Sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật Ở Hải Ngoại – Thời điểm 2007

Trao đổi giữa

Nhật Tiến và Nguyễn Đình Chính

Phần này bao gồm những đoạn :

  1. Phỏng vấn Nguyễn Đình Chính của talawas, 02.01.2007
  2. Nhật Tiến, Thư gửi Nguyễn Đình Chính, 12.01.2007
  3. Nguyễn Đình Chính, Cơn mê kiêu ngạo nửa thế kỷ – Thư trả lời nhà văn Nhật Tiến, 12.01.07
  4. Nhật Tiến, Trách nhiệm với các thế hệ đi sau – Lại xin góp ý với anh Đình Chính, 15.01.07
  5. Nguyễn Đình Chính, Một nền văn học nghệ thuật giả – Thư trả lời nhà văn Nhật Tiến, 15.01.07

1. Phỏng vấn của talawas

Nguyễn Đình Chính

Cách mạng không đào tạo được trí thức lớn

Đinh Bá Anh thực hiện

talawas: Thưa nhà văn Nguyễn Đình Chính, hôm nay chúng tôi muốn trò chuyện với ông về ba chủ đề: về một số điều liên quan đến cố nhà văn Nguyễn Đình Thi, về tiểu thuyết Đêm thánh nhân của ông và về việc ông muốn ra khỏi Hội Nhà văn Việt Nam. Chúng ta có thể bắt đầu với Nguyễn Đình Thi, người có số phận rất đặc trưng cho giới trí thức tinh hoa của Việt Nam, trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Đình Thi đi theo cách mạng và cuộc đời ông từ đầu tới cuối gắn với cuộc cách mạng này. Ông là một nhà chính trị, song chúng ta biết đến ông trước hết như một nghệ sĩ: một nhà thơ, nhà viết kịch, nhà văn, và một nhạc sĩ. Chính sự phức tạp này của con người Nguyễn Đình Thi là cái mà chúng tôi muốn tìm hiểu. Là con trai của Nguyễn Đình Thi, trong nhiều năm sống cùng với cha mình, ông có cảm nhận được những xung đột giữa con người chính trị Nguyễn Đình Thi với con người nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi hay không? Và Nguyễn Đình Thi đã sống với những xung đột ấy như thế nào?

Nguyễn Đình Chính: Câu hỏi của anh về việc nhà văn Nguyễn Đình Thi là một trí thức đi theo cách mạng điển hình, tôi thấy nên nói cho minh bạch hơn. Trong thế kỉ 20, ở Việt Nam không chỉ có những người cộng sản làm cách mạng. Cho nên cái từ cách mạng ấy nó rất rộng. Nhìn lại trước đó thì còn có nhiều phong trào của các đảng phái khác, như Đông Du của Phan Bội Châu, Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học, rồi cũng phải kể tới phong trào bất bạo động của Phan Chu Trinh… Vậy phải nói thế này: Nguyễn Đình Thi là một trí thức của phong trào cách mạng cộng sản. Nguyễn Đình Thi – tôi xin được dùng chữ anh Thi thôi, vâng, về lứa tuổi thì anh Thi sinh năm 1924 và anh tham gia vào Hội Văn hoá Cứu quốc, một tổ chức của những người cộng sản. Anh Thi không tham gia các phong trào yêu nước khác mà tham gia ngay vào phong trào cộng sản từ khi còn rất trẻ. Bị Pháp bắt đi tù 2 lần (năm 1941 và 1944). Nguyễn Đình Thi vừa là một nhà chính trị nhưng cũng vừa là một nghệ sĩ thứ thiệt. Chắc chắn có sự xung đột giữa hai con người này trong anh Thi. Về vấn đề này thì trong di cảo, anh Thi viết rất nhiều, nhưng theo di chúc của anh ấy thì đến năm 2014 tôi mới được phép công bố. Nhưng tôi có thể nói rằng chỉ cần nhìn vào những sáng tác nghệ thuật đã xuất bản của Nguyễn Đình Thi, chúng ta cũng có thể thấy hiện ra sự xung đột này rồi.

talawas: Thí dụ?

Nguyễn Đình Chính: Anh Thi không chỉ là tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam mà còn là chủ tịch uỷ ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo anh chị em văn nghệ sĩ cả nước thực hiện cái phương châm sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa (HTXHCN) của Đảng Cộng sản. Nhưng bản thân Nguyễn Đình Thi thì lại không tuân thủ triệt để cái phương thức sáng tác HTXHCN. Nó biểu hiện ở tác phẩm. Cụ thể là thời kháng chiến chống Pháp, từ năm 1948, Nguyễn Đình Thi làm thơ thì đã bị Đảng không vừa ý rồi, nói thẳng ra là bị phê bình, và thậm chí người ta còn nói nên đuổi thơ Nguyễn Đình Thi ra khỏi kháng chiến, họ đã thấy trong cái con người này có cái gì đó không ổn. Và cái đó còn tiếp tục kéo dài cho đến những sáng tác tiếp theo của anh là những vở kịch như Con nai đen (1962), Hoa và Ngần (1974), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979)… đều bị cấm lưu diễn và trở thành những “tì vết” trong sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi.

talawas: Vở kịch đầu tiên, Con nai đen, hồi đó đụng chạm đến vấn đề gì?

Nguyễn Đình Chính: Cái vấn đề chính của Con nai đen nói về sự giả dối và sự thật, mà trong cái xã hội này thì hãy coi chừng sự giả dối. Cách đây hơn 50 năm, Nguyễn Đình Thi đã nhìn thấy hiểm họa của nó, giả dối ở đây là giả dối về văn hóa, về nhân cách.

talawas: Nhưng nếu chỉ như vậy thì nó có vi phạm gì cái chủ trương hiện thực xã hội chủ nghĩa đâu, vì chính chủ nghĩa HTXHCN cũng yêu cầu người nghệ sĩ phải phơi bày cái giả dối của xã hội và đề cao sự thật…

Nguyễn Đình Chính: Về lý thuyết thì là như vậy, nhưng cái văn học của mình thực hiện thì lại không phải như vậy. Chỉ đạo là: phải tuyên dương cái tốt đẹp, viết về nhiều cái tốt đẹp, còn cái xấu phải phê phán, nhưng mà chạm đến cái XẤU THẬT, những bức xúc thật của xã hội, của con người thì không được. Một ví dụ, tác phẩm Vào đời của Hà Minh Tuân, mới chỉ động vào cái xấu thật ấy một tí thôi mà đã bị cấm và tác giả thì suốt đời thân bại danh liệt. Thế cho nên cái gọi là HTXHCN ấy chỉ là một phuơng pháp què quặt, một sự nguỵ biện, để mà thực hiện một cái hiện thực nửa vời và điều đó đã hạn chế rất nhiều giá trị của các tác phẩm nghệ thuật. Chính vì thế hàng loạt tác phẩm đã bị chết yểu. Chết trước tác giả. Anh Thi và một số bạn tài năng của anh, theo tôi biết, họ cũng là những người hiểu biết, thì khi động đến cái vấn đề đó, họ đều bị vướng. Thế nên tôi thấy đấy là một điểm phức tạp trong con đường sáng tác không chỉ của riêng Nguyễn Đình Thi.

talawas: Theo cách nhìn của thế hệ trẻ hiện nay và có lẽ của nhiều độc giả nữa, thì Nguyễn Đình Thi là một trí thức, trẻ, tiêu biểu và lớn nhất của cái thế hệ cách mạng đầu tiên… Anh có thể kể về xuất thân của ông Thi?

Nguyễn Đình Chính: Tôi sẽ nói về vấn đề trí thức trước, sau đó sẽ là vấn đề xuất thân. Tôi thấy rằng ở nước ta không có đại biểu trí thức lớn. Bởi vì như thế này: anh có thể học rộng, có kiến thức rộng, nhưng chưa có trí thức lớn. Tiêu chuẩn đầu tiên của trí thức lớn là phải độc lập về tư tưởng, phải suy nghĩ bằng chính cái đầu của anh, và anh phải thể hiện ra trong các hoạt động bằng chính cái tư tưởng, suy nghĩ của anh.

talawas: Trần Đức Thảo là một trí thức lớn?

Nguyễn Đình Chính: Tôi nghĩ rằng Trần Đức Thảo là một triết gia có biệt tài hiệu đính chủ nghĩa Marx thì đúng hơn. Thế còn bây giờ chúng ta nhìn cả một cái đội ngũ bằng bằng xem sao, có thể gọi là rất nhiều ông có học vị cao, rất nhiều ông làm cái này cái kia, nhưng có cái gì là những tư tưởng, suy nghĩ độc lập của các ông ấy không? Hay là anh chỉ làm theo một cái vệt đã định trước rồi. Thế nên ông bố tôi, anh Thi, khi còn sống có nói với tôi thế này: Ở mình nó có sẵn một cái đường ray rồi, mọi người chỉ còn có một việc là chạy trên đó thôi.

talawas: Chính ông Thi đã nói như vậy?

Nguyễn Đình Chính: Vâng, Có sẵn một cái đường ray rồi, chỉ còn có một việc là chạy trên đó thôi. Thế thì làm sao có thể sản sinh ra trí thức lớn được. Tôi nghĩ rằng ở mình không có trí thức lớn. Cách mạng không đào tạo được trí thức lớn. Nguyễn Đình Thi không phải là một trường hợp ngoại lệ. Mặc dù hội tụ rất nhiều điều kiện cần, Nguyễn Đình Thi vẫn thiếu một cái điều kiện đ để trở thành một trí thức lớn.

talawas: Còn về xuất thân?

Nguyễn Đình Chính: Nguyễn Đình Thi xuất thân trong một gia đình dân dã. Nghe nói cụ nội tôi là một ông Tây đen Ấn Độ gác cửa hàng vải, nên cái mũi ông Thi giống cái mũi Ấn Độ. Bà em gái tôi giống bà Gandhi như lột ấy. Ngày xưa những cửa hàng vải ở Hà Nội, người ta vẫn thuê Tây đen (Chà Và, Ấn Độ) gác. Còn vợ của cái ông Ấn Độ này là một bà người Tàu chính cống. Ông nội tôi là một thầy ký bưu điện, rất giỏi tiếng Pháp. Tính nết cụ ngang ngạnh nên bị tống sang Lào, trông coi một trạm bưu điện nhỏ ở Lu’ang Prabang. Năm 1987 khi có dịp sang Lào, tôi có đến đấy. Bé tí. Ông tôi lấy bà nội tôi ở bên Lào và đẻ ra ông Thi năm 1924 ở Lào. Gần chục năm sau gia đình mới trở lại Việt Nam.

talawas: Vậy Nguyễn Đình Thi biết tiếng Lào?

Nguyễn Đình Chính: Tôi không biết. Tôi chỉ biết bố tôi ăn của nếp rất giỏi. Cho đến già vẫn vậy, ông ấy có thể ăn của nếp từ ngày này qua ngày khác. Hồi bà nội tôi ở bên Lào, bây giờ gọi là Việt kiều đấy, bà đi làm bánh rán để bán. Và khi về Việt Nam thì bà tôi đã đi ngựa suốt từ Lu’ang Prabang về tới tận Hà Nội. Thế đấy, cái gia đình tôi nó tầm thường như vậy, có mà đốt đuốc to tướng, cháy đùng đùng cố mà tìm ra một cái gốc gác quan lại, nho học, trí thức, thượng lưu như bao gia đình khác cũng không được. Sự thật là nó không có. Thế nên bố tôi vẫn nói với anh em tôi là: nhà mình là nhà dân dã.

talawas: Và cha anh là người đầu tiên làm sáng danh dòng họ…

Nguyễn Đình Chính: Đúng rồi. Khi từ Lào về, ông bà nội tôi rất chua chát, nên quyết tâm dành dụm cho con đi học. Nhưng được cái là anh Thi học rất giỏi, học khét tiếng, nhất Đông Dương chứ không phải đùa. Anh cứ hỏi những người cùng học với anh Thi xem.

talawas: Ông ấy học trường nào?

Nguyễn Đình Chính: Trường Bưởi. Không đủ tiền vào trường Albert Sarraut. À, hồi bé anh Thi hát rất hay. Đến nỗi một ông người Pháp sẵn sàng nhận làm con nuôi để đưa sang Pháp đào tạo thành ca sĩ cơ mà. Thế nhưng gia đình thì sợ không dám cho đi xa. Anh Thi hát hay lắm, và chỉ biết đánh đàn mandolin thôi. Chứ còn piano không biết đâu. Sau này về già con cháu nó có dạy mới biết đánh. Khi sáng tác bài “Người Hà Nội”, ông ấy cứ mổ cò thế này. Hồi ấy có cái piano vứt ở chỗ sơ tán, thế là anh Thi đến cứ mổ cò sáng tác. Cả “Người Hà Nội” lẫn “Diệt phát xít”.

talawas: Trước năm 1945 người ta đã biết đến Nguyễn Đình Thi với các khảo cứu về triết học Nietzsche, Descartes…

Nguyễn Đình Chính: Lại phải minh bạch cái chuyện triết học này. Từ năm 1945 trở về trước, anh Thi có in 7 quyển về triết, nhưng chưa bao giờ tự nhận là một nhà triết học. Những cuốn sách đó gần giống những bài giảng tóm tắt tư tưởng của Descartes, Spinoza, Kant… Nhưng anh Thi cũng nói rằng khi tóm tắt, anh ấy có cho thêm những ý nghĩ riêng vào đấy. Nhưng mà cũng ở cái bậc rất là sơ đẳng. Tóm lại, tất cả chỉ có thế. Anh Thi không thích triết học.

talawas: Nguyễn Đình Thi không thích triết học?

Nguyễn Đình Chính: Đúng. Anh ấy bảo anh ấy không thích triết học. Nhưng tôi biết anh Thi và Trần Đức Thảo rất thân nhau. Cái thời kì khó khăn ấy, Trần Đức Thảo hay đến nhà tôi. Và khi tôi xuất ngũ thì anh Thi nói với Trần Đức Thảo: Đây là cái thằng con tôi, nó dốt nát lắm, tôi gửi anh, anh dạy cho nó một ít. Và khi ông Thảo dạy tôi, ông ấy nói với anh Thi: thằng con anh, cái đầu nó thế nào ấy, tôi nói cái gì nó cũng vặn lại. Trong kháng chiến chống Pháp, khi Trần Đức Thảo về Việt Bắc, Xuân Thuỷ lập tức mời anh Thi lên để tiếp Trần Đức Thảo vì nghĩ rằng trong đám trí thức, Thi còn biết chút ít về triết học.

talawas: Nhưng ít nhất ông Thi cũng đọc Karl Marx chứ?

Nguyễn Đình Chính: Tôi không biết. Tôi chỉ biết Nguyễn Đình Thi là cậu học trò chăm chỉ suốt đời. Tiếng Pháp rất giỏi, thế nhưng đến gần 80 tuổi vẫn học. Tôi hỏi: Tiếng Pháp bố giỏi thế còn học gì nữa. Anh ấy bảo: Cái tiếng nó chuyển động từng ngày ấy, không học sao được.

talawas: Xin tóm tắt lại một chút. Nguyễn Đình Thi có cụ tổ 4 đời là người Ấn Độ và Trung Quốc. Sinh năm 1924 ở Lào. Về Việt Nam năm 1932. Lấy vợ năm 1942 (năm 18 tuổi), đồng thời bắt đầu xuất hiện trong giới trí thức văn nghệ sĩ với các bài tóm lược triết học. Tham gia hoạt động Hội Văn hoá Cứu quốc do Đảng Cộng sản lập ra. Bị Pháp bắt đi tù 2 lần (năm 1941 và năm 1944). Năm 1946 ông là tổng thư ký của Hội Văn hoá Cứu quốc và là đại biểu trẻ nhất của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau này ông còn là tổng thư kí Hội Nhà văn và là chủ tịch uỷ ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Như vậy có thể nói trong giới văn nghệ, Nguyễn Đình Thi là người có quyền lực thứ 2, chỉ đứng sau Tố Hữu.

Nguyễn Đình Chính: Tôi nghĩ cũng có thể là như vậy.

talawas: Ông có thể cho biết nhận xét của ông về vai trò của Nguyễn Đình Thi trong vụ trấn áp các văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân văn-Giai phẩm?

Nguyễn Đình Chính: Tôi chưa tiếp xúc trực tiếp với hồ sơ của vụ Nhân văn-Giai phẩm. Vả lại những năm xẩy ra vụ NVGP tôi còn nhỏ tuổi. Tôi chỉ biết vụ này qua di cảo của Nguyễn Đính Thi để lại và nghe ngóng theo cái kiểu lê la mách lẻo. Cả hai nguồn tin này tôi đều không tin lắm. Vì vậy, cho phép tôi không trả lời câu hỏi này.

talawas: Ông ngại chăng?

Nguyễn Đình Chính: Di cảo của Nguyễn Đình Thi, theo di chúc của ông, tới năm 2014 mới được công bố. Còn đối với tôi thì đây là một vấn đề cũ rích mà người ta đã đào bới nát bươm, bốc mùi không thể ngửi được. Tuy nhiên tôi nghĩ theo kiểu ngồi lê mách lẻo thì việc hồi đó anh em văn nghệ sĩ gào lên đòi tự do sáng tác là một vấn đề ngây thơ và đáng yêu. Nhưng có lẽ chúng ta đã bị đánh lừa. Và cho đến bây giờ chúng ta vẫn bị đánh lừa. Thực chất bên trong của vụ NVGP, theo tôi không phải là vấn đề văn nghệ mà cũng chưa đủ sang trọng là một vấn đề chính trị.

talawas: Vậy thì nó là một vấn đề gì?

Nguyễn Đình Chính: Ẩn giấu bên dưới là những âm mưu, những đầu cơ vốn liếng chính trị cá nhân để tự bảo vệ mình nhằm tranh giành quyền lực ở văn nghệ và cũng ở một nơi khác ngoài văn nghệ. Đám anh em văn nghệ sĩ chỉ là những quân bài, những bung xung bị đem thí như thí tốt. Tôi có thể nói rằng lịch sử của phong trào văn nghệ Việt Nam mấy chục năm qua có hai trận thư hùng tranh giành quyền lực lãnh đạo rất vô đạo đức được núp dưới hai cái vỏ bọc rất mỹ miều. Trận thứ nhất là vụ Nhân văn-Giai phẩm năm 1956 và trận thứ hai là vụ văn nghệ đổi mới năm 1990. Di cảo của Nguyễn Đình Thi có giải mã cả hai vụ này. Có đúng sự thật hay không thì tôi không biết. Nhưng đó là một quả bom. Và chúng ta hãy kiên trì đợi quả bom đó nổ vào năm 2014, nếu như từ bây giờ đến năm đó không có ai làm hộ anh Thi. Nhưng năm ngoái, một cụ nhà văn có gặp tôi và nói có đọc bài tôi trả lời phỏng vấn trên một tờ báo ở trong nước, rằng tôi có ý muốn cho di cảo Nguyễn Đình Thi một mồi lửa. Cụ nhà văn đồng ý với tôi là nên cho những phần tài liệu này trong di cảo của Nguyễn Đình Thi được hoá vàng. Theo cụ, nếu bóc mẽ cả hai vụ ra thì thảm hại quá cho cái giới văn nghệ này. Thế giới ngưòi ta cười cho thối ruột.

talawas: Thưa nhà văn Nguyễn Đình chính, đấy là ý kiến của riêng ông. Nhưng chúng tôi vẫn cứ nghĩ rằng…

Nguyễn Đình Chính: Anh cho phép tôi cắt ngang nhé. Anh cứ thoải mái suy nghĩ. Nhưng anh cũng có thể bớt xúc động nếu như anh đang xúc động. Và anh có thể vui mừng nữa nếu như anh biết rằng năm 2006, Hội Nhà văn Việt Nam đã đề nghị trao giải thưởng quốc gia cho mấy thi nhân bị đánh đập, tù đầy trong vụ Nhân văn và nghe đâu một thủ lĩnh sáng chói trong vụ đổi mới văn nghệ 1990 còn đang làm mình làm mẩy vòi vĩnh Giải thưởng Hồ Chí Minh cơ đấy. Hai vụ thư hùng đó khiến biết bao văn nghệ sĩ khốn đốn nhưng, cũng phải công bằng nói rằng nhờ đó mà có không ít ông nhà văn hạng 2, viết thì rất xoàng nhưng đã kiếm lời. Họ nổi tiếng như cồn không phải nhờ tác phẩm mà nổi tiếng nhờ sự tuẫn nạn, đấm đá và sát phạt nhau. Ô là là. Một ông bạn người Pháp của tôi đã nói, đấy là một trong những cái gì đó như là một thuộc tính thuộc địa còn rơi rớt lại trong một nền văn nghệ thô sơ. Thôi nhé, có lẽ chúng ta cho qua vấn đề mà tôi đang ăn ốc nói mò này đi, kẻo rác tai bạn đọc talawas.

talawas: Vậy chúng ta chuyển sang chủ đề thứ hai: vể quyển tiểu thuyết Đêm thánh nhân của ông, một cuốn sách mà năm 1999 đã bị cấm tái bản ngay sau khi mới phát hành được vài tháng.                                                                                                    

Nguyễn Đình Chính: Tôi viết tiểu thuyết này từ năm 1990. Năm 1999 thì được in phần 1. Sau đó chưa kip in tiếp phần 2 thì bị cấm. Năm 2006 thì được in cả 2 phần nhưng đổi tên là Ngày hoàng đạo.

talawas: Tại sao lại đổi tên như vậy? Cái tên Đêm thánh nhân nghe thích hơn.

Nguyễn Đình Chính: Đổi tên như vậy cho đỡ bị xúi quẩy. Một vài người bạn văn của tôi khuyên như thế.

talawas: Ông tự đánh giá Đêm thánh nhân là một tiểu thuyết như thế nào trong hơn 10 tiểu thuyết ông đã cho xuất bản?

Nguyễn Đình Chính: Là cuốn sách không viết theo trường phái HTXHCN.

talawas: Mà theo trường phái gì?

Nguyễn Đình Chính: Trong một bài viết gửi cho tôi từ năm 1999 ngay sau khi Đêm thánh nhân vừa được xuất bản, nhà thơ Thanh Thảo có nhắc tôi sau khi viết xong tiểu thuyết này thì nên giật mình bừng ngộ nghiền ngẫm luận điểm của Milan Kundera về cách cấu tạo một cuốn tiểu thuyết là đặt cạnh nhau những không gian cảm xúc khác nhau và đấy là nghệ thuật tinh vi nhất của nhà tiểu thuyết. Còn ông Đặng Tiến ở Paris thì nhận định: Tóm lại Đêm thánh nhân của Nguyễn Đính Chính, tiểu thuyết vừa truyền kỳ vừa quái đản, là một thành tựu của văn chương huyền ảo, một thể loại văn học mới dù rằng đã có gốc rễ xa xưa tại Việt Nam, một thể loại đang đà phát triển trên thế giới…

talawas: Trước  khi viết Đêm thánh nhân, ông có xem xét tới hai luận điểm trên?

Nguyễn Đình Chính: Thú thực là không. Tôi đã trả lời nhà văn Hoà Vang trong bài phỏng vấn đăng trên báo Tiền phong ngày 22 tháng 7 năm 1999 là tiểu thuyết Đêm thánh nhân tôi viết theo trường phái văng mạng. Có vậy thôi.

talawas: Những cuốn sách khác của ông được giới phê binh nhắc đến, nhưng Đêm thánh nhân từ lúc in ra mấy tháng nay rồi vẫn không được một nhà phê bình văn học nào trong nước động bút tới, ngoại trừ dăm nhà báo trẻ tuổi viết một cách vội vàng, phần lớn chỉ chăm chú vào cái việc ông không dùng dấu phẩy trong câu văn và ca ngợi sách bán chạy.

Nguyễn Đình Chính: Nói như nhà văn Hoàng Hũu Các thì Đêm thánh nhân là một cuốn sách rất khó đọc vì khi đọc xong ta lại rơi vào trạng thái mơ hồ, hình như khó nắm bắt được một cái gì rõ ràng, tất cả đều hư hư, thực thực. Ai cũng có thể đọc một mạch hết ngàn trang sách nhưng thật khó đọc hết Đêm thánh nhân, cho dù người đó là một nhà văn, một nhà thơ, một nhà văn hoá hay một nhà triết học, nhất là những người lâu nay vẫn được dạy dỗ cách tìm tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Vả lại Đêm thánh nhân vốn là một cuốn sách đã có tì vết. Cũng có thể vì thế mấy ông nhà giáo làm cái công việc phê bình chưa động bút tới vì họ đang còn đang thận trọng nghe ngóng.

talawas: Có chắc như vậy không, hay là vì những nhà phê bình chưa tìm được cách đi vào tác phẩm này?

Nguyễn Đình Chính: Cũng có khi như vậy. Nếu anh nghĩ nhiều về vấn đề này thì anh có thể trực tiếp hỏi họ xem sao. Đã mấy năm nay rồi tôi không còn quan tâm tới người đọc sách của tôi, dù đó có là một học giả oai phong chữ nghĩa, hay đấy là cả một đám đông cuồng nhiệt mắc bệnh lên đồng, a dua.

talawas: Vì sao vậy?

Nguyễn Đình Chính: Vì tôi không còn tin vào họ nữa.

talawas: Ông không tin vào giới phê binh văn học trong nước hiện nay?

Nguyễn Đình Chính: Tôi nghĩ rằng có lẽ họ không tồn tại. Nếu như họ tồn tại thì hỏi rằng bao nhiêu năm tháng qua họ đã làm được những việc hữu ích gì cho nền văn học nước nhà, hay chỉ đua nhau làm đảo lộn mọi giá trị nghệ thuật, tha hoá thẩm mỹ của đám đông người đọc.

talawas: Dù sao thì đội ngũ phê bình văn học trong nước hiện hữu rất hùng hậu. Hai hội nghị bàn về văn học ở Tam Đảo và Đồ Sơn chẳng đã chứng minh điều đó hay sao?

Nguyễn Đình Chính: Đó là hai hội nghị vô bổ chẳng có tác động gì tới nền văn học trong nước hiện nay. Cái họ đạt được là đã tiêu xài hai món tiền thuế khá lớn của nhân dân và gặt hái được khá không ít chê bai của dư luận ở cả trong nước và ngoài nước.

talawas: Đâu có vô bổ. Trong hội nghị ở Đồ Sơn, nhà thơ Hoàng Hưng đã đọc một bài tham luận về tự do sáng tác rất được dư luận quan tâm.

Nguyễn Đình Chính: Tự do sáng tác là một thuộc tính rất cá biệt chỉ thuộc riêng nhà văn. Không một thế lực nào có thể tước đoạt cái quyền đó ngoại trừ chính nhà văn. Có gì mà phải mang ra tham luận ở chỗ đông người.

talawas: Bản tham luận của ông Hoàng Hưng nhấn mạnh vấn đề cơ chế xuất bản các tác phẩm…

Nguyễn Đình Chính: Tôi có đọc bản tham luận đó rồi. Đây là ý kiến của tôi. Hiện nay ở trong nước, đồng hành với những tác phẩm sáng tác theo trường phái HTXHCN, rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật (văn, thơ, nhạc, hoạ…) sáng tác theo các khuynh hướng, trường phái nghệ thuật khác vẫn được xuất bản, công bố rộng rãi. Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Việc đình bản, thu hồi một vài tác phẩm phải được xem xét ở trách nhiệm, quyền hạn của cái nơi thu hồi đó có thực thi đúng như bộ luật xuất bản đã ban hành hay không, có lạm quyền hay không. Ông Hoàng Hưng có thể chưa thoả mãn với các điều mục trong bộ luật xuất bản. Theo tôi, ông Hoàng Hưng nên tìm một nơi khác để bày tỏ ý kiến của mình thì có hiệu quả hơn. Nơi đó là Quốc hội. Đáng lẽ ra thì Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn nghệ phải rất coi trọng vấn đề này. Nhưng tôi e rằng đây là một việc quá sức của họ. Chao ôi! Hội Nhà văn…

talawas: Nhắc đến Hội Nhà văn… Nghe nói ông đang muốn xin ra khỏi Hội này?

Nguyễn Đình Chính: Đã rất lâu rồi Hội Nhà văn không còn hấp dẫn với tôi nữa. Năm 1999 tôi đã viết đơn xin ra khỏi Hội với lý do tôi chẳng giúp gì được cho Hội và Hội cũng chẳng giúp gì được cho tôi. Nhưng rồi mấy ông lãnh đạo Hội bảo rằng tôi làm như thế là có ý tạo xì-căng-đan gây phiền nhiễu Hội. Ông Nguyễn Đình Thi là thành viên sáng lập Hội. Nay ông Nguyễn Đình Chính lại xin ra Hội. Phiền hà lắm, sẽ gây hiểu lầm ảnh hưởng tới đại hội toàn quốc các nhà văn sẽ khai mạc vào năm 2000.

talawas: Và thế là ông lại không ra khỏi Hội nữa?

Nguyễn Đình Chính: Tất nhiên.

talawas: Bây giờ ông lại muốn xin ra?

Nguyễn Đình Chính: Tôi chẳng quan tâm tới cái việc vào hay ra này nữa. Tôi đang có ý tưởng cùng một số anh em tổ chức một cái câu lạc bộ gần giống như một công ty để giúp đỡ nhau hoạt động văn nghệ cho đỡ buồn. Rất tiếc là chưa được phép ra báo tư nhân. Nếu được phép thì mấy anh em bạn văn chúng tôi sẽ ra một tờ báo văn nghệ cho… vui.

talawas: Dù sao thì bây giờ Hội Nhà văn cũng là tổ chức duy nhất tập hợp các nhà văn Việt Nam ở trong nước. Ông nghĩ gì về sự tồn tại của tổ chức này?

Nguyễn Đình Chính: Đây là một tổ chức độc quyền về văn học được ra báo, tạp chí, có nhà xuất bản riêng và được trả lương, được bao cấp kinh phí hàng tỷ đồng một năm, gần giống như một cơ quan, xí nghiệp của nhà nước. Có lẽ chính vì vậy mà hàng chục năm nay nhiều cá nhân, nhiều bè cánh, nhiều phe phái các nhà văn trong nước đã đấm đá tranh nhau nhẩy vào ban chấp hành để nắm lấy Hội Nhà văn. Theo thiển nghĩ của tôi thì lịch sử hấp dẫn nhất, đáng nhớ nhất và cũng buồn cười nhất của Hội Nhà văn hai chục năm qua chính là những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực vừa hèn hạ vừa khôi hài qua mấy kỳ đại hội nhà văn toàn quốc gần đây. Và cũng theo thiển nghĩ của tôi thì Hội Nhà văn hiện nay là mầm mống, là cái nơi gây mất đoàn kết, chia rẽ, làm tổn hại tới tình bằng hữu của các nhà văn. Đại hội toàn quốc các nhà văn Việt Nam vừa rồi dự kiến 15 vị trong ban chấp hành nhưng chỉ bầu được chính thức có 3 vị. Sau đó bầu lần 2 vớt vát thêm 3 vị nữa. Hình như thế. Tôi không đi bầu nhưng nhận được thông tin như vậy. Chỉ riêng điều đó thôi đã thấy sự bè phái, chán ngán của đội ngũ các nhà văn Việt Nam hiện nay như thế nào rồi. Nghe nói bây giờ mấy ông già và mấy ông bà trẻ trong ban chấp hành đang cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Có đúng như vậy không nhỉ? Nếu thế thì còn chờ gì nữa, nên giải tán Hội Nhà văn và tìm một phương thức tổ chức khác.

talawas: Giải tán Hội Nhà văn?

Nguyễn Đình Chính: Vâng. Hình như anh có vẻ ngạc nhiên. Có gì mà ngạc nhiên.

talawas: Theo ông thì nên tìm một phương thức tổ chức nào cho các nhà văn nếu giải tán Hội?

Nguyễn Đình Chính: Tôi không quan tâm tới việc này. Tốt nhất là các nhà văn Việt Nam không nên ngồi nhận lương viết văn. Ai giỏi thì nên tự trả lương cho mình bằng nhuận bút, còn thì nên kiếm sống bằng một nghề nào đó trong xã hội. Như thế cũng là thiết thực giúp cho chính phủ tinh giảm biên chế. Trước tiên hãy giải tán Hội Nhà văn ở trung ương. Vì sao? Hiện nay hầu như tỉnh nào cũng có Hội Nhà văn của tỉnh đó rồi. Nếu mấy ông nhà văn nào không ưng vào Hội Nhà văn tỉnh mà lại cứ thích đàn đúm thì họp nhau lại thành nhóm, thành câu lạc bộ mà đi lại với nhau, giúp đỡ nhau sáng tác nghệ thuật, nếu cái công việc sáng tác nghệ thuật ấy cần đông người.

talawas: Nhưng nếu rất nhiều nhà văn có nguyện vọng xin thành lập Hội Nhà văn thì sao?

Nguyễn Đình Chính: Thì cứ cho họ thành lập, giống như cho thành lập các hội nuôi ong, hội cây cảnh… Nhưng chính phủ không nên trích tiền thuế của dân ra hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để nuôi báo cô mấy ông nhà văn lười viết văn, chỉ ham hố say mê hội hè. Chiều chuộng quá là… Con hư tại mẹ đấy.

talawas: Nhưng dù sao thì hiện nay Hội Nhà văn Việt Nam cũng có tác dụng tập hợp, quản lý các nhà văn để họ không… nổi loạn.

Nguyễn Đình Chính: Đấy là một ý kiến độc ác, bôi nhọ các nhà văn Việt Nam hiện nay. Tôi cam đoan các nhà văn không bao giờ dám nổi loạn. Thế lực chính trị nào ở trong nước và ở ngoài nước mà hy vọng và mong muốn các nhà văn Việt Nam nổi loạn thì thật là ngây thơ.

talawas: Tại sao, thưa ông?

Nguyễn Đình Chính: Vì các nhà văn Việt Nam hiện nay (trong đó có tôi) là những người vô cùng nhút nhát và đặc biệt là rất tôn trọng, nếu không muốn nói là rất sợ pháp luật. Người liều mạng nhất đã tự thiến mình đi để sẵn sàng làm giặc là nhà văn Dương Thu Hương thì cũng vừa chạy sang xin định cư ở Pháp để chuyên tâm vào công việc viết tiểu thuyết rồi. Những ai e sợ các nhà văn sẽ nổi loạn thì hãy yên tâm. Còn những ai hy vọng các nhà văn Việt Nam sẽ nổi loạn thì tôi thành thật khuyên các vị hãy tự mình dập tắt niềm hy vọng đó đi. Dã tràng xe cát biển Đông mà thôi.

talawas: Rất cám ơn nhà văn Nguyễn Đính Chính đã trả lời phỏng vấn này. Ông có cần nói thêm điều gì với độc giả talawas?

Nguyễn Đình Chính: Tôi rất biết rằng nhà văn thì nên đứng ra ngoài lề xã hội, ngậm miệng ăn tiền, ngồi quay mặt vào tường mà viết văn thì mới là nhà văn lớn, mới là nhà văn khôn ngoan, biết điều. Nói nhiều là ngu. Càng nói càng dại. Có lẽ tôi đang là một ví dụ cụ thể. Nhưng anh đã hỏi thì tôi cũng xin có nhời. Đất nước đang tiến vào vận hội mới. Toàn dân tộc đã thoát ra khỏi cơn ngái ngủ bao cấp, ỷ lại rồi. Thú thực nhé, là một người trong cuộc mà tôi cũng chẳng hiểu văn nghệ Việt Nam hôm nay đã chạy thoát ra khỏi cơn ngái ngủ bao cấp đó chưa?

talawas: Chân thành cám ơn ông.

© 2007 talawas
Bài “Cách mạng không đào tạo được trí thức lớn”, ghi lời nhà văn Nguyễn Đình Chính trả lời phỏng vấn của talawas, đang gây nhiều dư luận. Với cuộc trao đổi giữa hai nhà văn Nhật Tiến và Nguyễn Đình Chính xung quanh một số nội dung của bài phỏng vấn này, lần đầu tiên một tác giả trong nước và một tác giả ngoài nước công khai đối thoại về những vấn đề rất nhạy cảm và cần tiếp tục thảo luận của đời sống văn học và chính trị Việt Nam.

talawas                                      2- Nhật Tiến

Thư gửi Nguyễn Đình Chính

California ngày 4-1-2007

Thân gửi anh Nguyễn Đình Chính,

Tôi đã đọc kỹ bài của talawas phỏng vấn anh. Xin có một đôi điều trao đổi. Trước hết là một vài quan niệm của anh về:

– trí thức (Anh nói: Tiêu chuẩn đầu tiên của trí thức lớn là “phải độc lập về tư tưởng, phải suy nghĩ bằng chính cái đầu của anh, và anh phải thể hiện ra trong các hoạt động bằng chính cái tư tưởng, suy nghĩ của anh”.);

– về tự do sáng tác (Anh nói: Tự do sáng tác là một “thuộc tính rất cá biệt chỉ thuộc riêng nhà văn. Không một thế lực nào có thể tước đoạt cái quyền đó ngoại trừ chính nhà văn”);                  

-về sự làm “tha hóa thẩm mỹ của đám đông” do giới phê bình trong nước đã gây ra (tất nhiên không phải toàn thể);

– về thái độ viết lách của nhà văn (Anh nói: “Tốt nhất là các nhà văn Việt Nam không nên ngồi nhận lương viết văn. Ai giỏi thì nên tự trả lương cho mình bằng nhuận bút, còn thì nên kiếm sống bằng một nghề nào đó trong xã hội” )…                  

và về sự minh bạch của anh khi anh phân biệt rạch ròi hai trường hợp khác biệt đi làm cách mạng của những vị như Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh với Nguyễn Ðình Thi (Anh nhận định: Nguyễn Ðình Thi “là một trí thức của phong trào cách mạng cộng sản”).                   

Tất cả những quan niệm kể trên của anh, tôi đều chia sẻ và hết sức tâm đắc.                                                                

                                                                             *

Ngoài những điểm nói trên, tôi có 2 điều muốn trao đổi:

  1. Về phong trào Nhân văn-Giai phẩm 1956 và vụ văn nghệ đổi mới năm 1990

Dĩ nhiên là anh có trong tay di cảo của ông cụ thân sinh (về phong trào NVGP) và anh lại có mặt tại chỗ vào thời điểm 1990 (về vụ đổi mới văn nghệ), nên với cả hai yếu tố này, anh là người hoàn toàn có thẩm quyền hơn tôi về sự nhận chân thực chất của hai biến cố văn nghệ này và có thể đưa ra một kết luận khả tín về những phong trào đó. (Anh nói: “Ẩn giấu bên dưới là những âm mưu, những đầu cơ vốn liếng chính trị cá nhân để tự bảo vệ mình nhằm tranh giành quyền lực ở văn nghệ và cũng ở một nơi khác ngoài văn nghệ. Ðám anh em văn nghệ sĩ chỉ là những quân bài, những bung xung bị đem thí như thí tốt.”).

Cũng theo anh thì: “Di cảo của Nguyễn Ðình Thi có giải mã cả hai vụ này. Có đúng sự thật hay không thì tôi không biết. Nhưng đó là một quả bom. Và chúng ta hãy kiên trì đợi quả bom đó nổ vào năm 2014, nếu như từ bây giờ đến năm đó không có ai làm hộ anh Thi.”                   

Bẩy năm nữa không phải là một thời gian dài, chắn chắn độc giả cũng muốn và có thể chờ đợi quả bom ấy được tung ra, chưa biết nó chứa đựng những gì, nhưng qua những điều tuyên bố mấp mí của anh, hẳn nhiều người cũng có thể đoán ra sự thực là thế nào. (Anh nói: “Cụ nhà văn đồng ý với tôi là nên cho những phần tài liệu này trong di cảo của Nguyễn Ðình Thi được hoá vàng. Theo cụ, nếu bóc mẽ cả hai vụ ra thì thảm hại quá cho cái giới văn nghệ này. Thế giới ngưòi ta cười cho thối ruột.”)

Tôi không đồng ý với “Cụ nhà văn” này, vì sự thật cần phải trả cho lịch sử, mọi sự che giấu đều không nên làm vì che giấu là vô trách nhiệm với những thế hệ đi sau, nhưng tôi thấy lo ngại cho cái điều kết luận sẵn có của anh về hai vụ này mà qua văn phong của bài phỏng vấn, người đọc có thể cảm nhận được. Ðại để như đó chỉ là những cuộc tranh giành quyền lực trong giới văn nghệ và cũng ở một nơi khác ngoài giới văn nghệ.

Có thực là toàn bộ những người đã tham gia hai phong trào ấy đều là những người cầm bút muốn tranh giành quyền lực không? Ðành rằng nếu có sự thực là “đám anh em văn nghệ sĩ chỉ là những quân bài, những bung xung bị đem thí như thí tốt”, nhưng cũng chẳng thể vì thế mà cái mộng ước (đồng ý là chưa thể gọi là lý tưởng) về tự do cầm bút của họ lại bị lên án là tranh giành quyền lực và những đóng góp cũng như những đau khổ mà họ phải chịu đựng lại bị nhấm chìm trong cái bể ô nhục mà di chúc của Nguyễn Ðình Thi sẽ bật mí  ra.

Vì không thể để những người có lòng phải bị vùi dập tới hai lần, nên khi nhắc tới những vụ này thì cần phải có một thái độ cẩn trọng, một sự phân biệt rạch ròi giữa những kẻ có ý đồ riêng tư với những người có thực tâm muốn đem lại một bầu không khí mới mẻ cho văn nghệ vào những thời điểm đó. Cũng vì thế ta nên trân quý những nỗ lực tốt đẹp của nhiều người đã thực tâm đóng góp cho hai phong trào ấy. Những điều này, những thái độ thận trọng này, theo ý tôi, cần phải biểu lộ ngay từ bây giờ chứ không phải chờ tới lúc di cảo của nhà văn Nguyễn Ðình Thi được công bố. Nhưng rất tiếc, hình như anh đã mang sẵn thành kiến với tất cả mọi người tham gia hai phong trào này, và anh đã gây cho người đọc cái cảm nhận họ là “cá mè một lứa.”

  1. Về thái độ của các nhà văn trong đời sống sáng tác hiện nay

Anh phát biểu rằng: “Nhà văn thì nên đứng ra ngoài lề xã hội, ngậm miệng ăn tiền, ngồi quay mặt vào tường mà viết văn thì mới là nhà văn lớn, mới là nhà văn khôn ngoan, biết điều.”

Và từ quan niệm viết lách này, anh đã đưa ra lời khuyên: “Những ai e sợ các nhà văn sẽ nổi loạn thì hãy yên tâm. Còn những ai hy vọng các nhà văn Việt Nam sẽ nổi loạn thì tôi thành thật khuyên các vị hãy tự mình dập tắt niềm hy vọng đó đi. Dã tràng xe cát biển Ðông mà thôi.”.

Tôi hoàn toàn không đồng ý với anh về những luận điểm này.

Một nhà văn mà chỉ ngồi quay mặt vào tường mà viết văn thì hắn viết cái gì? Dấu vết xã hội nơi hắn đang sống có chỗ nào để hiện diện trong tác phẩm? Mà khi viết ra tác phẩm không có dấu vết xã hội (dù dưới dạng thức nào) thì có đáng gọi là nhà văn không, chưa nói là nhà văn lớn! Mặt khác, đồng ý với anh là hầu như đa số các nhà văn không biết nổi loạn hay không muốn nổi loạn, nhưng phẩm chất cần thiết của một nhà văn là Phẫn Nộ. Có phẫn nộ mới có thể nói thay cho những người khác muốn nói mà không có khả năng nói lên được. Vậy thì chỉ riêng cái phẩm chất này cũng đủ để nhà cầm quyền hết còn yên tâm được rồi, chứ không thể như anh nói: “Những ai e sợ các nhà văn sẽ nổi loạn thì hãy yên tâm”.

Anh sẽ chỉ đúng khi nào chứng minh được rằng tất cả giới cầm bút trong nước nay không còn ai biết Phẫn Nộ. Riêng tôi thì tuy không có điều kiện sống thực tế với môi trường sáng tác ở ngay trong nước, nhưng thành thực mà nói, tôi không tin điều này. Có thể là tôi đã ngây thơ, nhưng thà chịu nhận mình ngây thơ còn hơn là mắc phải sai lầm.

Sau cùng, tôi mong ước vọng của anh thành sự thực khi anh phát biểu: “Rất tiếc là chưa được phép ra báo tư nhân. Nếu được phép thì mấy anh em bạn văn chúng tôi sẽ ra một tờ báo văn nghệ cho… vui.”.               

Có lẽ khi ấy thì tôi cũng sẽ cố gắng gửi bài đóng góp với anh, nếu (lại nếu!) tới lúc đó tôi còn sức khỏe để tiếp tục viết được!

Thân ái,

Nhật Tiến

© 2007 talawas

3. Nguyễn Đình Chính

Cơn mê kiêu ngạo hơn nữa thế kỷ –

Thư trả lời nhà văn Nhật Tiến

Ngày 4 tháng 1 năm 2007 tôi nhận được thư của anh gửi về từ California. Cám ơn anh đã đọc bài phỏng vấn Cách mạng không đào tạo được trí thức lớn trên talawas ngày 3 tháng 1 năm 2007, và đã không ngại ngần gửi cho tôi những ý kiến chia sẻ và hết sức tâm đắc, cùng những băn khoăn của anh.

Hôm nay, trên talawas, tôi muốn xin phép được trao đổi lại 2 điều anh muốn trao đổi với tôi qua thư của anh, bởi vì nó đã vượt ra khỏi những vấn đề thư tín riêng tư của tôi và anh, hai nhà văn, hai thế hệ, hai số phận khác nhau.

  1. Vấn đề vụ Nhân văn-Giai phẩm năm 1956 và vụ văn nghệ đổi mới năm 1990

Hai phong trào văn nghệ: vụ Nhân văn-Giai phẩm diễn ra ở miền Bắc Việt Nam và vụ văn nghệ đổi mới trên toàn cõi Việt Nam, mấy chục năm qua được xếp vào loại nhạy cảm. Nó đã xẩy ra và nó đã được thu xếp, lau chùi sạch sẽ bằng lí luận học thuật và bằng các biện pháp tổ chức, hành chính. Tuy nhiên dư âm và di chứng của nó cho đến bây giờ vẫn âm ỉ, đau đớn, hành hạ cái tinh thần văn nghệ Việt Nam và nó đã trở thành một màn sương mù bức bối phủ trùm lên dư luận của toàn xã hội. (Dù nó có đáng được như thế hay không thì, đó vẫn là một thực tế không thể chối cãi được.) Tại sao lại như vậy? Theo thiển nghĩ của tôi (vẫn nghĩ theo cái kiểu ngồi lê mách lẻo thôi) là bởi vì có quá nhiều sự can thiệp và lợi dụng thô bỉ. Và cũng có quá nhiều sự dối trá, quá nhiều những âm mưu hèn hạ trong và ngoài văn nghệ vò xé hai vụ này. Ðây là hai cơn sốt vỡ da cần thiết, có tác dụng làm trưởng thành cái thân thể văn nghệ Việt Nam, hay ngược lại, là hai cơn sốt báo trước những căn bệnh ung thư quái ác có tính huỷ hoại cái thân thể văn nghệ Việt Nam? Câu hỏi đó cho đến nay vẫn chưa có được một trả lời minh bạch. Anh và tôi, hai nhà văn nhỏ nhoi, nhẹ dạ và đầy cảm tính, lại hầu như vô duyên đứng bên ngoài, chưa được vinh dự lây nhiễm hai cơn sốt này; chúng ta lại không có những nguồn thông tin đáng tin cậy, vì vậy, cả anh và tôi đều  không có khả năng đối thoại, trao đổi cặn kẽ tới thấu đáo vấn đề mà anh muốn trao đổi. Chao ơi! Thưa nhà văn Nhật Tiến, không hiểu sao, lúc này đây, cái đầu thế nào ấy của tôi bỗng nhiên lại phân tâm vẩn vơ nghĩ tới một ngày nào không xa, anh và tôi ngồi trong một quán cà phê rất Pháp ở Hà Nội và thú vị, thanh thản nói chuyện tào lao văn chương. Chúng ta cùng nâng những ly cà phê Ban Mê ngon tới mức trên cả tuyệt vời, trong khi đó, có những kẻ mà một thời đã từng là những cán bộ, những nhà văn cán bộ trung kiên của Ðảng Cộng sản, ở một xó xỉnh nào đó đang lầm lũi cúi đầu nuốt dần những giọt đắng của lương tâm đang lặng lẽ tra vấn hắn.

Anh cũng có nhắc tới di cảo của nhà văn Nguyễn Ðình Thi, và trách nhiệm đối với các thế hệ sau. Xin trao đổi với anh: Nguyễn Đình Thi vừa là một nhà chính trị, một triết gia, một nghệ sĩ đa tài. Con người ông chứa đựng cả một khối mâu thuẫn lớn. Cái khối mâu thuẫn đó bao gồm không chỉ là mâu thuẫn tất yếu xẩy giữa ba con người chính trị, triết gia, nghệ sĩ. Nguyễn Ðình Thi còn phải chịu đựng từng khối mâu thuẫn đơn lẻ của một nhà chính trị, một triết gia, một nghệ sĩ vò xé ông trong quá trình những con người riêng biệt đó trưởng thành dần lên trong tâm hồn, trong cuộc đời ông. Ðiều đó đã thể hiện ra phần nào trong di cảo của ông. Tôi có thể nói với anh rằng, di cảo của Nguyễn Đình Thi có 3 phần. Phần thứ nhất, ông đau đớn khi những người cộng sản Việt Nam giành được chính quyền nhưng tổ chức mô hình nhà nước, xã hội lại chủ yếu khuôn theo mô hình của một nước cộng sản khác, mà cái mô hình đó đã không thoát hẳn ra khỏi mô hình tổ chức nhà nước của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa phong kiến và cả chủ nghĩa phát-xít. Theo tôi, đó là con người triết gia của Nguyễn Đình Thi. Phần thứ hai trong di cảo nói về con người Việt Nam, về văn hoá Việt Nam đã lớn lên trong suốt nửa thế kỉ qua. Phần này được thể hiện qua  tâm hồn trong trẻo, mơ mộng và có phần ngây thơ khờ dại của người nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi. Và phần cuối cùng nói về phong trào Nhân văn-Giai phẩm 1956 và văn nghệ đổi mới 1990. Riêng về vấn đề này, Nguyễn Đình Thi nhìn bằng con mắt lạnh lùng, không khoan nhượng của một nhà chính trị, một cán bộ lãnh đạo văn nghệ trung thành của Ðảng Cộng sản. Tôi e rằng anh sẽ thất vọng. Năm cuối đời, trong một buổi mít-tinh long trọng của Uỷ ban Toàn quốc các Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Nguyễn Đình Thi đã ôm một bó hoa thắm tươi lên sân khấu tặng Tố Hữu rồi hai người ôm hôn nhau. Những ai từng chứng kiến mối bất đồng sâu sắc suốt nửa thế kỉ qua của hai nhân vật này thì cho đó là một hành động đóng kịch của cả hai người. Nhưng đọc di cảo của anh Thi, tôi vô cùng khâm phục. Ðó là một cử chỉ văn hoá có pha tạp chút ít tố chất chính trị rất thật lòng của cả hai người. Và họ thật đúng là hai nhân vật lớn, xứng đáng đứng đầu cai trị nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trên mảnh đất này suốt nửa thế kỷ qua. Tất cả những ai trong bộ máy tổ chức văn nghệ XHCN hơn 50 năm qua manh mún ước  mơ muốn soái ngôi họ đều là ngu xuẩn.

Thưa nhà văn Nhật Tiến,

Về trách nhiệm đối với các thế hệ sau, tôi nghĩ thế hệ chúng ta không hề có đủ tư cách được trao một trách nhiệm minh giải nào cả, khi mà cái thế hệ oái ăm của chúng ta chính là thủ phạm đã tương ra một đống những cái đó. Chúng ta chỉ có quyền xấu hổ và tủi nhục trong im lặng. Và cách hay nhất bây giờ là hãy rủ nhau ba lô du lịch bụi. May ra cảnh đất trời cây cỏ hồn nhiên trên thế giới này sẽ dạy cho chúng ta thêm một điều gì hay hớm, đặng kéo dài thêm phần nào những năm tháng đang chầm chậm già nua tàn tạ của chúng ta.

Nhân đây, tôi cũng muốn kính thưa tới các thế hệ sau là các bạn đừng nên tin cậy vào bất cứ một ai, kể cả những di cảo, những hồ sơ… đã công bố hoặc còn dấm dúi cất giấu ở đâu đó. Ðã có một thế hệ cũng rất thông minh, cũng rất hiếu học, cũng rất mơ mộng nhưng luôn tự lừa dối mình và thay đổi lòng tin như thay áo mùa hè, chỉ vì đã đánh mất một điều đơn giản là không chịu suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình, mà chỉ thích a dua đua nhau nghĩ theo cái đầu của người khác. Một tấm gương soi đắng cay. Hãy tự mình đi săn lùng sự thật. Sự thật ở khắp nơi và ở ngay trong những suy nghĩ độc lập của mình. Nhưng hãy coi chừng, hãy cảnh giác, bởi bên dưới mỗi sự thật của những năm tháng mà chúng tôi đã sống qua, đã để lại, bao giờ cũng ẩn giấu rất nhiều điếu dối trá. Và ngược lại.

  1. Về thái độ của các nhà văn trong đời sống sáng tác hiện nay

Vấn đề này thật thú vị và gần gũi. Tôi thích thú.

Trước hết, tôi rất muốn anh cũng nghĩ rằng bao nhiêu năm qua, chúng tôi đã bị ảo tưởng về sứ mệnh của nhà văn, cũng như chúng tôi đã bị ảo tưởng về sứ mệnh của văn nghệ. Chính căn bệnh ảo tưởng đó đã xô đẩy văn nghệ Việt Nam rơi vào một cơn hôn mê kiêu ngạo ròng rã hơn nửa thế kỷ. Cơn hôn mê ấy đã đẻ ra sự độc tài tập thể rất thô bạo, chỉ chấp nhận một và duy nhất chỉ một trường phái văn học nghệ thuật lạ hoắc của phương Tây ngoại lai, xa lạ với truyền thống làm văn nghệ ôn hoà, độ lượng và mơ mộng của ông bà tổ tiên chúng ta. Cơn hôn mê ấy đã làm lãng phí và ở một khía cạnh nào đó đã làm băng hoại những tài năng văn học của không ít các nhà văn chúng tôi. Cơn hôn mê ấy đã đặc biệt nuôi dưỡng một số kẻ bất tài đầy những tâm địa hẹp hòi, ác độc, đã phù tá cho họ lên ngôi, hoành hành một thời mà giờ đây hầu hết họ, những con người đó, đã may mắn, an toàn chạy thoát hoặc, sắp chạy thoát cả về cõi chết. Lịch sử văn học Việt Nam sẽ không nhắc tên những kẻ đó. Nhưng tình cảm đau thương của văn nghệ Việt Nam thì không bao giờ quên tên những đứa con hư đó.

Là một nhà văn viết trong chể độ Việt Nam Cộng hoà đã tiêu vong hơn 30 năm nay, và giờ đây anh lại đang sống tha hương (dù là có quốc tịch Hoa Kỳ) giữa một rừng mũi lõ (tôi bỗng chợt nhớ tới câu thơ của Nguyễn Hồi Thủ), anh tự nhận mình là ngây thơ và anh càng ngây thơ đáng yêu hơn khi chịu nhận thà ngây thơ còn hơn là mắc phải sai lầm. Về phẩm chất Phẫn Nộ (phẩm chất hay là thuộc tính?) của nhà văn, tôi rất muốn được trao đổi với anh trong một dịp được tiếp anh ở Hà Nội. Ðây là một phạm trù cũ rích, luộm thuộm và rất riêng biệt của văn nghệ. Chúng ta có cần lôi ra đây làm mất hứng của người đọc talawas không nhỉ?). Tôi rất muốn anh có thời gian suy nghĩ lại để, trước tiên hãy cứ chạy thoát ra khỏi cái luận điểm văn nghệ là bất phục tùng, là phản kháng của ông Tây, tác giả Khung cửa hẹp. Thú thật là, tôi chỉ thích trao đổi với tâm hồn và trí tuệ riêng của một nhà văn Nhật Tiến tài năng, đã mang đầy ắp trên vai hơn bẩy mươi năm những niềm vui và vô vàn khổ đau của cuộc đời này.

Trời Hà Nội mấy hôm nay lạnh giá lạ thường. Và tôi thì đã bắt đầu buồn ngủ. Thưa nhà văn Nhật Tiến, cho đến lúc này tôi vẫn vô cùng kiên định cái lập trường: Thời buổi bây giờ thì nhà văn nên đứng ra ngoài lề xã hội, ngậm miệng ăn tiền, ngồi quay mặt vào tường mà viết văn thì mới là nhà văn lớn, mới là nhà văn khôn ngoan, biết điều. Nói nhiều là ngu. Càng nói càng dại.

Còn băn khoăn gì nữa, anh có nhận ra không, anh và tôi đang nghiễm nhiên một kẻ trở thành ngây thơ, còn một thằng đã trở thành ngu dại. Ôi chao là sự thật. Anh có tin là như vậy không?

© 2007 talawas

4. Nhật Tiến

Trách nhiệm với các thế hệ đi sau

Lại xin góp ý với anh Nguyễn Ðình Chính

California ngày 11-1-2007

Thân gửi anh Nguyễn Ðình Chính,

Xin rất cám ơn anh đã mau mắn trả lời lá thư của tôi đề ngày 4-1-2007. Lẽ ra thì chúng ta nên dành chỗ để được lắng nghe thêm những ý kiến khác của anh chị em bạn bè văn nghệ trong và ngoài nước (mà tôi tin là sẽ có nhiều vị nhập cuộc), xoay quanh những vấn đề rất thiết thân đến lãnh vực mà chúng ta đang sinh hoạt. Tuy nhiên vì có một vài chuyện cần nói thêm, nên tôi lại xin mạn phép gửi tiếp anh lá thư này.

Trước hết xin giải tỏa một ngộ nhận. Có thể do vô tình mà anh đã đặt “2 chuyện ở 2 nơi vào chung một chỗ” nên có thể gây cho tôi những hiểu lầm không cần thiết. Trong thư trả lời của anh có đoạn: “Là một nhà văn viết trong chế độ Việt Nam Cộng hoà đã tiêu vong hơn 30 năm nay, và giờ đây anh lại đang sống tha hương (dù là có quốc tịch Hoa Kỳ) giữa một rừng mũi lõ (tôi bỗng chợt nhớ tới câu thơ của Nguyễn Hồi Thủ), anh tự nhận mình là ngây thơ và anh càng ngây thơ đáng yêu hơn khi chịu nhận thà ngây thơ còn hơn là mắc phải sai lầm .”

Xin thưa ngay, tôi không hề tự nhận mình là ngây thơ hay mắc phải sai lầm khi đã cầm bút trong chế độ Việt Nam Cộng hoà hơn 30 năm trước và khi tôi đã vượt biển rồi qua định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1979.

Mấy chữ ngây thơsai lầm xin nhắc lại, nó chỉ đóng khung trong khuôn khổ của sự việc khi tôi đề cập đến vấn đề phẩm chất Phẫn Nộ của các nhà văn trong nước, mà tôi đã viết như sau: “Anh sẽ chỉ đúng khi nào chứng minh được rằng tất cả giới cầm bút trong nước nay không còn ai biết Phẫn Nộ. Riêng tôi thì tuy không có điều kiện sống thực tế với môi trường sáng tác ở ngay trong nước, nhưng thành thực mà nói, tôi không tin điều này. Có thể là tôi đã ngây thơ, nhưng thà chịu nhận mình ngây thơ còn hơn là mắc phải sai lầm.”.

Ở đâu, bao giờ thì mọi sự việc cũng nên đặt đúng vị trí của nó. Mong anh hiểu cho sự thận trọng cần thiết này của tôi. Xứ mình hay có chuyện nhiễu nhương cũng vì cái cảnh râu ông nọ cắm cằm bà kia hay là chuyện đặt người không đúng chỗ!

Bây giờ tôi xin góp ý thêm với anh về một vài điều anh mới viết trong thư trả lời:

  1. Trách nhiệm với các thế hệ đi sau

Anh cho rằng: “Thế hệ chúng ta không hề có đủ tư cách được trao một trách nhiệm minh giải nào cả, khi mà cái thế hệ oái ăm của chúng ta chính là thủ phạm đã tương ra một đống những cái đó. Chúng ta chỉ có quyền xấu hổ và tủi nhục trong im lặng. Và cách hay nhất bây giờ là hãy rủ nhau ba lô du lịch bụi.”

Thưa anh Nguyễn Ðình Chính,

Khi anh sử dụng từ ngữ thế hệ chúng ta thì tôi hiểu là anh đã ám chỉ rằng cả anh lẫn tôi đều có tham dự vào cái “thế hệ oái oăm” đó. Ðiều này không sai, vì trong suốt chiều dài của gần 30 năm chia cắt đất nước, dù ở bên này hay bên kia, anh cũng như tôi đã có nhiều dịp tham dự vào đời sống xã hội, mà nay nhìn lại thành quả của những giai đoạn ấy thì chia ly, chết chóc, đau thương, tủi hờn… đã nhiều hơn là thanh bình, yên ấm, hạnh phúc. Nhận chân được điều đó, tại sao anh lại tính phủi tay khi nói: “Chúng ta chỉ có quyền xấu hổ và tủi nhục trong im lặng”?

Theo tôi khi càng xấu hổ, càng tủi nhục thì cung cách hay nhất để rũ bỏ được những mặc cảm tự ti này là hãy can đảm nói lên cho thế hệ sau biết những sai lầm mà mình hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đã can dự vào. Hơn thế nữa, anh là nhà văn, anh có khả năng cầm bút, tại sao anh không viết lên những gì trong phạm vi khả năng hiểu biết của mình (dĩ nhiên là với tinh thần trách nhiệm) để thế hệ sau nhìn thấy những sai lầm của thế hệ cha, anh mà biết đường không giẫm phải những vết xe cũ? Ngoài ra, nếu ai cũng như anh “chỉ có quyền xấu hổ và tủi nhục trong im lặng” thì chẳng hóa ra những tội đồ của dân tộc trong ngần ấy năm (tôi không nói riêng miền nào) sẽ vỗ tay hoan hỉ vì được xí xóa trắng tay hay sao?

Tôi hoàn toàn đồng ý với anh ở những lời khuyên các bạn trẻ: “là các bạn đừng nên tin cậy vào bất cứ một ai, kể cả những di cảo, những hồ sơ… đã công bố hoặc còn dấm dúi cất giấu ở đâu đó”.

Ðấy là sự thận trọng cần thiết. Nhưng thận trọng không có nghĩa là sổ toẹt hết mọi tâm tình của cha, anh. Ngày nay khoa học đã tiến bộ rất nhiều, thế hệ trẻ nay đã biết vận dụng trí thông minh của mình để sàng lọc và chắt lấy những tinh hoa trong sự hỗn độn của nhiều dữ kiện. Cho nên hãy đừng sợ “một đống những cái đó”, hãy cứ bới nó lên để rồi cùng nhau sàng lọc và tìm ra được những bài học đắt giá mà lịch sử để lại cho thế hệ tương lai.

  1. Khung cửa hẹp

Trong thư trả lời, anh có nhắc đến cái điều tôi chịu sự kìm hãm vì ảnh hưởng của “ông Tây” với Khung cửa hẹp khi tôi cứ khư khư quan niệm rằng văn nghệ là phải bất phục tùng, là phản kháng. Cũng không sao, vì cuộc đời viết lách của tôi thật ra đã chịu ơn của rất nhiều cây bút khác, chả cứ riêng gì một mình André Gide. Nhưng tôi lại cũng bắt chước anh, khi tôi nói tôi cũng “vô cùng kiên định cái lập trường” rằng: “Phẩm chất cần thiết của một nhà văn là Phẫn Nộ. Có phẫn nộ mới có thể nói thay cho những người khác muốn nói mà không có khả năng nói lên được.”

Nhưng trong lãnh vực này, tôi  nghĩ chúng ta chẳng nên bàn cãi làm gì thêm kẻo lại sa đà vào cuộc tranh luận đã có từ thế kỷ trước: “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”. Theo cách nhìn của tôi bây giờ thì ai “vị” cái gì cũng được, vì đấy là quyền tự do chọn lựa của mỗi người. Cho nên anh cứ việc “đứng bên lề xã hội, ngậm miệng ăn tiền, ngồi quay mặt vào tường mà viết văn”.

Ðiều căn bản cần nêu ra là chuyện lương tâm của mình có được thanh thản hay không mà thôi.

  1. Tôi thiết nghĩ mình đã lạm dụng nhiều thì giờ của anh cũng như của bạn đọc cho nên tôi xin tạm ngưng ở đây với một điều thích thú sau cùng mà anh đã gợi lên cho tôi trong thư: “Tôi bỗng nhiên lại phân tâm vẩn vơ nghĩ tới một ngày nào không xa, anh và tôi ngồi trong một quán cà phê rất Pháp ở Hà Nội và thú vị, thanh thản nói chuyện tào lao văn chương. Chúng ta cùng nâng những ly cà phê Ban Mê ngon tới mức trên cả tuyệt vời, trong khi đó, có những kẻ mà một thời đã từng là những cán bộ, những nhà văn cán bộ trung kiên của Ðảng Cộng sản, ở một xó xỉnh nào đó đang lầm lũi cúi đầu nuốt dần những giọt đắng của lương tâm đang lặng lẽ tra vấn hắn.”

Thưa anh,

Có khi nào xẩy ra hiện tượng này không, hả anh Chính: “những nhà văn cán bộ trung kiên của Ðảng Cộng sản, ở một xó xỉnh nào đó đang lầm lũi cúi đầu nuốt dần những giọt đắng của lương tâm đang lặng lẽ tra vấn hắn”?

Thân ái,

Nhật Tiến

© 2007 talawas

  1. Nguyễn Đình Chính   Một nền văn học nghệ thuật giả – Thư trả lời nhà văn Nhật Tiến        

Kính gửi nhà văn Nhật Tiến,

Mong được bỏ qua mấy dòng đầu thư giao đãi và khách sáo. Tôi xin tiếp tục cuộc trao đổi này.

  1. Cuối lá thư vừa rồi, anh hỏi tôi là có khi nào xẩy ra hiện tượng này không: Những nhà văn cán bộ trung kiên của Ðảng cộng sản, ở một xó xỉnh nào đó đang lầm lũi cúi đầu nuốt dần những giọt đắng của lương tâm tra vấn hắn. Tôi xin trả lời là. Bởi vì sao? Thưa anh, cứ điểm danh thì thấy rõ hầu như những thủ lĩnh khởi xướng, lãnh đạo và chiến đấu với nhau một mất một còn cho đến tận cùng trong hai vụ Nhân văn-Giai phẩm 1956 và văn nghệ đổi mới 1990 đều là những nhà văn cán bộ văn nghệ trung kiên, nếu không nói là những người đang giữ những vị trí lãnh đạo then chốt trong bộ máy văn nghệ của Ðảng. Toàn những bí thư Ðảng đoàn, uỷ viên thường vụ… Họ đều là đồng chí cùng lí tưởng và cũng là bạn văn chương với nhau. Và trước hết họ đều là những con người. Và không ai có thể chạy trốn khỏi lương tâm của mình. Tôi không tin là chỉ vì cái sự thắng bại, được thua mà giờ đây hai tình cảm cao quý đó đã hoàn toàn chết hẳn trong tâm hồn họ. Tôi tin rằng dù có thoả mãn, đắc chí đến đâu (những kẻ thắng) và dù có căm thù, uất hận đến đâu (những kẻ bại) thì những tình cảm đó của họ dành cho nhau vẫn chưa chết hẳn. Tôi tin vào sự thức tỉnh của lương tâm. Cũng như tôi tin là không thể có một sự nguỵ biện tinh xảo của một hệ tư tưởng và lý thuyết nào có thể ngăn cản những văn nghệ sĩ cán bộ đó có một ngày bước tới toà án bí mật của tâm hồn, chịu sự tra vấn của chính lương tâm họ. Sự tự tra vấn này tôi tìm thấy trong di cảo của Nguyễn Đình Thi và ngay cả trong vở kịch Rừng trúc của ông, khi ông loay hoay đi tìm câu trả lời: Sự nghiệp lí tưởng thì thật là lớn. Nhưng cái tình giữa người với người có lớn thua kém gì không? Thú thực, đây là một cảm phục thứ hai tôi dành cho Nguyễn Đình Thi.

Tất nhiên, có thể hiện nay trong cái làng văn nghệ chúng tôi ở trong nước còn có một vài người thuộc diện ngoại lệ. Họ vẫn đang mộng tưởng hoang đường làm thủ lĩnh văn nghệ, tập hợp đám đông quần chúng văn nghệ sĩ để phất cao ngọn cờ đổi mới, tự do sáng tác. (Với người nghệ sĩ thì không có thế lực, cường quyền nào tước đoạt được tự do và đổi mới trong sáng tạo của họ, ngoại trừ chính họ). Thưa nhà văn Nhật Tiến, hơn nữa, có một thực tế tàn nhẫn này mà chúng  ta không nên lẩn tránh: đó là, mặt bằng tác phẩm chung của nền văn học viết bằng thứ chữ Việt Nam của chúng ta đang dùng  hiện nay còn thô sơ. Hầu như chưa có cái gì đáng và cũng chưa có đủ đẳng cấp để bàn đến mấy chữ Tự doÐổi mới trong nghệ thuật.

Nhắc đến cái cụm từ “đám đông quần chúng văn nghệ sĩ”, tôi hơi lợm giọng. Cái gọi là đám đông quần chúng văn nghệ sĩ ấy đã từng ùa theo ào ạt tung hô, ủng hộ các thủ lĩnh đòi tự do sáng tác, đổi mới, thì cũng chính nó, cái đám đông ấy, trong các buổi kiểm điểm trên hội trường và trên mặt báo lại quay ngoắt, lại ào ạt đấu tố những thủ lĩnh vừa dắt dẫn họ. Chả thế mà các cụ nhà ta đã phải kêu lên “Bạc như dân… Bất nhân như…” Bài học quả đắng này Nguyễn Đình Thi là người đầu tiên lĩnh đủ trong một hội trường đấu tố, phê bình thơ không vần ở Việt Bắc năm 1948. Sau này, ông Thi vẫn hay cười hì hì kể cho tôi nghe: “Lúc đó tao (ông Thi hay xưng tao với tôi) ngoái lại, đứng đằng sau ủng hộ tao chỉ còn trơ ra  mỗi một mình cụ Nguyên Hồng và cô Tâm Chung”. Quả đắng này chắc chắn không chỉ dành riêng cho Nguyễn Đình Thi.

  1. Trách nhiệm với các thế hệ mai sau

Trong cả hai lá thư gửi cho tôi, anh có nói tới sự mấp mí trong vấn đề vụ Nhân văn-Giai phẩm 1956 và vụ văn nghệ đổi mới 1990. Tôi xin trao đổi lại một lần nữa với anh những thiển ý của tôi như sau:  

Hai vụ này thực chất chỉ là hai vụ tranh giành quyền lực lãnh đạo trong văn nghệ của những ông nhà văn cán bộ có quyền có chức trong bộ máy văn nghệ. Và phải công nhận cả hai phe đã không từ một thủ đoạn, một âm mưu ghê gớm, thô bạo, man trá và vô đạo đức nào để mà kéo bè kéo cánh choảng nhau. Tôi dứt khoát tin rằng rồi một ngày mai, các thế hệ sau sẽ tìm ra sự thật về hai vụ này, mặc dù nó đang bị chôn giấu dưới bao nhiêu điều dối trá hoa mỹ hèn hạ. (Nhưng không biết lũ con cháu chúng ta có đủ hứng thú để mà sục hai cái đống rác này lên không, hay chỉ mải đi tìm kiếm những cơ hội để nổi tiếng, để kiếm tiền và chơi games?)

Anh viết cho tôi: “Anh cũng như tôi đã có nhiều dịp tham dự vào đời sống xã hội, mà nay nhìn lại thành quả của những giai đoạn ấy thì chia ly, chết chóc, đau thương, tủi hờn… đã nhiều hơn là thanh bình, yên ấm, hạnh phúc. Nhận chân được điều đó, tại sao anh lại tính phủi tay khi nói ‘Chúng ta chỉ có quyền xấu hổ và tủi nhục trong im lặng’”.

Tôi đồng ý với những dòng chữ trên của anh. Nhưng tôi và anh đang nói về một đời sống văn nghệ đã qua (không chỉ hai vụ Nhân văn-Giai phẩm và văn nghệ đổi mới) mà tôi muốn nói cả về toàn bộ những tài sản văn học nghệ thuật mấy chục năm qua mà thế hệ chúng ta đã để lại cho các thế hệ sau. Tôi xin  vẫn kiên định giữ vững lập trường đối với cả một đống những gì chúng ta đã tương ra đó thì, “Chúng ta chỉ có quyền xấu hổ và tủi nhục trong im lặng”.

Thưa nhà văn Nhật Tiến, mặc dù dư âm, di chứng của hai vụ Nhân văn-Giai phẩm và văn nghệ đổi mới vẫn còn làm tổn hại tinh thần của văn nghệ Việt Nam và làm vẩn đục dư luận xã hội, nhưng đó chỉ là những đám bọt nổi lên trên dòng chảy văn nghệ Việt Nam hôm nay. Tận bên kia đại dương xa xăm,  anh có cảm nhận được những cơn sóng ngầm dữ dội ở bên dưới dòng chảy mà anh em văn nghệ sĩ trong nước đang phải vật lộn, chống đỡ không? Chúng tôi không phải chỉ chống đỡ những cơn sóng dữ dội đó ở bên ngoài môi trường văn nghệ mà, còn phải chống đỡ những cơn sóng dữ dội đó ở ngay bên trong tâm hồn mỗi một cá thể chúng tôi. Những cơn sóng này đang tàn phá nền văn học Việt Nam và đang  chầm chậm dẫn đến một sự tàn sát tập thể. Nó như một bệnh dịch ác độc chưa tìm ra thuốc chữa. Làn sóng dữ dội đó, bệnh dịch tàn ác đó có tên là một nền văn học nghệ thuật giả. Làn sống dữ dội này, căn bệnh dịch tàn ác này đang tràn từ ngoài biên giới vào và thật cay đắng, nó cũng nổi lên từ ngay bên trong cái thân thể văn nghệ Việt Nam hôm nay. Nếu nói tới trách nhiệm với các thế hệ mai sau, tôi nghĩ anh có thể lưu ý tới vấn đề này. Và nếu anh cho phép, thì, bằng những kinh nghiệm kiêu ngạo và ranh ma của tuổi già, chúng ta sẽ làm hai ông thầy bói hùng hổ ngoa ngôn mà đoán già đoán non, mổ xẻ tuốt tuột những nguyên nhân gây nên thảm cảnh tàn sát tập thể này.

Anh hãy tin là tôi đang mời anh “đánh một quả” lương thiện, tử tế hơn cái trò bới rác. Ðể tôi kể anh nghe cho vui một tí . Năm 2002 chủ tịch Uỷ ban toàn quốc các Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật, nhà văn Nguyễn Đình Thi có chính thức tiếp nhà thơ trẻ Văn Cầm Hải tại văn phòng của ông tại Hà Nội. Sau đây là lược trích một đoạn trong cuộc trò chuyện dài hơn 3 tiếng đồng hồ giữa hai người:

Văn Cầm Hải: Thưa nhà văn Nguyễn Đình Thi, ông có thấy một thực tế là hiện nay có rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thuộc loại hàng nhái, hàng giả hay không?

Nguyễn Ðình Thi: Có đấy.

Văn Cầm Hải: Nhiều đến mức có thể chiếm tới một nửa, tức là năm mươi phần trăm.

Nguyễn Ðình Thi: (Cười, không trả lời)

Văn Cầm Hải: Sáu mươi phần trăm.

Nguyễn Ðình Thi: (Im lặng)

Văn Cầm Hải:  Bẩy mươi. Thậm chí tám mươi phần trăm.

Nguyễn Ðình Thi:  Tôi vẫn đang đợi anh cho ra một con số nữa.

Văn Cầm Hải: Thưa chủ tịch, chín mươi lăm phần trăm có được không?

Nguyễn Ðình Thi: (Thong thả): Theo ý kiến của riêng tôi thì khoảng chín mươi phần trăm.

Thưa nhà văn Nhật Tiến, anh có thể kiểm tra thông tin này, nếu anh muốn.

 

  1. Khung cửa hẹp

Ngay sau khi đọc xong phần thứ hai (“Khung cửa hẹp”) trong thư anh vừa gửi, thú thực là tôi rất ân hận vì đã phạm một sai lầm vượt xa cả phép lịch sự, lễ phép tối thiểu khi trao đổi thư từ với một nhà văn đã cầm bút trước mình và còn hơn mình hàng chục tuổi đời. Tôi coi những dòng chữ nhắc anh hãy chạy thoát ra khỏi cái luận điểm văn nghệ là bất phục tùng, là bất phản kháng của André Gide là một cử chỉ thiếu văn hoá của tôi, nếu không muốn nói là xấc xược. Thưa nhà văn Nhật Tiến, tôi chân thành công khai xin lỗi anh. Và tôi cũng hoàn toàn đồng ý với anh là “chúng ta cũng chẳng nên bàn cãi làm gì kẻo lại sa đà vào những cuộc tranh luận đã có từ thế kỉ trước”. 

Ðúng lúc này đây, đang ngồi viết thư cho anh thì một người bạn thơ rất trẻ từ Sài Gòn điện thoại ra đề nghị chúng ta hãy trao đổi về cái vấn đề văn học giả. Một lần nữa xin anh lưu tâm tới nó, vấn đề một nền văn học nghệ thuật giả mà tôi vừa nêu ở trên. Nếu anh không mệt và còn hứng thú thì mong anh hãy tiếp tục cuộc trao đổi rất thú vị này.

Trân trọng kính chào anh,

Nguyễn Ðình Chính

© 2007 talawas

6- NHẬT TIẾN

THƯ GỬI ANH NGUYỄN ÐÌNH CHÍNH

California ngày 15 tháng 1 năm 2007,

Thân gửi anh Nguyễn Ðình Chính,

Ðọc xong thư trả lời số 2 của anh, lòng tôi bỗng tràn ngập nhiều nỗi niềm, vừa xót xa, vừa ngậm ngùi. Những sự thực mà anh nêu ra ở trong thư, tuy tôi cũng đã nghe qua, biết qua nhưng chưa bao giờ nó lại gây ấn tượng trong tôi mạnh mẽ đến thế.

Thực vậy, trong suốt cuộc đời viết lách của tôi, chưa bao giờ tôi phải trực diện những vấn đề mà anh đã thẳng thắn nêu ra, đại thể như :

1) Tôi chưa từng phải loay hoay vì câu hỏi :

Sự nghiệp lí tưởng thì thật là lớn. Nhưng cái tình giữa người với người có lớn thua kém gì không?”

Theo nhận thức của tôi thì người ta vẫn có thể gìn giữ lý tưởng của mình mà không bắt buộc phải xâm phạm vào tình người, một thứ tình cảm cao quý vốn vẫn được đề cao dù dưới bất cứ một nền văn hóa nào. Có thể nhận thức này bắt nguồn từ ở chỗ tôi may mắn không hề bị rơi vào cái bi kịch trong đó con người phải chèo giẫm lên nhau để chứng tỏ lòng trung thành với lý tưởng đang theo và để xây dựng sự nghiệp cho riêng mình.

2) Từ ngữ ”Thủ lãnh Văn nghệ “ cũng là một ý niệm rất xa lạ đối với tôi. Từ xưa tới nay, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ là làm văn nghệ thì lại phải có thủ lãnh dẫn đầu dù là để cổ võ cho một đường hướng sáng tác mới, hay vận động cho sự Tự do cầm bút. Tôi nhớ lại hồi sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam vào thời điểm ngay sau khi đất nước bị chia cắt 1954, ở đây cũng đã có một cuộc vận động mạnh mẽ về sự đổi mới trong văn học theo sự ra đời của nhóm Sáng Tạo với chủ trương phủ nhận nền văn chương cũ kỹ của “Tự lực văn đoàn”. Nhưng văn nghệ sĩ thời ấy, dù chọn cũ hay lựa mới thì cũng không ai tôn ai làm thủ lãnh và cũng không ai bị chèn ép bởi bất cứ thế lực nào. Ðường ai nấy đi. Phải chăng đấy cũng là một trong những khía cạnh tốt đẹp của vấn đề tự do cầm bút.

4) Ðọc thư anh, tôi lại càng cảm thấy thật là may mắn vì đã không bị rơi vào hoàn cảnh phải sáng tác trong bầu không khí ngột ngạt đã được anh diễn tả: “Cái gọi là  đám đông đám đông quần chúng văn nghệ sĩ đã từng ùa theo ào ạt tung hô, ủng hộ  các thủ lĩnh đòi  tự do sáng tác, đổi mới –  thì,  chính cái đám đông ấy, trong các buổi kiểm điểm trên hội trường và trên mặt báo  lại quay ngoắt lại ào ạt đấu tố những thủ lĩnh vừa  dắt dẫn họ.”.

5) Lại thêm hình ảnh của “Buổi kiểm điểm trên hội trường” (và trên mặt báo) vốn cũng là những sinh hoạt hết sức xa lạ mà tôi chỉ phải trải qua có đúng một lần ít ngày sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Một lần thôi nhưng cũng đủ gây cho tôi nhiều ấn tượng kinh hoàng huống hồ anh đã sống với nó, hít thở bầu không khí đó, nổi trôi phận mình trong sự triền miên khắc khoải đó, trách gì chẳng khiến anh đã phải có những tâm tình chất chứa đầy ắp trong lòng như nó đã biểu lộ qua văn phong cũng như những gì anh đã trung thực viết ra qua những lá thư vừa trao đổi.

4)  Dĩ nhiên “cơn sóng nổi lên trong tâm hồn mỗi người” thì ở đâu cũng có. Những người đã có lòng với đất nước thì dù ở nơi nào, cũng khó mà tìm kiếm được sự bình an trong tâm hồn trong hoàn cảnh hiện tại. Nhưng sóng nổi đến mức độ như anh diễn tả thì thật vô cùng đáng sợ nhất là đối với một người ít có kinh nghiệm về các vấn đề nóng bỏng ở trong nước, như tôi:

Tận bên kia đại dương xa xăm, anh có cảm nhận được những cơn sóng ngầm dữ dội  ở bên dưới dòng chảy  mà anh em văn nghệ sĩ trong nước đang phải vật lộn, chống đỡ không. Chúng tôi không phải chỉ chống đỡ những cơn sóng dữ dội đó ở bên ngoài môi trường văn nghệ mà, còn phải chống đỡ những cơn sóng dữ dội đó ở ngay bên trong tâm hồn mỗi một cá thể chúng tôi. Những cơn sóng này đang tàn phá nền văn học VN và đang chầm chậm dẫn đến một sự tàn sát tập thể.”.

Thưa anh Chính.

Sức chịu đựng, khả năng đề kháng và hoàn cảnh ngặt nghèo của anh chị em văn nghệ sĩ trong nước qua đoạn văn của anh ở trên, quả là kinh khủng thật! Tôi không thể nhẫn tâm chỉ tỏ bầy sự cảm thương mà hơn thế nữa, khi viết cho anh tới lá thư thứ ba này, tôi còn cảm thấy rất có lỗi với anh, bởi vì không những tôi đã không trở về chia sẻ với anh những hệ lụy hay những cảm nhận xót xa mà anh đã từng phải nhận lãnh, tôi lại còn đi tranh biện với anh về những vấn đề vốn chỉ những người trong cuộc mới biết để mà thưa thốt. Ðây rõ ràng là một sự khiếm khuyết của tôi, mong được anh tha lỗi.

Ðể chốt lại vấn đề, thì khi tham dự vào cuộc thảo luận giữa hai chúng ta, tôi đã thiếu hẳn nhiều điều kiện thực tế, như không có cùng một bề dầy kinh nghiệm sống dưới chế độ XHCN như anh; như không cùng anh hít thở bầu không khí văn nghệ khắt khe trong đó có những buổi kiểm điểm trên hội trường hay trên mặt báo; như phải sáng tác ở những nơi  có phe phái “đã không từ một thủ đoạn , một âm mưu ghê gớm, thô bạo và  man trá và vô đạo đức nào để mà kéo bè kéo cánh  choảng nhau”.

Trong hoàn cảnh khác biệt như thế, tôi sẽ không thể nào không thấy được là những phát biểu của mình có thể bị  “chệch hướng” hoặc đi ra ngoài những vấn đề “cốt lõi” mà anh thực tâm muốn đem ra thảo luận. Ðúng là tôi đã rơi vào cái tâm trạng của một kẻ  đã  lạnh lùng quay đi trước ánh mắt bi thương của người khác.

Thưa anh Chính,

Mặc dầu vậy, nhưng theo thiển ý thì mấy lá thư tranh biện giữa tôi với anh vừa rồi, xét cho cùng cũng không phải là vô ích. Bởi vì qua cuộc đối thoại giữa anh và tôi, có thể sẽ làm dấy lên nhiều sự việc , hé mở một cách công khai về những sự thực vốn lâu nay bị che giấu hay lấp liếm, đặt  ra được nhiều vấn đề đòi hỏi cần được làm sáng tỏ hay giải quyết… và biết đâu, sẽ có nhiều anh chị em cầm bút trong và ngoài nước chờ cho chúng ta phát biểu xong thì sẽ nhập cuộc.

Một sự trao đổi công khai và minh bạch giữa những người cầm bút dù ở trong hay ngoài nước như thế là điều rất nên thực hiện và đó cũng là kỳ vọng của riêng tôi trong nhiều năm qua, mà nay may mắn nhờ có anh, tôi mới làm được dù là vẫn còn trong phạm vi thu hẹp và mang tính cách hời hợt.

Ðể cho cuộc trao đổi được rộng rãi, sâu xa, nêu được nhiều ý kiến liên hệ mật thiết với  vấn đề Văn hóa Việt Nam nói riêng và vận hội của đất nước trong thiên niên kỷ mới nói chung, tôi cũng mong mỏi anh chị em cầm bút trong và ngoài  nước tiếp nối cuộc trao đổi ngắn ngủi này, vì tiếng nói của người cầm bút dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào, bao giờ cũng là tiếng nói của lương tâm dân tộc.

Sau cùng, ở cuối thư anh có đề cập đến vấn đề Văn Học Nghệ Thuật Giả.

Ðiều này thì ở đâu, thuộc lãnh vực nào mà chẳng có của Giả. Nhưng tình hình Văn Học Nghệ Thuật đến độ có 90% hàng nhái, hàng giả như cụ thân sinh tức nhà văn Nguyễn Ðình Thi đã xác nhận ở thời điểm 2002, thì mức độ quả là đáng báo động.

Nhưng chúng ta thì làm được gì trước thực trạng đáng buồn ấy, ngoại trừ ai giả cứ giả, mỗi người cầm bút chân chính cứ tiếp tục sáng tạo theo lương tâm và nguồn cảm hứng của chính mình. Vả lại, tôi vẫn luôn luôn tin tưởng rằng Thời Gian luôn luôn là cái máy sàng lọc tỉnh táo, tinh vi và hữu hiệu nhất. Sẽ không có một thứ của giả nào có thể tồn tại mãi mãi với thời gian.

Xin cám ơn anh rất nhiều vì đã dành thì giờ giải đáp những thắc mắc của tôi, khởi đi từ bài anh Ðinh Bá Anh phỏng vấn anh trên mạng lưới toàn cầu talawas.

Chúc anh nhiều sức khỏe và may mắn.

Thân ái.

NHẬT TIẾN.

______________________________

7- Nguyễn Đình Chính

Sứ mạng là sứ mạng gì? – Thư gửi anh Nhật Tiến

Thân gửi anh Nhật Tiến,

Tại Hà Nội lúc này là 13 giờ 5 phút ngày 16 tháng 1 năm 2007.

Sáng nay, 10 giờ, tôi vừa moi thư của anh từ chiếc Samtron 76DF ra thì, đúng lúc, một lô 5 thằng bạn văn chương rỗi hơi ập đến tán láo. Thế là lũ chúng tôi vừa nhậu xịn đế vừa cử một thằng có giọng tốt nhất (25 năm trước vốn là diễn viên kịch nói) đọc to thư của anh cho cả tụi nghe. Ðọc đi đọc lại 4 lần liền.

Phải nói rằng lá thư của anh đã làm cho bữa nhậu của tụi này mất vui, vì… Vì sao?

Thú thật là cho đến lúc này, sau khi đã “tống cổ” mấy con sâu rượu về rồi với lý do, để tao còn phúc đáp lại ông anh nhà văn quý mến bên Mỹ, đến lúc này đây, tôi cũng chẳng hiểu tại sao cả.

Tại sao hả anh?

Bỗng dưng tôi chỉ thấy lòng mình nặng trĩu. Chán quá. Phí cả máy xị đế làng Vân. Tự dưng tôi chợt nghĩ đến mấy cục cứt chó khô (xin lỗi anh và talawas). Rồi tôi lại nhớ tới bộ phim hoạt hình nhăng nhít tối qua đến xem ở nhà một cô ca sĩ kiêm nhà thơ 8X. Hai con sư tử lông lá bẩn thỉu, gớm ghiếc cấu xé nhau chí tử để tranh cướp cái xác con dê đã thối rữa. Ðằng sau hai con sư tử, lau nhau (hay là tranh nhau?) hai bầy sâu bọ ùa theo, nhảy nhót, chửi rủa, hò hét inh ỏi, rồi cũng say máu lao vào nhau hỗn chiến. Bỗng nhiên hai con sư tử không đánh nhau nữa, lại còn bắt tay nhau hỉ hả rồi, cùng ngồi phệt xuống tì tì chén chú chén anh mời nhau măng-giê bố-cu xác con dê thối rữa. Máy chuyển cảnh. Hai bầy sâu bọ râu tóc lông cánh tả tơi chưng hửng. Một con, hình như là một con gián hôi, lân la bò tới sau đít hai ông kễnh, chắc là cũng định xin ông anh tí phần. Nhưng hai ông sư tử mải ăn (hay là tham ăn quá) chẳng thèm để ý mà một ông lại vô tình còn bốc nhầm chú gián tội nghiệp ngu xuẩn lên, tý nữa thì bỏ tọt vào mồm.

Nhà văn Nhật Tiến quý mến,

Có một giờ phút nào anh nghĩ tới thân phận thằng văn nghệ chúng ta oai phong lẫm liệt sư tử không?

A! Còn mấy cục cứt chó khô (lại phải xin lỗi anh và talawas lần nữa). Năm 1985, cụ Tào Mạt viết vở chèo có vai thằng hề nổi tiếng. Tôi bảo cụ: “Bố là chúa xỏ xiên, dám cả gan ví văn nghệ là thằng hề”. Cụ Tào Mạt trợn mắt: “Chắc gì đã được là thằng hề. Là mấy cục cứt chó khô!”. Và cụ kể: Năm 1966 ông Thi được cử sang một nước bạn (thật ra là một nước đàn anh) để thông báo, cũng là xin ý kiến sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế ở Hà Nội, mời trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng ở các nước sang dự để phản đối Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam. Sau khi nghe Nguyễn Đình Thi hùng hồn trình bầy (ông Thi vốn nổi tiếng hùng biện), người nghe mặt lạnh tanh, hạ một câu: “Về bảo nhau vót chông mà đánh Mỹ. Mấy cái thằng trí thức, văn nghệ sĩ thì là cái quái gì. Mấy cục cứt chó khô.”

Trong thư anh có viết: “Vì tiếng nói của người cầm bút dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào, bao giờ cũng là tiếng nói của lương tâm dân tộc”. Thưa anh Nhật Tiến, anh cho phép thằng nhà văn hạng 3 này được nói thẳng: Buổi sáng, khi đọc mấy chữ này, bọn chúng tôi đều trợn mắt nhìn nhau và thằng nào cũng lăm le phen này về nhà bàn với vợ, quyết tống cổ mấy thằng con lười học suốt ngày chúi mũi vào chơi games – phen này phải quyết tống cổ mấy thằng nhóc lười như hủi, phấn đấu nay mai trở thành lương tâm của dân tộc, tấm gương phản chiếu của thời đại, đặng vinh danh dòng họ. Thưa anh, mấy cái cụm từ “lương tâm thời đại”, “lương tâm dân tộc”… (và còn một lô một lốc những cụm từ chói lọi nữa mà tôi cam đoan anh chưa bao giờ được nghe), lũ chúng tôi đã bị nhồi nhét quá nhiều rồi. Ngấy quá rồi. Anh đã phải ăn vã liền một lúc một tấn chả quế bao giờ chưa ạ? Ðọc thư của anh, bọn tôi bảo nhau: Ðúng là anh nhiều tuổi rồi. Người già hay xúc động. Xúc động và ngây thơ và cả tin. Tôi bỗng nhớ tới ông Thi. Mấy năm cuối đời tôi hay lếu láo trêu ông, bịa đặt chuyện gì ông Thi cũng tròn mắt: Thế à? Thật thế cơ à? Ôi tâm hồn của những người cao tuổi. Các anh giống nhau quá. Mơ mộng quá. Chẳng trách ở trong nước bây giờ cũng còn có mấy ông cụ nhà văn cổ lai hi rồi mà chẳng chịu ngồi một chỗ, quay mặt vào tường cố mà viết văn đi để cho con cháu, sao lại cứ rừng rực lao ra đường đòi giương cờ thủ lĩnh đánh đu với thiên hạ đi làm cách mạng văn nghệ. Cách mạng văn nghệ là cái con gì hả anh? Nó có đuôi không?

Lại nói tới sứ mạng nhà văn. Tôi vẫn nhớ như in, hồi tôi còn bé ở Hải Phòng, một lần cụ nhà văn Nguyễn Tuân đến chơi với ông Thi. Hai soái văn chương ngồi nói chuyện. Chẳng nhớ ông Thi nói sứ mạng nhà văn những gì những gì…, cuối cùng cụ nhà văn Nguyễn Tuân tru lên: Toa chất lên lưng cái thằng nhà văn chừng ấy sứ mạng không sợ gẫy mẹ mất lưng của nó à? (Lại phải xin lỗi anh và talawas một lần nữa. Lịch sự. Mệt quá.) Sau này lớn lên, tôi hỏi ông Thi những sứ mạng ấy là những sứ mạng gì thì ông Thi nhún vai, xoè hai tay ra (rất Tây)… và không nói. Anh bảo thế có chán không. Có mỗi một thằng con nối dõi văn chương mà lại giấu nhẹm, không truyền bảo bối cho.

Anh Nhật Tiến quý mến,

Tôi không biết các anh ở bên ấy văn chương chữ nghĩa vui vẻ nhộn nhịp thế nào, chứ cái chợ văn chương thơ phú ở trong nước bây giờ hỗn loạn tung bừng như cái chợ trời. (Mà ở chợ trời thì gần như 100% là của dỏm). Nhà nhà làm thơ. Người người viết văn, trùng trùng, điệp điệp. Thú thật là sao người Việt Nam ta bây giờ lại thích thú, thèm khát làm lương tâm của thời đại đến như thế? Ôi nhân dân thật là vĩ đại. Người là ai? Cách đây hai tháng, một buổi tối ở Viện Goethe tại Hà Nội, tôi đã rống lên như thế mấy lần, thế mà cái đám đông ngồi ngay dưới kia, trước mặt tôi, cứ im thin thít. Mấy hôm trước có thằng bạn hoạ sĩ rủ tôi đi dự một cuộc triển lãm cực kì hiện đại, hoành tráng của rất nhiều hoạ sĩ. Thấy tôi cứ trợn mắt lên nhìn, thằng bạn hoạ sĩ nhún vai. Nhìn nữa đi. Nhìn kĩ vào. Ðây là tác phẩm của nhiều hoạ sĩ chứ không phải chỉ là của một hoạ sĩ vẽ đâu đấy nhé. Anh Tiến quý mến, nếu bây giờ chúng ta tổ chức một triển lãm trưng bầy cùng lúc cả ngàn vạn tác phẩm thơ văn của trùng điệp các ông các bà nhà thơ, nhà văn ở trong nước thì, tôi cam đoan anh sẽ có một cảm giác rất… ói và… buồn.

Anh viết: “Ngoại trừ ai giả cứ giả, mỗi người cầm bút chân chính cứ việc sáng tạo theo lương tâm và nguồn cảm hứng của chính mình. Vả lại tôi vẫn luôn luôn tin tưởng rằng thời gian luôn luôn là cái máy sàng lọc tỉnh táo, tinh vi và hữu hiệu nhất. Sẽ không có một thứ hàng giả nào có thể tồn tại mãi mãi với thời gian.”

Tôi vốn là một kỹ sư cầu đường, sau năm 1976 giải ngũ về, ốm đau quá nên đành quay sang làm cái nghề viết văn. Thú thật, tôi chỉ là một thằng nhà văn tay ngang văng mạng, học hành văn chương lỗ mỗ. Tôi nói thật đấy chứ không phải giả vờ khiêm tốn nhưng thực chất lại rất kiêu ngạo (kiêu ngạo ngầm kiểu Tầu) như ông Nguyễn Ðình Thi đâu. (Ông ấy giỏi như thế, tài như thế thì, công bằng, ông ấy có quyền kiêu ngạo.) Ðọc xong mấy dòng chữ trên của anh, tôi mất hết cả hứng thú định trao đổi với anh về một nền văn học giả. Thì ra ở đâu mà chẳng có của giả, của thật. Bàn làm gì. Vớ vẩn, ôm rơm rặm bụng có phải không anh, trong khi chính mình có khi cũng đang làm của giả mà không biết. Tôi bỗng rùng mình. Tại sao văn học nó chập chờn, quái quỷ như vậy? Cái hình thật tươi đẹp của nó ở đâu và cái bóng giả dối gớm ghiếc của nó cứ rình mò giăng bẫy ta, nó ở đâu, thưa anh?

Anh nói rằng cuộc trao đổi lan man của chúng ta cũng có cái gì không phải vô ích. Và anh hy vọng… Nhưng tôi nghĩ khác đấy anh ạ. Tôi thấy dân tộc mình mấy chục năm nay đã quen là hễ cứ ngồi lại với nhau thì lập tức ông nói gà, bà nói vịt, ấy là chưa kể còn có cái tật quái dị là chưa nói thì đã gầm gừ nhe răng ra rồi. Mấy hôm nay cũng đã có kẻ nhe răng gầm gừ với tôi rồi anh ạ. Tôi có bảo họ: Khốn nạn, tôi và một ông anh nhà văn lạ hoắc đang mò mẫm ngô ngọng mời nhau trệu trạo ăn vã mấy miếng cơm nhạt văn nghệ. Ðã đâu vào đâu mà các vị nhảy xổ tới trút cả thúng dồi chó chính trị vu cáo hèn hạ thiu thối lên mâm bát của chúng tôi thế! Anh có thích măng-giê cơm nắm chấm với thứ dồi chó đặc sản đó không, thứ dồi chó chính trị tởm lợm đó? Tôi thì không.

Trước khi dừng bút, tôi muốn gửi tới anh một lời cám ơn tự đáy lòng. Qua cuộc trao đổi này, tôi đã học thêm bài học về sự lịch lãm, khiêm nhường, nín nhịn và nhất là cái đẳng cấp văn hoá tối thiểu phải có khi nói chuyện với một nhà văn, nhất là khi người đó cầm bút trước mình và lại là người nhiều tuổi.

Một mùa hè nào đấy, hay là hè 2008 đi, hẹn gặp anh ở đất nước Thuỵ Sĩ hiền lành. Có thể cao hứng lên, tôi hỗn láo thắp một nén nhang mở di cảo của Nguyễn Đình Thi ra đọc trộm vài đoạn trong chương Nhân văn-Giai phẩm và văn nghệ đổi mới cho anh nghe. Không hiểu nghe xong anh sẽ gật gù… ừ, cũng có ích cho những ai còn thích quan tâm tới hai cái đống rác này. Nhưng cũng có thể anh chỉ nhún vai (rất Tây) và… không nói gì.

Trân trọng kính chào.

Nguyễn Ðình Chính

© 2007 talawas