷ Ban đã mở một chi nhánh tại Hoa Thịnh Đốn, thủ đô Hoa Kỳ, để tiện việc theo dõi, bênh vực cho ngưòi tỵ nan Việt Nam. Người đảm trách công việc này là nhà thơ, nhà xã hội Trương anh Thuỵ. Người giới thiệu bà Trương anh Thuỵ với Uỷ Ban, không ai khác, vẫn lả nhà văn Nhật Tiến. Uỷ Ban này từ cuối năm 1990 cho đến nay, với những người trẻ đầy khả năng và kiến thức, đã liên tục  tạo được bao nhiêu là thành tích, một tiếp nối tuyệt vời, một tổ chức hậu thân  của Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vuợt Biển ở San Diego.

Như thế suốt trong gần 30 năm dài rộng, khởi đi từ thảm nạn Thuyền Nhân năm 1979 đến nay, với những lá thư viết từ trại tỵ nạn Thái Lan làm xúc động lòng người, lúc hăng say hoạt động, lúc lặng lẽ theo dõi, khi thầm lặng góp ý, góp lời, nhà văn Nhật Tiến hầu như không lúc nào lãng quên thảm trạng Thuyền Nhân. Những Thuyền Nhân rách nát ngày nào, nay hầu tất cả đã có môt cuộc sống an vui, sung túc. Một thế hệ mới đã được sinh ra và trưởng thành trên quê hương mới, nhưng với riêng ông, nhà văn Nhật Tiến, ông vẫn không quên được hình ảnh bi thương của người Việt Nam nổi trôi trên sóng nước khi đi tìm Tư Do. Không thiếu những hôm ông đã nhìn ra biển khơi để nhớ về những đoạn đường gian nan ngày cũ. Ông không phải là người làm thơ, nhưng trước cảnh trời nước mênh mông, ông vẫn như nhìn thấy một chiếc thuyền ẩn hiện, và ông đã viết :

Thuyển trôi trên biển cả
Sao không còn tiếng ai
Chung quanh một đàn cá
Tiễn đưa chiếc quan tài

Và ông đã cúi xuống, với hai hàng lệ chảy :

Vúc một hớp nước biển
Khum vào lòng bàn tay
Long lanh như ẩn hiện
Những giọt lệ vơi đầy.

( Biển, thơ của Nhật Tiến)

Thảm nạn Thuyền Nhân, qua những lá thư của nhà văn Nhật Tiến đã khiến bao nhiêu người nhỏ lệ. Từ những xúc động ấy chúng ta đã có những kết hợp tuyệt vời làm nên một phong trào lá rách đùm lá tả tơi. Hàng ngàn đổng bào ta đã được cứu vớt, và thế giới không chỉ xót thương người tỵ nạn mà còn giang tay đón nhận và vinh danh Thuyền Nhân là những Chiến Sỹ của Tự Do. Thành quả ấy do tất cả cộng đồng chúng ta khắp nơi, thuộc mọi giới góp sức làm thành. Nhà văn Nhật Tiến là một nạn nhân, một nhân chứng, một người đầy hùng tâm và chan chưa thương yêu đã can đảm gióng lên tiếng kêu trầm thống về thảm nạn này. Tiếng kêu ấy lúc vang động, bi thương, lúc âm thầm như những lời nhắn nhủ, nhưng lúc nào cũng vô cùng thiết tha, mấy chục năm qua không bao giờ dứt.

Vì tiếng nói của ông chính là tiếng nói của thương yêu, xây dựng.

Phan lạc Tiếp