Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật Ở Hải Ngoại- Thời Điểm 1990

Về dòng văn chương phản kháng

NHẬT TIẾN

  1. Có hay không có một dòng văn chương phản kháng ở quê nhà ?

Năm 1987, tôi được xem lần đầu tiên cuốn phim tài liệu “Chuyện Tử Tế”  của đạo diễn Trần văn Thủy. Trong phim có đoạn quay cảnh mấy em thiếu nhi đang xúm xít kẻ một cái biểu ngữ. Màn ảnh chỉ đủ lớn cho thấy phần đuôi của tấm vải với hai chữ lớn “Vĩ Đại“. Phóng viên hỏi:

– Các em kẻ hai chữ “vĩ đại”, vậy các em đã nhìn thấy có cái gì, ở đâu vĩ đại không?

Một thiếu nhi ngẫm nghĩ rồi trả lời:

– Em chỉ nghe nói đến vĩ đại chứ ch­ưa thấy cái gì vĩ đại cả!

Hầu như­ chỉ những người tỵ nạn chính trị đi sau năm 1975 mới hiểu rõ ý nghĩa trọng đại mà chế độ mới vẫn thường gán ghép cho trai chữ “vĩ đại” mỗi khi đặt nó lên biểu ngữ.

Hai chữ ấy chỉ được dùng khi nói đến hoặc “Đảng” hoặc “Bác Hồ” mà thôi. Vậy mà đạo diễn Trần văn Thủy đã để cho một cháu ngoan Bác Hồ tuyên bố một câu khẳng định:

– Em chỉ nghe nói đến vĩ đại chứ chư­a thấy cái gì vĩ đại cả.

Tôi hiểu ngay rằng người văn nghệ sĩ chân chính ở Việt Nam, vừa nương theo cơ hội “cởi trói” của nhà nước, đã biểu lộ tiếng nói phản kháng của mình. Và cũng vì chính điều này mà tôi cho rằng cái thông điệp mà đạo diễn Trần văn Thủy gửi đi ở ngay phần mở đầu của cuốn phim “Chuyện Tử Tế ‘, dù là m­ượn lời của Karl Marx nhưng cũng là để gửi gấm cho giới lãnh đạo cao cấp của Cộng sản Việt Nam trư­ớc hoàn cảnh đen tối của đất nước và sự lầm than của dân tộc.

Thông điệp ấy nói rằng:

Chỉ có loài thú vật mới quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại để lo cho bộ da của mình.

Sau đó, qua những khoảng thời gian cách quãng nhau trong vòng hai năm, tôi đã được đọc nhiều bài viết khác nhau, từ thơ đến truyện, từ bút ký đến bình luận văn nghệ và chính trị của nhiều cây bút ở quê nhà, đăng tải trên nhiều tờ báo khác nhau từ Nam ra Bắc, trong đó những người làm văn nghệ chân chính ở Việt Nam đã nhất loạt nói lên tiếng nói phản kháng của mình về những nỗi cơ cực mà nhân dân Việt Nam hiện đang phải chịu đựng, về sự tham nhũng thối nát của các cấp lãnh đạo, về sự bất lực của guồng máy tổ chức xã hội, và vì sự bóp nghẹt của c­ường quyền đối với sự tự do của văn nghệ sĩ.

Trong số những tờ báo ấy – nh­ư tờ Văn Nghệ, Tiền Phong, Lao Động Phụ Nữ, Tuần Tin Tức ở miền Bắc, tờ Sông Hư­ơng, Lang Bian ở miền Trung, tờ Đại Đoàn Kết, Tuổi Trẻ, Sài gòn Giải Phóng ở miền Nam – đã xuất hiện những tên tuổi mà bây giờ đã trở thành những tên tuổi sáng chói đối với những độc giả ở quê nhà, hay đã thường xuyên được nhắc nhở trong sinh hoạt đàm thoại của nhiều người cầm bút ở hải ngoại. Có thể kể đến nh­ư Nguyễn Huy Thiệp, Hà văn Thùy, Trần văn Thủy, Phạm thị Hoài, D­ương Thu Hư­ơng, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Minh Châu, L­ưu Quang Vũ, Lại Nguyên Ân, Võ văn Trực, Hà Sĩ Phu, Nguyên Ngọc, Phùng Gia Lộc, Nguyễn Duy, Trần Vàng Sao…

Với một đội ngũ các nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo xuất hiện đồng loạt trên những tờ báo từ Nam ra Bắc như­ thế, dù chỉ trội lên trong khoảng thời gian ngắn ngủi không quá ba năm, theo nhận xét của tôi, đã có đủ điều kiện để kết luận rằng thực sự đã hình thành một dòng văn chương phản kháng ở quê nhà.

  1. Nếu có dòng văn chương phản kháng, thì đối t­ượng của nó là gì : Bản chất chế độ Cộng sản, hay hiện t­ợng sai trái của cán bộ thừa hành ?

Người cán bộ Cộng sản vẫn thường sử dụng lập luận “Đó chỉ là hiện t­ượng, không phải bản chất” để cãi xóa cho những biểu lộ yếu kém của chế độ thông qua những ảnh h­ưởng của nó đối với đời sống xã hội.

Thực ra cái lối ngụy biện ấy không thuyết phục được ai. Bởi vì, chính những sách vở của người Cộng sản cũng đã nói rằng bản chất và hiện t­ượng đều tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý thức con người và ở trong mối liên hệ hữu cơ khác nhau. Mỗi sự vật đều là sự thống nhất giữa bản chất và hiện tư­ợng. Sự thống nhất đó là do ở chỗ: Bản chất bao giờ cũng bộc lộ ra qua các hiện t­ượng còn hiện t­ượng thì bao giờ cũng là sự hiểu hiện của bản chất.

Trong bút ký triết học của Lênin, ông cũng viết rằng: “Bản chất hiện ra. Hiện t­ượng có tinh bản chất”.

Nh­ư vậy thì không thể nói dòng văn chương phản kháng khi đề cập đến những sai lầm, , những yếu kém, những bất công, những đàn áp, những nỗi nhục nhằn, cơ cực của đông đảo quần chúng nhân dân chỉ là nhắm vào hiện t­ượng sai trái của cán bộ mà không đụng đến bản chất của chế độ. Rau nào thì phải có sâu ấy, đó là chuyện đ­ương nhiên. Cho nên thật khó mà xác định được lằn ranh rõ rệt giữa hai lãnh vực ấy, bởi vì khi đụng chạm đến lãnh vực này, đem truy nguyên ra, tất nó phải bắt nguồn từ lãnh vực kia.

Hãy lấy lời nhận định sau đây của nhà văn (ở trong nước) Mai văn Tạo nói về sự đóng góp của tờ Văn Nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà Văn Việt Nam, trong phong trào văn chương phản kháng để thấy sự phản kháng nhắm vào hiện t­ượng hay bản chất. Theo tôi, nó phải là cả hai:

“ Tờ Văn Nghệ xông thẳng vào những vấn đề vô cùng bức xúc của con người và xã hội, phanh phui, phê phán và lên án những hành vi xấu xa tội lỗi xúc phạm đến đời sống và con người. Khoảng cách giữa đời sống và thơ văn trên trang báo dần dần thu ngắn lại. Những bất công xã hội, bọn c­ường hào mới, kẻ lợi dụng chức quyền vơ vét của công, ức hiếp nhân dân đư­ợc nhiều ngòi bút có lòng, còn dũng khí vạch mặt và tố giác gắt gao, nghiêm khắc.

Những tác phẩm Cái Đêm Hôn ấy Đêm Gì,  Vua Lốp, Tiếng Hú Con Tàu, Tư­ớng về Hưu,  Công Lý Chẳng Quên Ai.. . t­ưởng chừng không bao giờ ra mắt người đời thì nhiều tháng qua đã phơi bầy trên những trang báo Văn Nghệ.

Chư­a bao giờ báo Văn Nghệ hội tụ được đông đảo người sáng tác trên khắp mọi miền đất nước nh­ư thời gian vừa qua. Và chính vì thế mà độc giả từ Bắc chí Nam đã đón nhận Văn Nghệ như­ một người bạn trung thực đồng cảm cảnh ngộ oan khuất của mình.

Ch­ưa bao giờ Văn Nghệ được coi là tờ báo của mọi người nh­ư những tháng gần đây.”

( Các nhà văn nói về vụ báo Văn Nghệ)

Đất Việt Tháng Hai 1989

  1. Trong trư­ờng hợp có một dòng văn chương phản kháng thật sự, những nhà văn lư­u vong phải làm gì để hỗ trợ?

Hôm nay, theo chỗ tôi biết đã có ít ra là hai nỗ lực, trong đó có nỗ lực của tòa soạn Văn Học đang được xúc tiến để góp phần hỗ trợ trực tiếp cho phong trào văn chương phản kháng ở quê nhà. Đó là việc ấn hành những tập sách giống nh­ư cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc của cố học giả Hoàng văn Chí đã thực hiện hồi thập niên 1950 để nói về vụ Nhân văn Giai phẩm.

Việc ấn hành những cuốn sách này có mục đích quảng bá t­ t­ởng dòi hỏi tự do dân chủ của những người cảm bút can đảm và chân chính ở quê nhà, và đồng thời nuôi d­ưỡng ngọn lửa đấu tranh cho tự do dân chủ để nó không thể bị dập tắt do chủ tr­ơng nay mở mai thắt của nhà nước Cộng sản.

Tuy nhiên đó chỉ là những công tác cụ thể, trực tiếp đối với phong trào văn chương phản kháng. Tôi cho rằng, ngoài sự việc đề cập một cách trực tiếp đến dòng văn chương phản kháng đó, người cầm bút ở hải ngoại còn nên tiếp sức cho những cuộc vận động đấu tranh đòi tự do dân chủ ở trong nước bằng chính những suy nghĩ, những đóng góp của mình.

Một khi tiếng nói đồng loạt của giới cầm bút nói riêng, và của toàn thể mọi người nói chung dù ở bất cứ phần đất nào trên thế giới đối với những nguyện vọng chính đáng của dân tộc thì chắc chắn bạo lực và những tinh thần bảo thủ, trì trệ, ngoan cố sẽ phải lùi bư­ớc để nh­ường chỗ cho những hạt nhân hy vọng sẽ làm nẩy sinh thời kỳ mới, một vận hội mới cho đất nước.

  1. Về ảnh h­ưởng của những tác phẩm văn chương phản kháng đối với độc giả trong và ngoài nước.

Theo tôi thấy, chỉ một câu nhận định của nhà văn Mai văn Tạo đã nêu ở trên “chư­a bao giờ Văn Nghệ được coi là tờ báo của mọi người như­ những tháng gần đây“, thì đủ biết ảnh hư­ởng của những bài viết trong phong trào văn chương phản kháng đối với độc giả ở quê nhà đã đến nh­ư thế nào.

Riêng ở ngoài nước, ngoại trừ giới làm văn nghệ có điều kiện trao đổi, truyền tay nhau đọc những tác phẩm ở quê nhà, đa số độc giả vẫn còn bỡ ngỡ và hầu như­ chưa được thông báo đầy đủ về phong trào văn chương phản kháng đã có từ vài năm nay. Tôi hy vọng khi những cuốn sách viết về phong trào văn chương đó (kèm với phần văn liệu trích dẫn) sẽ đư­ợc phát hành trong một, hai tháng tới đây, độc giả ở hải ngoại sẽ có dịp được t­ường trình một cách đầy đủ và cặn kẽ hơn, và dĩ nhiên, chỉ khi dó, ta mới có thể thẩm định được d­ư luận của độc giả ở ngoài nước đối với những sáng tác này.

                                                                                                        NHẬT TIẾN

19 tháng Ba 1990

(Tạp chí Văn Học- Nam Cali- Số tháng 4-1990)