Vài Trang Bi Sử- Lời Nói Đầu

THUYỀN NHÂN là danh xưng của những người tỵ nạn Cộng sản bằng tầu thuyền vượt qua biển Đông để tới các xứ sở tự do ở Đông Nam Á.

Đây là một hành trình vô cùng gian nan bởi nhiều lý do: phải qua được màng lưới công an cộng sản để con thuyền thoát được ra khơi, rồi con thuyền mỏng manh chật hẹp chất chứa chật ních người phải đối phó với giông bão, với  máy móc hư hỏng để bị trôi giạt giữa biển khơi mênh mông, thiếu nuớc, thiếu thực phẩm , thuốc men và sau cùng là tệ nạn hải tặc người Thái Lan hoặc Mã Lai mà bình thuờng là ngư phủ đánh cá, khi gặp tầu thuyền tỵ nạn VN thì trở thành hải tặc.  Chúng tràn lên thuyền tỵ nạn để lục soát và moi móc đủ thứ : vàng, nữ trang, đô la,  đồng hồ, quần áo, hải bàn đi biển,  tháo gỡ máy móc, thậm chí có toán hải tặc còn lấy cả xăng dầu dự trữ trên thuyền nữa.  Cuối cùng là  bạo hành phụ nữ, ai chống cự thì bị đâm, chém rồi xô xuống biển.

Rồi chúng bỏ đi. Nhưng chỉ vài giờ sau, toán khác lại ập tới, nếu không còn kiếm chác được gì thì tức giận ném con nít xuống biển xuống biển, húc cho thuyền chìm để phi tang không còn dấu vết.

Như thế, khi lênh đênh giữa biển cả, rất hiếm truờng hợp ghe thuyền tỵ nạn đi được an toàn tới bến bờ tự do.  Phần đông là gặp nạn, Nhiều  ghe thuyền bị cướp từ 3 tới 4 lần cũng có ghe bị 5, 6 lần. Nhiều ghe chỉ ra khơi được ngày đã bị tầu hải quân CSVN xáp lại lấy hết vàng, đô la rồi thả cho đi, cũng kể như là bị cướp. Như ghe mang số KG 1238 dài 13m, chở 42  người, ra khơi ở  Rạch Giá ngày 20-3-1980, qua ngày 21-3 thì bị tầu Hải quân CSVN chặn lại lấy hết vàng, tiền bạc rồi cho đi. Ghe này sau đó bị hải tặc Thái Lan cướp thêm 5 lần nữa và mất  hai mạng sống là hai anh Nguyễn văn Y (29 tuổi) và người anh rể là Trung úy phi công  Nguyễn Ngọc Lý (32 tuổi), cả hai bị hải tặc bắn trọng thương rồi xô xuống biển cho chết chìm.

Chỉ riêng trong tháng 5-1980, có 41 ghe thuyền tới được trại tỵ nạn Songkhla, Thái Lan  thì đã có 36 ghe  bị cướp (tỷ lệ 88o/o), cùng trong tháng 6 năm đó, có 36 ghe nhập trại thì  35 ghe bị cướp (tỷ lệ 97%).

Những con thuyền sau khi bị cướp thì lòng thuyền tơi tả, ván thuyền rò rỉ, máy móc tan hoang và đã trở thành những con thuyền ma trôi giạt không định huớng giữa biển khơi, gặp giông bão thì bị lật chìm không ai biết tới, cũng không còn ai trên thuyền sống sót để thuật lại chuyến đi hãi hùng của mình.

Theo ước tính của nhiều người, kể cả những nhân sự làm việc trong các tổ chức thuộc Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ ( UNHCR) tại các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á, thì phải tính tới tỷ lệ 50% thuyền nhân ra khơi tới được bến bờ tự do, còn một nửa số còn lại thì chìm đắm giữa lòng đại dương, do bão tố, do hải tặc, và cả những thuyền nhân xấu số chết vì bệnh tật, không thuốc men và thực phẩm tại những đảo san hô hoang vu nằm rải rác đâu đó trong biển Đông. Tỷ lệ 50% chết ngoài biển Đông này có thể sẽ còn cao hơn nữa nếu không có những chiến dịch “Vớt Người Biển Đông” đã có một thời ồ ạt ra khơi (đầu thập niên 80) do các tổ chức nhân đạo quốc tế đem những con tầu ra biển như tầu Ile de Lumière, Cap Anamur, Médecins Sans Frontière ..v..v..

Như  thế quả là thuyền nhân VN đã viết tại biển Đông những trang sử cực kỳ hãi hùng và bi thảm mà những trang ghi chép trong cuốn sách nhỏ bé này chỉ là một phần trong muôn một của những sự kiện kinh hoàng đã xẩy ra trên Biển Đông từ sau tháng 4-1975.

Đằng sau ý nghĩa của sự bi thảm này, tất nhiên cũng đã tiềm ẩn tính cách hào hùng của hàng triệu con nguời quyết tâm đổ ra biển Đông để mưu tìm một đời sống đáng sống hơn, sau khi mà họ đã bị xua đuổi, dồn ép, kỳ thị….do chính sách mông muội của chính quyền CSVN vào thời kỳ đó như : các sĩ quan bị gọi đi “học tập cải tạo” đã không trở về đúng kỳ hạn như đã được hứa hẹn, như biện pháp cải tạo Công Thương Nghiệp Tư bản Tư doanh mà thực chất là sự cướp đoạt tài sản của nhiều người buôn bán lương thiện, như chính sách đưa dân đi kinh tế mới mà thực chất là đuổi dân ra khỏi thành phố để chiếm đoạt đất đai, nhà cửa, công ăn việc làm.

Và còn biết bao nhiêu điều khác nữa xẩy ra nơi trường học, trong các cơ quan, tại các xí nghiệp hay trong các Phuờng, Quận.. .. tất cả đã xô đẩy ngưòi dân đến bước đường cùng khiến họ phải rũ áo ra đi, dù biết rõ ngoài biển Đông có nhiều giông bão và hiểm nguy đang rình rập họ trên những con thuyền ọp ẹp, mỏng manh chất chứa nhật ních những người.

Sự quyết định ra đi như thế là những quyết định hào hùng, bởi thà chết còn hơn là mất tự do. Ngoài ra, điều này không chỉ xẩy ra riêng ở miền Nam mà còn ngay ở cả miền Bắc.

Nhiều thuyền nhân gốc công dân XHCN cũng đã xuống thuyền bỏ nước ra đi từ Hải Phòng, Hòn Gay, Cẩm Phả mà số phận của họ cũng hết sức long đong, đa số trôi giạt vào đảo Hải Nam thuộc Trung Quốc được cư dân ở đây tiếp tế thực phẩm, xăng dầu rồi chỉ hướng cho tiếp  đến Hồng Kông. Do đó, những thảm kịch xẩy ra ở trại tỵ nạn Hồng Kông của nhiều thuyền nhân bị giam giữ ở đó nhiều năm có khi cả chục năm, cũng là những trang sử không thể thiếu của bi sử Biển Đông.

Sau nữa, tuy tập tài liệu này chỉ nhắc tới thuyền nhân, nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ có người tỵ nạn CS là những thuyền nhân.

Chúng ta không thể không nhớ tới con đường gian nan, nguy hiểm nhưng cũng chứa đầy thảm nạn kinh hoàng không kém, của những đồng bào đã ra đi bằng đường bộ. Họ vượt biên giới VN trên những ngả đường rừng qua biên giới Lào hoặc Kampuchia rồi tới được trại tỵ nạn đường bộ Sikiew ở miền cực Bắc Thái Lan. Trên chặng đường gian nan kéo dài hàng tuần lễ có khi hàng tháng đó, đồng bào đi đường bộ cũng gặp đủ thứ hiểm nguy : đói khát vì thiếu lương thực, bệnh tật vì không có thuốc men và nhất là gặp cướp đủ loại như lính Pôn pốt thuộc tàn dư Khmer Đỏ, lính Para của tàn dư lực lượng Son Sann hay Shihanouk, lính địa phuơng của cả Thái lẫn Miên. Nói chung hoàn cảnh bi thương của những “bộ nhân” cũng không thua kém gì “thuyền nhân” và cũng đã có biết bao nhiêu chuyện kể đã được nhắc lại hoặc đã được viết ra và in thành sách.

Tuy nhiên dù là thuyền nhân hay bộ nhân, dù vuợt Biển Đông hay qua các nẻo đường rừng vùng biên giới, thì tất cả đều đã có cùng chung một mục đích. Đó là trốn chạy một chế độ vừa tiến chiếm miền Nam đã áp dụng một chính sách cai trị hà khắc, mang mầu sắc hả hê trả thù. Sự kiện  mới đây nhất, việc cho kỷ niệm rầm rộ vụ Thảm Sát Mậu Thân (1968), coi như một kỳ tích chiến thắng ngay trên xương máu của đồng bào ruột thịt vô tội, đã nói lên tính cách kỳ thị, bất khoan nhượng của nhà nước CSVN.

Như thế, Biển Đông trong nhiều năm tháng ròng rã đã chứng kiến cả một giai đoạn đau thương của dân tộc; và thuyền nhân VN đã viết lên Biển Đông những trang bi sử ngàn đời không thể để cho bị  quên lãng.

Và đây cũng là một trong những lý do mà, vào dịp kỷ niệm 30-4 năm nay, 2008, Việt Tide quyết định cho ấn hành tác phẩm này do nhà văn Nhật Tiến biên soạn, hầu hết do kinh nghiệm của chính ông đã từng trải qua. Dĩ nhiên, ấn bản này không thể nói lên mọi khía cạnh bi thảm của thuyền nhân. Muốn ghi lại một cách tương đối đầy đủ, hẳn chúng ta phải có cả một Viện Bảo Tàng các di tích của thuyền nhân, bao gồm những bài báo, những tác phẩm, những băng hình và cả  những di vật..v..v.…. của thuyền nhân mà nhiều tổ chức trong Cộng đồng VN hải ngoại đã và đang còn nỗ lực thực hiện.

Cuốn sách nhỏ bé này chỉ được thực hiện như một nhắc nhở cần thiết và đồng thời góp phần vào việc lên án những tội ác do Đảng CSVN đã  từng gây ra cho dân tộc VN, vào giữa thời điểm mà các tu sĩ, các nhà văn, nhà báo, các trí thức dấn thân và những công nhân, dân oan trong nước đang quyết tâm lao vào công cuộc đấu tranh cho  Tự  do và Dân chủ ở VN.

                                                    VIỆT TIDE

Tháng 4-2008

 

Xem Tiếp ‘Đã Có Một Thời Như Thế!’