Viên Linh: Một nhân cách lạ lùng – Phần 6 – Kiều Phong


Bài “Sưu tầm biên khảo của Tà Cúc” mở đầu bằng những đoạn giảng đạo đức, luật lệ về “thư riêng” lời lẽ đao to búa lớn nhưng vừa dốt vừa gian rất tiếu lâm như thế hứa hẹn sẽ cho độc giả có máu hài hước “mua vui cũng được một vài trống canh”.

Nhưng giờ vui ngắn lắm. Chính thức vào phần sưu tầm của cô Tà Cúc là mệt ngay. Cô nói dài, nói dai và nói… rất SAI

Tôi phục lăn quý vị độc giả Khởi Hành. Có nhiệm vụ phải đọc để thưa chuyện với cô mà cũng không đủ kiên nhẫn thưởng thức kỹ 60 trang. Chỉ ráng nhặt ra những đoạn liên quan đến hội Văn Bút.

Để nhấn mạnh, bổ túc,tăng cường cho những lời ông Viên Linh nhục mạ cách đây 17 năm, bài báo đã nêu được thêm nhiều chuyện xấu xa khác của hội. Đây là danh sách những chuyện tồi tệ mà ông Viên Linh – cô Tà Cúc sưu tầm được:

1) Hội Văn Bút được thành lập bởi một nhóm nhà văn, nhà thơ “ít kiêu hãnh”, ham đi du lịch ngoại quốc, bán rẻ tên tuổi để lấy một chuyến đi. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng thuộc vào nhóm sáng lập, đã bán danh dự tên tuổi rẻ rề, bằng giá cái vé máy bay. Người mua rẻ danh dự tên tuổi các nhà văn nhà thơ già trẻ lớn bé gần 200 mạng của hội là ông trùm mật vụ Trần Kim Tuyến. Mua để sai cả hội đi chống Cộng. Sự ra đời của hội làm cho niềm vinh hạnh của văn chương Việt Nam bị xuống cấp thê thảm.

2) Năm 1962, số hội viên là 80 người, nhưng lại chỉ có 35 người chịu đóng niên liễm. Vậy hơn nửa số hội viên là những người tham lam, keo kiệt, bán rẻ tên tuổi danh dự vào hội để mong được đi du lịch, nhưng lại tính quỵt tiền niêm liễm! Xấu xa bần tiện đến thế thì thôi.

3) Đã lười đóng niên liễm lại còn lười đi họp. Cô Tà Cúc trưng ra nhiều biên bản phiên họp cho biết số hội viên tham dự những cuộc họp quan trọng chỉ trên dưới 20 người. Cô mở cuộc điều tra và truy kích bè lũ “lười họp” này tới bến:

“… Danh sách hội viên có thể lên tới hàng trăm nhưng hiện diện trong cuộc bầu cử Ban Thường Vụ chưa được tới 20 người. Nếu lấy lý do có hội viên cư ngụ tại những thành phố xa, tại miền Trung chẳng hạn để giải thích cho sự vắng vẻ này cũng vô lý vì tôi đếm được khoảng 60 hội viên cư ngụ tại Sài Gòn, Gia Định v.v…

(Nếu hồi đó hội có cô Tà Cúc làm quan lớn, cô sai cảnh sát Văn Bút đến từng nhà các hội viên ở Sài Gòn, Gia định, còng tay cả lũ lôi đến Trụ sở bắt họp thì ngày nay cô đỡ phải ghi vào tài liệu sưu tầm thêm một thành tích xấu xa nữa của hội. Tiếc ghê!)

4) Đã có tật xấu lười họp, mà đi họp thì lại có thêm tật xấu là hay tranh luận, cãi nhau. Việc họp hành sôi nổi kiểu này chắc kỳ lạ lắm, không xảy ra cho bất cứ hội nào trên đời nên ông ký giả Nguyễn Thiệp phải lấy làm khó chịu, căm ghét. Mở đầu bản tường thuật ông viết:

Thôi âu cũng là duyên tiền định. Bỗng dưng trụ sở của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam lại cắc cớ đặt ngay cạnh chợ Cầu Ông Lãnh, nơi các bạn hàng rau hàng cá vẫn sinh hoạt hàng ngày”

Ngoài việc so sánh những cuộc thảo luận của hội giống như những cuộc cãi lộn giữa hàng tôm hàng cá, ông Thiệp còn gọi các cụ Vi Huyền Đắc, cụ Vũ Hoàng Chương, v.v… bằng những lời bỉ thử: Quý vị tai to, mặt “NHỚN”, dùng chữ xỏ xiên, mai mỉa, để tỏ ý khinh bỉ các cụ ra mặt.

Một bài báo xấc xược, đầy ác ý, xếp hội viên hội Văn Bút ngang hàng với các bà bán tôm bán cá hay ho như vậy tất nhiên phải được VL-TC ôm chầm lấy ngay, đem về làm tài liệu “sưu tầm biên khảo”, viết lịch sử hội Văn Bút, bêu riếu kịch liệt các bậc tiền bối, tiền nhiệm.

(Chỗ này thì Kiều mỗ tự cảm thấy có bổn phận phải góp ý, làm sáng tỏ thêm ý nghĩa thâm thúy của bài báo ấy, giúp tài liệu phỉ báng của ông VL và cô TC nặng ký hơn: Trụ sở hội Văn Bút ở cạnh chợ Cầu Ông Lãnh còn gọi là chợ Cầu Muối. Đây không phải một ngôi chợ bình thường mà lừng danh vì có rất đông bọn trộm cắp, du thủ du thực, thường được gọi là bọn “đá cá, lăn dưa”.

Thành ra đã chịu khó sưu tầm tài liệu thì cần hiểu thật kỹ ý nghĩa của những tài liệu ấy, để nói rõ cho độc giả biết là quý vị đã có bằng chứng bằng văn bản, xác định hội viên hội Văn Bút rặt một phường đá cá lăn dưa!)

5) Hội còn có thêm một thành tích xấu xa nữa là các hội viên không triệt để thương yêu nhau mà thỉnh thoảng lại xảy ra cãi vã xung đột. Hội viên HHT có chuyện bất bình với Tổng thư ký PVT, làm thơ trào phúng sỉ vả ông này. Nhà thơ Tú Kếu thấy vui, làm thơ giễu cả đôi bên. Ông VL và cô TC coi chuyện hội viên bất hòa cũng là một thành tích đáng xấu hổ thuộc về lịch sử hội Văn Bút, cần ghi lại thật trang trọng để mắng chửi cả hội.

 


Còn vài chuyện tồi tệ nữa, nhưng mỏi mắt rồi, coi như tạm đủ.

Tóm tắt là VL-TC sưu tầm toàn những điều xấu xa. Không có một thành tích tốt đẹp nào được nêu ra. Tưởng như cả Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, trong ngần ấy năm, không hề có nổi một người tốt, việc tốt.

Thực ra, cũng có một vị chủ tịch của hội được cô TC ca tụng, tâng bốc lên tới mây xanh:

“…là người duy nhất có nhiều kiến thức có thể tin tưởng được liên quan đến giới nhà văn hàng đầu và văn sử miền Nam” nhưng bậc thánh nhân văn chương này lại là Chủ Tịch hội Văn Bút Việt Nam Hải ngoại. Thành ra Trung Tâm Văn Bút VN lỡ “sinh trước, đẻ sớm” không được hưởng tí thơm tho nào của ngài Chủ Tịch hậu sinh nhiều kiến thức nhất vũ trụ: “nhà thơ Viên Linh!”

Để bạn đọc cảm thông với nhà văn Nhật Tiến và các cựu hội viên hội Văn Bút như tôi, xin phép được dài dòng:

“Tháng tư 75, “gió đưa cây Cải về trời. Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”, cũng như nhóm nhỏ rau răm đi thoát, khỏi chịu đời cay đắng, đều chung một niềm thương tiếc. Cây Cải của chúng ta cũng có những con sâu, chiếc lá úa, nhưng xanh tươi, đẹp đẽ muôn ngàn lần hơn loài cải mới được gieo trồng trên đất quê hương.

Cây Cải Việt Nam Cộng Hòa về trời để lại một nấm mộ “cố” hương trong tâm tưởng khiến ta vừa nhớ thương vừa hãnh diện. Hơn bốn thập niên qua, chúng ta không ngừng dành cho “cố” quốc những lời nói, bài viết đẹp đẽ kết thành những vòng hoa thành kính tri ơn, những tấm bia ghi công trạng của cây Cải lúc sinh thời. Một mai, những thế hệ sau đến viếng mộ trong thư viện, trên trang sách, trang mạng… sẽ thấy một rừng hoa phủ lên và bao quanh mộ phần cố quốc do con dân nước Việt thế hệ này gieo trồng, vun xới.

Nếu bây giờ có những đứa tự xưng là nhà sưu tầm, biên khảo, vạch lá Cải tìm được xác mấy con sâu, vài chiếc lá úa rồi rú lên là cây Cải xấu xí lắm, đáng bị nguyền rủa, thì chắc chắn quý vị phải bất bình.

Bọn mặt người dạ thú này sưu tầm toàn những bài báo, những cuốn sách chỉ trích Việt Nam Cộng Hòa để làm “biên khảo”! Dưới bầu trời miền Nam, chúng ta đã thở chung bầu không khí tự do, dù không tuyệt đối, nhưng đủ để mỗi ngày có cả hàng chục bài bình luận, phiếm luận chỉ trích chính phủ, hàng tá thơ Chì, thơ Đen thơ Xám, tranh hí họa giễu cợt từ tệ đoan xã hội đến tác phong bất xứng của các ông to, bà lớn… Nếu chỉ gom góp những ấn phẩm ấy làm tài liệu để viết lịch sử Việt Nam Cộng Hòa thì chính là cố tình đổ những đống bùn, những chất phế thải, lên ngôi mộ cố hương.

Nhưng bọn bất lương, vô ý thức, vô liêm sỉ này không chịu ngừng lại ở cái trò bôi nhọ ti tiện ấy. Chúng khơi khơi bịa đặt là những bậc khai sáng quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, năm 1954, lập quốc chỉ vì ham Đô La, ham đi du lịch, bị CIA xỏ mũi lôi đi chống Cộng, chứ không vì quê hương đất nước, tự do dân chủ quái gì đâu. Rồi chúng lại vu cáo các nhà lãnh đạo của chúng ta là những con người phản trắc, làm tay sai cho giặc, phá hoại đất nước. Đến khi nước mất nhà tan, mọi người liều chết đi tìm tự do thì một nhà lãnh đạo khi đi thoát lại bị chúng sỉ nhục là “đi vì chịu đói không nổi”, ngụ ý rằng nếu được giặc cho ăn no thì đã ở lại hăng say phục vụ giặc (tiếp tục ngồi đăng ký quân nhân, công chức Ngụy!).

Vâng, nếu có đứa làm công việc độc ác, bất nhân, bất nghĩa, vô ơn như thế với Việt Nam Cộng Hòa, thẳng tay trét bùn lên bia đá, ném chất dơ dáy lên mộ phần cố quốc… chắc bạn đọc đã phẫn nộ.

 



Ông VL- cô TC đang làm công việc thóa mạ, vu cáo, ném bùn giống hệt như thế lên mộ phần Trung Tâm Văn Bút Việt Nam.

Họ cặm cụi ngồi đọc biên bản các buổi họp, tìm xem có bao nhiêu hội viên không đóng niên liễm, bao nhiêu hội viên trốn họp, những cuộc họp có những sơ xuất thiếu sót gì… lại tìm tòi cho ra những bài thơ, bài văn, phóng sự nói xấu cả hội hay chỉ một vài hội viên để viết những bài tràng giang đại hải bêu riếu một tập thể nhà văn có những vị như: Vũ Hoàng Chương, Nhất Linh, Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam v.v… và gần 200 hội viên đa số là những nhà văn, nhà thơ được độc giả ngưỡng mộ và mến phục.

Chưa hết, ông Viên Linh còn viết sách vu cáo LM Thanh Lãng, Giáo sư Phạm Việt Tuyền là đi làm tay sai cho Cộng Sản, đưa hội Văn Bút vào con đường phản quốc…

Đến đây, hẳn bạn đọc đã cảm thông với sự phẫn nộ của vị cựu Phó Chủ Tịch của hội, nhà văn Nhật Tiến.

Và tôi tin rằng, nhiều người, không là hội viên, không ở trong văn giới, chỉ là những độc giả yêu văn chương, không những đã cảm thông mà còn cùng chia sẻ sự phẫn nộ với các nhà văn, nhà thơ của miền Nam tự do.

Bởi vì Trung Tâm Văn Bút VN cũng là một chiếc lá xanh tươi, một nhánh hoa vàng của cây Cải đã về trời.


Kiều Phong

11- 2016

 



***