California ngày 5 tháng 1-2013,
T/g bạn Tạ Vũ,
Hôm nay ngồi viết cho bạn lá thư này kể cũng là hơi trễ. Nhưng cũng có lý do !
Đó là cuộc thăm viếng của nhà thơ Chử Thu Hằng và các văn thi hữu ở nhà bạn hồi tháng trước, đã để lại trong tôi những dư âm rất mạnh mẽ. (Tôi chắc bạn cũng có cùng cảm nghĩ như vậy).
Cuộc viếng thăm ấy đã được thuật lại với rất nhiều hình ảnh của vợ chồng bạn cùng căn buồng mà hai bạn đang cư ngụ. Tôi đã vô cùng xúc động, ngắm nhìn không biết bao nhiêu lần để hình dung cuộc sống cũng như tâm tình của các bạn ở thời buổi bây giờ. Tôi cũng đoán ra rằng bạn cũng hết sức vui mừng và bùi ngùi xăm xoi đọc từng dòng trên trang giấy in lại bài viết “Những người bao năm cũ”của tôi.
Những cảm xúc như thế hầu như vẫn còn tràn đầy trong tâm trí nên tôi quên bẵng ngay chuyện phải viết ngay cho bạn vài lời thăm hỏi.
Hôm nay nhân ngày đầu năm 2013, tôi gửi bạn lá thư đầu tiên sau gần tròn 60 năm cách biệt !
Con số 60 năm nghe có vẻ xa xăm, vời vợi, nhưng tôi thì vẫn hình dung ra bạn Vũ Hùng, lấy bút hiệu Tạ Vũ ngay từ hồi còn cắp sách đến trường Văn Hóa của giáo sư Nguyễn Khắc Kham cùng với đám Song Hồ (Nguyễn Thanh Đạm), Dương Vy Long, Nguyễn đình Toàn, Nguyễn Quang Dzi, Nguyễn Yên Tri….
Hình ảnh Vũ Hùng thời xưa với Tạ Vũ bây giờ, đối với tôi không khác gì bao nhiêu, mặc dù tuổi tác có chồng chất trên bạn có tới hơn một nửa thế kỷ nữa rồi. Bởi tôi vẫn thấy ở bạn cái tính hào sảng ngày xưa, một đôi lúc bốc đồng thì vượt khỏi những tiểu tiết đời thường để sống trọn cho những Ý tưởng Sáng tạo của chính mình.
Mấy đoạn thơ của bạn tôi còn nhớ được (rất ít ỏi) là nhờ đã ghi chép lại được khi bạn rời căn nhà ở đầu phố hàng Chiếu để vào cư ngụ trong Chùa Tầu, phố Sinh Từ. Tôi không biết cô Vĩnh nay ra sao hay đã quy tiên rồi. Nhưng chắc bạn không biết rằng vào thời kỳ đó, Cô đang hoạt động cho Kháng Chiến trong nội thành và một lần do nhu cầu công tác, cô cần tiếp xúc với cán bộ kháng chiến ở một làng nào đó quanh Hà Nội, cô đã kéo tôi đi theo ra hậu phương. Vụ này vì đi, về chót lọt nên không hề ai hay biết.
Sau 1975, có vài lần tôi hỏi Nhật Tuấn về tin tức Tạ Vũ thì chỉ được cho biết rằng bạn vẫn tiếp tục làm thơ và trở thành nhà thơ của giới Công nhân bốc vác trong ngành Xây cất. Đến Tuấn mà không biết tin tức thêm của bạn thì còn ai nữa, nên tôi đành chịu thua và chỉ đành ngậm ngùi một khi nhớ đến những người bao năm cũ.
Những người ấy, kẻ rất thân thiết với Tạ Vũ thì phải kể tới Song Hồ, Nguyễn Thanh Đạm. Hồi Đạm mất ở Houston -Texas (9-2009), tôi có viết một bài tưởng niệm in trên báo Việt Tide ấn hành ở Nam Cali. Có đoạn như sau :
…….
Đã có một thời, Song Hồ, Nguyễn đình Toàn và chúng tôi (Nhật Tiến, Đỗ Phương Khanh) ở chung với nhau trong một căn nhà lụp xụp ở Xóm Gà gần ngã ba Bình Hòa bên Gia Định. Rồi bỗng nhiên Song Hồ biến mất. Hóa ra anh được đại tá Hồ Hán Sơn đón lên Tây Ninh gặp trung tướng Nguyễn Thành Phương và yết kiến Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Ở đây, anh nhận chức cố vấn văn nghệ, báo chí và đảm trách tờ tuần báo Quyết Thắng cùng đài phát thanh Long Hoa của đạo Cao Đài. Khi thủ tướng Ngô Đình Diệm tiến hành chủ trương thống nhất quyền lực, Song Hồ bỏ Tây Ninh về Sài Gòn rồi làm việc tại Văn Hóa Vụ do Kiến trúc sư Võ Đức Diên sáng lập. Cuối năm 1958, Song Hồ cùng Dương Vy Long được cử qua Cao Miên làm công tác văn hóa cho tòa đại sứ VNCH, tại đây hai người lo chấn chỉnh lại tờ Hồn Việt vốn là một nhật báo dành cho Việt kiều ở Nam Vang, trong đó Song Hồ giữ vai trò chủ bút. Tuy nhiên, công việc này không lâu bền. Một năm sau, cả hai trở lại Sài Gòn. Song Hồ đi dạy học và tiếp tục làm thơ. Dương Vy Long nhập ngũ rồi sau trở thành Dân Biểu Quốc Hội Đệ Nhị Cộng Hòa.
Tác phẩm đầu tay của Song Hồ là cuốn Hai Cánh Hoa Tim do nhà Huyền Trân xuất bản năm 1960 và sau đó là cuốn Thơ Song Hồ do nhà Khai Trí ấn hành năm 1964. Anh còn 2 tác phẩm khác đã soạn xong trước năm 1975, một cuốn tên là Việt Nam Mãi Mãi, một tuyển tập Ca Dao, Thơ và Hình ảnh của 3 miền đất nước do anh sưu khảo, tuyển lựa có sự đóng góp của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm về phần hình ảnh. Sách dầy 1,400 trang đã được nhà Khai Trí chuẩn bị cho in thì biến cố 1975 làm việc in không thành và bản thảo bị thất lạc. Cuốn thứ hai là một tập thơ mang tên Đám Cháy Trên Địa Cầu bao gồm 1,600 câu thơ nói về cuộc chiến ở Việt Nam. Tác phẩm này không được phép in năm 1973 và khi CS tiến chiếm Sài Gòn, bản thảo cũng bị thiêu hủy chung với số phận của nhiều tác phẩm khác của miền Nam. Trong thời gian kẹt lại ở Sài Gòn, sống dưới chế độ mới, Song Hồ vẫn âm thầm tiếp tục làm thơ. Như bài “Hỡi Em Nhỏ Cô Đơn” sau đây, do anh sáng tác năm 1981, in trong tác phẩm Đá và Hoa, ấn hành năm 1992:
HỠI EM NHỎ CÔ ĐƠN
Hỡi em nhỏ cô đơn!
Đang lang thang ngoài phố.
Em ơi đi đâu đó?
Cho ta hỏi đôi lời:
– Cha đâu? – Bị cải tạo !
– Mẹ đâu? – Buôn chợ trờI !
– Anh đâu? – Ở Cam Bốt !
– Chị đâu? – Vượt biên rồi !
– Ông đâu? – Đấu tố chết !
– Bà đâu? – Buồn qua đời !
– Cô đâu? – Kinh tế mới !
– Bác đâu? – Tự tử rồi
Thôi ! thôi ! Không hỏi nữa !
Tim ta quá bồi hồi
Sao em còn nhỏ tuổi
Đã biết nhiều chuyện đời
Sao mảnh đất nhỏ bé
Xẩy nhiều chuyện rụng rời….
…….
(1981)
Mãi cuối năm 1987, Song Hồ mới đi định cư ở Texas. Nơi cư ngụ chính thức của anh là ở dẫy số 9000 Virgil Circle thành phố Austin, Texas. Đời sống của anh ở đây rất trầm lặng, ít giao dịch với bên ngoài, thân thể bệnh hoạn được sự chăm sóc tận tình của vợ anh, chị Nguyễn Thanh Đạm. Anh cũng ít làm thơ đăng báo, thật khác biệt rất xa với cuộc đời trôi nổi của anh kể từ buổi đầu đời.
Nhưng anh cũng có 2 tác phẩm ấn hành ở hải ngoại. Cuốn Đá và Hoa do nhà Hướng Dương xuất bản năm 1992 và cuốn Rock and Flower do chính anh tuyển lựa thơ của mình và tự dịch ra Anh ngữ, xuất bản năm 2000.
Bài này được viết sau khi tôi được tin Song Hồ Nguyễn Thanh Đạm vừa qua đời vào ngày 20-5-2009 tại một bệnh viện ở Houston, Texas. Nghi lễ hỏa táng cũng được tiến hành cũng ở thành phố này vài ngày sau đó. Thân nhân còn lại của anh, ngoài chị Nguyễn Thanh Đạm và một cháu trai tên Nguyễn Bảo Hoàng (vượt biển, định cư ở Canada) còn có vợ chồng người chị ruột của anh, tức nhiếp ảnh gia Văn Vũ và phu nhân.
Lúc sinh thời, bạn bè văn nghệ xếp loại Song Hồ vào hàng ngũ những thi sĩ. Bản thân anh cũng tự coi mình như thế. Anh tha thiết với Thơ, cuối đời sống chìm đắm trong không khí Thơ, nghĩ về Thơ, luôn luôn đề cao vai trò của Thơ và trao cho Thơ những khả năng nhiệm mầu, những sứ mạng vô cùng cao cả.
Xin trích vài đoạn trong bài “ Nghĩ về Thơ” bao gồm 21 đoạn do anh viết năm 1989:
Thơ có một số người ghét vì quá nhiều người yêu Thơ
Kẻ ghét Thơ là những ông Vua không có văn hóa, những Tướng lãnh bất tài, những kẻ có quyền hành mà áp bức ngườI khác, bọn trọc phú và những người ngu dốt
Họ ghét Thơ vì Thơ đả động đến những thói xấu.
Họ sợ Thơ vì Thơ không Ích Kỷ.
*
Thơ là sự Tuyệt Đối
Một Nhà Văn thành công cũng muốn viết dăm ba bài thơ, nhưng một Thi Sĩ thành công chẳng bao giờ muốn viết truyện dù rằng một cuốn.
Trong Thơ cũng có tranh, có nhạc, nên Thi Sĩ cũng chẳng bao giờ mơ ước trở thành Họa sĩ, Nhạc sĩ.
Trong cuộc sống đã cho thấy những ông Vua muốn trở thành Thi Sĩ, nhưng chẳng có một Thi Sĩ nào trở thành một ông Vua.
Có lẽ con đường mà người Thi Sĩ lựa chọn là con đường bạc bẽo nhất, nhưng cũng có hoa thơm cỏ lạ và tuyệt vời nhất.
*
Thơ là Tai Họa. Thơ chống lại sự suy thoái về Chánh Trị, sự u mê về Tín Ngưỡng, sự sa đọa về Văn Hóa.
Người làm Thơ bị kết án, bị bỏ tù, bị giết chết. Tính mạng được treo giá.
Thi Phẩm bị cấm đoán, bị tịch thu, bị thiêu đốt.
Thơ khai chiến với Điều Xấu.
Điều Xấu thắng : Thơ là Tự sát.
*
Thơ là Sự Can Đảm. Can Đảm đứng trước cái Chết
Can Đảm đứng giữa bờ Tử Sinh.
Từ bỏ cái Thực đi vào cái Mộng
Từ bỏ Giầu sang đi vào Nghèo Nàn.
Từ bỏ cái Vui để vào Buồn Phiền.
Từ bỏ Hạnh Phúc để vào Đớn Đau.
Từ bỏ cái Nguyên vẹn để vào cái Tan Vỡ.
Từ bỏ cái Có để vào cái Không.
Từ bỏ cái Nhất Thời để vào cái Vĩnh Viễn,
Hay đôi khi trái ngược lại.
Can Đảm của Thơ là yêu người mà người không yêu mình.
Yêu Đời mà Đời phụ mình.
Và Thi Sĩ là một người sống trong một Thế Giới Treo Ngược.
SONG HỒ
( Trích Nghĩ Về Thơ -1989)
Vĩnh biệt Song Hồ, một nhà Thơ Việt Nam đích thực của những năm dài khổ đau vì chiến tranh, vì chia rẽ hận thù, vì đè nén, áp bức và cả vì những ngày dài lưu lạc trên xứ người.
Với tâm hồn thấm đẫm chất Thơ của anh, bạn bè đều tin tưởng anh sẽ tìm thấy được sự bình an nơi cõi vĩnh hằng.
NHẬT TIẾN
Cali tháng 6-2009
****
Bạn Tạ Vũ,
Miên man chuyện Thơ Văn, chuyện Dĩ vãng với bạn thì chắc cả năm không hết. Rất tiếc là từ năm ngoái trở đi, tôi bỗng thấy yếu hẳn, chắc không còn có thể thực hiện một cuộc hành trình dài cả trên 10.000 cây số để về thăm bạn được nữa rồi .
Thôi thì ta cứ mượn trang giấy để thỉnh thoảng gửi cho nhau đọc và để nhắc nhở rằng, dù xa xôi cách trở và thời gian đằng đẵng, nhưng tâm tình thì vẫn như xưa.
Thân chúc Bạn cùng Bà xã, nhà thơ Nguyễn thị Điều luôn tâm đầu ý hợp và còn sáng tác nhiều Thơ nữa nhằm để lại cho đám trẻ đi sau di sản tinh thần của thế hệ đi trước .
Thân ái
Nhật Tiến
TB.- Tôi đang chuẩn bị cho in lại cuốn “Thuở Mơ Làm Văn Sĩ” (in lần đầu ở Sài Gòn năm 1973), trong đó tôi có ghi lại hình ảnh của đám thanh, thiếu niên Hà Nội hồi đầu thập niên 50’s của Thế kỷ trước cùng nhau tấp tểnh sinh hoạt văn nghệ và nỗ lực sáng tác để mơ được trở thành Văn hay Thi sĩ. Khi có dịp, tôi sẽ gửi đến bạn sau.