Thụy Khuê Đọc Mồ Hôi Của Đá Của Nhật Tiến

Mồ Hôi Của Đá

Mồ Hôi Của Đá

 

Có những nhà văn dùng tiểu thuyết để nói lên thực trạng của cuộc đời, để miêu tả đời sống , để chứng minh cuộc đời hiện hữu.

Có những nhà văn dùng tiểu thuyết để cải tạo xã hội, minh định một lập trường, giãi bầy một khái niệm tư tưởng và hy vọng thông điệp của mình sẽ đến tay người đọc qua tác phẩm.

Nhật Tiến ở trong loại thứ nhì. Ông bắt đầu viết Mồ Hôi Của Đá tại trại tỵ nan Songkhla Thái Lan  từ năm 1980 rồi phải rời trại tỵ nạn sang định cư tại Hoa Kỳ. Do nhu cầu sinh sống, tác phẩm phải đình lại. Sự chậm trễ này là dịp  để Nhật Tiến suy nghĩ hêm về thực trạng quê hương. Vào năm 1988 khi tác phẩm ra đời, Mồ Hôi Của Đá mang những nhận xét mới về tình thế của quê hương, đất nước, chủ yếu ở phần kết ông đề nghị một con đường những người ở hai phía đã từng chiến đấu  dưới mầu cờ này hay mầu cờ khác cùng ngồi lại với nhau tìm một đường lối đấu tranh ôn hòa cho tự do, dân chủ . Quan niệm về quê hương của ông cũng đã mở rộng hơn tầm mắt nhiều người. Nhật Tiến viết :

“  Quê hương bây giờ là vấn đề của dân tộc, của chung tất cả những người cùng chia xẻ với nhau một ước mơ là xây dựng lại trên quê hương một xã hội tự do, công bằng, hạnh phúc, không phân biệt những ai đến từ đâu, miền Nam hay miền Bắc, đã từng phục vụ ở bên này hay bên kia.

Những con người ấy đã tới thời điểm nhận thức được chỗ đứng của mình, hiểu rõ ước muốn của mình, nhìn ra được con đường phải đi của mình trong một vận hội mới, nhằm phục hồi và xây dựng lại quê hương đang điêu tàn, đen tối và đầy rẫy nhục nhằn như hiện nay.

Bây giờ lịch sử đã qua một trang khác !

Hoài vọng khôi phục lại một miền Nam gọi là Miền Nam Tự Do như trước đây là một hoài vọng không chính đáng, vì hoài vọng khôi phục ấy phải được đặt trên một kích thước rộng lớn hơn, mang đích thực tầm vóc lớn lao của dân tộc hơn, và do đó cần phải có yếu tố tập hợp thích nghi hơn, ngõ hầu hàng ngũ của chính nghĩa tự do có thể quy tụ được nhiều người, thuộc nhiều phía mà họ vốn cũng đã từng là  nạn nhân của Cộng sản, của độc tài, của bạo lực, của tham nhũng bóc lột, của những ý đồ đen tối chính trị  và những tham vọng cá nhân.

Tôi nghĩ rằng Văn Hóa nói chung, Văn Học Nghệ Thuật nói riêng, có khả năng góp phần vào công cuộc tạo dựng những điều kiện quy tụ tốt đẹp kể trên trong công cuộc hình thành một sức mạnh tổng hợp cả trong lẫn ngoài nước để hoàn thành sứ mạng giải phóng quê hương.

Sự may mắn của người cầm bút lưu vong là ở chỗ họ đang sinh sống ở một xã hội cho họ những điều kiện để có thể tiến hành những thử thách đó, trái ngược hẳn với anh chị em cầm bút ở quê nhà hiện nay, muốn viết lên những tâm tư nguyện vọng của mình mà không viết được.”

Chúng ta vừa đọc những lời giới thiệu của Nhật Tiến trước khi vào truyện.

Giãi bầy một tư tưởng như thế về quê hương đối với bất cứ một dân tộc nào khác cũng chì là một sự thực hiển nhiên, một tấm lòng thành thực đối với đất nước không ai chối cãi được.

Nhưng với hiện tình của người Việt hải ngoại trong thập niên 80-90 thì đó là một tư tưởng mới, mới lắm và Nhật Tiến đã bị dư luận cực đoan chống đối, gạt bỏ.

Trong Mồ Hôi Của Đá , Nhật Tiến muốn xóa bỏ hận thù, muốn bắc lại nhịp cầu Nam-Bắc, muốn coi đất nước hai miền là một, toàn dân là nạn nhân chung của nghèo đói, cơ cực, tham nhũng hậu quả của chế độ độc tài, lạc hậu.

Câu chuyện diễn ra ở miền Nam, nhân vật chính là Nguyệt, chán nản với tệ đoan xã hội dưới chế độ miền Nam cũ , sau biến cố 1975 Nguyệt quyết định đi theo chế độ mới, hy vọng xây dựng một tương lai tốt đẹp cho đất nước. Ban đầu với bao hăng say sôi nổi rồi dần dà nàng gặp những khó khăn rồi nhận ra thực trạng của cuộc đời. Nếu chế độ miền Nam cũ có những khuôn mặt thối tha như Hồng Phát thì chế độ miền Bắc cũng mới đem vào những khuôn mặt bỉ ổi như Sáu Thu.

Nhận ra được thực trạng ê chề đó, Nguyệt quyết định chuyển mình, không lựa chọn giải pháp vượt biển vĩnh viễn ra đi. Nàng ở lại, nhưng ở lại để tranh đấu dưới hình thức bất bạo động trên quê hương đất nước mình.

Những người ở lại trên quê hương như Nguyệt giải thích con đường của họ :

– “ Chúng ta sẽ nhóm lên những ngọn lửa và trông cho nó lan thành những cơn bão lớn  chứ không phải trông chờ ở những ai bật đèn xanh đèn đỏ gì hết, bởi chính dân tộc của chúng ta nắm vận mệnh quê hương chúng ta chứ không phải ai khác. Chúng ta còn cả quê hương đất nước và con người. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình mất quê hương cả. Quê hương của chúng ta hiện nay chỉ đang đi trên một giai đoạn lầm than, đang rất cần những nỗ lực của mọi người để đưa nó qua khỏi giai đoạn lầm than ấy mà thôi.”

Chúng ta vừa đọc một đoạn trong Mồ Hôi Của Đá.

Thập niên 80, trong môi trường hải ngoại, hai chữ “mất nước” đã du nhập vào ngôn ngữ của nhiều người.

Khẳng định rằng chúng ta chưa mất quê hương, Nhật Tiến đã chọn con đường can đảm khó đi. Một phần vì phải đối thoại với những thói quen khó bỏ. Một phần  phải đối phó với những tư tưởng cực đoan, cứng rắn.  Nhưng việc gì mà chẳng có những bước đầu và Nhật Tiến là nhà văn đi tiên phong trong việc ấy. Ông đưa ra những nhân vật CS tốt như ông Năm Tỏa, một người suốt đời đi theo cách mạng liêm khiết, yêu nước, muốn xây dựng tương lai đất nước sáng sủa hơn.

Nói tóm lại đó là một nhân vật mà các nhà văn hải ngoại dù có muốn đề cập tới  cũng phải dè dặt, né tránh sợ bị ngộ nhận, chụp mũ là thiên Cộng.

Lối suy tư của một số thành phần chống Cộng cực đoan tại hải ngoại về người CS không khác lối suy nghĩ giáo điều của một số người CS về thành phần ngụy, phản động, đại khái cũng giống như người Mỹ khi bắt đầu làm phim cao bồi thì phim nào cũng chỉ thấy người da đỏ xuất hiện như những quân man rợ, chỉ biết nhẩy chồm chồm, nói ú ớ, giết người như ngóe.

Đùng một cái, có một đạo diễn nhẩy ra làm phim cao bồi với những người da đỏ thông minh, biết suy nghĩ, yêu thương và có một tấm lòng. Hình ảnh  đó lúc đầu bị phản đối coi như một sự ngạo mạn, phỉ báng dân tộc Mỹ nhưng thật ra khi làm việc ấy, người đạo diễn can đảm kia đã mang lại cho dân tộc Mỹ cái giá trị nhân bản mà người Mỹ đánh mất khi sáng chế ra những phim cao bồi với những người da đỏ  nhẩy chồm chồm như đã nói ở trên.

Tác dụng của Nhật Tiến trong Mồ Hôi Của Đá cũng tương tự như thế.

Khi ông đặt người Việt ở hai bờ vĩ tuyến trên cùng một bình diện với nhau, CS hay không CS đều có kẻ xấu người tốt. Đó là  một sự thực nhưng từ trước tới nay có tác giả nào ở cả trong lẫn ngoài nước đã rạch ròi phanh phui hoặc đề cập tới vì lúc nào chúng ta cũng quan niệm rằng chưa phải lúc, rằng phải chĩa mũi dùi vào đối phương.

Ngoài ra Mồ Hôi Của Đá có nhận xét khá sâu sắc về tâm lý một số người miền Nam. Ông viết :

Đi đâu chàng cũng nghe một kiểu lập luận chống Cộng mà theo chàng là hết sức ấu trĩ như thể cán bộ nghèo đói, ngu dốt, bộ đội răng đen mã tấu với những ngôn ngữ quê mùa, cục mịch của họ như cái phin cà phê là cái nồi ngồi trên cái cốc ..v..v…Nhưng chưa mấy ai nhìn được ra rằng  tất cả sự nghèo đói, ngu dốt, quê mùa ấy  đều là sản phẩm của  một chế độ ngu dân, cực kỳ phong kiến hơn cả thời đại cực thịnh của phong kiến….và do đó họ không đáng bị mỉa mai, chê cười nếu không muốn nói là đáng thương xót”.

Trước đây, người miền Nam miệt thị dân miền Bắc là chỉ quan tâm đến vấn đề xin xỏ, lượm mót đủ thứ để rồi ùn ùn chở về Bắc, nhưng hiện nay, tình trạng kiệt quệ của đời sống đã đẩy mọi người đến hoàn cảnh tương tự. Biết bao người đã trông chờ vào nguồn tiếp tế của thân nhân ở  hải ngoại.

Nhật Tiến mô tả trường hợp một người mẹ già lặn lội  từ Bắc vào Nam thăm con, chắt chiu vài thước vải quý báu, những chiếc bát đĩa hiếm hoi thô thiển đem vào cho con. Đến nơi, bà mẹ không ngờ con mình sống trong một biệt thự sang trọng như thế. Chồng bát đĩa thô sơ  này của bà cụ  bị ném vào sọt rác với lời lẽ châm biếm của vợ chồng đứa con về món quà thổ tả này. Nhật Tiến viết tiếp:

Không mấy ai nhìn ra tấm lòng yêu thương của bà mẹ gói ghém trong món quà “thổ tả” đó.  Chưa thấy ai lên án cái hành vi ném cả chồng bát đã vượt qua bao gian nan khổ ải, chứa đựng đầy lòng yêu thương đó vào sọt rác.”

Lối nhìn trung thực của Nhật Tiến về nhân phẩm và tư cách của tất cả người Việt ở hai miền Nam-Bắc không phân biệt Quốc Gia hay Cộng Sản, những biện pháp ông đề nghị để cải tạo xã hội, để thay đổi chiều hướng suy nghĩ của hai phía, khuynh hướng muốn đoàn tụ tất cả người Việt vào một khối chống lại kẻ thù chung là tham nhũng, đói rách, chậm tiến hậu quả của chế độ độc tài. Qua tác phẩm,  Nhật Tiến đã đạt được.

Nếu Mồ Hôi Của Đá thành công trong luận đề, nhưng trên phương diện nghệ thuật, Mồ Hôi Của Đá là một thất bại. Những nhân vật của Nhật Tiến phải sống trong vai trò gượng ép của đời sống, nói những lý thuyết, lập luận của nhà văn nên họ trở thành quy ước, giả tạo.

Tuy vậy, Mồ Hôi Của Đá vẫn là một tác phẩm quan trọng về mặt tư tưởng, là tác phẩm đầu tiên trong văn học Việt Nam sau chiến tranh đề xướng khuynh hướng hòa hợp hòa giải dân tộc  xóa bỏ hận thù.

Giữa lúc quan điểm về quê hương đất nước vẫn còn xâu xé nhau, người Việt  hai miền vẫn chưa dám nhìn thẳng nhau trong ánh mắt, Mồ Hôi Của Đá đặt vấn đề, tìm những giải đáp và đưa ra những biện pháp nhân bản của một nhà văn, điều mà những người cầm quyền trong nước vẫn còn bịt tai, câm lặng và  cấm cản, điều mà những người chống Cộng cực đoan chối bỏ vì hủ lậu và tự dối mình.

Cho nên, nếu Nhật Tiến chủ ý hy sinh phần giá trị nghệ thuật trong Mồ Hôi Của Đá để bộc lộ phần tư tưởng chủ yếu của mình thì sự hy sinh ấy đã không vô ích và  đáng để cho chúng ta suy ngẫm…..

THỤY KHUÊ

(Radio France International)