Viên Linh: Một nhân cách lạ lùng – Phần 4 – Kiều Phong

Trong một lá thư ngỏ nhan đề: “Kính gửi quí độc giả, quí thân hữu, văn hữu và quí vị trong giới truyền thông,” nhà thơ Viên Linh viết lời giới thiệu rất trang trọng cho một bài viết của cô Tà Cúc có cái nhan đề hợp thời đại và nổ to đùng: “Khủng bố văn nghệ!”

Đọc, thấy nhóm khủng bố dễ tào này có đúng một mống. Tên khủng bố duy nhất được nêu đích danh là tôi, Kiều Phong, người đang viết loạt bài về nhân cách của ông Viên Linh và những thành tích phá hoại của ông ấy. Trong bài, cô Tà Cúc kêu gọi toàn dân, toàn quân tiếp tay cô ngăn chặn tên khủng bố KP, không để hắn gieo rắc kinh hoàng cho cô và gia đình, (để cô được bình tâm tiếp tay với anh Viên Linh trong sự nghiệp thóa mạ và vu cáo Hội Văn Bút VN?)

Đặc biệt, cô kêu tôi một cách thân tình là “Cậu”: Cậu Kiều Phong, Cậu Lê Tất Điều.

Không biết xưng hô như thế cô Tà Cúc có nhã ý khen Kiều mỗ trẻ lâu, hay chỉ muốn kín đáo khoe công lao, thành tích. Khoe rằng chính vì sau gần hai thập niên chịu nhọc nhằn gian khổ trường kỳ phỉ báng các nhà văn tiền bối mà cô đã già trước tuổi rất nhiều?

Chuyện khen tên “tè- rô- rít” trẻ đẹp chắc không có rồi. Vậy vế sau đúng: cái “già” nó đã nhanh chân lẹ cẳng, qua mặt cái “tuổi” vù vù, để đến hân hạnh gặp cô Tà Cúc trước rồi. Và Kiều mỗ có bổn phận phải tôn trọng lời gián tiếp xác định tuổi tác mới của cô để từ nay xưng hô cho phải phép.

Trừ họ hàng thân thích, bạn cố tri… còn các văn hữu, độc giả và hầu hết mọi người, nếu gọi Kiều Phong hay LTĐ là “cậu” mà không ngượng miệng, thì thường đã trên tám bó. Mà trên tám bó thì coi như đã lên hàng các cụ từ khuya.

Vậy thì từ nay, sẽ dứt khoát không “cô” nữa mà kính cẩn thưa “cụ”: Cụ Tà Cúc hoặc Cụ bà Tà Cúc. Thưa gửi lễ phép như thế để theo đúng lời khuyên dậy của tiền nhân “kính lão đắc thọ” mà cũng còn vì một lý do tâm cảm.

Viết xuống bốn chữ “Tà Cúc-Viên Linh” thấy nó trơ khấc, vô hồn, vô duyên, không gợi hứng. Vậy mà vừa “Cụ bà Tà Cúc-ông Viên Linh” một cái là trời ơi! Cảm hứng tràn về như thác lũ. Hình ảnh lão bà Tà Cúc suốt hai thập niên hy sinh gồng mình đỡ đạn, liều thân che chở cho ông Viên Linh, đột ngột hiện ra trong không gian bao la, thơm ngát tình người. Tai tưởng như nghe tiếng sóng biển Thái Bình rạt rào mà lòng thì rưng rưng cảm động. Thế là cảm hứng tràn dâng, viết lách ào ào.

Cám ơn cụ Tà Cúc đã khéo léo nhắc nhở giúp Kiều mỗ tránh khỏi tội vô lễ, vô phép, mất dậy.

Cười cợt chút xíu cho độc giả thư giãn thôi. Nghe nói cô Tà Cúc đang đau ốm rề rề, ai nỡ tôn cô lên hàng cụ, đẩy cô vào tọa độ gần đất xa trời, chỉ vì một lỗi hỗn láo nhỏ nhoi như thế.

17 năm trước, vừa khởi nghiệp cầm bút là cô chê ngay Võ Phiến viết tiếng Việt không thạo, “phạm những sai lầm căn bản”, và rằng Võ Phiến cũng dốt tiếng Việt, không đủ kiến thức để hiểu ý nghĩa từ “chơi chữ” khiến cô phải lôi sách của Phùng Tất Đắc ra giảng dậy cho. Bây giờ thì cô “xấu hổ vì quen biết Nhật Tiến”, rồi phỉ báng Ngô thế Vinh là “ngụy quân tử, thiếu liêm khiết trí thức” v.v… vậy mà cô không kêu Kiều mỗ là thằng này, thằng nọ, lại ưu ái ban cho chữ “cậu” là quý hóa quá rồi, còn đòi gì nữa!

Biết rằng cô mạnh khỏe thì lỗ tai thiên hạ sẽ khổ lắm đây. Nhưng cảm kích vì được cô biệt đãi, vẫn chúc cô mau bình phục và sớm được đoàn tụ với cái lương tri bị thất lạc từ hai mươi năm trước.

***


Thư Kiều Phong gửi Cụ Nhật Tiến,

Thưa Cụ Nhật Tiến,

Trong Khởi Hành số 235-236, tháng 8&9-2016, Tà Cúc viết:

“ Về vấn đề Mặc Đỗ : Nhật Tiến khi được cho tài liệu không để nguồn tờ Tin Sách, phải chăng ông không muốn độc giả biết bạn của Mặc Đỗ[ chính là… tôi] đã chuyển cho ông bản sao bìa tờ Tin Sách và các trang liên quan đến Văn Bút (25-28)?

Rồi trong bài viết “Khủng bố văn nghệ” công bố gần đây, Tà Cúc lại viết:

“….cũng như tôi có thể chắc chắn rằng, phần ông, ông cũng không bao giờ có thể quên được phong cách xử sự của tôi đã hiển hiện rõ ràng qua những bài viết liên hệ hoặc chia sẻ tài liệu quý [như thí dụ tài liệu Tin Sách và tạp chí Nhà Văn] vv…mà tôi đã khổ công, tốn kém hay nhờ lòng hào hiệp của các bạn trong nước mới sưu tầm được.

Vậy sự thể ra sao ? Cụ xài tài liệu của người ta, sao lại không ghi nguồn để nó rêu rao là cố ý giấu giếm chuyện gì và hành xử có vẻ thiếu ơn nghĩa như thế ?

Xin cụ cho biết sự thể ra sao ?

Thư Cụ Nhật Tiến trả lời,

Kính bác Kiều Phong,

Tôi xin trả lời thắc mắc của bác như sau:

1) Cô Cúc cho rằng “ông (NT) không muốn độc giả biết bạn của Mặc Đỗ[ chính là… tôi] tức Nguyễn Tà Cúc.

Rõ ra là ngoa ngôn ! Can cớ gì tôi phải giấu giếm chuyện quen biết của cô với nhà văn Mặc Đỗ cơ chứ ? Mà giấu sao được khi ai mà chịu khó theo dõi chuyện văn chương hải ngoại thì lại chả biết chính cô Cúc đã khoe rằng cô đã quen biết nhà văn Mặc Đỗ từ năm 1999 trên bài cô phỏng vấn nhà văn Mặc Đỗ đăng trên tạp chí Da Mầu : http://damau.org/archives/32050.

Mà Mặc Đỗ nhục mạ nhà văn Võ Phiến ra sao, chính trong bài phỏng vấn trên, cô Cúc cũng đã thuật rõ nguyên văn như sau:

“Cho tới nay, tôi (Mặc Đỗ) chưa hề đọc những đại luận văn học của nhà văn Võ Phiến. Ông bạn Võ Thắng Tiết có hảo ý gửi cho cùng với mấy cuốn khác mới ra lò của nhà xuất bản Văn Nghệ trong số có cuốn đầu trong bộ phê bình văn học lừng danh. So tư cách tác giả (tôi biết khá rõ) với bề dầy của công việc toan làm tôi đã không muốn đọc nhưng cũng thử xem chú-thợ-giầy-của-La Fontaine-muốn-leo-cao-hơn-giầy-dép có tự đánh giá cao không, đọc mươi trang thấy quả là có, tôi buông sách và từ đó không bao giờ biết có bộ sách danh tiếng, mãi khi đọc Tà Cúc trên Khởi Hành tôi mới thấy nó to quá.

Và:

Kiến thức của ông nhà văn quèn, công chức tỉnh nhỏ học hành đến đâu, lương tâm chức nghiệp (phê bình) có tương xứng không, liệu có đủ tin? Tư cách hạng bét mà dám đứng ra xin tiền để làm một công việc xét định về tác phẩm của bao nhiêu người khác, xét định không những về tác phẩm mà còn về con người và đời sống, hoạt động của những người khác (làm vậy là định bôi xấu, vu cáo người chứ không phải phê bình văn học). Người chẳng có bao nhiêu kiến thức vớ được tiền ăn xin tức thì nhẩy lên địa vị phê bình để phê bình toàn thể người cùng nghề với mục đích rõ rệt đội mình lên địa vị độc tôn với ý mong sử sách sau này ghi nhận mãi. Tham cỡ đó chẳng đổi được, chỉ khi nào bị đau quá tỉnh ngộ vội nhờ cõng vô emergency để y sĩ giải phẫu cắt cái tham đi.”
(ngưng trích)

Phê phán nhà văn Võ Phiến đã đến thế thì hẳn cũng không lạ khi thấy cũng ông Mặc Đỗ gọi phái đoàn Văn Bút trong có thi sĩ Vũ Hoàng Chương đi tham dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế là lợi dụng tư cách nhà văn VN, ham cái vé đi du lịch mà bán rẻ danh dự !

Ấy thế mà qua nhiều bài báo trên Khởi Hành, tôi thấy rõ cô Tà Cúc coi ông Mặc Đỗ như thần tượng. Cho nên nhà văn Ngô Thế Vinh chỉ vì nêu nhận xét là “nhà văn Mặc Đỗ sau khi ra hải ngoại thì quy ẩn” khiến cô Cúc nhẩy dựng lên, la lối rằng ông ấy có viết cho Khởi Hành đấy chứ, đâu có quy ẩn, và cô mạt sát nhà văn rất có công với đất nước trong bộ tiểu thuyết ký sự đồ sộ ‘Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” Ngô Thế Vinh, là dòng sông Mê Kông biến thành dòng sông rác rưởi !!!

2) Bác lại hỏi tôi rằng: Cụ xài tài liệu của người ta, sao lại không ghi nguồn để nó rêu rao là cố ý giấu giếm chuyện gì và hành xử có vẻ thiếu ơn nghĩa như thế?

Ơ ! Cô Cúc làm như là cả cuốn tôi viết về Văn Bút đều do tài liệu của cô ấy cung cấp trong khi cô đã khổ công, tốn kém hay nhờ lòng hào hiệp của các bạn trong nước mới sưu tầm được.

Xin thưa rằng : Cả cuốn sách của tôi, tôi chỉ dùng có một tài liệu của cô ấy mà thôi và tôi có ghi rõ nguồn cung cấp là cô ấy đấy chứ !

Tài liệu đó là bài trong báo Nhà Văn, số Xuân Ất Mão, trong có đăng lời tuyên bố của LM Thanh Lãng và tôi có trích in lại nơi trang 185 trong sách của tôi như sau:

THANH LÃNG: Tết năm nay, đối với Trung Tâm Văn Bút Việt Nam là một cái Tết tha hương, vì cũng như nhân dân Miền Nam, nhà văn Việt Nam đang sống trong một nhà tù lớn, một chốn ly thân trong thân phận vong thân.
(tạp chí Nhà Văn, số Xuân Ất Mão, trang 115-Tài liệu của Nguyễn Tà Cúc)

Còn kỳ dư, tất cả những tài liệu khác – dùng trong cuốn ‘Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút VN” như:

– Bộ báo Tin Sách toàn năm 1960,
– Bộ tạp chí Văn Bút 3 cuốn I, II, III,
– Tạp chí Thế Giới Tự Do số 9-1957,
– Cuốn Niên Giám Văn Nghệ Sĩ 1969-1970 của Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa,
– Cuốn Nghĩ Gì tập 2 của Trần Trọng Phủ do nhà Trình Bầy xuất bản,
– Vài chục cuốn tạp chí Bách Khoa, trong có đầy đủ tài liệu về các cuộc đấu tranh của văn nghệ sĩ đối với sự tự do cầm bút.
– Và ngay cả tờ Tin Sách, nguyên cả cuốn số 39 ra tháng 9-1965 trong có bài phỏng vấn Mặc Đỗ..v…v..

… nhất nhất đều do hai ký giả trẻ trong nước đã cất công sưu tầm từ Thư Viện Trung Ương và Thư Viện Singapore để sao chép lại cho tôi.

Đó là hai nhà báo nổi tiếng trong nước Phạm Công Luận và Phúc Tiến, vì họ cùng là độc giả của tờ Thiếu Nhi trước 1975 mà tôi là Chủ Biên, nên đã giúp tôi hết sức tận tình. Đáng lẽ tôi phải ghi lời cám ơn hai vị này trong sách nhưng do bản tính lo xa nên tôi đã gửi email riêng cho cả hai với nội dung như sau :

Sách đã lay out xong và đã mang qua nhà in. Trong vòng một tuần là sẽ có sách mới ra lò. Trước thì tôi tính ghi lời cám ơn Phúc Tiến và Phạm Công Luận ở trang đầu về việc cung ứng nhiều tài liệu để tôi có thể hoàn thành cuốn sách, nhưng nghĩ lại thấy có thể gây phiền cho hai vị vì cũng có nhiều đoạn đề cao tự do dân chủ, nên thôi, đành ghi nhớ để trong lòng.
(Email ngày 8-8-2016)”

Ấy cũng vì tôi không nêu tên hai vị này vào sách mà cô Cúc được dịp khơi khơi rêu rao nhận vơ công trình của hai bạn trẻ lấy làm của mình, để kể lể gian dối “làm như là cả cuốn tôi viết về Văn Bút đều do tài liệu của cô ấy cung cấp trong khi cô đã khổ công, tốn kém hay nhờ lòng hào hiệp của các bạn trong nước mới sưu tầm được..”…(huênh như thế nhưng thật ra …chỉ có đúng 1 tài liệu… buồn cười thật !!!).

Sự thể là như thế. Xin cám ơn bác Kiều Phong đã giúp tôi có dịp lên tiếng trước những luận điệu tung hỏa mù cốt để bôi nhọ người khác.
Nhật Tiến

Kiều Phong
(11/16)
***

Xem tiếp Phần 5