Viên Linh: Một nhân cách lạ lùng – Phần 3 – Kiều Phong

 

Trở lại thư cô Tà Cúc “chất vấn” nhà văn Nhật Tiến về vụ ông dám chất vấn anh Viên Linh của cô.

Mở đầu thư, cô tuyên bố tuyệt giao với “anh” Nhật Tiến và yêu cầu ông từ nay không được liên lạc, thư từ gì cho cô nữa. Lý do cô nêu ra là ông đã không trích dẫn một đoạn văn “cực kỳ quan trọng” của Viên Linh. Theo ý cô thì đoạn văn ấy đã giải thích lý do khiến LM Thanh Lãng và GS Phạm Việt Tuyền bị Viên Linh “tấn công”, đồng thời làm sáng tỏ cái chính nghĩa “ăn quả chửi mục mả kẻ trồng cây” của chàng.

Cô cũng đe dọa rằng vì ông Nhật Tiến quên trích dẫn đoạn văn cốt tủy ấy nên “mất quyền được VL trả lời!”

Đoạn văn “cốt tủy” như sau:

Anh Chương là Chủ tịch Văn bút Việt Nam, bậc tiền nhiệm của chủ tịch Thanh Lãng. Khi nhà văn Vũ Hạnh bị chính phủ quốc gia bắt giữ vì tình nghi là Việt cộng – mà đúng là Việt cộng thật – Linh mục Thanh Lãng và Tổng thư ký Văn Bút Phạm Việt Tuyền đã nỗ lực vận động Văn Bút Quốc Tế và Hội Ân Sá Quốc Tế can thiệp phóng thích. Chính phủ Quốc gia đã phải phóng thích, vì tôn trọng trò chơi Dân chủ, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc tôn trọng tự do phát biểu. Đến khi bậc tiền nhiệm của mình bị bắt, bị bắt về vấn đề tự do tư tưởng, tự do phát biểu, như Vũ Hạnh, nhưng ông Thanh Lãng đã im lặng.”

Trong bài “Vài vấn đề xoay quanh cuốn Từ Nhóm Bút Việt đến Trung TâmVăn Bút VN”, nhà văn Nhật Tiến đã trích dẫn đầy đủ đoạn văn thượng dẫn theo yêu cầu của cô Tà Cúc và giải thích lý do khiến ông không trích trước đây:

“Tại sao tôi không trích đoạn này vào sách của tôi?

Xin trả lời rằng vì tôi không muốn phô cho độc giả nhìn thấy cái ác tâm của ông Viên Linh qua đoạn văn này. Nó vừa có tính chất quá ấu trĩ về kiến thức đối với C.S vừa mang dấu tích của một thứ thủ đoạn “lập lờ đánh lận con đen” nhằm gây lạc hướng cho người đọc:

1)Tôi nói ấu trĩ là vì: ông Viên Linh đi từ năm 1975, nay ngồi ở California viết báo Khởi Hành, vừa tích cực chống Cộng, vừa dũng cảm bênh vực Vũ Hoàng Chương đã bị CS bắt giữ v.v…. Còn hai vị Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền, cũng như tất cả các văn thi sĩ kẹt lại sau 1975 thì không ai có thể can trường lên tiếng như ông Viên Linh đòi hỏi được.

Vào thời gian sau 1975 ấy, ở Sài Gòn khét lẹt bầu không khí khủng bố. Nhà văn, nhà thơ, ký giả, văn nghệ sĩ, người nào cũng hồi hộp chờ ngày bị Công an đến nhà còng tay lôi đi, thân mình còn như cá nằm trên thớt thì đòi lên tiếng cái nỗi gì? Và lên ở đâu? Gửi bài phản kháng cho báo “Nhân Dân” hay báo ‘Sài Gòn Giải Phóng” để đòi C.S thả Vũ Hoàng Chương chăng? Rồi phản kháng xong thì hy vọng CS cũng thả Vũ Hoàng Chương như ngày trước chính phủ V.N.C.H thả Vũ Hạnh chăng? Trình độ nhận thức ấu trĩ như thế mà cô Tà Cúc cứ nằng nặc “đòi đăng lại” thì quả là tinh thần đồng đội của cô có đáng kính nể thật.

2) Tôi nói : còn mang
dấu tích của một thủ đoạn lập lờ đánh lận con đen là vì ông Viên Linh che giấu tư cách Chủ tịch Văn Bút của LM Thanh Lãng trước và sau 1975.

– Trước 1975, LM Thanh Lãng còn ở cương vị Chủ tịch Văn Bút nên ông có bổn phận phải lên tiếng khi Hội viên của mình bị bắt giữ. Lại nữa, trước 1975, VNCH là một chính thể tự do – dân chủ, việc đòi thả người là chuyện có thể xẩy ra và người đòi cũng chẳng ai hề hấn gì. Nhưng sau 1975, TT Văn Bút đã bị giải tán, LM. Thanh Lãng đâu còn tư cách Chủ tịch mà ông Viên Linh đòi LM. phải lên tiếng.

Đang sầu đời, nghe lời phân tích rạch ròi của nhà văn Nhật Tiến về đoạn văn sôi sục tinh thần tranh đấu, oanh liệt cứu người hoạn nạn của Viên Linh, thấy rõ những chỗ lố bịch, ấu trĩ, ngớ ngẩn của nó, tôi cười bò.

Hết trận cười, tham lam muốn cười thêm quả nữa, đọc kỹ lại đoạn văn cốt tủy rất tiếu lâm ấy, bỗng giật mình, khám phá ra một chuyện cực kỳ quan trọng:

Nhà văn Nhật Tiến quả thực đã thiên vị, không công bằng, và cô Tà Cúc, riêng trong vụ này, lại có công lớn với văn chương, nhất là văn học sử nước nhà.

Dù hết sức kính mến ông Nhật Tiến, Kiều mỗ, vì lương tâm của một người cầm bút chân chính và công bình, vẫn phải thẳng thắn nói huỵch toẹt ra sự thật này:

Nhà văn Nhật Tiến đã thiên vị !

Không biết vì cảm tình riêng hay vì có cái tâm từ bi mà dù giận Viên Linh viết bậy, ông vẫn nỗ lực che chở, bảo vệ nhà thơ. Đọc thấy đoạn văn “cốt lõi” biểu lộ sự suy thoái tinh thần của bạn văn, ông nhất định giấu biệt, không trích dẫn, để giữ uy tín cho Chủ Nhiệm báo Khởi Hành.

Ông đã xém thành công trong việc che chở, giấu giếm cho bạn, và suýt nữa đoạn văn thơm lừng mùi cóc chết ấy bị giam đời đời trong vòng bí mật. May mà có cô Thư ký tòa soạn Khởi Hành truy kích ráo riết, vừa trách móc vừa đe dọa, dồn Người vào đường cùng, kẹt quá, Người mới chịu lòi ra!

Lòi ra rồi thì khi giải thích lý do phải giấu giếm, nhà văn Nhật Tiến vẫn không chịu nói hết lời, vẫn tránh né những chi tiết có hại cho công việc và sự nghiệp của Viên Linh. Ông vẫn mở lượng hải hà chỉ dịu dàng nhắc khẽ cho cô Tà Cúc biết là đoạn văn cốt tủy ấy phô ra cái ác tâm, sự ấu trĩ, cùng những trò lập lờ đánh lận con đen để bịp đời v.v…của Viên Linh, không hay hớm gì đâu.

Sự thực, đoạn văn ấy đâu chỉ phô ra có thế.

Nó còn thể hiện những triệu chứng đáng ngại của một căn bệnh tâm thần. Theo sự chẩn đoán của một văn hữu cũng là thầy thuốc, thì có thể nhà thơ tài hoa của chúng ta đã mắc bệnh lú lẫn, quên lãng, khá trầm trọng. Ông quên những chuyện mà không một người Việt tị nạn nào tâm trí còn bình thường có thể quên:

Viên Linh quên mất là bạo quyền Cộng Sản sau 75 rất khác chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Vì quên nên ông mới ngồi tưởng tượng ra chuyện hoang đường này:

“Ngày xưa khi Vũ Hạnh bị bắt, LM Thanh Lãng cùng phái đoàn Văn Bút vào thẳng dinh Độc Lập gặp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông Thiệu, như các nhà lãnh đạo miền Nam, luôn luôn quý trọng văn giới, tiếp đãi Linh Mục rất ân cần, rồi chiều lòng các nhà văn, nhà thơ, trả tự do cho Vũ Hạnh.

Sau 75, phe Cộng chiếm miền Nam, bỏ tù nhiều người kể cả thi sĩ Vũ Hoàng Chương.

Theo trí tưởng tượng và lòng kỳ vọng của Viên Linh, thì cụ Thanh Lãng lại phải khoác áo chùng thâm uy nghi, trên ngực có đeo bảng tên ghi rõ chức vụ: “Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút vừa sập tiệm” hiên ngang, oai phuông lẫm liệt, lên đường vào dinh gặp Tân Chủ Tịch Tôn Đức Thắng và Tổng Bí Thư Lê Duẩn, đòi trả tự do tút suỵt cho Vũ thi sĩ.

Hai ông Thắng, Duẩn cũng đón tiếp Linh Mục thật niềm nở, bầy tiệc “thịt cầy bẩy món” có thuốc lá và bia ngoại khoản đãi rất chí tình.

Tiệc tàn, cụ Thanh Lãng đọc diễn văn, dậy cho hai nhà lãnh đạo Cộng Sản một bài học về dân chủ, nhân quyền, quyền tự do tư tưởng v.v… rồi yêu cầu trả tự do cấp kỳ cho Vũ thi sĩ.

Lê Duẩn đứng lên đáp từ rất lễ phép, có một đoạn nghe thật cảm động như sau:

“… Xưa nay, chúng tôi chỉ biết theo gương Bác Hồ, mà Bác thì coi trí thức của chúng tôi không bằng cục phân, coi trí thức Ngụy còn thấp hơn phân nhiều bậc nữa. Vậy mà không hiểu sao hôm nay chí lớn của chúng tôi gặp gỡ, đụng nhau cái rầm với chí lớn của ông nhà thơ chống Cộng hàng đầu ở Bolsa. Cách nhau muôn vạn dậm trường mà gặp gỡ được chắc là nhờ thần giao cách cảm.

Ngay khi nhất trí với những nhận thức của nhà thơ Viên Linh, chúng tôi lập tức đạp thắng, kéo luôn cả thắng tay cái rẹt, sì tốp liền, không theo gương bác Hồ nữa, mà quẹo qua theo gương sáng của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi sẽ thả thi sĩ Ngụy Vũ Hoàng Chương liền một khi để Linh Mục thấy là chúng tôi cũng biết “tôn trọng trò chơi Dân chủ, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng tự do phát biểu”… quá trời, quá đất!”

Truyện chính trị giả tưởng của Viên Linh hay ho và có hậu đến thế mà Linh Mục Thanh Lãng lại không chịu thực hiện khúc sau để cứu Vũ Hoàng Chương đồng thời cho hai ông Thắng Duẩn có cơ hội tỏ lòng tôn kính các nhà văn Ngụy và nhất trí tôn trọng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng quyền tự do tư tưởng, quyền phát biểu thả giàn v.v giống hệt ông Tổng Thống của miền Nam xưa… nên Viên Linh đành phải nổi giận, chất ngất hờn căm.

Theo lời cô Tà Cúc thì đó là lý do “cốt tủy” khiến anh Viên Linh “tấn công” LM Thanh Lãng.!

Chê cụ Thanh Lãng hèn nhát chưa thấy đã, “anh” vu luôn cho cụ là tay sai Cộng Sản cho bõ ghét. Cứu Vũ Hoàng Chương dễ thế mà không chịu làm thì cho làm Việt Cộng nằm vùng luôn cho rồi!!!

Tội nghiệp LM Thanh Lãng! Ngài bị phỉ báng oan, suýt thân bại danh liệt chỉ vì Chủ Tịch Viên Linh quên tiệt sự khác nhau giữa hai chế độ!

Mà nạn nhân của sự “quên tịt” ác ôn ấy không phải chỉ có LM Thanh Lãng và GS Phạm Việt Tuyền. Ông Viên Linh cũng là một nạn nhân bi thảm. Trí phán đoán của ông bị nó làm suy thoái, tụt xuống ngang tầm một đứa bé con, còn sự sáng suốt của ông thì hoàn toàn bị cúp điện.

Người thường mà chứng kiến cảnh trí tuệ nhà thơ bị bệnh lú lẫn tàn phá kinh khủng như thế cũng phải ái ngại, huống hồ là nhà văn Nhật Tiến. Thế nên ông đã, vì lòng nhân đạo, quyết định che chở cho nhà thơ, lờ đi, coi như đoạn văn “cốt tủy” không hề có trên đời.

May cho văn học sử nước nhà, trên đời lại nẩy nòi ra cô Tà Cúc.

Tại sao Tà Cúc lại kiên cường đấu tranh với cụ Nhật Tiến, nhất định đòi cụ phải trình làng đoạn văn “cốt tủy” rất rùng rợn của cụ Viên Linh?

Có hai giả thuyết:

1) Năm 1975, khi nước mất nhà tan, cô còn bé quá, chả biết gì, lại suốt đời thờ phượng thần tượng Viên Linh, anh phán là thánh phán, nên cô thấy đoạn văn cốt tủy ấy sao mà hay ho, chí lý quá đi thôi, cụ Nhật Tiến ỉm đi là có ý đồ xấu, dìm văn tài, giấu giếm chính nghĩa chửi bới của anh Viên Linh. Cô đòi cụ phải phô nó ra, trả lại công lý cho chàng.

Nói tóm lại là đỉnh cao trí tuệ của cô Tà Cúc cũng vừa ngang tầm với mức trí tuệ của một ông Viên Linh đã bị mắc bệnh lú lẫn. Nghĩa là suy luận như đứa con nít, sự sáng suốt bị cúp điện tối thui, rất ngu!

2) Giả thuyết thứ hai là cô Tà Cúc không ngu xuẩn, mà khôn giàn trời. Năm 75, cô đã đôi mươi, đã đủ trí khôn. Nếu lúc đó mới biết ít về Cộng Sản thì bây giờ, thêm hai cái đôi mươi có lẻ nữa, cũng mở mắt ra rồi.

Đi theo Viên Linh vì thấy anh là thần tượng, qua vài thập niên, thần tượng long sơn tróc gỗ, hết thiêng liêng, đã thế càng già càng xấu tính xấu nết, rất khó chịu, hay đì đàn em. Có thể cô Thư ký bất mãn, rắp tâm thoán ngôi Chủ Nhiệm!

Do đó, khi thấy Chủ Nhiệm Viên Linh lú lẫn hết biết chế độ Quốc Gia và chế độ Cộng Sản khác nhau thế nào, cô tin là cơ hội thăng tiến cần lao sắp đến. Tự mình gặp bác sĩ, kể bệnh anh Chủ Nhiệm để người ta dàn xếp đưa anh vào Nursing Home, bắt nằm lì trong đó cho tới lúc ra người thiên cổ, để mình lên ngôi, thì sợ tiếng đời đàm tiếu. Cô đành lặng lẽ kháng chiến trường kỳ, chờ cơ hội thuận lợi.

Khi cụ Nhật Tiến hài tội Viên Linh chửi bậy, cô mừng húm, tưởng cờ đã đến tay. Chẳng ngờ cụ quá từ bi, hỷ xả, có đoạn văn cốt tủy, làm bằng chứng hùng hồn về căn bệnh tâm thần của anh Chủ Nhiệm, có thể đưa anh vào lò cải tạo nursing home, cụ lại giấu biến, để bao che cho Viên Linh, làm nhà lãnh đạo cuộc cách mạng vùng lên lật đổ bạo quyền chới với.

Không để kế hoạch đảo chính tan vỡ, cô Tà Cúc ra tay “bu-li” cụ NT, bắt cụ phải xùy nó ra…

Nhưng dù do khôn ngoan hay vì ngu xuẩn, vô tình hay hữu ý, cô Tà Cúc đã có một hành động chỉ điểm Viên Linh vừa khéo léo vừa dũng cảm, rất hữu ích cho đời.

Chính nhờ cô cầm loa ra giữa đường, giữa chợ, hô hoán ầm ĩ: “Lậy ông đi qua, lậy bà đi lại… Cụ Nhật Tiến đang giấu anh Viên Linh tôi ở bụi này!” mà đoạn văn cốt tủy mới lòi ra, những bí mật về sức khỏe tâm thần của nhà thơ Viên Linh mới được bật mí. Và một điểm mù mờ của văn học sử cận đại đã được soi sáng.

Đấy mới là điểm son thứ nhất, chưa to.

Điểm son thứ hai mới ghê, phải nói là vĩ đại.

Coi kỹ lại mấy câu kế tiếp đoạn văn cốt tủy trong phần trích dẫn của nhà văn Nhật Tiến và của cô Tà Cúc thì thấy có chỗ khác biệt.

Bản của nhà văn Nhật Tiến:

“Ông (tức LM.Thanh Lãng) đã được Hà Nội thu dụng làm việc tiếp ở Đại học Văn khoa; và Phạm Việt Tuyền thì bận rộn đặt bàn giấy đăng ký các “nhà văn Ngụy”, trước khi chịu nhục không nổi, phải bỏ Sài Gòn chạy qua Pháp”.

Bản của cô Tà Cúc:

“Ông (tức LM Thanh Lãng) đã được Hà Nội thu dụng làm việc tiếp ở Đại học Văn khoa; và Phạm Việt Tuyền thì bận rộn đặt bàn giấy đăng ký các “nhà văn Ngụy”, trước khi chịu đói không nổi, phải bỏ Sài Gòn chạy qua Strasbourg, Pháp”

Bản NT: (PVT) chịu NHỤC không nổi, phải bỏ Sài Gòn…

Bản TC: (PVT) chịu ĐÓI không nổi, phải bỏ Sài Gòn…

Khác nhau một chữ rất quan trọng.

Vội chạy đến hỏi cụ Nhật Tiến xem sự thể ra sao, ai đúng, ai sai. Cụ vỗ trán rồi thú thực ngay:

– Thôi chết rồi, lão không có sách của Viên Linh, đành trích dẫn theo bản đăng trên một trang mạng. Chắc vị trang chủ thấy chữ “đói” tàn nhẫn, độc ác, bất nhân quá nên tự ý sửa đi cho câu chửi của nhà thơ nhẹ bớt. Cô Tà Cúc trích dẫn từ trong sách, chắc là đúng đấy.

Biết sự thật, cũng không ngạc nhiên. Phải là chữ “đói” thì mới thích hợp với khẩu khí, văn chương thóa mạ của nhà thơ chứ.

Mới đầu chửi PVT nằm vùng, làm tay sai cho Việt Cộng, rồi tiến lên một bước vu cáo PVT là công an Văn Hóa lập bàn giấy đăng ký các nhà văn “Ngụy”. Chưa hả giận, Viên Linh leo thang nữa, sỉ nhục “PVT chịu ĐÓI không nổi, phải bỏ Sài Gòn chạy qua Strasbourg, Pháp”

Mọi người Việt Nam, nam phụ lão ấu, bất kể sang hèn … khi bỏ nước ra đi đều được tiếng thơm là đi tìm tự do. Riêng mình Ông Tổng thư ký hội Văn Bút, Giáo sư Phạm Việt Tuyền, khi bỏ Sài Gòn, thì nhà thơ Viên Linh quyết liệt không cho ông hưởng tiếng thơm ấy, mà mắng rằng: “…bỏ đi vì chịu đói không nổi”.

Chửi đến thế thì phải nói là đã đạt tuyệt đỉnh nghệ thuật chửi “cạn tầu ráo máng”.

Kính thỉnh cầu cụ Nhật Tiến viết cái “Thank you note” gửi cô Tà Cúc, cám ơn cô đã cung cấp tài liệu “O Ri gin” rất quý báu, giúp cụ chỉnh lại chỗ sai lầm khi tái bản sách.

Cũng yêu cầu các nhà viết văn học sử tặng cô Tà Cúc một “anh dũng bội tinh” để tỏ lòng biết ơn. Chính nhờ cô đã chiến đấu cam go với cụ Nhật Tiến làm cụ phải lùi bước, hết dám che chở cho Viên Linh, đành xùy ra “đoạn văn cốt tủy” mà bà con cô bác có dịp hiểu rõ thêm về tình trạng bệnh hoạn của Viên Linh. Hiểu để thông cảm mà không trách ông. Những chuyện lớn lao như thế còn quên, có quên thêm năm ba cái lẻ tẻ như điều nhân nghĩa, đức khiêm tốn, lòng kính trọng tiền nhân, đạo lý ở đời v.v… thì cũng là phải thôi.

Đồng thời, cô cũng có công đích thân lôi anh Viên Linh từ bụi rậm ra, lật áo, trình làng cái lưng có câu chửi siêu đẳng đã được xâm trên đó: “Phạm Việt Tuyền ra đi vì chịu đói không nổi!” để thiên hạ được chứng kiến một cảnh tượng bi hài hiếm có, cười lăn chiêng! Vừa cười vừa rùng mình vì sự hiểm độc của VL!

Văn học sử nước ta nhờ cô mà ly kỳ, phong phú thêm. Nhân cách và tâm địa nhà thơ Viên Linh cũng nhờ cô mà hiển lộ, tỏa sáng đời đời…

Kiều Phong

***

Thư KP gửi cụ Nhật Tiến:

Kính gửi cụ Nhật Tiến,
Xưa nay, nhiều người, cả già lẫn trẻ, cả trong và ngoài văn giới, cũng như Kiều mỗ, coi chuyện được quen biết cụ là điều hân hạnh. Nay có đứa tuổi đời còn non trẻ, rêu rao ầm ỹ là nó “xấu hổ vì quen biết nhà văn Nhật Tiến”, xin cụ cho biết thực hư thế nào?
Đa tạ,
Kiều Phong

Thư phúc đáp của cụ Nhật Tiến:

Kính bác Kiều Phong,

Cái câu nói lố lăng càn rỡ đó tôi cũng đã đọc. Tôi nghĩ rằng nếu là người tử tế thì hẳn cô ta đang phải tự xấu hổ vì trong một phút thiếu suy nghĩ đã đưa những lời đó lên mặt báo Khởi Hành của ông Viên Linh..

Về phần tôi, tôi chẳng thấy phải bận tâm gì về những lời lẽ đó cả. Bởi vì trong suốt hai năm cô ta lui tới nhà tôi – cô ta tới nhà tôi chứ tôi chẳng hề tới nhà cô ta, cho tới nay tôi vẫn chưa biết nhà cô ta ở đâu -, tôi đã ứng xử thân tình nhưng trong sáng và nghiêm túc. Tôi đã cung ứng phương tiện in ấn cho cô ta, lại dùng nhiều thì giờ dạy cô ta học cách xài software Quart Xpress để cô ta có thể tự lay out lấy sách của mình. Thế mà đã không ơn nghĩa thì thôi, chứ sao lại có thể nói rằng đã xấu hổ vì quen biết tôi ?

Rất cám ơn sự quan tâm của bác.

Nhật Tiến

Xem tiếp Phần 4