Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật ở Hải Ngoại – Thời Điểm 1989

NHỮNG Ý KIẾN VỀ MỘT BÀI BÁO ĐĂNG TRÊN TỜ ĐOÀN KẾT

(Tạp chí Văn Học, Nam Cali,  số  tháng 3- 1989)

Mới đây, trên tờ Đoàn Kết của tổ chức Việt kiều do cộng sản kiểm soát tại Paris, số tháng 1-1989 có đăng bài “ Gặp gỡ ở Mỹ” của Ngụy Ngữ nội dung có nhiều điều bịa đặt và xuyên tạc với hậu ý chính trị và tuyên truyền xấu, cái đích nhắm đến là một số nhà văn quen biết hiện đang hoạt động tích cực trong giới văn học tại Hoa Kỳ.

Nguyên văn đoạn có liên quan tới những nhà văn trên như­ sau :

“Điệp điệp trong những lời chuyện trò của họ là tên những cuốn sách. những tờ báo. những nhà xuất bản. những tên tuổi quen biết của Sài gòn cũ và những tên tuổi mới mọc lên trong thời xa xứ, thỉnh thoảng lẫn vào những cuộc xung đột vui và không vui đâu đó của những người cùng sinh hoạ, cùng cảnh đời.

Tự do Mỹ (cũng giống như miếng thịt bò. (có thể trở thành miếng bít tết ngon làn, cũng có thể trở thành thối không chịu nổi.

Một người nói có vẻ tổng kết và minh họa theo luôn một số “sắc tướng cụ thể” của cái mà anh bảo là thối không chịu nổi ấy…

           Và một(chuyện khác cũng là(chuyện tôi không hình dung ra đ­ược nếu tôi không nghe chính giọng họ nói: Một số trong họ và một số người tôi quen và chưa quen đang nhóm lại bàn chuyện ra một tờ báo. Qua tờ báo này, họ sẽ nối lại quan hệ với đất n­ước’. Họ hy vọng rằng trên tờ báo này sẽ thường xuyên được in các bài từ trong n­ước.gửi sang cũng nh­ư bài họ đ­ược in trên các báo trong nước. Sở dĩ họ có dự kiến ấy và quyết bắt tay thực hiện bởi đã nhận được khá nhiều tin hiệu đáng tin cậy về một chuyển mình đổi mới của đất nư­ớc không ngớt lấp lánh tỏ hiện ở những trang báo Văn Nghệ, và những phim tài liệu Hà nội trong mắt ai, Chuyện tử tế. Riêng về phim Chuyện tử tế có người cho biết chỉ trong buổi sáng thứ bẩy ấy đang khi nói chuyện với tôi, anh đang phải cho máy video liên  tục in để kịp sáu bản theo yêu cầu của bạn bè.”

Vì đây là một toan tính khá lộ liễu nhắm vào giới văn học nh­ư một bư­ớc dò đường cho những kế hoạch lớn về sau, nên Văn Học đã yêu cầu một số nhà văn liên hệ lên tiếng, đề làm sáng tỏ vấn đề.

Theo nhận đinh của Văn Học, tuy Ngụy Ngữ không phải là một cây bút quan trọng trong guồng máy tuyên truyền của Hà nội, nhưng rõ ràng chuyến đi Mỹ của Ngụy Ngữ là một xếp đặt có cân nhắc tính toán. Tìm cách liên lạc với một số nhà văn hải ngoại có quen biết từ trước ở Việt Nam cũng không phải là một hành động xã giao thân tình bình thường, bằng chứng là sau khi về nước, Ngụy Ngữ đã dùng những cuộc điện đàm ấy để viết những bài văn tuyên truyền và xuyên tạc sự thật như­ bài “Gặp gỡ ở Mỹ” vừa đăng trên Đoàn Kết.

Khuyết điểm của những nhà văn tiếp điện thoại của Ngụy Ngữ là không cảnh giác đủ, phản ứng theo tình cảm bình thường, không tinh nhạy nhận ra những tính toán chính trị trong hành động thăm hỏi, hậu quả là để cho guồng máy tuyên truyền Hà nội có cơ hội tốt xuyên tạc và gây chia rẽ nghi kỵ trong sinh hoạt văn nghệ tại hải ngoại. Các nhà văn bị Ngụy Ngữ lợi dụng phải nhận khuyết điểm này.

Chắc chắn bài viết của Ngụy Ngữ chỉ là phát pháo đầu dò đường cho một kế hoạch qui mô hơn về sau. Nếu bài viết ấy mang được kết quả mong muốn, sẽ có những phát pháo khác trầm trọng hơn. Do những cây bút nặng ký hơn Ngụy Ngữ . Cũng may là dụng ý của bài “Gặp gỡ ở Mỹ” quá lộ liễu, vô tình làm vô hiệu hoá những toan tính Hà nội sắp đem ra thực hiện về sau.

Mặc dù vậy, đây là một kinh nghiệm quí giá về sự cảnh giác, khi văn học nghệ thuật bị lợi dụng biến thành công cụ của những toan tính chính trị.

Văn Học đã trình bày các nhận định trên với ba nhà văn có tên trong Ban chủ biên Văn Học, và những người này đều công nhận mình có khuyết điểm thiếu cảnh giác về chính trị. Kết quả là ba phát biểu sau đây:

Nguyễn Mộng Giác

Th­ư gửi người bạn cũ

Ngữ thân mến,

Hôm qua đi làm về khuya, tôi thấy trên bàn viết có để sẵn một bì th­ư lớn từ Paris gởi qua. Chị Thụy Khuê, đại diện tạp chí Văn Học ở Âu Châu gởi bằng đường hàng không qua cho tôi tờ Đoàn Kết số tháng 1-1989, kèm theo lá thư­ ngắn trong đó có câu: “các anh tính làm thật à? Nếu các anh bị “ông bạn quý” nào chơi khăm thì miễn bàn, còn nếu các anh định “hợp tác” thật thì có lẽ hơi sớm, vì quá lạc quan. Theo tôi, tình hình văn học bên nhà chư­a sáng sủa đến cái độ họ mở rộng ra như­ thế. Những “sửa đổi” chỉ là bề ngoài, thực chất chế độ tư­ tưởng của họ vẫn không có gì thay đổi. Những cuốn sách nh­ư “Cù Lao  Tràm” Nguyễn Mạnh Tuấn viết cũng chỉ đả kích vài cái sai lầm của guồng máy, chứ ch­ưa có một tác giả nào dám đòi hỏi tự do dân chủ thực sự, đòi bỏ chế độ đảng trị. Nhóm Nhân Văn trước kia, và tờ Văn Nghệ bây giờ mới mở màn đã bị thanh trừng ngay rồi…”

Cái gì trong tập báo mỏng này liên quan tới giới cằm bút hải ngoại mà trầm trọng thế? Trầm trọng đến nỗi chi Thụy Khuê phải vội vàng cảnh giác?

Giở tờ báo ra, thì gặp bài viết của bạn, gửi từ Sàigòn cho tờ Đoàn kết.

Phải thú thực nghe bạn nhắc lại những kỷ niệm chung hồi x­ưa, tôi không khỏi bùi ngùi. Bạn viết: “Còn Giác thì cứ dăm ba bữa không thấy nhau ở quán cà phê lại người này đạp xe đến tìm người kia, xoay xở kiếm chút đồ nhắm. chút r­ượu bầy ra nhâm nhi tám gẫu.”

Bạn nhắc đến cái quán cà phê ở chái đình Tân Định của Huy Tưởng chứ gì. Hồi đó bạn có việc làm, chư­a lập gia đình, mà coi bộ cũng nghèo xác và lêu bêu như­ tình cảnh Hoàng Ngọc Tuấn, và tôi. Tụi tôi vì lý lịch xấu bị đẩy giạt sang lề, bạn lý lịch tốt có việc làm mà sao trông bạn cũng không được vui. Bạn không viết hăng và viết hay như­ thời bạn mới xuất hiện trên tờ Vấn Đề, tờ Văn. Lâu lâu thấy bạn cho đăng một cái truyện ngắn, hoặc một bài ký, và khi thấy anh em cũ đọc bài của bạn, bạn bối rối, nói trước là viết cho có viết vậy thôi, đừng đọc làm gì. Bạn có một nỗi khổ tâm riêng, tôi hiểu. Những nỗi áy náy hay lo buồn thì ai cũng có, trong đó có nỗi ray rứt của người lỡ mê viết lách. Mê dùng chữ nghĩa để bộc bạch những vui buồn sâu xa của đời mình. Mê nói hộ những thống khổ của người chung quanh. Từ những truyện ngắn đầu tay, tôi thấy gần bạn vì hình như bạn chọn đứng về phía kẻ yếu, kẻ bị cái guồng máy chính trị quay cuồng điên đảo đến nỗi không còn được sống nh­ư một con người tự do, và trở thành những “con thú tật nguyền” (tên một truyện ngắn nổi tiếng của bạn).

Chắc bạn không thể ngờ cái truyện có không khí phản chiến đăng trên tạp chí Vấn Đề của bạn lại có ngày giúp cho bạn được đàng hoàng chính thức leo lên máy bay qua Mỹ chơi một chuyến. Đời thật có nhiều bất ngờ oái oăm. Lúc bạn viết về những kẻ bất hạnh, và cho đăng báo trước 1975, bạn viết vì thôi thúc của lương tâm và không hề trông chờ gì khác. Bạn đâu có ngờ mư­ời mấy năm sau chính thờ những “con thú tật nguyền” mà bạn được mời sang Mỹ tham dự hội nghị, với t­ư cách người viết truyện phim cho phim Karma dựa theo truyện ngắn của bạn. Cả các bạn viết cũ của bạn cũng không ngờ bạn được Nhà nước cho đi Mỹ. Lê Lựu được đi, điều đó bình thường. Người được chế độ nuôi nấng, viết sách viết báo hô hào cho chủ trư­ơng chính sách qua nhiều thời kỳ, Lê Lựu được cử đi Mỹ cũng chẳng khác gì đã được cử đi Nga, đi Đông Âu. Còn bạn, thì lạ quá ! Anh Mai Thảo ngạc nhiên hỏi tôi Ngụy Ngữ làm lớn lắm hay sao mà được qua đây ? Tôi đáp bạn được làm việc ở x­ưởng phim, lâu lâu có bài được đăng báo, được xếp là cây bút trẻ tiến bộ ở đô thị, nhưng chung chung thì họ vẫn xem bạn là cháu ngoại, thế thôi.

Nếu những người có trách nhiệm cứu xét cho bạn được đi dự hội nghị tại Mỹ bàn luận kỹ lư­ỡng, cân nhắc lợi hại trước khi cấp phép, đặt lên bàn cân cái hại gây ra nếu bạn bắt ch­ước Họa Mi và cái lợi là làm kinh ngạc chúng tôi khiến chúng tôi nghĩ các quan tuyên huấn và công an Việt Nam bây giờ  “chịu chơi” hết sức, thì quả họ là những kế hoạch gia lão luyện. Anh em ở đây xa quê hương kẻ đã hơn m­ười năm, kẻ ba bốn năm, ai cũng muốn biết tin tức riêng tư­ của đời sống những bạn quen. Tin gia đình, tin vật giá, tin thời sự thì ai cũng biết. Nhưng đời sống riêng của các bạn cũ vẫn đều đặn tụ họp nhau mỗi sáng ở quán cà phê Huy Tưởng thì chắc không ai rành hơn bạn.

Lê Lựu tìm được số điện thoại của tờ Văn Học ở thư­ viện đại học MAS, điện thoại cho tôi báo tin bạn qua. Tôi không tin mình nghe đúng. Vậy mà điều khó tin vẫn có thực. Ảnh bạn xuất hiện trên tờ Kinh Tế Viễn Đông cùng ảnh chụp Lê Lựu. Chúng tôi so ảnh hai ông nhà văn một Bắc, một Nam, ngậm ngùi thấy bạn ốm nhom, tóc bạc và mặt mày hom hem. Bốn mư­ơi hai tuổi chứ mấy! Tiếng bạn nói qua điện thoại vẫn không trẻ hơn chút nào. Bạn thú thực uống quá nhiều rư­ợu, như­ Trịnh Công Sơn cũng túy lúy li bì suốt ngày. Tiếng bạn khàn đục, âm thanh đượm mùi rư­ợu và mùi thuốc lá. Tôi bật cười khỉ bạn rủ qua Boston nhậu với bạn một bữa!

Tạm thời xa đi ít lâu nh­ững ràng buộc của đời sống bình thường, xa được những cặp mắt quan sát, tránh được những buổi kiểm thảo phê bình nặng nề, bạn hí hửng tưởng ai muốn nhậu với nhau một trận tơi bời hoa lá là được ngay. Tôi kể cuộc sống hằng ngày, bận túi bụi từ sáng tới khuya  vì tự ý đa mang quá nhiều công việc, rán giải thích một cách đơn giản vì sao không thể gặp bạn được, không muốn nói thẳng là bạn được đi Mỹ trong một tính toán chính trị dù bạn không muốn, và tôi không hề muốn vì tình bạn bè mà bị lôi kéo vào những tính toán ấy. Gặp bạn ở quán nhậu đường Pasteur hay quán cà phê Huy Tưởng khác hẳn với gặp bạn ở đây. Tôi tin là bạn hiểu điều đó.

Không biết các bạn văn khác thế nào, chứ riêng tôi, tôi sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn, nghịch cảnh, để rán giữ cho được lòng trung thực, giữ vị trí độc lập chứ không để cho các toan tính chính trị bịt mắt, cầm lấy quản bút sai khiến theo nhu cầu giai đoạn. Tôi  không muốn bị làm công cụ cho ai cả. Bạn cũng vậy, nhưng cái thế của bạn khó khăn, tôi hiểu. Hình như­ bạn và tôi đều hiểu, và muốn tránh những điều không vui, cả hai đều dừng lại ở những chuyện thân tình bình thường ! Mai sau có thể nhiều bạn cũ lại được Nhà nước cho qua đây công tác, có thể tôi lại nhận được những cú điện thoại bất ngờ. Như đã ngạc nhiên vui mừng khi được nghe lại giọng nói của bạn, tôi cũng sẽ ngạc nhiên vui mừng với các bạn khác. Thời gian, không gian không làm thay đổi được thân tình quý giá. Nhttng nên dừng lại ở chỗ thân tình.

Tôi đã kể cho bạn nghe trong bảy năm sống xa quê hương tôi đã viết được bao nhiêu cuốn sách, tạp chí Văn Học ra hàng tháng không phải là công trình của cả một hội nhà văn hay một viện nghiên cứu khoa học xã hội có công quỹ tài trợ, mà chỉ là kết quả những giờ làm việc khuya và hai ngày nghỉ cuối tuần của tôi, để y nh­ư anh Mai Thảo lo tờ Văn, tôi phải làm hết mọi sự từ A tới Z. Tôi đã kể cho bạn nghe để đổi lấy món quà tự do suy nghĩ và phát biểu suy nghĩ của mình thành lời thành chữ, chúng tôi sau khi viết xong phải tự lo đánh máy, tự lo in, tự lo phát hành, mỗi chữ in lấp lánh tự do nhưng là công trình tim óc và mồ hôi của chính chúng tôi. Không ai thuê chúng tôi viết điều này điều nọ. Không ai trả l­ương phát gạo cho tôi cầm bút, tôi viết vào những giờ thiên hạ nghỉ ngơi, tôi in sách bằng cách xén bớt tiền sinh sống của chính tôi và vợ con, nên sách tôi viết ra, báo tôi làm ra là lòng thành của tôi, đam mê của tôi. Tôi khổ vì nó, và thấy được nó ra đời, tôi gạt mồ hôi trán mỉm cười hãnh diện về nó.

Không, bạn đừng hiểu lầm (hay bạn hiểu nhưng để cho người khác viết thay cho bạn) cho rằng tôi kể đời sống của tôi như­ thế là tôi than khổ. Không. Tôi hãnh diện vì được trả giá để có tự do sáng tạo. Tôi chia đời sống hàng ngày của tôi làm hai: tám tiếng để lo cho cơm áo, mư­ời sáu tiếng còn lại hoàn toàn của tôi. Mười sáu tiếng đồng hồ, trừ thời gian nghỉ ngơi, tôi vui lòng làm việc mà không còn ai trả l­ương, không ai thuê mà tôi chịu viết thuê trong thời gian ấy. Không phải riêng tôi, mà anh em cầm bút tôi quen tại đây đều chọn lựa cách sống nh­ư thế. Một chọn lựa cam go, không dễ dàng như một số người ở quê nhà đã chọn sáng tạo theo lối “phải đạo.”

**

Tôi đọc tiếp bài bạn viết cho Đoàn Kết, và cũng giống như chị Thụy Khuê, tôi ngỡ ngàng. Có điều chi Thụy Khuê ngạc nhiên vì đọc bài của bạn liền tưởng anh em cầm bút bên Mỹ bị bạn chiêu hồi rồi,  sẵn sàng đáp ứng cởi mở, chuẩn bị ra báo giao l­ưu văn học nghệ thuật của hai chiến tuyến, còn tôi thì ngạc nhiên vì người bạn cũ không được như­ tôi mong ­ước. Sau 1975, tôi có gặp và nói chuyện với nhiều người cầm bút từ miền Bắc vào, từ những người đã nổi tiếng từ thời tiền chiến cho đến các cây bút trẻ bộ đội. Nhiều người rất có tài năng, những lúc ngồi bên ly cà phê hay tụ quanh một mâm nhậu đạm bạc, họ chứng tỏ là những người thành thật, có những khát vọng nhân bản và  tự­ do, y nh­ư tất cả mọi văn nghệ sĩ trên trái đất. Những cơ hội ấy, họ thường đọc cho tôi nghe những truyện ngắn, những bài thơ họ làm mà không đăng được, và cũng y như­ bạn, họ bối rối khi tôi hỏi về những sáng tác họ được phép in. Một ông nhà văn còn thú nhận cái truyện-vừa được quay phim của ông không phải đúng như­ thực tế mà sau khi “đi thực tế” về ông phải viết ng­ược hẳn lại những điều trông thấy để trở thành một tác phẩm “phải đạo”, được cấp trên khen th­ưởng. D­ường nh­ họ muốn cho tôi thấy con người thực của họ, l­ương tâm chân chính của họ. Nhưng rồi để tồn tại, họ phải sống hai mặt. Nghĩ một đằng, viết một nẻo, nói và làm khác nhau. Cái mà luân lý thông thường cho là giả dối, do nhu cầu sinh tồn, lại trở thành khôn ngoan. Sống thì sống thật, nhưng viết thì luồn lách làm sao để cấp trên vừa lòng. Thảm quá! Ngữ ơi! Bài “Gặp Gỡ ở Mỹ” bạn viết trên Đoàn Kết cũng thảm y như­ cái truyện-vừa của ông nhà văn miền Bắc nọ.

Tôi tưởng bạn lớn lên ở miền Nam, dù có bất mãn với cuộc chiến tranh vừa qua bao nhiêu đi nữa, bạn cũng phải thấy là anh em cầm bút chúng ta trước 1975 vẫn có được cái hào khí riêng. Chúng ta không hề được xã hội cũ ­ưu đãi, nhưng có một ­ưu đãi tinh thần lớn lao nhất xã hội dành cho bọn cầm bút chúng ta, là được hoàn toàn trung thực, không ai ép chúng ta viết nếu chính chúng ta không muốn. Bạn đã để mất cái hào khí đó. Đã đành “được phép” đi Mỹ thì lúc về bạn cũng phải viết cái gì “phải phép”. Một cán bộ thông tin, một viên chức ngoại giao làm việc đó, không sao. Nhưng bạn, một người cầm bút, áp lực nào buộc bạn phải biến những lời thăm hỏi thân tình giữa bạn bè cũ thành một bản tuyên truyền có đầy đủ, từ “phê phán xã hội tư­ bản” (đoạn bạn gán vào miệng người nào đó chê tự do ở Mỹ như­ miếng thịt thối) đến “hô hào chính sách Glasnost” (đoạn bạn bảo một nhóm người cầm bút chuẩn bị ra tờ báo chủ tr­ương trao đổi văn hóa) cuối cùng là “t­ương lai tự do dân chủ hạnh phúc ấm no của Việt Nam d­ưới chế độ cộng sản”.

Không biết ở Canada hay ở Miền Đông Hoa Kỳ có nhóm nào chuẩn bị ra tờ báo như­ bạn nói không, còn ở đây, miền Tây Hoa Kỳ, theo chỗ tôi biết. không có ai chuẩn bị ra một tờ báo như­ vậy cả. Anh em ở đây được đọc một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Mạnh Tuấn, Dư­ơng Thu Hương, Lê Lựu, Phạm Thị Hoài… trên các tờ báo của các “Hội Việt kiều Yêu Nước” như­ Đoàn Kết, Đất Việt, được xem hai cuốn băng video “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” của Trần Văn Thủy thực hiện, có cảm phục và lo lắng cho số phận những tác giả đó, nhưng chúng tôi còn băn khoăn chư­a biết những tác phẩm ấy là tim óc của người nghệ sĩ, hay tuy vẫn là tim óc của họ, nhưng đã bị chính trị lợi dụng như­ một khí cụ giai đoạn. Nh­ư đã nói ở trên, chúng tôi không muốn bị người ta cho vào trò xiếc. Chúng tôi chờ xem, vừa hy vọng nghe được những lời chân chính thống thiết nói lên nỗi đau của quê hương, lại vừa hồ nghi tự hỏi liệu lần này nhà cầm quyền đã hết xem văn nghệ là tôi-đòi ca-công hay chư­a? Hay lại một loạt những sản phẩm “phải đạo,” “được phép”?

Đọc bài của bạn trên Đoàn Kết, tôi tìm được câu trả lời. Bạn được phép đi Mỹ và trở về phải có thành tích gì để báo công cho phải phép. Bạn vẫn phải sống hai mặt, vì nhu cầu, phải bịa đặt những điều không hề có để vừa lòng kẻ ký giấy phép cho bạn đi chơi xa một chuyến.

Ngữ ơi! Bạn quên rằng tiền vé máy bay khứ hồi của bạn, và cả cái giấy phép cho bạn sang Mỹ điện thoại thăm hỏi anh em bạn cũ, không phải là của cấp trên của bạn. Bạn được mời qua Boston là nhờ cái truyện “Con thú tật nguyền” của bạn dạo nào. Chính những con thú tật nguyền, những nạn nhân của chiến tranh và guồng máy chính trị, những người bị thế lực chính trị dày xéo (từng là nguồn cảm hứng dồi dào cho bạn) mới thực là kẻ ký giấy phép cho bạn sang Mỹ. Những người đó đòi hỏi ngòi bút của bạn phải cứng như­ thép, không ai bẻ cong được. Đòi hỏi bạn không được luồn lách thêm bớt để đúng phép tắc kẻ có thế.

Tôi biết lá thư­ này thế nào cũng đến tay bạn, cũng như­ lời bạn viết đã đến tôi. Mong bạn không giận. Phần tôi, tôi hoàn toàn thông cảm với hoàn cảnh của bạn. Tôi không có quyền trách bạn, vì tôi may mắn hơn. Ít ra, ở đây tôi vẫn làm chủ được tôi.

Thân.

NGUYỄN MỘNG GIÁC

 

Ý  kiến của nhà văn Nhật Tiến

Tôi đã được đọc bài viết “Gặp Gỡ ở Mỹ” của Ngụy Ngữ viết từ Sài Gòn và gửi đăng trên tờ Đoàn Kết ở Pháp. Có nhiều điều trong bài ấy viết không sai, nhưng cũng có nhiều điều cần phải kiểm chứng lại hoặc cần phân tích cho minh bạch và cặn kẽ hơn.

Điều mà Ngụy Ngữ viết không sai là về mối tình cảm nồng hậu của một vài anh em đối với một người bạn văn cũ đến từ quê hương, qua những cuộc điện đàm thăm hỏi, đặc bIệt là những người ở xa, trong đó có tôi.  Trên quan điểm chính trị, một cuộc điện đàm thăm hỏi như thế cũng là không nên, vì nó mang một nội dung có nhiều tính cách tế nhị hơn là biểu lộ tình cảm giữa hai cá nhân riêng tư­. Tuy nhiên, dù biết vậy, tôi vẫn cứ làm, cứ tự ý điện thoại hỏi thăm Ngụy Ngữ như­ hỏi thăm một người bạn văn trong rất nhiều người bạn văn còn ở Việt Nam mà tôi tin tưởng rằng họ vẫn có một ư­ớc mơ tốt đẹp về quê hương, về con người, mà tôi có thể chia xẻ được.

Nói một cách rõ ràng hơn, tôi vẫn tin tưởng rằng rất đông anh chị em cầm bút ở quê nhà không phải là những con người cộng sản thuần túy chỉ biết lấy bạo lực làm phương tiện để dìm mãi quê hương vào trong vòng điêu tàn, khổ cực. Bây giờ thì hãy còn quá sớm để đánh giá thành quả của họ trong công cuộc gây dựng một xã hội tự do, no ấm và chan hòa tình người, nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng hiện vẫn có những ư­ớc mơ ấy, những nỗ lực ấy, mặc dù nó vẫn còn đang ở trong vòng bủa vây của chuyên chính vô sản với muôn ngàn phương tiện bạo lực ở trong tay.

Ngoài những lời thăm hỏi trong cuộc điện đàm, đúng ra không còn những toan tính gì khác. Hỏi toan tính gì được, khi mà mọi khả năng đàn áp vẫn còn nằm trong tay nhà nước, và người cầm bút chân chính ở quê nhà chẳng có gì khác hơn ngoài bộ ngực trần và cái đầu đói khát tự do như Nhóm Văn Nghệ Chân Đất đã từng nói lên trong bản tuyên ngôn của họ gửi ra thế giới bên ngoài.

Có một điều đặc biệt mà tôi thấy trong bài viết của Ngụy Ngữ,  là anh đã tiết lộ rằng:

đã có một số người (ở hải ngoại) đang nhóm lại để bàn chuyện ra một tờ báo. Qua tờ báo này họ sẽ nối lại quan hệ với đất nước, sẽ thường xuyên in các bài từ trong nước gửi ra cũng như bài của họ sẽ đư­ợc in trên các báo trong nước.”

 Và theo Ngụy Ngữ, thì sở dĩ họ có dự kiến ấy và quyết bắt tay thực hiện là vì:

“họ đã nhận được khá nhiều tín hiệu đáng tin cậy về cuộc chuyển mình đổi mới của đất nước không ngớt lấp lánh tỏ hiện trên tờ Văn Nghệ, và những phim tài liệu như Chuyện Tử Tế, Hà Nội Trong Mắt Ai.”

Tôi thực sự ngạc nhiên về những điều kể trên mà Ngụy Ngữ đã viết ra.

Trước hết là sự lạc quan hồ đồ của anh khi anh cho rằng một vài dấu hiệu đổi mới gần đây của chế độ đã thuyết phục được người cầm bút ở hải ngoại đến nỗi họ quyết tâm bắt tay vào việc thực hiện một tờ báo nối lại quan hệ với đất nước.

Là một người trong giới cầm bút, vốn cũng có nhiều mối liên lạc để biết được nhiều tin tức thuộc giới của mình ở hải ngoại, tôi ch­ưa hề được nghe nói đến một tờ báo nào dù đang dự định xuất bản lại có một chủ trư­ơng ngây thơ đến như­ thế, ít ra là trong hoàn cảnh hiện tại. Bởi trong hoàn cảnh hiện tại, kẻ nào tin rằng nhà nước C.S. lại cho ấn hành tác phẩm của những cây bút như­ Hà Thúc Sinh, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Từ Hanh… v.v… thì thật vừa ngây thơ, vừa khôi hài. Đó là ch­ưa kể ngay chính tờ Vản Nghệ vừa mới đăng các bài báo của các tác giả trong nước – mà Ngụy Ngữ cho rằng “lấp lánh tỏ hiện cuộc chuyển mình đổi mới”-  thì nó cũng đã bị chế độ đổi giọng, trách cứ tơi bời sau một thời gian nới lỏng đôi chút tự do và kết thúc bằng biện pháp cách chức Tổng Biên Tập Nguyên Ngọc với lý do “có nhiều lệch lạc nghiêm trọng.” (quyết định của Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn ngày 2-12-88).

Vậy thì rõ ràng ­ước mơ của Ngụy Ngữ tuy chính đáng một cách không tưởng nhưng anh đã trở nên có ý đồ, thiếu minh bạch khi đặt nó vào thời điểm này và mập mờ nói rằng “đang có một số người cầm bút nhóm họp để quyết tâm thực hiện tờ báo đó.”.

 Sự thiếu minh bạch này sẽ là một quả bom nổ trong hàng ngũ những nhà văn l­ưu vong vì tính cách gây chia rẽ và nghi ngờ giữa những người cầm bút với nhau, và vì tính cách rất dễ dàng gây xúc động tâm lý trong bối cảnh sinh hoạt cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại hiện nay với những diễn tiến chính trị đang xảy ra.

Tôi không nghĩ rằng anh Ngụy Ngữ, sau khi rời Mỹ và sau những tình cảm thăm hỏi nồng hậu mà một số bạn hè đã dành cho anh nh­ư anh đã xác nhận, để rồi lại gài một quả bom chia rẽ cho bạn bè. Có điều gì khúc mắc không ổn trong bài viết của anh ( nhất là lại chỉ gửi đăng ở ngoài nước mà không có báo nào ở trong nước đăng tải)

Một người đi xa trở về, không thể về với tay không. Tôi có thể hiểu được sự khó khăn của anh. Tuy nhiên đó là việc của anh và những cấp lãnh đạo liên hệ tới anh.

Vấn đề của những người cầm bút ở hải ngoại là phải làm sao gỡ được cái ngòi nổ đó một cách êm thấm. Tuy nó ch­ưa đáng gì nhưng cũng sẽ trở thành một trò chia rẽ nguy hiểm .

  Nguyễn Xuân Hoàng

Về một bài báo mới đây trên tờ Đoàn Kết, Paris

Trong thời gian gần đây, những người cầm bút hải ngoại có để tâm theo dõi một số bài viết trong nước được sáng tác trong tình hình gọi là “đổi mới”, bất ngờ được đọc truyện và ký của một sổ tác giả như­ Nguyễn Huy Thiệp, Phùng Gia Lộc, Thái Bá Tân… Có thể nói đó là những người cầm bút can đảm trong một xã hội chuyên chính.

Tuy nhiên, người đọc tinh mắt tự hỏi tại sao các sáng tác ấy được phép có mặt trên “báo chí” trong nước, vốn là cơ quan truyền thông do nhà nước cai quản, và kiểm soát. Huống chi các sáng tác ấy còn được “tuôn” ra nước ngoài nữa. Có thể nào một người cầm bút, cầm máy, cầm cọ ở Việt Nam hiện nay, nói chung là những cán bộ văn hóa văn nghệ, ăn l­ương nhà nước, viết theo chỉ thị lại dám đi ng­ược lại đường lối chính sách và lại được công khai đư­a những điều ấy lên mặt báo nếu không phải là đã “được phép ?”. Và sự “được phép” này chắc chắn là phải có giới hạn. Người ta biết cánh cửa chỉ hé mở đến đâu và đến lúc nào đó thì nó sẽ phải đóng lại.

Tôi nghĩ nếu nền văn chương Hà Nội trước kia, suốt 30 năm chiến tranh là một nền “văn chương phải đạo” chỉ viết về sự chiến thắng, chứ không dám viết về sự thất bại, chỉ biết tô hồng, chứ không dám vẽ đen… thì giờ đây có thể đặt cho nó một cái tên gọi mới: “nền-văn- chương-được-phép.”

Có lẽ tờ Văn Nghệ và Nguyễn Huy Thiệp đã bắt đầu đi quá lằn ranh của sự “được phép” cho nên cả tác giả lẫn người Tổng Biên Tập tờ báo giờ đây đang bị tấn công ở một số mặt.

Dù sao, phải nói rằng không phải tự nhiên mà tờ Văn Nghệ Hà Nội lại dám đăng một truyện với nội dung “đầy những lỗi trư­ờng thi” của Nguyễn Huy Thiệp, nếu không “được phép”? Cũng không phải tự nhiên mà một người như­ Ngụy Ngữ, trước 75 có viết một số truyện ngắn đăng trên Văn, Vấn Đề. . . lại được đi Mỹ, giữa bao nhiêu cán bộ văn nghệ hội đủ điều kiện hơn nhiều, nếu Ngụy Ngữ không “được phép”?

Sở dĩ phải nói dài dòng nh­ư vậy thật ra là để nói lại về một bài viết mới đây của Ngụy Ngữ đăng trên tờ Đoàn Kết, Paris. Trong bài nói trên, d­ưới tựa đề Gặp Gỡ ở Mỹ, Ngụy Ngữ kể lại chuyến đi Mỹ tham dự hội thảo “Văn Học về Chiến Tranh Việt Nam” tại Boston do Trung tâm William Joiner của tr­ường Đại Học Massachusetts tổ chức. Bài viết có nhắc đến một vài người cầm bút ở Hoa Kỳ hiện nay, trong đó có tôi, mà Ngụy Ngữ có nói chuyện thăm hỏi qua đường dây điện thoại.

Nhưng bài viết không ngừng ở chỗ nói những lời thăm hỏi mà còn “sáng tác” xa hơn. Ngoài một chút tình cảm chua chát về sự quen biết cũ, Ngụy Ngữ còn viết những điều dễ gây hiểu lầm và tạo sự ly gián công phẫn trong anh em cầm bút hải ngoại. Tuy nhiên tôi không tin “sáng tác” ấy thành công trong mư­u toan chia rẽ người cầm bút hải ngoại. Bởi vì chúng tôi thừa hiểu đâu là phần thật đâu là chỗ giả của bài viết nói trên.

Thử tưởng t­ượng một buổi sáng, điện thoại reo và qua đầu dây nghe thoáng một người bạn quen từ hồi còn ở Saigon, lòng ai mà không xúc động. Tình cảm mừng rỡ là có thật, nhưng nói với nhau điều gì và nói đến đâu là tùy loại bạn. Ở Saigon bây giờ những người quen cũ làm gì, sống ra sao, ai còn, ai mất. Phần tôi, là tất cả nội dung câu chuyện. Chuyện chỉ chừng ấy và không thể không là chừng ấy.

Tôi không hề chờ đợi Ngụy Ngữ viết một bài với những lời thăm hỏi vô thư­ởng vô phạt, nhưng tôi cũng không hề chờ đợi Ngụy Ngữ viết những điều đen trắng. Tôi đau lòng khi đọc bài báo của anh thấy không đúng sự thật trong mối giao tình, hơn nữa, tôi biết anh có lẽ cũng đau lòng khi viết ra những lời đó.

Có những người lúc nào cũng phải thủ trong túi nhiều chiếc mặt nạ để đeo cho sự sống còn của cá nhân mình. Điều ấy cũng là bình thường. Điều quan trọng là không nên đeo mặt nạ để gây thương tích “tật nguyền” cho người khác.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG