California ngày 23-1-2015,
Thân gửi anh Nguyễn Đức Sơn,
Qua vợ chồng cháu Lê Quang Trường và Huỳnh Bá Thịnh [mà nhà tôi (Đỗ Phương Khanh) vẫn thường liên lạc], tôi được biết anh vẫn bình an, mạnh khỏe ở Lâm Đồng.
Ở bên này, mấy năm trước vì còn sức khỏe nên tôi cũng sinh hoạt đôi chút trong làng Văn, làng Báo để in được một số sách cùng là góp phần bài vở cho một tờ tuần báo ở đây trong vai trò Thư ký Tòa soạn. Tờ báo này (tên Việt Tide) ra số đầu vào tháng 7 năm 2001, nhưng đến năm 2010 thì chuyển nhượng qua nhóm khác và tôi thì từ đó cũng nghỉ làm báo luôn.
Trong thời gian cộng tác với Việt Tide, tôi có kể cho độc giả nghe câu chuyện về anh trong một kỷ niệm khó quên như sau:
“Tại trụ sở Trung Tâm Văn Bút Việt Nam ở số 107 Đoàn thị Điểm Sài Gòn, nếu là ở thời kỳ sinh hoạt bình thường thì ngôi biệt thự đồ sộ ấy chỉ nhộn nhịp vào những ngày Thứ Bẩy hay Chủ Nhật là những ngày có các buổi hội thảo về văn chương hay những buổi ra mắt sách. Riêng mỗi thứ Tư hàng tuần thì có buổi họp của ban Thường Vụ nên đèn đóm cũng bật sáng và có xe cộ ra vào. Nhưng khi tình hình chiến sự đã thay đổi, số hội viên lui tới trụ sở này thường xuyên hơn trước và bất kể giờ giấc. Mọi người lui tới để trao đổi tin tức, để bàn luận riêng về những chuyến đi, và đặc biệt hơn cả là thúc đẩy Ban Thường vụ sử dụng cương vị của mình để vận động những chuyến ra đi tập thể dành cho anh chị em văn nghệ sĩ. Nhưng tất cả những nỗ lực ấy không đem lại một kết quả nào. Không một hội viên nào được cung cấp phương tiện ra đi nhân danh Trung Tâm Văn Bút Việt Nam . Rồi thì cơn sụp đổ toàn diện đã tới. !
Vào buổi trưa ngày 1 tháng 5-1975, khi Ban Thường Vụ đang lo dọn dẹp hồ sơ, giấy tờ thì thi sĩ Nguyễn Đức Sơn đạp xe tới. Ông nói :
– Tôi chẳng có bất cứ một thứ giấy tờ nào để tuỳ thân. Văn Bút cấp cho tôi một cái !
Ông Tổng Thư ký chép miệng :
– Cậu đùa sao ? Miền Nam mất rồi, Văn Bút còn tư cách gì để cấp giấy chứng nhận cho ai.
Nguyễn Đức Sơn cười ngỏn ngoẻn :
– Cứ đề mẹ nó là Văn Bút Giải Phóng, tôi đem về tỉnh, có thằng ma nào biết ai vào với ai.
Trước tình cảnh liên hệ tới sự sống còn của anh em văn nghệ, và lại ở vào những giây phút cực kỳ rối bời và hấp hối ấy, Ban Thường Vụ tự thấy nếu có thể làm được bất cứ điều gì giúp được hội viên thì cứ vượt qua nguyên tắc mà làm. Cho nên một cái giấy chứng nhận đã được đánh máy, như sau :
GIẤY CHỨNG NHẬN
Nay chứng nhận : Ông Nguyễn Đức Sơn
Sinh năm : ….
là : Hội viên của Hội Văn Bút Giải Phóng.
Giấy này được cấp cho ông Nguyễn Đức Sơn để tiện việc di chuyển.
Làm tại Sài Gòn ngày 1-5-1975
- ban Chấp hành
( ký tên không rõ)
Bên lề tấm giấy còn có dán ảnh của Nguyễn Đức Sơn trên ảnh có đóng triện son đỏ chói.
Có tấm giấy trong tay, Nguyễn Đức Sơn quơ tay chào mọi người rồi biến nhanh xuống cầu thang. Ông cũng không nói cho anh em có mặt lúc đó là sẽ đi đâu, làm gì.
Mãi bốn năm sau, vào khoảng giữa năm 1979, một hôm Nguyễn Đức Sơn đột ngột xuất hiện ở cửa nhà tôi ở đường Bùi Viện Sài Gòn. Quần áo của ông rách rưới, ông ngồi trên chiếc xe đạp mà từ tay lái tới khung xe, tới cái porte- bagages phía đàng sau, lủng lẳng, treo buộc hộp không, chai lọ và đủ thứ đồ. Có túm thì đựng măng khô, có túm thì củ mài, có những bọc lá thuốc không biết là để chữa bệnh gì, duy có một bọc được gói ghém cẩn thận mà ông đã giơ lên khoe :
– Trà Blao đây ! Tớ đạp xe 3 ngày từ Blao xuống. Mấy cái gói kia thì nhặt nhạnh ở dọc đường. Nhưng cái món trà này thì đích thị là quà biếu thổ sản đấy.
Tôi thực sự vui mừng chỉ thiếu điều ôm lấy ông vì thấy ông vẫn bình an, mạnh khoẻ, cất cho tôi cái điều băn khoăn vẫn canh cánh bên lòng là ông có được an toàn không, khi ông mang cái giấy chứng nhận dỏm kia trong người. Nhắc lại chuyện đó, ông cười ha hả :
– Ôi giời ơi ! Cứu tinh của tớ đấy. Ngay sau hôm đó, tớ chuồn tuốt lên Bảo Lộc và nhờ có cái giấy thổ tả này, tớ đi đâu cũng lọt. Nhưng tớ đã dẫn tuốt vợ con vô rừng, kiếm củi trồng khoai mà sống với nhau. Không có đứa nào làm phiền hết!!
****
Kể lại chuyện này chắc hẳn anh còn nhớ. Tôi thì cứ mỗi khi nghĩ đến thì lại mỉm cười và không thể quên hình ảnh của anh đạp cái xe lếch thếch đến thăm chúng tôi ở số 230 đường Bùi Viện vào thời gian mà tôi vẫn còn tiếp tục dạy Lý Hóa ở trường Hưng Đạo, đường Cống Quỳnh cho tới năm 1979 là năm tôi xuống thuyền ra khơi ở khu Phước Tỉnh, gần Vũng Tàu.
Tưởng như mới đó, thế mà đã gần 40 năm qua rồi !!!
Nhìn mấy tấm hình do vợ chồng cháu Trường & Thịnh chụp anh ở Lâm Đồng khoảng 1, 2 năm trước, thấy anh vẫn còn khỏe mạnh chúng tôi rất mừng. Còn chúng tôi thì nay cũng yếu đi nhiều, hết còn bương chải như xưa mà chỉ còn cái computer làm bạn quẩn quanh suốt ngày thôi. Cũng rất muốn về VN thăm bà con, bạn bè một lần nữa, nhưng đường bay thì quá dài, thời gian chờ đợi và làm thủ tục ở phi trường lại cũng rất mệt mỏi. Cho nên cũng đành chịu thôi. Đành gửi thư này hỏi thăm anh và xin chúc anh cùng toàn thể quý quyến luôn bình an hạnh phúc.
NHẬT TIẾN – ĐỖ PHƯƠNG KHANH